vendredi 27 juin 2014

Chìa khóa nào cho hòa bình: TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ?



Dạo này mình đã nghĩ, cách đối phó tốt nhất với sự cố Biển Đông là sử dụng chiến thuật của Gia Cát Lượng ấy. Mình còn nhớ có một trận đánh, Gia Cát Lượng ở trong thành với rất ít binh lính. Bị tấn công và bao vây bởi đội quân hùng hậu của quân địch. Lúc đó, Gia Cát Lượng nếu để cho cái đầu nóng, cho quân đánh nhau, thì thua chắc chắn 100%. Thay vì thế, ông vác đàn lên ban công, cố gắng che dấu nỗi bất an và đàn một điệu đàn rất du dương, thư thái. Quân thù nghe tiếng đàn ấy trong thành vọng ra, vì tin rằng, chắc chắn trong thành phải đông quân lắm thì Gia Cát Lượng mới có thể bình thản đàn hay được như vậy, nên quân địch đành rút lui. Cũng nhờ nghĩ thế, mình lại thấy vui vui. Dạo này, lướt facebook không còn thấy hình ảnh « bạo động », « vũ lực », muốn dùng « nắm đấm » hay « cái chết » để sống chết với  một số gã Trung Quốc xấu xí nữa.Giờ mình phải thắng nó bằng giáo dục, kinh tế, khoa học, văn minh, hạnh phúc....cơ.

Nói trắng trợn ra, Trung Quốc nó đã tốn công sáng tạo ra cái bản đồ lưỡi bò, thì tham vọng của nó đã rõ. Chiếm trọn Biển Đông và đánh chiếm Việt Nam. Mục đích và sức mạnh nó đã có, chỉ là cách thức nó tiến hành và cần thời gian bao lâu để nó có thể biến Việt Nam thành Tây Tạng thứ 2.

Việt Nam có sợ. Sợ quá đi chứ. Lịch sử đã chứng minh rồi, chiến tranh đã trở thành định mệnh gắn với Việt Nam như hình với bóng. Vậy làm sao Việt Nam thoát ra cái bóng này ?

Việt Nam có một sức mạnh mà không đất nước nào có được, đó là « đoàn kết », « tinh thần dân tộc cao độ », và « lòng khoan dung với kẻ thù » vô bờ bến.
Ba cái này là chìa khóa giúp Việt Nam chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất thế giới – Đế quốc Mỹ, Nhật, Pháp…. trong chiến tranh. Tuy nhiên, cách thức sử dụng ba chìa khóa trong chiến tranh hoàn toàn khác với trong thời bình. Vì vậy Việt Nam cần nghiên cứu tìm ra cách thức phát huy đúng đắn 3 chìa khóa này trong thời bình thì Việt Nam hoàn toàn KHÔNG SỢ bất kì DÂN TỘC nào.

Làm một sự so sánh nhỏ
Thời chiến
Thời bình
Đoàn kết để ĐỘC LẬP
Tốt nhất chỉ nên có một nhóm sáng suốt lãnh đạo. Rồi dân chúng cứ thế tin tưởng tuyệt đối, nhất trí tuyệt đối, thống nhất hành động, quyết chết để cùng chống lại một kẻ thù bên ngoài (giặc ngoại xâm). 
Kẻ thù số một: giặc ngoại xâm

Đoàn kết để TỰ DO – HẠNH PHÚC
Tốt nhất nên chỉ có một mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Và quyết sống để thực hiện mục tiêu đó. Muốn vậy cần có nhiều giải pháp. Mà muốn có giải pháp tối ưu phải tranh luận nảy lửa nhưng đồng thời phải biết hợp tác với nhau. Do đó, ĐỪNG CHỈ TRÍCH CÁ NHÂN, mà TẬP TRUNG VÀO MỤC TIÊU CHÍNH TRÊN. Vì mọi người cùng tranh luận cũng chỉ vì mục tiêu trên thôi mà. Kẻ thù số một: chính mình, giặc dốt.
Tinh thần dân tộc
-          Quên đi cái tôi để vì cái chung của dân tộc

