samedi 2 décembre 2017

Review phim "Cô ba Sài Gòn" và Chuyện chưa kể "Cô ba Huế"

Cuối tuần có việc đi Xì Gòn, sau một ngày thứ 7 cháy hết mình vì chia sẽ đam mê, đến chiều là hụt hơi vì thiếu năng lượng. Thế là may mắn được đi nạp năng lượng bằng xem bộ phim "Cô ba Sài Gòn". Phim của Ngô Thanh Vân sản xuất.
Những điểm cộng của bộ phim thì rất nhiều, nó là sản phẩm nuôi dưỡng
1. Tự hào dân tộc - nét đặc thù dân tộc thông qua biểu tượng "Áo dài"
2. Coi trọng tinh thần đam mê vì nghề và nghiệp
3. Suy tư đau đớn về cuộc vật lộn để chiến thắng chính mình
4. Hé mở một sự tò mò, trân trọng về những giá trị của cuộc sống trong quá khứ "Sài Gòn những năm 1969 có gì vui ?"
Thông điệp của bộ phim có nhiều điểm tương hợp với Mục đích sống của "Cô ba Huế":
- Hàn gắn vết thương dân tộc, kết nối giá trị VN và thế giới
- Nỗ lực nâng cao vai trò của dược sĩ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
- Khám phá năng lực bản thân và truy tìm ý nghĩa tồn tại của bản thân và thế giới, Truy tìm tình yêu đích thực.

Đà Lạt

Đầu tháng đã hồ hởi đến cuối tháng được đi Đà Lạt. Nhưng đến khi đặt chân đến thì cạn năng lượng vì tiêu hao những tuần trước đó. Cảm nhận và hiểu về Đà Lạt qua 2 ngày chóng vánh chả là bao. Chỉ biết thêm trải nghiệm bốn mùa trôi qua trong một giờ hay một cung đường là thế nào. Đà Lạt chốc nắng, chốc mưa; chợt sương mù lãng đãng đã hắt nắng sườn thông. Hoa Đà Lạt thắm và tươi. Được ở một khách sạn ban công đầy hoa thật đẹp. Gợi nhớ những ngôi nhà, những không gian đầy hoa ở Pháp hay châu Âu.
Kí ức về Đà Lạt qua chuyến đi này không nhiều, nhưng cũng đủ ấm vài khoảng khắc để hóa nỗi nhớ sau này. Đó là:
1. Rượu vang Đà Lạt được khởi vị cùng viên xí muội đậm đà bên bếp nướng King BBQ cùng những anh chị đồng nghiệp từng trải và hiểu đời, hiểu người, hiểu nghề, và hiểu nghiệp.
2. Là lúc mệt rã rời vì thời tiết, vì hạ đường huyết trước lúc báo cáo được uống một lọ nước Yến từ một em đồng nghiệp yêu thương trao truyền.
3. Là câu nói "tiếp lửa" cho nhau về DLS giữa cái tiết lạnh lãng đãng của Đà Lạt, giữa huyên náo của luận bàn những chi chi.
4. Là gói quà đậu phụng húng lừu từ Hà Nội chỉ vì thương và nhớ một câu nói gió bay nhưng đọng lại bởi thương nhau.
5. Là phút đi dạo Công viên hoa vội vã chạy mưa và 3 phút cưỡi ngựa mà mặc váy.
6. Là phút đi dạo quanh Hồ Xuân Hương cuối ngày của hai Cô trò về nghề, đề tài và tình cờ gặp ngay chị đồng nghiệp gốc Đà Lạt chân phương.
7. Là quây quành bên ly đậu xanh, đậu nành nóng, ngậm tan vị khoai lang nướng và nghe đam mê cải tiến chất lượng lên tiếng.
Có lẽ Đà Lạt sẽ rất vô vị khi khám phá một mình. Nên mình để dành để khám phá về sau.

Thương ca tiếng Việt

Thương ca tiếng Việt
Dạo này hay viết sai chính tả. Sai dấu hỏi và dấu ngã, sai d hay gi. Nhiều khi không biết nên viết i hay y như trong từ dược sĩ/sỹ. Những người nước ngoài khi hỏi về tiếng Việt, câu đầu tiên họ hỏi thường là "tiếng Việt có phải cùng 1 từ có 5 dấu khác nhau, đọc nghe tương tự nhau nhưng nghĩa sẽ khác nhau một trời một vực. Như ma là gost, mạ là mother, má là một loại lúa non, mã là tomb (bia mộ)....Thật kinh khủng nếu gọi mạ mà thành ma  Bất cừ điều gì cũng có đời sống của nó, và thay đổi theo thời gian cho tối ưu hơn. Đời sống Tiếng Việt quá khứ và hiện tại có nhiều điều ta chưa hiểu hết.
Có một điều mình nhận ra là vốn từ Việt đủ sức truyền tải các thuật ngữ chuyên môn đang rất ít. Điều này là do các sách dịch ở ta chưa nhiều, các hội chuyên môn chưa coi trọng việc đưa ra chuyển ngữ thống nhất các thuật ngữ chuyên môn quốc tế mới sang tiếng Việt kèm định nghĩa tương ứng của nó.
Nếu là một bài chuyên môn chuẩn quốc tế, thường bước đầu tiên người ta luôn đưa ra định nghĩa các thuật ngữ trước khi bàn luận sâu và xa về một chủ đề. Để tránh hiểu sai, hiểu không hết ý của thuật ngữ. Mình đã từng kinh ngạc khi thấy một bạn Pháp dùng quyển từ điển Pháp-Pháp to dùng để tra cứu nghĩa của từ tiếng Pháp khi đọc tài liệu. Còn mình thì chả bao giờ có giây nào tưởng tượng trong đời sẽ tra từ điển Việt-Việt.
Có quyển sách Đúng việc khá hot. Mình chưa đọc. Nhưng nó gợi cho mình ý nghĩ tầm quan trọng của dùng "Đúng từ - Đúng nghĩa". Định nghĩa của một từ là do con người nghĩ ra, và khoác lên từ chiếc áo chủ quan, thiên kiến của mình. Do đó, một từ thường sẽ có khuynh hướng positive (tích cực), neutral (trung tính), hay negative (tiêu cực). Do đó, có nhiều từ được dùng thông dụng hàng ngày nhưng khó tìm được định nghĩa đồng thuận của nhiều người. Đơn cử như từ "Dạy học tích cực", "cải tiến chất lượng", hay các từ to tát hơn như "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Hay từ "dân chủ, quyền con người".
Có một vấn đề khác liên quan đến dùng ngôn ngữ để "câu giờ", "hình thức hóa" một sự kiện thay vì dùng với mục đích truyền thông những cái mới, cái hữu ích với người nghe. Đó là khi người nói nói theo các khuôn mẫu định sẵn, nói vô hồn, nói để nói chứ không phải nói để có người nghe, hay nói để giải quyết vấn đề. Chính vì sự cố này mà nhiều từ/câu tiếng Việt trở nên "bình thường", "mất sức sống", "mất ý nghĩa"....
Trong quyển Bí mật của nước tiết lộ, các phân tử nước hiểu ý nghĩa positive hay negative của mỗi ngôn từ. Ngay nước cũng hiểu, thì con người càng có khả năng hiểu một người qua ngôn từ hay dùng của người khác.
Và sức mạnh của một cá nhân/dân tộc cũng phần nào thể hiện thông qua số lượng các ngôn từ/cấu trúc câu phong phú được sử dụng, cũng như tần suất các ngôn từ khoa học được dùng, không quên kèm đánh giá sắc thái positive của các ngôn từ được dùng.

