mardi 23 août 2016

Ấn tượng về Lào qua chuyến đi ngắn ngắm Thủ đô Vientiane

Chuyến du lịch 3 ngày tại Lào ngắn ngủi nhưng cũng đủ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và bất ngờ về nước láng giềng gần gũi và thân nhất của Việt Nam. Sinh ra ở Quảng Trị, tỉnh giáp ngay biên giới Lào, vậy mà chưa một lần nghĩ sẽ qua Lào du lịch khám phá đất nước này. Cho đến khi đi tận châu Âu, tập tành thói quen du lịch, khi về nước mới nghĩ ngay là mình sẽ phải đi khám phá những nước gần nhất xem họ sống ra sao.
Xin điểm qua các ấn tượng thông qua các từ khóa

Chùa
Chùa ở Vientiane rất nhiều, và dường như đều có kiến trúc tương tự nhau, với màu đỏ và vàng đặc trưng, nổi bật. Chùa được xây dựng công phu, đẹp. Dường như chỗ nào đẹp nhất thì chỗ đó là chùa. Buổi sáng sớm, các nhà sư đi theo từng nhóm nhỏ, hàng dọc, đi khất thực. Nghĩa là vào những gia đình Phật tử để nhận cúng dường, thường là thức ăn. Thường nhà sư chỉ đi khất thực khoảng 1h rồi trở về chùa, nấu ăn và ăn sáng. Các nhà sư chỉ ăn ngày 2 buổi (sáng và trưa), buổi tối không ăn. Mỗi ngày làm lễ 2 lần (lúc 4h sáng và 6h chiều). Lễ thường kéo dài khoảng 30 phút trong đó đọc kinh khoảng 15 phút và ngồi thiền 15 phút. Mình vào một ngôi chùa, được nói chuyện với các chú tiểu. Thấy mấy chú hồn nhiên, vui vẻ, dễ gần và rất muốn nói chuyện với người nước ngoài để rèn luyện tiếng Anh. Các nhà sư không được phép lái xe máy, lái xe đạp, chỉ được đi bộ, ngồi sau xe, hoặc đi xe bus. Các chú tiểu đi học bình thường như người thường. Các nhà sư ở Lào tu theo phái Tiểu thừa, nên có thể ăn mặn.

Giao thông không tiếng còi
Trên đường, nhiều nhất là xe ô tô. Xe ô tô ở Lào thường là loại 4 chỗ kèm thêm cái thùng nhỏ phía sau để chỡ đồ cho tiện. Hình như xe oto còn nhiều hơn cả ở Hà Nội hay Sài Gòn. Người giàu thì đi ôtô, người trung bình thì đi xe máy. Xe máy chiếm khoảng 10% trên đường. Mọi người đội mũ bảo hiểm khá xịn, loại có kính. Xe taxis rất ít, nhưng bù lại người dân hay đi xe bus và xe tuk-tuk. Hệ thống xe bus ở thủ đô nhiều, và khá được người dân ưa chuộng vì giá rẻ, ngồi có máy lạnh. Điều bất ngờ nhất là ở đây rất hiếm nghe tiếng còi, các xe tự nhường nhau hoặc dùng đèn báo hiệu xin rẻ trái, rẻ phải. Bíp còi được xem là hành đồng “kì quặc” và thiếu văn minh ở đây. Vì không có tiếng còi nên dù thấy đường rất đông, rất nhiều xe ôtô mà vẫn im lặng lạ thường. Văn hóa không bip còi đôi khi còn hơn cả ở châu Âu.

Buôn bán có tổ chức và không chèo kéo khách
Có những khu xe tuk-tuk đậu la liệt nhưng rất gọn gàng, trật tự và yên tĩnh. Rồi các chú nhiệp ảnh ở các địa điểm du lịch cùng đều có mặc đồng phục riêng (áo gilet) nên rất dễ nhận ra. Hay các bác lái xe ôm cũng thế. Nhưng tuyệt đối không có cảnh kèo nài, lôi kéo khách. Thường chỉ có một người hỏi một lần duy nhất, nếu khách từ chối thì những người khác cũng tự động biết và thôi. Khách có từ chối cũng cười vui vẻ.

Thùng rác và thuốc lá
Dù thành phố vẫn không sạch được như các thành phố châu Âu, nhưng có lẽ thủ đô Lào đang thay đổi. Thùng rác thiết kế thân thiện, có kiểu dáng đặc trưng. Khá nhiều trên đường hay các di tích lịch sử. Nhiều cơ quan chính phủ, nơi thăm quan du lịch và trường học đều có biển cấm hút thuốc.