-Phải xây dựng cái TÔI thật mạnh mẽ, cá tính. Hãy can đảm thoát ra khỏi đám đông để tự tìm đường đi cho mình. Hãy can đảm nghe theo tiếng gọi của con tim và hành động.
-Đứng trước những lựa chọn: hãy tự hỏi, liệu ngày mai mình sẵn sàng cầm súng để bảo vệ tổ quốc, vậy hiện tại, mình có can đảm làm điều đó vì biết chắc nó sẽ giúp ích cho dân tộc ? Liệu ngày mai kẻ thù buộc mình vào chân tường và không cho mình quyền lựa chọn được sống, thì tại sao mình lại chần chừ hôm nay khi chính mình hoàn toàn có quyền quyết định mình sẽ sống thế nào ?
Khoan dung, tha thứ cho kẻ thù
Hiếm có dân tộc nào lại khoan dung và rộng lượng như người Việt Nam. Chiến tranh lê thê thế, ông cha đỗ máu đẫm liệt thế vì tụi Tây, thế mà giờ người nào cũng vui vẻ với bọn Tây. Đôi khi cảm tình với tụi Tây còn hơn người Việt ấy chứ. Mình nhớ có chuyện mấy ông lính già người Mỹ sống sót không dám quay lại Việt Nam vì sợ dân Việt Nam giờ mà túm được họ, chắc cưa cổ họ mất. Nhưng khi họ đặt chân lên đất Việt Nam, họ hoàn toàn ngỡ ngàng vì sự hiếu khách và tình cảm của người Việt giành cho họ.

Khoan dung, tha thứ cho chính mình và cho chính đồng bào của mình (người Việt)
Hãy nhớ rằng, những tính xấu của người Việt hiện tại có nguyên nhân lịch sử, xã hội. Họ vẫn đang trên đường vươn lên cho hoàn thiện hơn. Họ bị ảnh hưởng quá sâu cái văn hóa xấu xỉ, thủ cựu của Trung Quốc. Hệ thống giáo dục của người Việt vẫn chưa đúng. Cách thức nuôi dạy con cái của người Việt đang có nhiều điều không hợp lý. Người Việt có thể tha thứ cho kẻ thù bên ngoài, cớ sao không thể tha thứ cho chính mình và cho chính người Việt. Hãy kiên nhẫn cùng khơi dậy những điều tốt đẹp vốn có sẵn trong tâm hồn họ. Rồi bạn sẽ thấy, họ hoàn toàn có thể tỏa sáng và làm nên những điều diệu kì mà không một dân tộc nào có thể làm được.

Mình đã thấy nhiều sự thú vị khắp nơi từ sau vụ dàn khoan xảy ra.
- Mọi người đã biết bàn những chuyện lớn, tìm hiểu về chính trị và trăn trở. Có cô bé mình quen vốn trước đây ngây thơ chỉ biết ăn, học, chơi, nay hỡ gặp mình thể nào hai chị em cũng bàn chuyện quốc gia đại sự. Em còn giành nhiều thời gian đọc báo, đọc sách để hiểu hơn về chính trị, tâm lý, xã hội…
- Mình cũng đã thấy nhiều gương mặt cá tính xuất hiện, hoặc họ xuất hiện lâu rồi, giờ mình mới biết. Những cô gái Việt sắm những chiếc máy ảnh xịnh và du lịch một mình, thích chụp những bức ảnh thiên nhiên và không còn chỉ biết tự sướng một mình.
- Nhiều người bạn dám sống với đam mê, chia sẻ đam mê….