dimanche 29 octobre 2017

Sài Gòn trong tôi

Sài Gòn trong tôi
Mỗi lần đi đâu đó hơi xa, đủ dài thì mình như thể ly nước được chóng chánh, đung đưa, xao động để suy nghĩ, để đặt câu hỏi, để tìm câu trả lời.
Sài Gòn đối với mình quá lớn, lớn cả về số lượng người, không gian và mức độ đa dạng, năng động. Giữa biển người quay cuồng đó, nếu không có Grab, không có những đích đến-những người muốn gặp đã hoạch định sẵn, chắc chắn mình sẽ bị lạc lềnh phềnh giữa biển người đó.
Tại sao đông đúc và đi lại khó khăn thế mà người ta mê Sài Gòn đến thế. Có lẽ Sài Gòn có 2 cái làm nên sự "quyến rũ" của SG: thứ nhất là con người, và thứ 2 là chất lượng dịch vụ. Về con người, nơi đây hội tụ rất nhiều những con người không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn rất năng động. Những người bình thường nhất cũng toát lên một nét gần gũi, vui vẻ và yêu công việc - cuộc sống. Nghe các bạn Grab vui vẻ nói về lí do vì sao các bạn ấy bám trụ lại SG, vì sao bạn ấy cam chịu lái Grab, về những dự định "to lớn" mà các bạn ấy đang âm ủ bày mưu từ số tiền kiếm được từ tranh thủ chạy Grab...Mình hiểu các bạn ấy có một mục tiêu - một ước mơ để phấn đấu. Đi ăn một nhà hàng Nam Bộ, ăn xong thấy nhân viên đưa cái phiếu phản hồi - đánh giá ý kiến để nhà hàng cải thiện chất lượng. Ở một hostel giá rẻ giành cho khách du lịch bụi, những bạn trẻ là chủ hostel ở đây rất thân thiện, nói tiếng Anh rất tốt. Có bạn nữ 26 tuổi, tối đi làm ở casino, tranh thủ đi học tiếng Anh, Pháp, Nhật để có thể giao tiếp với các khách Tây khi lưu trú tại hostel. Bạn thân thiện chở mình đi ăn tối, chia sẽ về câu chuyện thuyết phục bố mẹ cho trụ lại SG và lập nghiệp, chia sẽ về mong muốn được sống là chính mình. Đến một bệnh viện trường, mà cách xây dựng và tổ chức hoạt động vô cùng ấn tượng, hiện đại và văn minh. Riêng cái khoản đi thang máy, cách người ta sắp xếp ưu tiên cho bệnh nhân, chọn số tầng thang máy, người ngoài ra trước để người sau ra, cách người ta vui vẻ cười và giúp đỡ nhau hết sức có thể trong 12m vuông thang máy, mình hiểu rằng đây là không gian thu nhỏ của "chất Nam Bộ".
Năm này mình đã dự được một buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, và muốn dự các buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn TP. HCM để so sánh. Cách đặt vé online rất thuận tiện. Khi vào cổng còn được phát luôn cả cuốn lịch biểu diễn cho 3 tháng cuối năm. Xem vở nhạc kịch opera của các nghệ sĩ Pháp, cùng với một số nghệ sĩ Việt Nam. Dù chẳng hiểu rõ từng lời thoại, mà chỉ hiểu qua âm sắc giọng hát. Và cái mình chiêm ngưỡng đôi khi đơn thuần là chiêm ngưỡng vẽ đẹp của đam mê, luyện tập kì công và sự chuyên nghiệp. Khi kết thúc màn diễn, khi màn sân khấu hạ xuống, khán giả nghe một tiếng hò hét vang trời sau sân khấu. Thì ra là các nghệ sĩ reo hò vì hạnh phúc vì nỗ lực của họ được khán giả đón nhận. Chắc họ đã lo là khán giả Việt Nam không đủ hiểu và không đón nhận, nhưng họ đã nhầm.
Không thể không ghi lại cảm xúc của đợt khám phá SG này mà không đề cập đến "A O Show". Một chương trình xiếc nghệ thuật pha trộn nhiều thể loại nghệ thuật- nhào lộn, múa, âm nhạc và ánh sáng và hài kịch. A O Show có lẽ là một trong những chương trình nghệ thuật đỉnh cao và chuyên nghiệp nhất của Việt Nam đương đại, mà sự thành công của nó đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Với những chuyến lưu diễn nước ngoài thường quy, và lịch diễn cố định hàng tháng tại nhà hát lớn. Là một trải niệm đã trở thành kinh điển cho các khách du lịch nước ngoài khi đến SG. Sự thành công của "A O Show" là một ví dụ minh họa cho sự thành công của việc biết khai thác, trân trọng "tâm hồn dân tộc", "bản sắc cá nhân và dân tộc", thì mới thu hút sự quan tâm và tôn trọng của người nước ngoài. Suy cho cùng, vọng ngoại, học hỏi từ nước ngoài là tốt, nhưng điều quan trọng hơn là xây dựng một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân Việt Nam _ My Own Show. Điều đó đúng cho tất cả các lĩnh vực. Kể cả Dược lâm sàng.

samedi 14 octobre 2017

Viết cho em - Cô bé trên đất Pháp

Đọc status của em làm chị nhớ lại năm đầu tiên ở Pháp. Đó có lẽ là quãng thời gian "u tối" nhất của bản thân. Cả quãng thời gian trước đó, bản thân luôn là "ngôi sao sáng" trong lòng của bố mẹ, gia đình và nhà trường. Nhưng khi được thả ở một vùng trời mới đầy những "mặt trời" có nguồn tự sáng nội tại rất mạnh, mình chỉ biết chới với bơi. Còn nhớ những ngày dài đằng đẵng ngồi trên tram đi và về labo, cũng là khung cảnh thiên nhiên hiền hòa đó, nhưng trong đầu chỉ suy nghĩ chỉ một điều "mình làm không được, làm sao để về nhà trong danh dự". Lúc đó lại trách bố mẹ xưa quá "cưng chiều" mình nên kĩ năng sống độc lập không nhiều, rồi trách thầy cô sao chỉ truyền kiến thức cho mình mà kĩ năng tự học, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng quản lý thời gian, kĩ năng quản lý stress...quá ít. Rồi quay qua trách bản thân, sao thời xưa hiền quá, tham gia hoạt động ngoại khóa ít quá...
Vẫn cứ nhớ trước mỗi lần họp nhóm nghiên cứu là ngồi suy nghĩ làm sao báo với ông giáo là mình không làm được để xin về nước. Nhưng rồi, sau mỗi lần nói chuyện với ông giáo, các ông đều khen ngợi, động viên, và có một niềm tin ngây thơ là cô bé này quá ổn để lo lắng. Mình lại dò dẫm bước tiếp. Mình đi chùa, gặp những anh chị chí thân để tâm sự, để sẽ chia, nhưng chưa bao giờ dám nói với gia đình. Rồi từ từ, khi bản thân tập chấp nhận xóa bỏ hết các "hào quang tự huyễn hoặc" trong quá khứ, chấp nhận những yếu kém và thiếu sót của mình, không còn so sánh mình với bạn bè Tây mà chỉ so sánh mình và chính mình ngày hôm qua. Rồi suy nghĩ về lý do và động lực nào khiến mình đặt chân đến Pháp. Chính câu khẩu hiệu "All for Clinical Pharmacy in Vietnam" đã kéo mình lên.
Phải hiểu và thương chính mình. Và cũng phải hiểu có những thứ mình có và một bạn Tây không thể có. Và cũng đừng kì vọng ở môi trường giáo dục hoàn toàn mới đó, mình sẽ lại là "ngôi sao sáng" giữa một bầu trời xám xám như hồi xưa. Vì ở đó, mọi sinh viên đều là "mặt trời" tự chiếu sáng với ánh sáng rất riêng, rất cá tính. Hãy cho mình thời gian. Hãy cho mình cơ hội được lùi lại để nhìn lại mình. Hãy cho mình lặng yên để chiêm nghiệm. Hãy cho mình những trải nghiệm mới, không hoàn hảo, nhưng thách thức.
Bước qua quãng thời gian đầu khó khăn, rồi em sẽ bước qua những quãng thời gian tiếp theo rất thú vị và đáng sống. Nó có thể là vốn sống quý giá nhất mà em sẽ đem ra "tiêu xài" dần cho quãng đời còn lại.
Lời nhắn cho những bậc cha mẹ nào ôm ấp giấc mộng cho con đi du học nước ngoài. Nếu thương con thì hãy để cho con được độc lập ngay bây giờ, và rèn luyện cho con kĩ năng sống càng sớm càng tốt. Vì ở thế giới giáo đục đó, giỏi kiến thức chỉ là thứ yếu. Và mỗi đứa con có thể là "mặt trời" của mỗi gia đình, nhưng chỉ là hạt cát giữa sa mạc.

