samedi 18 février 2017

Review kịch "Trà Hoa Nữ"

Tự nghĩ thèm xem kịch, đi Đà Nẵng hay Ninh Bình đều tìm xem có nhà hát-kịch nào không. Nhưng đều chưa có duyên để được xem trực tiếp. Hôm ni tình cờ từ đọc câu chuyện trong sách "Chuyện trò" của Cao Huy Thuần, nhắc đến tên nghệ sĩ kịch Kim Cương và vở kịch "Trà Hoa Nữ" của Alex Dumas được chuyển thể tại Việt Nam. Tò mò tìm trên youtube thì được thưởng thức một vở kịch rất xúc động. Có lẽ đã hơn 6 năm không xem một vở kịch Việt Nam nào. Nhưng vở kịch này đặc biệt. Âm nhạc của phim với những bài hát tango, bolero tại vũ trường hay nhạc nền cổ điển khi cao trào được sử dụng xuất sắc. Đây không phải là vở nhạc kịch nhưng âm nhạc là nhân vật vô hình quan trọng tạo nên thành công của vở kịch. Diễn xuất của đội ngũ diễn viên rất thật, chuyên nghiệp và chất lượng đồng đều (hầu như không có cảnh nào bị cho là sượng - sống vốn gặp đầy rẫy trong điện ảnh VN). Kịch bản chuyển thể cũng rất thành công. Nguyên tác tiếng Pháp rất nổi tiếng và kinh điển đã được chuyển thể mềm mại và tinh tế để biến nó thành một câu chuyện mới bắt rễ từ chính cuộc sống - văn hóa Việt (người ta khó lòng bắt gặp chất Pháp nguyên tác nếu như không được giới thiệu trước là câu chuyện chuyển thể từ một tác gia người Pháp - ngoài khung cảnh nghĩa trang kiến trúc hơi Pháp một xí). Các khán giả xem kịch cũng thể hiện một trình độ thưởng thức nghệ thuật cao - biết lặng im khi cần, biết vỗ tay tán thưởng nghệ sĩ ở những đoạn cao trào hay chuyển cảnh, đồng cảm - nôn nóng ngóng theo tâm tư của những nhân vật trên sân khấu, và nán lại sân khấu không rời kể cả khi vở kịch đã kết thúc (mình đã bất ngờ về khán giả, và đến cuối vở kịch mới biết là khán giả đặc biệt như vậy cũng có lý do của nó). Lâu rồi mới có một vở kịch/phim Việt thực sự chạm sâu đến cảm xúc đến vậy.

https://www.youtube.com/watch?v=iF7_3_bGEnY

dimanche 5 février 2017

Ký sự du xuân

Chọn Ninh Bình là điểm du xuân đầu năm thật ý nghĩa. Ở đây có cố đô Hoa Lư là cố đô của vị vua đầu tiên của Việt Nam. Chưa bao giờ đến một mảnh đất lại giàu những câu chuyện lịch sử đến thế. Mỗi địa danh, tấc đất đều gắn với những vị vua, danh tướng, bậc hiền tài đã được nghe nhiều lần qua sách vở. Nhưng chưa bao giờ thấy mình và tổ tiên lại kết nối và gần đến thế. Sau một hồi về và tìm hiểu thêm qua Wiki, mình tóm tắt một số điều mình mới biết (chưa chắc đã chính xác):
1. Đền Thái Vi và chuyện các Vua Trần
Trên thuyền gần 2 tiếng khám phá Tam Cốc, vào cuối cuộc hành trình là bến đỗ ở Đền Thái Vi. Đây là một ngôi đền có vị trí rất đặc biệt: bao quanh là núi non và sông nước. Đây cũng là nơi các vua Trần xuất gia tu học. Cố đô Hoa Lư tại Ninh Bình là nơi 3 triều đại vua đầu tiên của Việt Nam là Đinh, Tiền Lê và Lý tại vị (vì đến thời Lý Công Uẩn thì cho dời kinh đô ra Thăng Long). Cuối thời Lý, do không có con trai nên công chúa Lý Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi lên làm nữ vương đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Nhưng sau đó, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh lúc đó cũng khoảng 7 tuổi, và nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Giải thích dài dòng xí để muốn đề cập đến 14 vị vua thời Trần, trong đó 4 vị vua Trần đầu tiên là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông là 4 vị vua nổi tiếng và thành công nhất của Việt Nam (nhận định này cần phải kiểm chứng lại). 4 vị vua họ Trần này được tôn xưng vì có công phát triển nông nghiệp - thương nghiệp - kinh tế, cải cách hành chính, ban bố luật pháp, tổ chức đào tạo - thi cử để chọn người tài, phát triển Phật giáo với xu hướng Thiền và nhập thế (tức mang tư tưởng Phật giáo để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày). Thời kì này cũng nổi tiếng với tài ngoại giao rất thông minh khôn khéo của nhà Trần, cũng như thắng lợi hiển hách 3 lần đại thắng quân Mông - Nguyên, dưới sự lãnh đạo của các vua Trần và Trần Hưng Đạo. Vị vua mình ấn tượng nhất là Trần Nhân Tông. Giai đoạn này cũng gắn liền với câu chuyện về 2 vị công chúa nổi tiếng nhất Việt Nam là công chúa An Tư được gả lấy Thoát Hoan để cầm chân quân giặc Mông-Nguyên và mối giao duyên giữa Công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân (Chăm Pa) để mở rộng thêm biên cương từ Bắc Quảng Trị đến đèo Hải Vân (1).