Mình đã từng tưởng tượng biết đâu chính phủ Trung Quốc cử dán điệp theo dõi facebook của người Việt để khảo sát tâm tư – tình cảm của người Việt để họ còn cân nhắc chiến lược Biển Đông là nên nhu hay cương, thì sao nhỉ ?
-Nếu họ thấy, người Việt chẳng cần phải đấu tranh đòi hỏi “xã hội dân sự” to tát phải được ghi trong Luật hay Hiến Pháp, mỗi người Việt đều dùng kênh thông tin cá nhân như facebook, blog, twitter…để bày tỏ ý kiến của mình....thì họ có sợ ?
-Nếu họ thấy, người Việt tranh luận nhau nảy lửa mọi nơi, mọi lúc để tìm ra giải pháp nhưng lại rất yêu quý nhau, vì họ biết giờ toàn dân người Việt đang ngồi chung trên con tàu Titanic, thời gian đến khi con tàu chìm hẳn có thể là 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm…Và họ biết chỉ có duy nhất một cách để cứu con tàu là mỗi người cùng kiên nhẫn tát nước ra khỏi thân tàu chứ không phải tát nước vào mặt nhau...thì họ có sợ ?
-Nếu họ thấy, toàn dân người Việt tự nhiên tôn sùng sách như kinh thánh, ngưỡng mộ và yêu quý người tài giỏi như ân nhân cứu mạng của mình, yêu quý bản thân hơn bao giờ hết và tôn trọng cái TÔI của mình hơn bao giờ hết và suy nghĩ luôn vì đại cục, quốc gia …thì họ có sợ ?




   

dimanche 15 juin 2014

Buổi tiệc chia tay bà Régine – Coup de Pouce





Hôm trước đi dự buổi chia tay bà giáo Régine rời Grenoble để sang Anh làm việc. Bà là trưởng một hội thiện nguyện tên là "Coup de pouce", kêu gọi các tình nguyện viên người Pháp, thường là các bác đã về hưu, nhằm dạy và hỗ trợ các sinh viên quốc tế về ngoại ngữ, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa để các sinh viên quốc tế hòa nhập vào cuộc sống tại Grenoble được tốt hơn.

Buổi chia tay được tổ chức đơn giản nhưng thật tình cảm. Mỗi người tự mang các món ăn đặc sản đến. Mở đầu là buổi tiệc là buổi ăn tráng miệng. Buổi ăn Tây thường ăn đứng để tiện cho mọi người di chuyển, bắt chuyện làm quen trong buổi ăn, không tạo không gian cứng nhắc, cố định như bữa tiệc ăn ngồi theo bàn. 

Sau đó mọi người vào phòng nghe một số sinh viên đến từ một nước giới thiệu về đất nước của mình, những đất nước xa xôi với những điều thật khác lạ từ cảnh vật, trang phục, cách ăn uống... Một lần nữa mình lại thấy, sự khác biệt tồn tại khắp nơi, tìm hiểu, tiếp cận nó và chấp nhận nó là một hành trình thú vị để khám phá thế giới muôn màu này. 

Những tiết mục văn nghệ biểu diễn hôm đó đều để lại trong mình một cảm xúc riêng :
(1) tiết mục múa của hai cô bé dễ thương, tuy điệu múa đơn giản, các cô bé múa không quá xuất sắc nhưng nhìn thấy trong đôi chân hai cô bé và ánh mắt ấy là cả trái tim nhảy múa trong đó. 

(2) Tiết mục khác là của một cô lớn tuổi hơn, cô đến từ nước nào mình quên mất rồi, trước khi múa cô ấy giới thiệu vài câu thôi mà sao cái giọng của cô mình nghe có chất gì « thiêng-lạ » lắm ấy. Giống cái cảm giác khi mình nghe những người kể chuyện trong một lần đi thăm động tại Grenoble mà tuần trước đó mình được nghe. Cái giọng thiêng lạ đó như thể đưa mình về một không gian xa xưa nào đó vậy. Cô ấy rất muốn nhảy một điệu múa trong ngày hôm ấy để bày tỏ tình cảm của mình với những hoạt động ý nghĩa của Hội. Mặc dù, Cô ấy không tìm được một bộ váy múa phù hợp và chân cô ấy đang phải bị bó cố định, nhưng Cô ấy vẫn quyết định múa như đã định. Lấy tấm khăn van màu trắng vắt qua lưng, Cô ấy múa say mê theo điệu nhạc. Thân hình Cô ấy hơi quá khổ, lại thấp, lại không có váy đẹp, không trang điểm, không giày….Nhưng những đông tác múa thì khá uyển chuyển, và một lần nữa mình lại thấy ánh sáng ấy, một tâm hồn nhảy múa, một trái tim đang nhảy múa trước mặt dù cho thiếu thốn đủ thứ. Mình vẫn nhận được thông điệp tuyệt vời mà cô ấy muốn gửi gắm. Hãy để cơ thể được tự do nhảy múa theo trái tìm, đừng để những ngoại cảnh ảnh hưởng đến niềm vui sống. 