samedi 30 septembre 2017

Lăn tăn trong nệm, trong chăn!

1. Dạo này ra đường như ra "chiến trường". Đường nào cũng đào bới, đầy lô cốt, cống và bụi. Cả thành phố như trở lại thời "dã chiến" vì làm lại hệ thống thoát nước. Giá mà họ làm đoạn nào xong đoạn đó. Đằng này chỗ nào cũng ngổn ngang. Đường Huế đã nhỏ càng khó đi. Chắc những tháng này, dầu gội đầu, sữa tắm, và bột giặt bán chạy hơn những năm trước.
Con đường giao thông đường bộ thiết thân thế - cụ thể thế mà còn ngổn ngang thế, thì còn những con đường trừu tượng hơn như triết lý, tư duy chắc mà khó gọn gàng, sắc nét ?

2. Giới thiệu các em sinh viên với "một Chị" để tổ chức một hoạt động tình nguyện vào dịp trung thu. Mình biết mình đã "chuyển hóa" rất nhiều khi được tiếp xúc với "Chị". Mình tin chắc các em rồi cũng thế. Chỉ có trực tiếp trải nghiệm, các em sẽ hiểu "thước đo tương đối và đa diện" các giá trị của cuộc sống. Các em rồi sẽ làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Là dược sĩ nghĩa là chịu trách nhiệm làm sao góp phần cùng bác sĩ, điều dưỡng làm cho việc điều trị mang lại sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Các em sẽ được học nhiều về thuốc, về các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng để đánh giá một người là khỏe hay yếu. Nhưng tiếp xúc với "Chị", chắc các em sẽ thay đổi quan niệm của mình về định nghĩa thế nào là "khỏe mạnh", đúng không ? Cô quyết định không tham gia cùng các em trong tối nay, khuất sau sân khấu theo dõi các em trải nghiệm. Vì các em đủ năng lực, nhiệt thành và cần một khoảng trời tự do để được thể hiện và trải nghiệm.

3. Wonderkids
Mỗi cuối tuần lại tìm xem video mới của "Wonderkids". Có lẽ nên dịch tên chương trình là "những đứa trẻ tuyệt vời/kỳ diệu" hơn và "thần đồng âm nhạc". Vì ở đó, các em vẫn là "kid" - trẻ con, hồn nhiên theo đúng độ tuổi mà không bị ép "người lớn hóa". Các em cũng không tự cao cho mình là "thần đồng"-tài năng, các em chỉ đơn giản đam mê, yêu thích, luyện tập, biểu diễn và thăng hoa. Chương trình tập 8 với chủ đề là âm nhạc dân tộc biến tấu. Xem mà cảm động và tự hào chìm vào bên trong. Có từng đi ra nước ngoài mới hiểu thứ làm mình bình đẳng với các sắc tộc khác ngoài tư duy là "bản sắc văn hóa" của mình. Nếu bạn mời mình gateau kiểu Pháp, uống rượu vang Pháp, mình lấy gì đối đãi lại cho "công bằng" ngoài món nem hay bánh cuốn. Tương tự, đối thoại với nhạc cổ điển của Mozart, Bach, Beethoven hay dòng nhạc Blues, R&B, Rock, Pop... còn có thể "chính thể nào khác" ngoài âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam. Xem các em biểu diễn để được đồng cảm về con đường biến "sở thích, đam mê, thực hành từ những động tác đơn giản" thành "thành quả là vẻ đẹp có khả năng "thanh lọc tâm hồn" của các tiết mục các em trình diễn". Có những khoảnh khắc rất riêng tư làm mình hạnh phúc: đó là khi được "tắm" mỗi ngày để chăm sóc thân thể (body), làm sạch mọi vết bẩn, bụi bặm; đó cũng là khi xem một bộ phim hay, nghe một bài nhạc hay để thanh lọc tâm hồn.

mercredi 27 septembre 2017

Muốn gặp anh!

Em mệt lắm rồi chỉ muốn được nghỉ ngơi
Bay cùng mây và vui cùng gió.
Em mệt lắm rồi chỉ muốn nằm lặng xuống
Nghe tiếng tim che nỗi nhớ ùa về.

Em mệt lắm rồi chỉ muốn được gặp anh!


samedi 16 septembre 2017

Review gameshow "Thần đồng âm nhạc - Wonder Kids"

Tình cờ muốn tìm hiểu xem nhạc sĩ Trần Tiến dạo này ẩn dật nơi đâu. Sau "sự cố phát ngôn" khi làm ban giám khảo một gameshow trước đây, có lẽ nhạc sĩ Trần Tiến sẽ không bao giờ đồng ý làm ban giám khảo một gameshow truyền hình nào nữa. Nhưng rồi đọc một bài báo và được biết ông đã đồng ý làm ban giám khảo chương trình "Thần đồng âm nhạc = Wonder kids".

Xem 6 tập và nghiện luôn. Một số keywords về chương trình:
- nhạc cổ điển: chính tình yêu ngây thơ nhạc cổ điển của các em nhỏ đã giúp nhạc cổ điển trở nên gần gũi hơn với công chúng
- nhạc cụ: piano, guitar, violin + thanh nhạc, múa: mỗi em có tài năng về một thể loại, chính sự chuyên sâu và khác biệt này khiến khán giả khó mà so sánh giữa các em. Chính điều này cũng mang lại triết lý giáo dục tôn trọng sự khác biệt và ngừng so sánh với người khác.
- ban giám khảo là những người rất chất, nhận xét rất hay.
- những thầy cô giáo hướng dẫn các em là những nghệ sĩ được lựa chọn theo tiêu chí rất "cổ điển"
- đạo diễn âm nhạc, thiết kế sân khấu, chỉ huy dàn nhạc: tất cả đều toát lên sự chuyên nghiệp cao độ
- MC xinh đẹp, thông minh, tài năng và duyên dáng (MC chất thế này chắc ở VN đếm trên đầu ngón tay)
- Phiên bản gốc của chương trình là từ Đan Mạch, có lẽ vậy mà format chương trình thể hiện tư duy và tính nhân văn cao độ của những người dân Bắc Âu về giáo dục trẻ con.

