samedi 30 septembre 2017

Lăn tăn trong nệm, trong chăn!

1. Dạo này ra đường như ra "chiến trường". Đường nào cũng đào bới, đầy lô cốt, cống và bụi. Cả thành phố như trở lại thời "dã chiến" vì làm lại hệ thống thoát nước. Giá mà họ làm đoạn nào xong đoạn đó. Đằng này chỗ nào cũng ngổn ngang. Đường Huế đã nhỏ càng khó đi. Chắc những tháng này, dầu gội đầu, sữa tắm, và bột giặt bán chạy hơn những năm trước.
Con đường giao thông đường bộ thiết thân thế - cụ thể thế mà còn ngổn ngang thế, thì còn những con đường trừu tượng hơn như triết lý, tư duy chắc mà khó gọn gàng, sắc nét ?

2. Giới thiệu các em sinh viên với "một Chị" để tổ chức một hoạt động tình nguyện vào dịp trung thu. Mình biết mình đã "chuyển hóa" rất nhiều khi được tiếp xúc với "Chị". Mình tin chắc các em rồi cũng thế. Chỉ có trực tiếp trải nghiệm, các em sẽ hiểu "thước đo tương đối và đa diện" các giá trị của cuộc sống. Các em rồi sẽ làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Là dược sĩ nghĩa là chịu trách nhiệm làm sao góp phần cùng bác sĩ, điều dưỡng làm cho việc điều trị mang lại sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Các em sẽ được học nhiều về thuốc, về các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng để đánh giá một người là khỏe hay yếu. Nhưng tiếp xúc với "Chị", chắc các em sẽ thay đổi quan niệm của mình về định nghĩa thế nào là "khỏe mạnh", đúng không ? Cô quyết định không tham gia cùng các em trong tối nay, khuất sau sân khấu theo dõi các em trải nghiệm. Vì các em đủ năng lực, nhiệt thành và cần một khoảng trời tự do để được thể hiện và trải nghiệm.

3. Wonderkids
Mỗi cuối tuần lại tìm xem video mới của "Wonderkids". Có lẽ nên dịch tên chương trình là "những đứa trẻ tuyệt vời/kỳ diệu" hơn và "thần đồng âm nhạc". Vì ở đó, các em vẫn là "kid" - trẻ con, hồn nhiên theo đúng độ tuổi mà không bị ép "người lớn hóa". Các em cũng không tự cao cho mình là "thần đồng"-tài năng, các em chỉ đơn giản đam mê, yêu thích, luyện tập, biểu diễn và thăng hoa. Chương trình tập 8 với chủ đề là âm nhạc dân tộc biến tấu. Xem mà cảm động và tự hào chìm vào bên trong. Có từng đi ra nước ngoài mới hiểu thứ làm mình bình đẳng với các sắc tộc khác ngoài tư duy là "bản sắc văn hóa" của mình. Nếu bạn mời mình gateau kiểu Pháp, uống rượu vang Pháp, mình lấy gì đối đãi lại cho "công bằng" ngoài món nem hay bánh cuốn. Tương tự, đối thoại với nhạc cổ điển của Mozart, Bach, Beethoven hay dòng nhạc Blues, R&B, Rock, Pop... còn có thể "chính thể nào khác" ngoài âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam. Xem các em biểu diễn để được đồng cảm về con đường biến "sở thích, đam mê, thực hành từ những động tác đơn giản" thành "thành quả là vẻ đẹp có khả năng "thanh lọc tâm hồn" của các tiết mục các em trình diễn". Có những khoảnh khắc rất riêng tư làm mình hạnh phúc: đó là khi được "tắm" mỗi ngày để chăm sóc thân thể (body), làm sạch mọi vết bẩn, bụi bặm; đó cũng là khi xem một bộ phim hay, nghe một bài nhạc hay để thanh lọc tâm hồn.

mercredi 27 septembre 2017

Muốn gặp anh!

Em mệt lắm rồi chỉ muốn được nghỉ ngơi
Bay cùng mây và vui cùng gió.
Em mệt lắm rồi chỉ muốn nằm lặng xuống
Nghe tiếng tim che nỗi nhớ ùa về.