(3) Một chàng trai iran cùng chiếc đàn đặc biệt hát bài hát mà anh ấy tự sáng tác để tặng cho bà Régine. Chẳng hiểu bài hát nói gì nhưng những giai điệu huyền hoặc ấy lại đưa mình tới những xúc cảm xa lạ mà lần đầu mình được biết. 

(4) Hai nam sinh viên Việt Nam cũng vừa đàn vừa hát hai bài, một bài Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây và một bài tiếng Pháp. Riêng chọn bài hát về chiến tranh để hát trong buổi chia tay này, cá nhân mình thấy có chút gì đó không khớp lắm. Cá nhân mình nghĩ cả thế giới chỉ biết đến Việt Nam là đất nước triền miên trong chiến tranh, nó như trở thành « đặc sản, thương hiệu » của Việt Nam rồi, nhưng đã đến lúc cần hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần giới thiệu cho thế giới thấy Việt Nam có vô số những « đặc sản » mới. Bài hát thứ 2 hai bạn hát bằng tiếng Pháp không tốt lắm chắc tại hai bạn ngẫu hứng chọn và chưa có thời gian tập trước. Nhưng mình lại đánh giá rất cao bài hát tiếng Pháp ấy, mình nhận thấy có điểm gì rất chung với hai tiết mục múa trước. Hai bạn đã cho thấy sự ngẫu hứng, tự tin của mình, nghe theo ngẫu hứng của con tim để đàn, để hát trước những người Pháp mà không lo sợ. Mình đã thấy ở tiết mục ấy một tinh thần rất Tây !!!!

Sau đó, mọi người lần lượt tặng quà cho bà Régine, những tấm thiệp, sổ lưu niệm, ipad….Và có bác còn phổ lời hẳn một bài nhạc để tất cả mọi người cùng hát tặng tạm biệt bà Régine. Mọi người không ngừng nói những lời tử tế, cảm ơn nhau, trân trọng những cống hiến cá nhân của người khác. Kết thúc Bà Régine phát biểu lời sau cuối. Điều nhớ nhất trong bài phát biểu ấy, là bà yêu cầu mọi người giành ra phải phút yên lặng để tưởng nhở đến một bác cũng làm tình nguyện viện ở hội nhưng mất cách đây 3 năm, cũng như gửi lời cảm ơn đến những cá nhân đã đóng góp cho hoạt động của hội. Hàng trăm người im lặng. Không gian lặng thinh. 

Có lẽ cái khó nhất của một đám đông là tạo nên một không gian im lặng tập thể. Những tưởng để đám đông thấu hiểu nhau phải nói thật nhiều, nhưng không gian im lặng đó lại cho thấy một sức mạnh thấu hiểu đặc biệt. 
  

vendredi 13 juin 2014

Thoát Trung hay Thoát Ta ?



Hôm trước đọc một số bài Thoát Trung để Phát triển đất nước mình thấy rất thú vị. Suy nghĩ mãi về câu hỏi, nhưng Thoát Trung là thoát cái gì ?