Xem các em biểu diễn, nổi đậm lên là sự ngây thơ - trong trẻo, niềm đam mê với nghệ thuật, và sự nuôi dưỡng - hy sinh từ gia đình.

Hiếm có chương trình nào mà cảm xúc cá nhân lại được chạm sâu đến thế. Chương trình tạo một không gian sang trọng - sạch sẽ - chỉnh chu - chuyên nghiệp - trung thực và tràn đầy tình yêu nghệ thuật, đam mê.



vendredi 15 septembre 2017

Review sách "Khi hơi thở hóa thinh không" của bác sĩ Paul

Khi bắt đầu xuống bệnh viện làm, tiếp xúc với bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân nhiều hơn một xí. Mình hiểu hơn xí về những vất vả của cái từ đơn giản "làm lâm sàng". Có một số những lùng xùng trong ngành y - dược trên báo chí là hợp lý, nhưng có vô số những lùng xùng được báo chí khai thác theo chiều hướng câu view hơn là muốn "phản ánh sự thật khách quan và cải thiện hiện tại cho tốt đẹp lên". Muốn tăng sự "thấu cảm" giữa bệnh nhân và nhân viên y tế có lẽ là mỗi bên cần ngồi xuống và đọc một quyển truyện. Mình có thể đề xuất 3 quyển của bs Nguyễn Bảo Trung (Vô Thường, Sen hay Mây). Và một quyển khác là "Khi hơi thở hóa thinh không" của một bác sĩ Paul - người Ấn Độ.

Ấn Độ là cái nôi lớn về triết học và tâm linh. Có lẽ vậy mà dường như mỗi người Ấn Độ khi nói chuyện cũng mang dáng dấp là đang chiêm nghiệm và phán quyết điều gì đó rất triết lý. Quyển sách này do một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tài giỏi ở độ tuổi hơn 30 và ở đỉnh cao của nghề nghiệp thì phát hiện mình bị ung thư phổi. Biến cố lớn này, cùng với khát khao (chất Ấn Độ) muốn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống cộng với tài năng viết văn của mình đã khiến Paul đã viết nên một quyển sách với nhiều câu hỏi suy tư lớn. Chương I của quyển sách kể về thời gian Paul học nội trú và là bác sĩ. Chương I lại giành kể về cuộc chiến đấu với bệnh tật với tư cách một bệnh nhân. Ở chương I, có nhiều đoạn khiến người ta phải ngỡ ngàng về sự trung thực cao độ của Paul phán xét đạo đức về cảm xúc và lí trí của một sinh viên y hay bác sĩ. Liệu sinh viên y - bác sĩ đã đối xử với "cơ thể hiến xác" như một con người hay như một công cụ để nghiên cứu? Liệu ranh giới đạo đức nào giữa chọn một chuyên ngành khó trong ngành y (vất vả, nhiều nguy cơ) và chọn một chuyên ngành an toàn và dễ thành công ? Liệu vai trò và trách nhiệm của bác sĩ đến đâu đối với bệnh nhân trước ngưỡng cửa cái chết ? Bác sĩ đã suy tư thế nào về những sai sót chuyên môn của mình ? Mối quan hệ bệnh nhân - bác sĩ đã thay đổi "nhân tính và nhận diện cá nhân" của mỗi bên như thế nào ? .....
Chương II là những nỗ lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: nếu bạn biết đằng nào bạn cũng chết, nhưng bạn không biết khi nào điều đó sẽ đến, bạn không rõ mình còn bao nhiêu thời gian, bạn sẽ chọn dùng thời gian đó để sống thế nào ? Bạn quan niệm thế nào về ý nghĩa của đời mình, của mỗi ngày trôi qua. Paul đã nhận ra rằng, có những lúc Paul có cảm giác thời gian "đứng" ( dừng trôi) - khái niệm thời gian không tồn tại: đó là khi Paul ở phòng mổ phải tập trung cao độ hoặc khi Paul nằm trên giường bệnh và làm những việc-nhàm-chán-một-cách-khó-khăn. Nhưng có sự khác nhau rất lớn giữa 2 trường hợp: một bên Paul biết ý nghĩa của việc mình đang làm (thời gian chết nhưng mình đang sống vì hiểu ý nghĩa của những việc mình đang làm) còn một bên thì không (thời gian trôi, mình vẫn sống mà như đã chết). Sau những loay hoay giữa chọn tin theo những con số thống kê hay nuôi "hy vọng". Paul đã cùng vợ làm một số điều kỳ diệu cho khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại: trở lại phẫu thuật, hàn gắn vết nứt hôn nhân, sinh một đứa con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và....viết một quyển sách "Khi hơi thở hóa thinh không".

Những review bên lề của quyển sách:
- Lời "Đề tựa" của Abraham không hay. Có lẽ người đọc nên giở ngay đến trang 18 để đọc ngay những gì Paul viết.
- "Lời bạt" của Lucy (vợ Paul) cuối quyển sách là những chia sẽ rất cảm động và đầy những chiêm nghiệm lớn từ một người đồng hành can đảm đã cùng Paul đi qua những tháng ngày khó khăn nhất. Khi đọc "Lời bạt", mình còn có cảm giác nó còn hay hơn những gì Paul viết trước đó, hoặc ít nhất nó giúp người đọc kết nối với một-Paul-khác, một-Paul-tiếp-nối.
- Người dịch: chất lượng dịch thuật của quyển sách có vấn đề. Rất nhiều sạn (dịch lủng củng - tối nghĩa). Dường như quyển sách dịch không được hiệu đính bởi một người trong ngành y. Nội lực ngôn ngữ và sự chuyên tâm của người dịch trong cuốn sách là đáng bị nghi ngờ. Ước vọng xuất bản một quyển sách "tiệm cận với sự hoàn hảo" như triết lý của Paul đã bị nhà xuất bản sách Việt Nam xem nhẹ. Một sự thất vọng và buồn cho Paul và cho bản thân mình.

mercredi 6 septembre 2017

Thương Thầy - người con chưa từng gặp

Nói khẽ người nghe chuyện thương nhau
Thương nhau cho khẽ kẻo đau đầu
Chạm chân đất Mẹ - Thầy nâng bước
Tim rộn niềm vui - Nước mắt rơi
Hiểu nhau quá đủ - Thương nên nặng
Tĩnh lặng thương Thầy - Thương chính con
Khí hậu hài hòa - Hoa sẽ nở
Thầy về. Chuyển động. Khiến người lo.
Năng lượng kì lạ sinh ra từ xe lăn và ánh mắt
Để rồi đêm tối phải hốt hoảng, lung lay.
Đường còn dài, còn nhiều ngã rẽ
Vì lỡ một lần được ngắm mặt trời mọc - ánh trăng khuya
Nên tự nhủ sẽ cố không đi lạc
Nắm chặt tăng thân mà vững bước mỗi ngày.
Thương Thầy - người con chưa từng gặp