Em mệt lắm rồi chỉ muốn được gặp anh!


samedi 16 septembre 2017

Review gameshow "Thần đồng âm nhạc - Wonder Kids"

Tình cờ muốn tìm hiểu xem nhạc sĩ Trần Tiến dạo này ẩn dật nơi đâu. Sau "sự cố phát ngôn" khi làm ban giám khảo một gameshow trước đây, có lẽ nhạc sĩ Trần Tiến sẽ không bao giờ đồng ý làm ban giám khảo một gameshow truyền hình nào nữa. Nhưng rồi đọc một bài báo và được biết ông đã đồng ý làm ban giám khảo chương trình "Thần đồng âm nhạc = Wonder kids".

Xem 6 tập và nghiện luôn. Một số keywords về chương trình:
- nhạc cổ điển: chính tình yêu ngây thơ nhạc cổ điển của các em nhỏ đã giúp nhạc cổ điển trở nên gần gũi hơn với công chúng
- nhạc cụ: piano, guitar, violin + thanh nhạc, múa: mỗi em có tài năng về một thể loại, chính sự chuyên sâu và khác biệt này khiến khán giả khó mà so sánh giữa các em. Chính điều này cũng mang lại triết lý giáo dục tôn trọng sự khác biệt và ngừng so sánh với người khác.
- ban giám khảo là những người rất chất, nhận xét rất hay.
- những thầy cô giáo hướng dẫn các em là những nghệ sĩ được lựa chọn theo tiêu chí rất "cổ điển"
- đạo diễn âm nhạc, thiết kế sân khấu, chỉ huy dàn nhạc: tất cả đều toát lên sự chuyên nghiệp cao độ
- MC xinh đẹp, thông minh, tài năng và duyên dáng (MC chất thế này chắc ở VN đếm trên đầu ngón tay)
- Phiên bản gốc của chương trình là từ Đan Mạch, có lẽ vậy mà format chương trình thể hiện tư duy và tính nhân văn cao độ của những người dân Bắc Âu về giáo dục trẻ con.

Xem các em biểu diễn, nổi đậm lên là sự ngây thơ - trong trẻo, niềm đam mê với nghệ thuật, và sự nuôi dưỡng - hy sinh từ gia đình.

Hiếm có chương trình nào mà cảm xúc cá nhân lại được chạm sâu đến thế. Chương trình tạo một không gian sang trọng - sạch sẽ - chỉnh chu - chuyên nghiệp - trung thực và tràn đầy tình yêu nghệ thuật, đam mê.



vendredi 15 septembre 2017

Review sách "Khi hơi thở hóa thinh không" của bác sĩ Paul

Khi bắt đầu xuống bệnh viện làm, tiếp xúc với bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân nhiều hơn một xí. Mình hiểu hơn xí về những vất vả của cái từ đơn giản "làm lâm sàng". Có một số những lùng xùng trong ngành y - dược trên báo chí là hợp lý, nhưng có vô số những lùng xùng được báo chí khai thác theo chiều hướng câu view hơn là muốn "phản ánh sự thật khách quan và cải thiện hiện tại cho tốt đẹp lên". Muốn tăng sự "thấu cảm" giữa bệnh nhân và nhân viên y tế có lẽ là mỗi bên cần ngồi xuống và đọc một quyển truyện. Mình có thể đề xuất 3 quyển của bs Nguyễn Bảo Trung (Vô Thường, Sen hay Mây). Và một quyển khác là "Khi hơi thở hóa thinh không" của một bác sĩ Paul - người Ấn Độ.