Trung thực mà nói đến 60-70% người Việt là giống người Trung Quốc, nguyên nhân là do lịch sử mà ra. Như vậy nếu Thoát Trung có nghĩa là người Việt sẽ can đảm từ bỏ đi 60-70% những đặc tính vốn xem là của mình một cách vô thức hay cố ý, và đi tìm 60-70% các đặc tính mới từ các dân tộc khác để học hỏi và biến thành cái của mình. Cái này không dễ vì nó sẽ gây là một cuộc khủng hoảng tạm thời về “nhận diện-identification” của người Việt.

Để tránh sự khủng hoảng này, cần xác định mục đích sống của người Việt là gì, rồi bước tiếp theo là can đảm từ bỏ và xây dựng cho mình những đặc tính phù hợp để đạt được mục tiêu đó. 
Đặt câu hỏi to tát vậy, nhưng mình sẽ chỉ giải quyết câu hỏi này ở mức độ cá nhân của riêng mình thôi.

Nhiều người cho rằng muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ trên xuống tức từ những người có chức quyền hay luật, thiết chế trước rồi cá nhân mới thay đổi. Còn mình lại ủng hộ xu hướng của Phật Giáo là cần thay đổi từ chính mình trước, thay đổi từ dưới lên, thay đổi tiểu vũ trụ trong mình trước khi muốn thay đổi thế giới. Mỗi người tự thay đổi, và khi sự thay đổi về lượng đủ lớn, tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất, về bản chất như hệ thống, bộ máy, thiết chế chính trị.  

Mục tiêu sống của mình là đi tìm cách sống đạt được hạnh phúc dung hòa giữa đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần trong hiện tại và tương lai.

Có một bí mật của cuộc sống mà mình ngộ ra khi đọc quyển “Thuật giả kim” là Tất cả chỉ là một. Thực ra chỉ có con người với cái đầu ốc rối lắm hay ngây ngô tự đặt tên rồi định nghĩa này nó, chứ bản chất mọi thứ đều có sự liên hệ mật thiết với nhau và trỗn lẫn trong nhau. Cũng giống như khi ném quả banh vào tường, theo định luật vật lý thì nếu mình tác dụng vào tường một lực thì tường cũng tự nhiên trả lại một lực tương ứng gọi là phản lực. Hay áp dụng trong trường hợp này thì vật chất hay tinh thần cũng chỉ là một.

Khi bạn mua một ngôi nhà, bạn không trang hoàng, yêu quý nó như một vật thể mang lại những giá trị tinh thần như tình yêu, hơi ấm, sự an bình thì riêng ngôi nhà (vật chất) không mang đến hạnh phúc. Hay ngược lại bạn chỉ có tình yêu, lòng bao dung nhưng lại nghèo xơ, nghèo xác, không kiếm được ngôi nhà ra hồn thì cũng không có điều kiện để cảm nhận cái bình yên thật sự.

Vậy làm sao để có được nhiều vật chất và tinh thần ?
Để có nhiều vật chất thì bạn phải có nhiều tiền. Vì vậy hãy coi trọng đồng tiền, tìm hiểu về cách kiếm tiền và tiêu tiền. Cái này chỉ cần đọc vài quyển sách người Nhật, người Do Thái dạy con cách làm giàu, cách quản lý tiền sẽ có khổi bài học hay ho. Tuy nhiên, mình chỉ bổ sung thêm một đặc điểm đặc trưng của người Việt đó là: dùng quá nhiều tiền cho người chết và vì thế còn rất ít tiền để chi tiêu cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Hãy tự thống kê xem một năm bạn giành bao nhiều tiền để lo chuyện thờ cúng, xây lăng tẩm, đốt vàng mã, xây tượng đài…trong khi bạn lại không đủ tiền để mua quyển sách hay, để du lịch một mình hay cùng gia đình, bạn bè đâu đó, để xây dựng nhà cửa, khu vườn, công viên, bệnh viện…Nhìn vào cuộc sống của bố mẹ tôi, họ làm quần quật mà vẫn không đủ tiền để lo đủ thứ nghi lễ cho người đã chết còn cuộc sống của họ thì không được tận hưởng, trải niệm những điều mới mẻ như đi du lich, tham gia các hoạt động văn hóa nhiều….Tôi vẫn nghĩ con người chết đi không biến mất hoàn toàn, sự tồn tại vẫn tiếp diễn nhưng dưới một dạng khác. Nhưng hành trình tồn tại đó giống như một hành trình thời gian, bạn chỉ có tiến chứ không thể đứng lại hay quay lại quá khứ. Vì vậy việc người còn sống sống khốn khó hơn vì lo cho người chết là không đáng. Vì bản thân người chết không hưởng được. Và mỗi người chỉ có thể tự  giúp mình mà thôi. Nên nhiệm vụ của người sống là tập trung xây dựng cuộc sống hiện tại đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần, đồng thời kéo dài sự sống đó càng lâu càng tốt.