vendredi 25 août 2017

Ảo tưởng sức mạnh

Hôm trước đi tàu SE1 từ Hà Nội về Quảng Bình, trời ui muốn lọi (gãy) cái lưng vì tàu chạy xập xình như lò xo co giãn – cao thấp phải đến 10cm (hay dạo này mình lão hóa rồi nên chịu không nỗi). Đi tàu nằm mềm điều hòa mà tưởng mình đang đi trên con tàu chợ chạy ngược về quá khứ cách đây 50 năm trong khi những con tàu ở nước người ta đang xăm xăm bay vào tương lai. Lại nhớ cái thênh thanh, thoáng đạt, êm ru khi đi tàu ở Maroc hay Malaysia. Hệ thống nhà ga ở Hà Nội đã khang trang hơn, hệ thống đặt vé online cũng đã rất hiện đại, cũng có kiosk in vé ngay tại nhà ga….nhưng cái quan trọng nhất là chất lượng của những chuyến tàu thì không thể nói là đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Đang cố gắng ngủ thì bỗng nghe ồn ào, mở mắt thì nghe một bác trung niên già người nước ngoài đang “phản ứng, phàn nàn” một anh chàng trung niên trẻ Việt Nam. Bác nước ngoài cứ nói tiếng Anh một tràng, mạnh mẽ, dứt khoát, rồi cứ chêm thêm một câu “Do you understand? (Anh hiểu ý tôi chứ?). Anh chàng thì gãi đầu, gãi tai vì không hiểu tiếng Anh. Mình đề nghị làm thông dịch viên nhưng bác Tây từ chối, bảo không cần đâu. Mình hỏi anh Việt Nam có chuyện gì vậy thì anh bảo: anh không hiểu tiếng Anh nhưng thấy bác ấy cứ chỉ vào đôi dép mình đang mang nên anh ấy nghĩ là bác ấy “phê phán” anh sao lại tự tiện mang dép của người khác để đi vệ sinh (không phải dép của bác Tây đâu nhé). Sự cố ồn ào nhỏ mà khiến mình suy nghĩ rất sâu. Người Tây được nuôi dạy từ nhỏ về công bằng, công lý và phản biện. Nên đối với một chuyện nhỏ xí như thế, dù đang ở trên “đất khách”, dù bất đồng ngôn ngữ, họ vẫn thấy mình có trách nhiệm phản ứng. Còn bản thân mình đôi khi lấy cái tính từ “khoan dung, rộng lượng” ra để che đậy cái “nhút nhát” của bản thân khi cần bảo vệ điều đúng mà lại im lặng.
Mùa bóng đá nào có đội tuyển VN tham dự mình cũng không bình luận trước và trong khi mùa bóng đang xảy ra, chỉ đợi khi mùa bóng kết thúc mới góp chút gió. Bóng đá cũng như các lĩnh vực khác của VN, còn thua kém trong khu vực rất nhiều. Đơn giản vì trong khi VN cứ nuôi niềm hy vọng trên những ảo tưởng sức mạnh của bản thân, thì người ta sống thật, làm thật và đổi thay thật. Cũng may mà đội nam dừng chân sớm để thần dân còn quay lại thực tại mà làm việc và cống hiến.


vendredi 18 août 2017

Sóng - Gió (version 2)

Những lời mây gió
Vắng sóng lặng câm.
Chiều nay biển lặng
Im đợi sóng trào. 

(Sóng - Gió tại Hạ Long - Quảng Ninh)
18/8/2017

samedi 5 août 2017

Ấn tượng gì về Jakarta ?

Thành phố này không dành cho những người yếu bóng vía. Thành phố rất rộng, quy hoạch khá ngăn nắp. Điều bất ngờ là thành phố này có hơn 12 triệu người cư ngụ vì Indonesia là nước đông dân thứ 4 thế giới. Diện tích cây xanh bình quân đầu người ở Jakarta lớn gấp 10 lần Hà Nội (Jakarta là 10m2/người còn Hà Nội là 1m2/người). Điều ấn tượng thứ 2 là người dân lái xe máy hay xe ô tô trong nội thị nhưng tốc độ rất nhanh, lên đến 60km/h. Xe cứ lao vun vút, rất ít chỗ băng qua đường cho người đi bộ. Băng qua đường ở Jakarta khó và nguy hiểm hơn ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh nhiều. Dù ở thủ đô, nhưng hơi bất ngờ là ở Yogyakarta (cố đô) hầu như ai mình gặp cũng nghe hiểu được tiếng Anh và nhắn tin bằng tiếng Anh được nhưng một số bạn trẻ mình gặp ngay ở Thủ đô lại lắc đầu không nói tiếng Anh với mình. Vì tháng này Indonesia tổ chức mừng ngày độc lập nên cờ phướng đỏ-trắng treo đầy các tòa nhà nhìn rộn ràng-rực rỡ. Hồi ở Yogyakarta, tình cờ xin vào bên trong Nhà thờ Hồi giáo thăm quan làm lễ (vốn giành cho Gia đình hoàng gia làm lễ trong quá khứ, nay mở cửa cho người dân vào làm lễ). Mình được yêu cầu trùm khăn kín đầu và kín người, rồi được cho phép vào ngồi chung với người Hồi giáo bên trong thánh đường. Nhưng ở nhà thờ Hồi giáo tại Jakarta, mình chỉ được phép lên lầu 2, nhìn xuống lầu 1 – nơi những người Hồi giáo làm lễ. Nhà thờ Istiqlal nằm ngay đối diện với Nhà thờ công giáo Gereja Katedral Jakarta. Indonesia là một đất nước đa văn hóa, đa tộc người (ước tính có khoảng 500 tộc người) và đa ngôn ngữ (hơn 700 thứ tiếng), đa tôn giáo (Hồi, Hindu, công giáo, tin lành, phật giáo, nho giáo…), và nhiều đảo nhất thế giới. Mặc cho những đa dạng đó, ý thức quốc gia ở Indonesia rất cao.

Jakarta có gì vui không em ?

Ngày thứ 2 ở Jakarta và cũng là ngày cuối. Ngày 1 đi khám phá Monas và vùng xung quanh (xem như khu phố mới). Ngày 2 đi khám phá Khu phố cổ Jakarta có tên cũ là Batavia. Riêng cái quảng trường Fatahillah bao xung quanh gần chục địa điểm thăm quan thôi cũng đủ mỏi chân. Gọi là Phố cổ nhưng những ngôi nhà ở đây đẹp và đều có kiến trúc Tây Phương (vì đây là khu phố hồi Hà Lan chiếm đống Jakarta chọn làm trung tâm). Thích khi đi dạo ở khu phố cổ này, có cảm giác thân quen như dạo một quảng trường ở châu Âu, với đầy các hoạt động văn hóa và bảo tàng. May mắn mình đi vào thứ 7 nên không khí ở đây càng nhộn nhịp, đặc biệt đang diễn ra ngày hội văn chương ASEAN nữa. Tới mỗi thành phố, mình đều cố vào càng nhiều bảo tàng càng tốt, để hiểu câu chuyện văn hóa - lịch sử của thành phố đó. Mình ấn tượng mạnh khi vào một bảo tàng lịch sử ở Yogyakarta với cách bài trí sinh động và khá hiện đại, lại được bạn hướng dẫn tình nguyện người Indonesia dẫn đi quanh và giới thiệu bằng tiếng Anh cho mình miễn phí vì mình đi rơi vào ngày Quốc Khánh Indonessia. Rồi mình ghé qua khu vui chơi - giải trí, càng bất ngờ hơn khi trong đó có một Aquatium như một khu triển lãm tương tác giới thiệu về Khoa học - công nghệ giành cho trẻ em, cách bố trí rất hiện đại, sáng tạo khiến cho người lớn cũng mê tít. Jakarta thì quá đông, ồn ào và xe luôn chạy vun vút. Có lẽ chỉ có vào các thánh đường trong nhà thờ thì mới tìm thấy lại được sự im lặng và lắng động nội tâm. Con mắt không khỏi tò mò khi nhìn mỗi chiếc mũ bảo hiểm hay mỗi chiếc xe máy ở đây, rất màu mè và phong cách, không ai giống ai. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm nhìn rất "ngầu" và "xịn" như một chiếc vân tay thể hiện cá tính của người đội, như thầm nhắn nhủ "đội tôi vào rồi tăng tốc thả ga". Jakarta nhiều nơi rất bẩn. Nhìn những con kênh ở đây đen nghịt và cạn nước, bốc mùi. Với gánh nặng dân số quá lớn và thói quen thả rác không phanh, kênh rạch trở nên tức tưởi.
Jakarta có gì vui không em ? Vẫn có ánh trăng lặng chiếu trên trời để em nhìn ngắm, để hiểu rằng dù đi giữa phố xá tấp nập lạ lẫm này vẫn có thể nhìn thấy một điều rất quen và rất chung - Ánh Trăng.