Người Việt kiều tại Lào
Ở Lào, chắc người Việt là nhóm người nước ngoài làm ăn đông thuộc hàng cao nhất và cũng có nhiều thương hiệu, doanh nghiệp thành công, nổi bật là thấy các ngân hàng, áo quần, viễn thông, dầu mỏ….Lào là một thị trường còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt sang khởi nghiệp vì dân Lào thường hiền và hơi “an phận” nên vẫn cần các doanh nhân Việt và nước ngoài tham vọng qua đây kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có bộ phận không nhỏ dân Việt qua Lào làm các nghề nhỏ, tay chân như làm thợ nề, buôn bán, làm móng, chạy xe, thậm chí là lượm ve chai. Dân chủ yếu là từ miền Trung qua đây làm ăn. Bộ phận này bên cạnh làm việc, cũng gây ra một số phiền toái cho nước sở tại vì nạn uống bia rượu say, đánh bậy và trộm cắm. Nghe một người Việt lái xe kể với mình: dân Trung Quốc qua đây cũng nhiều, nhưng sống tập trung với nhau, được chính phủ Trung Quốc hỗ trở tiền để định cư tại Lào, nếu dân Trung Quốc gặp vấn đề pháp lý tại Lào (ví dụ đi đường bị phạt) thì nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc sẽ thay dân Trung Quốc làm việc với cơ quan của Lào. Còn người Việt Nam qua đây, mạnh ai nấy ở. Sống phân tán, cũng không được Đại sứ quán VN hỗ trợ hay liên hệ gì. Có một bộ phận không nhỏ của người Việt tại Lào cũng làm người dân Lào đau đầu. Tại Bến xe lớn, nơi có những chuyên xe giường nằm nối Việt Nam – Lào, phần lớn là do người Việt lái. Tới ngay bến xe này, lại thấy cảnh ồn ào, tranh giành khách, ăn to nói lớn đặc sản Việt xuất hiện.

Cờ búa liềm – Bảo tàng quốc gia Lào
Tên quốc gia Lào đầy đủ là Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, và đảng cầm quyền là đảng cộng sản Lào, nên cờ búa liềm treo cùng cờ tổ quốc có khắp nơi. Đi vào Bảo tàng Quốc gia Lào một vòng, thấy lịch sử đất nước Lào có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Bảo tàng Quốc gia Lào là bảo tàng lớn nhất Lào nhưng trông củ kĩ, không được đầu tư, tư liệu và cách trang trí còn nhàm chán.

Nhà vệ sinh thơm tho
Nhà vệ sinh ở nhà nghỉ rất sạch, thơm tho, họ đựng hộp than để hút ẩm và mùi, để xà phong thơm khắp phòng. Ở các chùa cũng bố trí khu vệ sinh miễn phí, sạch sẽ.

Địa điểm du lịch
Giá vào các điểm thăm quan còn rất rẻ, thường 5-10.000 kip, tương đương 15.30.000 VNĐ. Tại các địa điểm du lịch không có cảnh ăn xin, bán rong. Vì Vientiane là thủ đô mới của Lào nên không có nhiều địa điểm thiên nhiên để tham quan, chủ yếu là các chùa và bảo tàng. Thủ đô khá nhỏ. Tuy nhiên, còn nhiều thành phố khác của Lào nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên rất đẹp như Luang Phrabang, Sanavakhet, Xieng Khuang, Pakse.

Khách du lịch
Đi du lịch một mình cũng có cái thú vị của nó. Được tự do nhìn ngắm theo sở thích của mình. Tự do làm quen với những người bạn mới trên đường. Trên đường đi tình cờ gặp một em gái Việt Nam vốn quen hồi học ở Hà Nội, em để con nhỏ ở nhà, và cùng chồng đi du lịch Lào. Làm quen với một bác người Maylasia là giảng viên đã về hưu, nói tiếng Anh rất tốt, 70 tuổi và giành toàn bộ thời gian trong năm để đi du lịch. Hỏi bác sao không du lịch cùng vợ, bác bảo: vợ không thích. Nhìn bác vui vẻ, trẻ trung. Chụp ảnh chung với bác, rồi xin bác email để mình gửi anh cho bác, bác từ chối vì sợ bà vợ ở nhà ghen. Còn cô bạn người Nhật Bản 22 tuổi, đang học Luật, giành 1 tháng hè để du lịch khoảng 5 nước châu Á. Du lịch một mình giống mình vì đều chưa có bạn trai. Tình cờ cả 2 cùng ở chung một nhà nghỉ thể là 2 người đi chung với nhau luôn. Sau quen thêm 2 bạn, một nam, một nữ người Trung Quốc. Người nam thì du lịch phượt các nước trong vòng 3 tháng trời. Nói chuyện chính trị, xã hội so sánh giữa Trung Quốc và Việt Nam rất thú vị. Còn cô bạn Trung Quốc cũng đi du lịch một mình dù đã có chồng và chưa có con. Cảm nhận là ai cũng cởi mở, chân thành, nói tiếng Anh rất tốt và đều rất mê du lịch. Hỏi nhận viên nhà nghỉ khách nước ngoài nào đến Lào nghỉ tại nhà nghỉ đông nhất, họ bảo đông nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, rồi đến các nước châu Âu như Pháp…Còn Việt Nam từ xưa đến nay, mình mới là người thứ 6 hay thứ 7 gì đó nghỉ tại đây thôi. Ở Lào có rất nhiều nhà nghỉ người Việt, nhưng thật may mắn là mình booking khách sạn online, và book đúng nhà nghỉ này giá rẻ, do một người Lào làm chủ, nhưng đầu óc kinh doanh và ngoại ngữ tốt. Nên khách Tây ở đây rất nhiều. Nhờ thế mình mới có cơ hội nói chuyện, làm quen với những người bạn đang đi du lịch người Hà Lan và 3 cô gái rất thân thiện từ Phillipines. Đặc biệt 3 cô gái Phillipines, mới gặp lần đầu mà họ đã cho tên, điện thoại và hẹn sang nước họ du lịch.