Tôi đang dần thay đổi quan niệm, có lẽ tương lai tôi sẽ thuyết phục bố mẹ, gia đình sẽ tối giản tới mức tối đa các nghi thức tốn kém cho người đã khuất. Tôi muốn nếu bố mẹ tôi có mất đi, tôi sẽ giữ hình ảnh họ thân thường bên giường hay một gốc thật dễ thương với đầy ắp các kỉ vật về họ, thay vì đặt họ lên một nơi thiêng liêng nào đó. Tôi sẽ giành số tiền lo thờ cúng họ để tổ chức chuyến du lịch cho cả gia đình, và kể cho con tôi nghe về ông bà của họ thay vì xây lặng mộ cho họ thật to và rộng. Nếu có tổ chức cúng kị, tôi sẽ gom tất cả những người đã khuất và tổ chức 1 lần vào một ngày trong năm thay vì dàn trải trong năm. Và nếu tôi chết đi, tôi sẽ dạn con tôi, sử dụng xác tôi để hiến tạng cho y khoa vì chỉ cần một người hiến tạng như thế là cứu sống được 4 người cần ghép tạng (1 quả tim, 2 quả thận và 1 quả gan) hay không thì hỏa thiêu làm phân bón cho cây cối. Bởi khi chết đi, tôi tìn cái tinh thần, linh hồn sẽ rời cái thể xác tạm bợ này. Nếu thế thì xây mồ mả cho cái xác của tôi liệu có cần thiết ?

Hành trình thực sự là hành trình giúp bạn thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy là cánh cửa để thay đổi hành động. Thay đổi hành động là cánh cửa kéo dài sự sống và tăng niềm hạnh phúc thực sự. 

"Tư duy như cái nhảy dù. Nó không thể hoạt động nếu nó không được cởi mở."  



Hệ thống Y tế Pháp: bài học nào cho Việt Nam ?



Mấy bữa nay thấy dân tình có vẻ ném đá các Bộ trưởng nhiều quá, trong đó có Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Hôm nay giành chút thời gian để thanh minh cho bà bộ trưởng. Mình đã từng viết trong các bài trước quan điểm cá nhân của mình là : lỗi xảy ra không phải là lỗi cá nhân mà là lỗi hệ thống, tức nó có nhiều nguyên nhân xa, gần khác nhau. Khi lỗi xãy ra, cách tiếp cạnh khoa học là phân tích lỗi, tìm nguyên nhân có tính hệ thống và đề ra các giải pháp hệ thống. Còn việc đổ lỗi cá nhân cho một người hay thay một người, liệu có tác dụng khi guồng máy vận hành vẫn thế.

Hãy nhìn ra xem thế giới họ làm thế nào, rồi học hỏi và áp dụng. Hãy đi tìm giải pháp, gạch đá ném nhau đã quá nhiều rồi. Hôm nay mình xin giới thiệu một chút về Bộ máy tổ chức y tế của Pháp theo như hiểu biết của mình.

Hiện tại Bộ trưởng Y tế Pháp là bà Marisol Touraine.  Làm một cuộc ghé thăm các trang chính thống liên quan đến quản lý y tế Pháp sẽ nhận thấy. 