mardi 1 août 2017

Hoàn hảo là một sai lầm

Đó là một câu trong bài báo cáo của một giáo sư Mỹ tại Hội nghị Indonesia. Tự nhiên suy nghĩ lung tung. Đi giữa các con đường ở Yogyakarta, thấy nhiều nơi bẩn thỉu, người dân còn lem luốc vì lao động rất nhiều. Số lượng dân thường có mức sống dưới trung bình ở Indonesia chắc còn cao. Tuy nhiên, việc nhìn thấy nhiều tầng lớp lao động mưu sinh ở đây không gợi lên cho mình sự “thương hại” mà lại là sự “kính nể”. Xã hội này cho phép tất cả mọi người đều có quyền mưu sinh chính đáng. Xã hội đó không xua đuổi những người đi bán hàng rong hay những người bán trên vỉa hè. Xã hội đó cũng không tịch thu các phương tiện mưu sinh lạc hậu như các xe xích lô ôm đã quá cũ. Xã hội đó cho phép người dân sống thật với năng lực của chính mình, vẫn còn nghèo và vẫn còn vất vả nhưng ai cũng có một công việc để làm, để mưu sinh, để tồn tại. Người dân đi trên đường đa số không màu mè, chải chuốt hay trang điểm. Đa số không nặng về hình thức bên ngoài. Tất cả chỉ tập trung vào hành động. Cả thành phố náo nhiệt và sinh động. Tầng lớp tri thức của xã hội này (có hay không có ẩn mình dưới những khăn trùm đầu kín đáo) nói tiếng Anh rất tốt. Những leader của khoa hay trường dù trẻ hay già đều nói tiếng Anh tốt đủ để tiếp thu tri thức mới từ Tây Phương và áp dụng cho đơn vị của mình, đủ để tự tin trình bày những kế hoạch, dự án, chương trình của chính mình đang triển khai.
Điểm đậu đại học quá cao, năm sau cao hơn năm trước đó là một chỉ dấu của “lạm phát điểm”. Có quá nhiều lớp sơn đẹp đẽ được phủ lên những tư duy cũ cố hữu tăng tiến.

vendredi 28 juillet 2017

Smile

Where could I find my source of energy
Be your smile or the light of sunrise ?
When could I hear my voice
When walking alone or closing my eyes?


jeudi 27 juillet 2017

All we need...

The wind flies so far
Up to the cloud and down to the flower
All we need is a sign
Or more patience to be waiting for...

Tốc ký Indonesia (1)


Tối qua đến Yogyakarta – cố đô của Indonesia vào lúc 9h, sáng nay cũng chỉ kịp ngắm thành phố khi đi trên xe đến Hội nghị. Ấn tượng ban đầu là: xe máy ở đây ít hơn ở mình, xe ô tô có vẻ nhiều hơn, xe đi bên trái (chứ không phải bên phải như mình), xe máy có vẻ ngầu ngầu (đặc biệt là các bạn nam đi, hình như là phân khối lớn hơn bình thường?), tất cả mọi người đội mủ bảo hiểm đều rất xịn (đều có kính phía trước và ôm cả đầu và tai). Nhìn vào các bãi đổ xe máy thấy tất cả đều để mủ bảo hiểm lơ ngơ trên các kính xe mà không sợ bị mất. Rất hiếm nghe tiếng còi xe.

Người dân ở đây ăn mặc xùi xùi chứ không chưng diện nhiều như ở mình. Các bạn dược sĩ Indonesia mình tiếp xúc tiếng Anh đều khá tốt, đủ để họ giao tiếp tự tin (dù có lúc mình nói họ không hiểu, và họ nói mình không hiểu). Nhìn dọc hai bên đường có cảm giác gì đó rất giống Việt Nam: cũng kiến trúc nhà cửa như thế, cũng những mặt hàng kinh doanh đó, và cũng có những tòa nhà đẹp nhưng cũng có nhiều quán vỉa hè tồi tàn, ẩm tối và hơi bẩn. Thành phố hiện đại và năng động nhưng sức mạnh tâm linh vẫn song hành. Sáng sớm đang ngủ đã nghe tiếng cầu nguyện phát ở loa vang vọng kéo dài. Chiều về đi trên đường lại nghe tiếng cầu nguyện từ loa phát ra. Những người phụ nữ quàng khăn quanh đầu khá nhiều. Nhưng tất cả những người phụ nữ là dược sĩ quàng khăn mình gặp đều rất thân thiện, cởi mở, tự tin giao lưu, bắt chuyện.

   

jeudi 20 juillet 2017

Review phim “Cô gái đến từ hôm qua”

Kết bài hát của Trúc Nhân và xem trailer hồn nhiên, trong sáng của bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua”, thế là nhất quyết dù sắp lên đường cũng mua vé đi xem phim ngay hôm ni. Một bộ phim do những thế hệ 8x làm nên nó là món quà kỉ niệm thời học trò cấp 3 trong sáng giành riêng đặc biệt cho thế hệ 8x. Những điểm cộng của bộ phim là dàn diễn viên trẻ nhí nhảnh, có sức sống, đặc biệt 2 em nhỏ đóng khá xuất sắc. Trong rạp nhìn qua, dù bạn nam hay nữ đến những phân cảnh xúc động đều thấy tay ai đó đưa lên vuốt nước mắt. Những xúc động đến tự nhiên như hồi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Điểm cộng khác là bộ phim có nhiều đoạn sáng tạo để cho ý tưởng bay bổng thể hiện những phá cách phi logic, cũng như nhạc phim rất chất, đặc biệt là khi chàng trai bơ vơ, hoang mang trên con đường hoang vắng tượng trưng cho chuyện tình yêu của chính mình và Trúc Nhân nghêu ngao ca bài “Ngồi hát đỡ buồn” ngang qua. Khoảnh khắc ấy giá trị nghệ thuật của âm nhạc, hình ảnh lên đến cao độ, đưa cảm xúc bay lên đến tận cùng để hiểu thông điệp mà bộ phim muốn nhắn gửi “Khi bạn bắt đầu yêu một ai đó mới, bạn hoang mang lo lắng đến đích đến. Nhưng điều quan trọng là bạn hiểu, người bạn yêu mới không thể là ai xa lạ, luôn là người bạn đã từng yêu hôm qua hay kiếp trước. Dù con đường tình yêu đó có thế nào cũng là con đường mà bạn phải cảm ơn, trân trọng. Con đường tình yêu mà bạn đang đi hôm nay sẽ giúp bạn tìm lại được tình yêu trong quá khứ của mình.

