samedi 2 décembre 2017

Review phim "Cô ba Sài Gòn" và Chuyện chưa kể "Cô ba Huế"

Cuối tuần có việc đi Xì Gòn, sau một ngày thứ 7 cháy hết mình vì chia sẽ đam mê, đến chiều là hụt hơi vì thiếu năng lượng. Thế là may mắn được đi nạp năng lượng bằng xem bộ phim "Cô ba Sài Gòn". Phim của Ngô Thanh Vân sản xuất.
Những điểm cộng của bộ phim thì rất nhiều, nó là sản phẩm nuôi dưỡng
1. Tự hào dân tộc - nét đặc thù dân tộc thông qua biểu tượng "Áo dài"
2. Coi trọng tinh thần đam mê vì nghề và nghiệp
3. Suy tư đau đớn về cuộc vật lộn để chiến thắng chính mình
4. Hé mở một sự tò mò, trân trọng về những giá trị của cuộc sống trong quá khứ "Sài Gòn những năm 1969 có gì vui ?"
Thông điệp của bộ phim có nhiều điểm tương hợp với Mục đích sống của "Cô ba Huế":
- Hàn gắn vết thương dân tộc, kết nối giá trị VN và thế giới
- Nỗ lực nâng cao vai trò của dược sĩ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
- Khám phá năng lực bản thân và truy tìm ý nghĩa tồn tại của bản thân và thế giới, Truy tìm tình yêu đích thực.

Đà Lạt

Đầu tháng đã hồ hởi đến cuối tháng được đi Đà Lạt. Nhưng đến khi đặt chân đến thì cạn năng lượng vì tiêu hao những tuần trước đó. Cảm nhận và hiểu về Đà Lạt qua 2 ngày chóng vánh chả là bao. Chỉ biết thêm trải nghiệm bốn mùa trôi qua trong một giờ hay một cung đường là thế nào. Đà Lạt chốc nắng, chốc mưa; chợt sương mù lãng đãng đã hắt nắng sườn thông. Hoa Đà Lạt thắm và tươi. Được ở một khách sạn ban công đầy hoa thật đẹp. Gợi nhớ những ngôi nhà, những không gian đầy hoa ở Pháp hay châu Âu.
Kí ức về Đà Lạt qua chuyến đi này không nhiều, nhưng cũng đủ ấm vài khoảng khắc để hóa nỗi nhớ sau này. Đó là:
1. Rượu vang Đà Lạt được khởi vị cùng viên xí muội đậm đà bên bếp nướng King BBQ cùng những anh chị đồng nghiệp từng trải và hiểu đời, hiểu người, hiểu nghề, và hiểu nghiệp.
2. Là lúc mệt rã rời vì thời tiết, vì hạ đường huyết trước lúc báo cáo được uống một lọ nước Yến từ một em đồng nghiệp yêu thương trao truyền.
3. Là câu nói "tiếp lửa" cho nhau về DLS giữa cái tiết lạnh lãng đãng của Đà Lạt, giữa huyên náo của luận bàn những chi chi.
4. Là gói quà đậu phụng húng lừu từ Hà Nội chỉ vì thương và nhớ một câu nói gió bay nhưng đọng lại bởi thương nhau.
5. Là phút đi dạo Công viên hoa vội vã chạy mưa và 3 phút cưỡi ngựa mà mặc váy.
6. Là phút đi dạo quanh Hồ Xuân Hương cuối ngày của hai Cô trò về nghề, đề tài và tình cờ gặp ngay chị đồng nghiệp gốc Đà Lạt chân phương.
7. Là quây quành bên ly đậu xanh, đậu nành nóng, ngậm tan vị khoai lang nướng và nghe đam mê cải tiến chất lượng lên tiếng.
Có lẽ Đà Lạt sẽ rất vô vị khi khám phá một mình. Nên mình để dành để khám phá về sau.

Thương ca tiếng Việt

Thương ca tiếng Việt
Dạo này hay viết sai chính tả. Sai dấu hỏi và dấu ngã, sai d hay gi. Nhiều khi không biết nên viết i hay y như trong từ dược sĩ/sỹ. Những người nước ngoài khi hỏi về tiếng Việt, câu đầu tiên họ hỏi thường là "tiếng Việt có phải cùng 1 từ có 5 dấu khác nhau, đọc nghe tương tự nhau nhưng nghĩa sẽ khác nhau một trời một vực. Như ma là gost, mạ là mother, má là một loại lúa non, mã là tomb (bia mộ)....Thật kinh khủng nếu gọi mạ mà thành ma  Bất cừ điều gì cũng có đời sống của nó, và thay đổi theo thời gian cho tối ưu hơn. Đời sống Tiếng Việt quá khứ và hiện tại có nhiều điều ta chưa hiểu hết.
Có một điều mình nhận ra là vốn từ Việt đủ sức truyền tải các thuật ngữ chuyên môn đang rất ít. Điều này là do các sách dịch ở ta chưa nhiều, các hội chuyên môn chưa coi trọng việc đưa ra chuyển ngữ thống nhất các thuật ngữ chuyên môn quốc tế mới sang tiếng Việt kèm định nghĩa tương ứng của nó.
Nếu là một bài chuyên môn chuẩn quốc tế, thường bước đầu tiên người ta luôn đưa ra định nghĩa các thuật ngữ trước khi bàn luận sâu và xa về một chủ đề. Để tránh hiểu sai, hiểu không hết ý của thuật ngữ. Mình đã từng kinh ngạc khi thấy một bạn Pháp dùng quyển từ điển Pháp-Pháp to dùng để tra cứu nghĩa của từ tiếng Pháp khi đọc tài liệu. Còn mình thì chả bao giờ có giây nào tưởng tượng trong đời sẽ tra từ điển Việt-Việt.
Có quyển sách Đúng việc khá hot. Mình chưa đọc. Nhưng nó gợi cho mình ý nghĩ tầm quan trọng của dùng "Đúng từ - Đúng nghĩa". Định nghĩa của một từ là do con người nghĩ ra, và khoác lên từ chiếc áo chủ quan, thiên kiến của mình. Do đó, một từ thường sẽ có khuynh hướng positive (tích cực), neutral (trung tính), hay negative (tiêu cực). Do đó, có nhiều từ được dùng thông dụng hàng ngày nhưng khó tìm được định nghĩa đồng thuận của nhiều người. Đơn cử như từ "Dạy học tích cực", "cải tiến chất lượng", hay các từ to tát hơn như "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Hay từ "dân chủ, quyền con người".
Có một vấn đề khác liên quan đến dùng ngôn ngữ để "câu giờ", "hình thức hóa" một sự kiện thay vì dùng với mục đích truyền thông những cái mới, cái hữu ích với người nghe. Đó là khi người nói nói theo các khuôn mẫu định sẵn, nói vô hồn, nói để nói chứ không phải nói để có người nghe, hay nói để giải quyết vấn đề. Chính vì sự cố này mà nhiều từ/câu tiếng Việt trở nên "bình thường", "mất sức sống", "mất ý nghĩa"....
Trong quyển Bí mật của nước tiết lộ, các phân tử nước hiểu ý nghĩa positive hay negative của mỗi ngôn từ. Ngay nước cũng hiểu, thì con người càng có khả năng hiểu một người qua ngôn từ hay dùng của người khác.
Và sức mạnh của một cá nhân/dân tộc cũng phần nào thể hiện thông qua số lượng các ngôn từ/cấu trúc câu phong phú được sử dụng, cũng như tần suất các ngôn từ khoa học được dùng, không quên kèm đánh giá sắc thái positive của các ngôn từ được dùng.