1.       Về cấu trúc tổ chức : Bộ Y tế Pháp ( đưa ra các chính sách, chiến lược chính còn phân quyền cho HAS tại trung ương và các ARS tại các vùng địa phương để cùng quản lý. Xu hướng ở Pháp là dần dần giao quyền nhiều cho các địa phương. Ngoài ra Bộ y tế còn được sự hổ trợ  chuyên sâu từ rất nhiều các tổ chức công riêng như quản lý về thuốc có ANSM (http://ansm.sante.fr/), nghiên cứu có DREES…Ngoài ra, còn vô số các hội nghề nghiệp của bác sĩ, dược sĩ, y tá, bệnh nhân, các trường đều là những hội hoạt động hiệu quá, và có tiếng nói riêng. 

2.       Trên trang web của Bộ Y tế Pháp (http://www.sante.gouv.fr/) rất nhiều thông tin chuyên môn thay vì trang web của Bộ Y tế Việt Nam lại hơi nhiều thông tin điểm tin, điểm báo mà lại ít thông tin chuyên môn (http://www.moh.gov.vn/pages/home.aspx).
Trên trang này có các thông tin liên quan :
-          Các chiến lược quốc gia hàng năm ít nhưng làm có trọng điểm : năm 2014 tập trung 3 cái chính : (1) phòng bệnh (2) tối ưu tổ chức chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế, (3) tăng quyền của bệnh nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
-          Các chiến dịch : như kêu gọi hiến tạng, hiến tủy, giảm tiêu thụ rượu, thuốc lá, tăng vận động, dùng thuốc tránh thai…. Các chiến dịch phòng bệnh được ưu tiên.
-          Các luật, quy định

-          Thông cáo báo chí
-          Thông tin về tuyển nhân sự y tế trong hệ thống công lập : ở Pháp việc tuyển các nhân sự y tế được đăng công khai ở tầm quốc gia và tổ chức xét tuyển cấp quốc gia. Ngoài ra còn có mục riêng giới thiệu tất cả các ngành nghề cụ thể trong cơ sở y tế với gần 100 nghề các nhau liên quan đến quản lý, hành chính, quản lý chất lượng ; đội ngũ chuyên môn y dược, đội ngủ kĩ thuật –tin học, đội ngũ giáo dục……(http://www.sante.gouv.fr/metiers-de-la-sante.html)
-          Công khai chất lượng bệnh viện : người dân có thể tra cứu về chất lượng của bất kì dịch vụ y tế nào hay bệnh viện nào do Bộ Y tế đánh giá theo các tiêu chuẩn cụ thể và so sánh với các cơ sở khác trên cả nước để giúp bệnh nhân có quyền chọn lựa dịch vụ chất lượng. Đồng thời tạo sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở y tế. (http://www.sante.gouv.fr/qualite-des-hopitaux-et-des-cliniques-je-m-informe-je-choisis.html)
-          Tăng quyền của bệnh nhân : mục này cung cấp tất cả những thông tin liên quan đến quyền của bệnh nhân cho bệnh nhân được rõ cũng như cho các cán bộ y tế để thực hiện như quyền được tiếp cận dịch vụ y tế, quyền được thông báo đầy đủ các thông tin liên quan đến điều trị, quyền được tự do lựa chọn phương pháp điều trị, quyền được bồi hoàn khi bị cơ sở y tế làm sai, quyền được chăm sóc nhân đạo vào giai đoạn cuối đối với các bệnh nặng…(http://www.sante.gouv.fr/espace-droits-des-usagers,1095.html)
-          Mục riêng giành cho các cán bộ y tế góp tiếng nói trực tiếp đối với các chính sách liên quan đến y tế.(http://www.sante.gouv.fr/conference-nationale-de-sante-c-n-s.html)