Một điểm trừ của bộ phim có lẽ là cầu toàn muốn trưng ra nhiều phong cảnh, góc quay đẹp khiến đôi lúc có cảm giác các không gian được xếp cạnh nhau một cách phi logic.
 Kịch bản:8/10
Diễn viên: 8/10
Quay phim: 8/10
Âm nhạc: 9/10
Cảm xúc: 10/10



  

mardi 18 juillet 2017

Gió Hoa Mây

Mây vốn tự do, thong dong
Bình an nhìn đời trìu mến
Hoa, Gió nhìn lên mải miết
Để Gió dỗi Hoa, ghen Mây

vendredi 14 juillet 2017

Jack và trái tim đồng hồ

Một bộ phim hoạt hình nhạc kịch đặc biệt về tình yêu của một anh chàng Jack chẳng may sinh vào một ngày băng giá nhất nên trái tim hóa băng, phải thay bằng chiếc đồng hồ thì cơ thể mới vận động được, và Cô gái Acacia xinh đẹp, hát hay nhưng bất chấp không thèm đeo kính. Bộ phim hoạt hình với tạo hình nhiều khoảng khắc rất đẹp và tinh tế. Nhiều chuyển cảnh sáng tạo, bay bổng, muốn truyền tải ý tưởng, thông điệp hơn là logic, vì vậy mà xem lần đầu tiên có nhiều chuyển đoạn không hiểu hết ý. Nhiều bài hát nhạc và lời rất hay. Mỗi tối thứ 6 cố tạo cho mình thói quen đi xem phim Pháp tại Viện Pháp Huế do Bộ Văn hóa và Ngoại giao Pháp giới thiệu. Những bộ phim được chọn chiếu thường là những bộ phim không chạy theo “thị trường rạp”, mà nó hoặc là chứa đựng chất điện ảnh mới lạ, hoặc truyền tải một thông điệp sâu sắc.

Mình sẽ review bộ phim này bằng những quotes hay suy ngẫm mà mình nghĩ mình rút ra được từ bộ phim:
-          Nhịp đập của trái tim cũng giống như chuyển động tích tắc của đồng hồ. Tình yêu làm tim đập nhanh lên. Có nghĩa yêu nhiều đồng nghĩa bạn sống “lâu” hơn. Thuyết tương đối về thời gian của Einstein chăng ?
-          Người bạn yêu khi sét đánh. Và khi thời gian trôi, liệu bạn có nhận ra người bạn đã từng yêu ?
-          Liệu người ta có thể nhận ra một nửa của đời mình mà không cần mở mắt, chỉ cần mở rộng trái tim ?
-          Tình yêu đích thực làm đối phương trở nên nhẹ nhõm, nhẹ nhàng, thăng hoa và có thể bay lên. Có lẽ vì thế mà thần Tình yêu luôn có cánh ?

-          Tình yêu sét đánh có thể hiếm hay không thành công. Nhưng nó tồn tại thật. Bạn phải lòng ai đó chỉ sau một khoảng khắc, không bàn cải, không đôi co với trái tim. Khoảng khắc bạn trao chìa khóa cuộc đời bạn, vui buồn của bạn cho một người lạ mà bạn ngỡ là đã quen nhau từ thưở nào. 





Một số bài hát


jeudi 13 juillet 2017

Đợi là yêu - Love is patience


Cuộc sống đôi khi như thể chạy trên mây
Khi chạm mặt đất lại là lúc ta ngừng Sống



Đã bao lần đợi chờ trong mưa
Đợi lâu quá thành ra …trong mộng (vì ngủ quên)
Đã bao lần ngỡ rằng là thật
Rồi ngậm ngùi lướt nhạc một mình em



samedi 8 juillet 2017

Review phim “Heidi” và Review phim “Bucket list” (Niềm sống)

Review phim “Heidi” 
Bộ phim với những cảnh quay thiên nhiên đẹp mê ly trên núi cao với cỏ xanh, tuyết trắng của dãy Alpes châu Âu. Trái tim trong sáng của Heidi làm bừng sáng và ấm áp mỗi nhân vật em tiếp xúc. Heidi rất yêu vùng núi Alpes – nơi không gian thoáng đạt khiến Cô có cảm giác như chú chim được sải cánh bay tự do. Dường như đạo diễn chọn cảnh núi Alpes đẹp như chốn thần tiên để làm minh họa cho tâm hồn và trái tim đẹp đẽ của Heidi.

Review phim “Bucket list” (Niềm vui sống)
Kể về 2 nhân vật bị ung thư lên danh sách các điều cần làm trước khi chết. Bộ phim chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa cái chết, thượng đế….

   

jeudi 6 juillet 2017

Review phim “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”

Đây là bộ phim kinh điển thứ 10 mình xem theo gợi ý 15 phimkinh điển không thể bỏ qua. Bộ phim về tình cảm đồng điệu nghệ thuật của một họa sĩ tài danh và cô hầu gái. Những ai yêu thích hội họa, tính tình trầm tĩnh và thích nét gì đó cổ điển, thì bộ phim này có thể phù hợp. Bộ phim giúp người xem hiểu được phần nào giá trị nghệ thuật của một bức tranh được tạo nên từ kỹ thuật chế màu, pha màu, vẽ lớp màu, bối cảnh, ánh sáng và trên hết cái hồn trong nhân vật được vẽ và người vẽ. Bộ phim gửi đến thông điệp vào cảnh quay cuối cùng "Giá trị "ngọc trai" của mỗi người không phụ thuộc vào địa vị của người đó."
Link xem phim online tại đây.



mercredi 5 juillet 2017

Gieo hạt


Bạn gieo gì sẽ gặt được quả nấy. Đó là bài học đơn giản khi mình ngắm mấy chậu cây ở ban công. Ngày nào quên tưới thì nó héo, ngày nào tưới thì nó tươi mỉm cười. Nếu ai bị trầm cảm, chỉ cần tặng họ một chậu cây hay con cá. Khi họ giành thời gian chăm sóc cây hay cá, họ sẽ nhận ra bài học đó, và biết tự thương chính mình, không quên "tưới nước cho mình". Hôm ni đọc được một bình luận không tốt về bản thân, buồn nhưng hiểu đó là quả của những gì đã gieo.
Không có cái cây nào hoàn hảo, chỉ là cái cây nào cũng muốn hướng về ánh sáng và học cách yêu thương/ chấp nhận bản thân.

mardi 4 juillet 2017

Mây - Trăng và Cờ

 (Ảnh chụp tại cột cờ Huế)

Nửa trời Mây đen, nửa trời Mây trắng
Trăng cũng nửa sáng, nửa đen
Diều bay cao nhờ nương cơn Gió
Để ngó Mây – Trăng và Lá cờ Tổ quốc.  

(Chừng nào thôi nguôi nhớ - lo lắng cho quê hương dù đang sống trên quê hương?)

mercredi 28 juin 2017

Sóng (sống)!

Dạo ni muốn ngủ
Vì trong ngủ có những giấc mơ.
Dạo ni muốn đi
Vì đi nối dài những mong ước.
Dạo ni muốn đợi
Vì trong đợi đượm mầm hy vọng.
Dạo ni muốn viết
Vì trong đáy từ là một tầng sóng (sống) khác. 
Bài hát: Sóng

dimanche 25 juin 2017

Chờ ai đó, dù Có hay không

Những suy nghĩ đứt quãng

Con đường vào lúc 11h đêm sạch lạ thường sau những vất vả của các anh/chị lao công. Tự nhủ sẽ gắng không xả rác, không đốt vàng mã bay tứ tung…

Con đường vào 6h sáng trong lành vô cùng. Dường như thiên nhiên hiền hòa, trong lành đi khi tất cả mọi người chìm vào giấc ngủ. Đôi khi ngủ mỗi ngày là cách thức nhắc nhở bản thân biết “dừng” và “buông” đúng lúc.