Ấn Độ là cái nôi lớn về triết học và tâm linh. Có lẽ vậy mà dường như mỗi người Ấn Độ khi nói chuyện cũng mang dáng dấp là đang chiêm nghiệm và phán quyết điều gì đó rất triết lý. Quyển sách này do một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tài giỏi ở độ tuổi hơn 30 và ở đỉnh cao của nghề nghiệp thì phát hiện mình bị ung thư phổi. Biến cố lớn này, cùng với khát khao (chất Ấn Độ) muốn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống cộng với tài năng viết văn của mình đã khiến Paul đã viết nên một quyển sách với nhiều câu hỏi suy tư lớn. Chương I của quyển sách kể về thời gian Paul học nội trú và là bác sĩ. Chương I lại giành kể về cuộc chiến đấu với bệnh tật với tư cách một bệnh nhân. Ở chương I, có nhiều đoạn khiến người ta phải ngỡ ngàng về sự trung thực cao độ của Paul phán xét đạo đức về cảm xúc và lí trí của một sinh viên y hay bác sĩ. Liệu sinh viên y - bác sĩ đã đối xử với "cơ thể hiến xác" như một con người hay như một công cụ để nghiên cứu? Liệu ranh giới đạo đức nào giữa chọn một chuyên ngành khó trong ngành y (vất vả, nhiều nguy cơ) và chọn một chuyên ngành an toàn và dễ thành công ? Liệu vai trò và trách nhiệm của bác sĩ đến đâu đối với bệnh nhân trước ngưỡng cửa cái chết ? Bác sĩ đã suy tư thế nào về những sai sót chuyên môn của mình ? Mối quan hệ bệnh nhân - bác sĩ đã thay đổi "nhân tính và nhận diện cá nhân" của mỗi bên như thế nào ? .....
Chương II là những nỗ lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: nếu bạn biết đằng nào bạn cũng chết, nhưng bạn không biết khi nào điều đó sẽ đến, bạn không rõ mình còn bao nhiêu thời gian, bạn sẽ chọn dùng thời gian đó để sống thế nào ? Bạn quan niệm thế nào về ý nghĩa của đời mình, của mỗi ngày trôi qua. Paul đã nhận ra rằng, có những lúc Paul có cảm giác thời gian "đứng" ( dừng trôi) - khái niệm thời gian không tồn tại: đó là khi Paul ở phòng mổ phải tập trung cao độ hoặc khi Paul nằm trên giường bệnh và làm những việc-nhàm-chán-một-cách-khó-khăn. Nhưng có sự khác nhau rất lớn giữa 2 trường hợp: một bên Paul biết ý nghĩa của việc mình đang làm (thời gian chết nhưng mình đang sống vì hiểu ý nghĩa của những việc mình đang làm) còn một bên thì không (thời gian trôi, mình vẫn sống mà như đã chết). Sau những loay hoay giữa chọn tin theo những con số thống kê hay nuôi "hy vọng". Paul đã cùng vợ làm một số điều kỳ diệu cho khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại: trở lại phẫu thuật, hàn gắn vết nứt hôn nhân, sinh một đứa con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và....viết một quyển sách "Khi hơi thở hóa thinh không".

Những review bên lề của quyển sách:
- Lời "Đề tựa" của Abraham không hay. Có lẽ người đọc nên giở ngay đến trang 18 để đọc ngay những gì Paul viết.
- "Lời bạt" của Lucy (vợ Paul) cuối quyển sách là những chia sẽ rất cảm động và đầy những chiêm nghiệm lớn từ một người đồng hành can đảm đã cùng Paul đi qua những tháng ngày khó khăn nhất. Khi đọc "Lời bạt", mình còn có cảm giác nó còn hay hơn những gì Paul viết trước đó, hoặc ít nhất nó giúp người đọc kết nối với một-Paul-khác, một-Paul-tiếp-nối.
- Người dịch: chất lượng dịch thuật của quyển sách có vấn đề. Rất nhiều sạn (dịch lủng củng - tối nghĩa). Dường như quyển sách dịch không được hiệu đính bởi một người trong ngành y. Nội lực ngôn ngữ và sự chuyên tâm của người dịch trong cuốn sách là đáng bị nghi ngờ. Ước vọng xuất bản một quyển sách "tiệm cận với sự hoàn hảo" như triết lý của Paul đã bị nhà xuất bản sách Việt Nam xem nhẹ. Một sự thất vọng và buồn cho Paul và cho bản thân mình.

mercredi 6 septembre 2017

Thương Thầy - người con chưa từng gặp

Nói khẽ người nghe chuyện thương nhau
Thương nhau cho khẽ kẻo đau đầu
Chạm chân đất Mẹ - Thầy nâng bước
Tim rộn niềm vui - Nước mắt rơi
Hiểu nhau quá đủ - Thương nên nặng
Tĩnh lặng thương Thầy - Thương chính con
Khí hậu hài hòa - Hoa sẽ nở
Thầy về. Chuyển động. Khiến người lo.
Năng lượng kì lạ sinh ra từ xe lăn và ánh mắt
Để rồi đêm tối phải hốt hoảng, lung lay.
Đường còn dài, còn nhiều ngã rẽ
Vì lỡ một lần được ngắm mặt trời mọc - ánh trăng khuya
Nên tự nhủ sẽ cố không đi lạc
Nắm chặt tăng thân mà vững bước mỗi ngày.
Thương Thầy - người con chưa từng gặp