Chuyến du lịch này chỉ muốn khám phá thủ đô. Hẹn quay lại Lào để khám phá những địa điểm khác. Chắc phải lâu lắm vì mình còn phải ưu tiên các nước khác đã. Dù sao, chuyến du lịch cũng làm mình khâm phục người Lào ở nhiều điểm và học hỏi được rất nhiều thứ.

samedi 2 juillet 2016

Đi để Sống


Đi để Sống

Em hỏi chị ý nghĩa cuộc sống là gì
Sau những chuyến đi xa và những nơi chị đến
Chị băn khoăn không dám trả lời
Sợ mình đi chưa được xa và hiểu cũng chưa được kĩ

Chỉ biết càng đi xa, càng thấy đất nước mình nhỏ bé, bản thân cũng nhỏ bé
Và thế giới thật kì vĩ, rộng lớn, xinh tươi
Rồi bất chợt em sẽ đặt những câu hỏi về hiện tại, quá khứ và tương lai
Về em, về đất nước và thế giới

Em chỉ là hạt cát giữa sa mạc hay giọt nước giữa đại dương
Nhưng sẽ ra sao nếu bản chất sa mạc hay đại dương đã hiện hữu chính trong từng hạt cát hay giọt nước - trong em ?

Liệu cuộc sống này được quyết định bởi những người đã chết hay những người đang sống ?
Bởi quá khứ hay hiện tại ?
Và em có thể làm gì với dòng chảy ngồn ngột chực cuốn em đi ?

Chị chỉ biết mỗi người sẽ tạo cho mình một con đường và một ý nghĩa sống
Em sẽ nhận ra tin nhắn khi người đưa thư tới
Chỉ cần một điều kiện, em không ngừng hứng khởi và chuẩn bị cho những chuyến đi xa để sau đó quay về...
VTH, Huế, 3.7.2016

mardi 28 juin 2016

Bia Heineken - Tàu - Bưu điện

Đi Phú Yên bằng tàu. Đến bến ga Huế, thấy cảnh một bác cầm mấy lon bia Heineken hiếu hảo mời 2 bạn nữ Tây Phương ngồi đợi tàu ở ga uống cho vui. Bạn ấy từ chối nhưng không được.Tự nhiên tự hỏi, sao bác ấy mời bạn nữ Tây mà không phải mấy bác Việt ? Vì sao mời bia mà không phải thứ gì khác ?
Bến ga, bảng thông báo điện tử thông tin về tàu bị hư, chỉ còn nghe chỉ dẫn qua loa. Nhưng loa chỉ nói tiếng Việt, không có tiếng Anh cho mấy bạn Tây. Nên họ đu theo mình.
Ga dừng. Tự nhiên tàu xả toillet ngay tại bến. Thế là mùi khai nồng nặc tỏa ra. Chẳng biết chui mặt mũi đi đâu.
Tàu giường nằm khi đi còn sạch sẽ. Khi về thì phòng có mùi. Tàu rung lắc hơi bị mạnh, chẳng thể đọc sách được.
Toillet thiết kế rất bất tiện, cao quá và bẩn.
Tàu chạy chậm. Đến bao giờ VN có tàu siêu tốc nhỉ? Nếu có, chắc dân tình sẽ đi phượt bằng tàu nhiều hơn.
Có một anh chàng nói tiếng Việt rất sỏi, thận thiện. Sẵn sàng nhường giường phía dưới cho một bác lớn tuổi để leo lên giường 2. Sau mới biết anh chàng người Hàn, qua Việt Nam làm boss. Cũng có một chị trẻ, chắc cũng công ăn việc làm rất ổn, chẳng thể đồng ý leo lên giường 2. Nên bác ấy buồn bã và thất vọng lắm.
Bưu điện
Cách đây 1 tháng, mình có việc gửi khoảng 120 bì thư đi các địa chỉ khác nhau trong cả nước. Thế mà chắc phải đến 30% là thất lạc, không đến được nơi. Nhớ hồi ở Pháp, hàng tuần nhận được trung bình cũng vài lá thư. Vì mọi dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, trường...đều liên lạc qua thư cả. Kể cả thẻ ngân hàng người ta cũng gửi qua thư. Chứng tỏ chất lượng bưu điện của họ rất tốt và uy tín.
Giao thông và Viễn thông là cái quan trọng kết nối mọi người. Khi chất lượng của cái đó không tốt. Thì khả năng kết nối có vấn đề. Còn có phải Bia là phương tiện kết nối mọi người mạnh mẽ nhất. Không uống được thì không nói chuyện được ?
Hy vọng mọi chuyện sẽ cải thiện nếu nhiều người phản hồi về chất lượng dịch vụ của 2 ngành này.