Lần này mẹ vào, tâm sự ít đi. Thay vì đó, Con và Mẹ, mỗi người một quyển sách, đọc ngấu nghiến. Mẹ đọc đoạn nào hay lại kể cho Con. Nằm đọc sách bên Mẹ và nghĩ, không buôn ba đi café tìm Ai đó, vì nghĩ có lẽ giờ này Người ấy cũng ở nhà và đang nằm đọc sách đâu đó. Hạnh phúc đôi khi chỉ là đơn thuần tìm được một người đọc sách cùng mình mà không nói năng chi.

Có em gái bảo, sao chị chưa có người yêu, thất tình, đơn phương mà nghe nhạc “lạc quan” thế. Mình biết trả lời sao ?
“Hạnh phúc đôi khi không chỉ là Có ai đó
Mà là khi Chờ ai đó, dù Có hay không!”

Bài hát: N(Cha)àng!




vendredi 23 juin 2017

Là Mây là Gió bay đi Vô thường

Con hồn nhiên nghĩ
Mẹ vào – trời dịu mát
Bóng bình yên.

Ngờ đâu,
Tay đau – Mẹ bảo “Mẹ yếu rồi con ạ!”
Mẹ cần thuốc thang…

Dẫn mẹ đi (khám)
Mẹ đau – Tim con chợt thót
Mẹ đau mà ngỡ….Con gần nhập viện.

Đã biết,
Là Mây là Gió bay đi Vô thường
Nên Mẹ cũng Vô thường đến đi.

Vậy nên,
Tâm tự nhủ
Ngày nào mẹ khỏe
Mẹ Con ta lại dìu dắt nhau đi xem lai-xâu (liveshow ca nhạc).
Mặc kệ cho Vô thường đến đi.
Bài hát: Bông hồng cái áo (Mỹ Tâm)



jeudi 22 juin 2017

Nỏ

Dòng sông hương nồng nàn bên cửa sổ
Gió yên bình khe khẽ một làn đưa
Những nhớ nhung một người xin đặt xuống
Gần nữa đêm rồi, em ngủ nỏ xong.
Piano: 

mercredi 21 juin 2017

Bay - Fly

Có những ngày muốn vụt bay đi đâu đó
Đổi khí trời và mặc sức thong dong.
Có những ngày cần ủ men nhưng lười biếng
Cứ dật dờ như đợi điều chi. 

mardi 20 juin 2017

Ta hứa nhận ra nhau ?

Nếu là gió – gió thổi muôn phương
Nếu là mây – bềnh bồng phiêu lãng
Nếu là mơ – xin người hãy tỉnh
Nếu đã tỉnh – xin người hãy mơ!

Nếu là anh – anh thời sẽ biết
Nếu là em – em nào có hay
Tình yêu là cơn mưa trời đất
Tưới tấm nụ mầm - đang đội đất chui lên.
Bài hát: Ta hứa sẽ nhận ra (Lê Cát Trọng Lý)





samedi 17 juin 2017

Mây trên face

Mùa này, phố ấy, đầy mây
Có người mỗi tối gối đầu tìm trăng
Để mơ một giấc mơ đầy
Để xem vị Bụt chuyện trò trên face.


Bài hát: Sống vui (Thiền ca Làng Mai)

Bài thơ trên được phỏng tác theo bài thơ gốc của Tác giả: Nguyễn Bảo Trung
Mùa này, phố ấy, cỏ lau
Có người mỗi tối gối đầu lên trăng
Để mơ một giấc mơ lành
Để nghe vị Bụt sắp thành trong nhau!

jeudi 15 juin 2017

Mây buồn, dấu nắng ở đâu


Nỗi buồn là cơn mưa
Lắng bụi lòng – thanh tịnh
Nỗi buồn là nhung nệm
Ôm ấp những niềm đau

Nỗi buồn là bùn đen
Chuyển hóa thành sen tím
Nỗi buồn là tri kỉ
Lắng lòng kiếm niềm vui.

Nỗi buồn đâu đáng sợ
Có đến rồi có đi
Riêng mình em ở lại
Thênh thang đón cuộc đời.

Bài hát: Em tôi





dimanche 4 juin 2017

Lông vũ

Giá như…!
Từ một biến cố phải tạm biệt một người đồng nghiệp trẻ, lanh lợi, vui vẻ, cá tính khiến mình suy nghĩ nhiều về nhiều việc.
Khi một chuyện đau buồn xảy ra, người ta hay cố gắng đi tìm nguyên do vì sao nên nổi với các điệp khúc “Giá như….”.
1.     Rượu: giá như để thiết đãi thợ nề xây nhà người ta không buộc phải uống. Người ta có thể nhâm nhi ly rượu vang nhỏ, độ nhẹ và bàn chuyện thiết kế, kết cấu vững chắc của ngôi nhà và cuộc đời.

2.     Mũ bảo hiểm: giá như chiếc mũ bảo hiểm anh đội thật xịn là xịn sẽ giúp anh tránh né biến cố này?

3.     Văn hóa gọi cấp cứu: Giá như người cùng gây ra tai nạn hay người đi đường, người xung quanh khi phát hiện nạn nhân của vụ tai nạn có kĩ năng ngay là gọi xe cấp cứu (số điện thoại là 115) hay taxi để đưa ngay anh đến bệnh viện thì sẽ kịp cứu anh ?

4.     Văn hóa sợ xui: Giá như anh taxi gần đó không sợ bị xui khi vận chuyển anh thì anh sẽ đến BV nhanh hơn?
5.     Trời nắng gắt: Giá như tai nạn không xảy ra vào thời điểm quá trưa, nắng gắt như thế? Sao thời tiết dạo này biến đối gay gắt như thế ?

6.     Khúc cua nguy hiểm: Giá như ngã giao nhau đó được thiết kế lại sao cho an toàn hơn: không bị khuất tầm nhìn, đường kẻ vạch trên đường hợp lý hơn….?

……
Còn có bao nhiêu điều “Giá như…” như thế nữa nảy ra trong đầu chỉ với mong muốn đảo ngược sự thật hôm nay.
Giá như có cơ hội được chuyện trò với Anh nhiều hơn…
Hôm trước ở chùa Từ Hiếu, có một cô bạn hỏi Thầy: “Làm sao con có thể giúp xoa dịu nỗi đau của một người bạn gái của con khi mất đi chồng bạn ấy?”. Thầy trả lời: “Khi nỗi đau lớn quá ngôn từ cũng trở nên bất lực. Con chỉ có thể bày tỏ bằng chính sự có mặt của con giành cho họ, dùng năng lượng chánh niệm của con, của tăng thân để hỗ trợ người ấy mà thôi. Và để cho người ấy thời gian. Nỗi đau đó chỉ có thể là người trong cuộc mới thấu hiểu hết và tự họ phải vượt qua.”

Lông vũ
Được mất chỉ trong chớp mắt
Ly biệt chỉ trong một sát na
Bình tâm em cầu nguyện
Anh và gia đình cố gắng vượt qua!

Tận cùng của nỗi đau là giải thoát
Cạn cùng của nước mắt là bình yên
Thời gian trôi, tâm chuyển hóa
Nhìn cuộc đời sâu sắc hơn.