2. Trần Hưng Đạo
Nếu để ý thì hầu như ở rất nhiều thành phố của Việt Nam, cứ con đường nào to nhất - quan trọng nhất lại được đặt tên là Trần Hưng Đạo. Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Trần Hưng Đạo là 2 vị tướng nằm trong 10 danh tướng vĩ đại nhất thế giới (sánh ngang cùng Napoleon). Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn. Cuộc đời ông có những điều thú vị là:
- Bỏ quên thù nhà để lo việc nước: ba ông là Trần Liễu (chú của vua) và mẹ lại là chị gái của Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng (vợ của vua Trần Thái Tông). Vì Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng không thể sinh con trai, nên Trần Thủ Độ đã ép mẹ ông phải lấy vua Trần Thái Tông. Chính vì điều này mà cha ông là Trần Liễu đã giấy binh chống lại nhà vua còn đức vua thì lên núi Yên Tử định đi tu để phản đối. Cuối cùng cha ông thất bại nên xin đầu hàng, và Trần Thủ Độ định giết để trị tội thì vua Thái Tông đã lấy thân mình bảo vệ cho Trần Liễu. Tuy nhiên, Trần Liễu vẫn mang lòng oán giận nên cho người văn võ đào tạo cho Trần Quốc Tuấn để sau này báo thù. Sau này, khi Trần Hưng Đạo có làm lãnh tướng của toàn bộ quân đội của Đại Việt, ông cũng vẫn quên đi lời trăn trối trả thù của cha ông để phụng sự vua Trần và bảo vệ đất nước.
- Ông là người yêu đương mãnh liệt: Trần Quốc Tuấn khi còn trẻ thì phải lòng công chúa cả (con của vua Trần Thái Tông), nhưng khi đó vua đã hứa gã công chúa cho người khác. Thế là Trần Quốc Tuấn đã phải "ăn cơm trước kẻng" với nàng. Việc bại lộ, mẹ của ông đã phải cầu cứu Vua tìm cách cứu mạng cho Trần Quốc Tuấn. Và vốn là vị vua nhân từ, vua đã tha tội cho ông và tác hợp cho ông lấy công chúa.
- Ông quy tụ quanh mình toàn những vị danh tướng và học sĩ tiếng tăm, đức độ như Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu... Cũng chính ông là người phát hiện và giới thiệu những nhân tài này để phụng sự đất nước.
- Hịch tướng sĩ và Chiến thắng Bạch Đằng: cả 3 lần đại thắng quân Mông - Nguyên, ông đều là lãnh tướng lãnh đạo. Chiến thắng vang dội nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng (bắt chước cách đánh thời Ngô Quyền). Hịch tướng sĩ cũng là án văn nổi tiếng nhất của ông.
- Hỏa táng: nhiều vị vua Trần và chính Trần Hưng Đạo đã có ý nguyện là sau khi chết đều thực hiện hỏa táng đơn giản. Từ cách đây hơn 1.000 năm, những người tài danh thế này đã chọn cách an tàng đơn giản nhất.
-  

Wiki:
1. Trần Nhân Tông: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng
2. Trần Hưng Đạo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_H%C6%B0ng_%C4%90%E1%BA%A1o
3. 10 danh tướng thế giới: http://soha.vn/quan-su/viet-nam-co-2-trong-10-danh-tuong-vi-dai-nhat-the-gioi-cong-bo-trao-thuong-20151102163704798.htm