Một chế độ dân chủ mà một chế độ mà mỗi người dân đều có tiếng nói tích cực góp phần hoàn thiện hệ thống. 
Một chế độ dân chủ không thể có nếu tất cả mọi tội lỗi đều quy kết cho một người. 
Một chế độ dân chủ là một chế độ đi tìm giải pháp có tính hệ thống, toàn diện. 
Một chế độ dân chủ nếu áp dụng đúng đắn thì trong bất cứ môi trường nào nó cũng góp phần hoàn thiện bộ máy tổ chức và hướng tới tối ưu kết quả. 
Một chế độ dân chủ là một chế độ mà mỗi người dân phải tự học cách làm chủ, học cách cùng chung tay xây dựng thay vì học cách làm người dưng để ném đá.
Thay đổi cách thức tổ chức, phương pháp làm việc mới là chìa khóa giải quyết vấn đề. Chứ không phải là đổ lỗi cá nhân.

mercredi 4 juin 2014

Bạn muốn mình thành một chiến sĩ tử trận hay một chiến sĩ thầm lặng ?



Buổi sáng mình đã cảm động đến gần rướm nước mắt khi chứng kiến cảnh đội ngủ y tế ở Grenoble, Pháp chăm sóc bệnh nhân. Mình bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện Grenoble từ thứ 2 trong khoa Huyết học – Ung thư. Là nơi có khá nhiều bệnh nặng, đặc biệt là bệnh ung thư máu. Mình cứ tưởng ở nơi đây chắc sẽ tang thương lắm chứ vì toàn là những bệnh nhân chờ chết mà. Nhưng không. Điều mình thấy mà hoàn toàn trái ngược.

Về điều trị: Bệnh nhân bị ung thư được điều trị hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh các thuốc tốt và đắt tiền, bệnh nhân còn có cơ hội ghép tủy cao vì Pháp có nhiều hội tình nguyện kêu gọi hiến tủy tự nguyện. Bệnh nhân ngoài điều trị bằng thuốc, còn có các bác sĩ chuyên về vận động, về tâm lý-tâm thần đến cùng hỗ trợ điều trị toàn diện cho bệnh nhân. Trong phòng thường chỉ có 1-2 bệnh nhân mà thôi, có cả máy tập vận động cho bệnh nhân trong phòng.

Về thăm khám, chăm sóc bởi đội ngũ y tế thì quá tuyệt vời : buổi sáng là bác sĩ cùng Dược sĩ, sinh viên y dược đi thăm khám bệnh nhân. Trước khi vào khám từng bệnh nhân, bác sĩ chính đặt câu hỏi, thỏa luận rất nhiều với SV để đảm bảo SV nắm chắc về chẩn đoán, điều trị. Thời gian này thường 20-30 phút trong khi thời gian hỏi han bệnh nhân chỉ khoảng 5-10 phút. Nhìn cái cách bác sĩ thăm khám bệnh nhân thì khỏi phải chê. Nhã nhặn, tận tâm và tất cả các điều trị đều được bác sĩ cố gắng giải thích lợi hại, quy trình cho bệnh nhân để bệnh nhân hiểu về bệnh, các lựa chọn điều trị và cùng quyết định với bác sĩ.

Về áp dụng công nghệ thông tin trong bệnh viên : các hồ sơ bệnh nhân ngoài bản giấy, đều được lưu bằng hồ sơ điện tử trong máy tính, nhờ thế mà bác sĩ chỉ cần đẩy cái máy tính laptop trên một cái xe đẩy để đi thăm khám bệnh nhân. Cũng nhờ hồ sơ điện tử thế mà tất cả các cán bộ y tế khác như y tá, dược sĩ đều có thể truy cập thông tin từ xa.

Về vệ sinh, tiệt khuẩn, chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện : động tác rửa tay bằng cồn tiệt khuẩn có lẽ là cái động tác làm thường xuyên nhất. Chỉ từ 9h đến 12h mà có lẽ mình phải rửa tay không dưới 30 lần. Cứ trước khi vào và sau khi rời phòng bệnh nhân là rửa tay, hoặc bất cứ khi nào cảm thấy chưa yên tâm. Có những phòng vô khuẩn giành cho bệnh nhân nặng, chỉ cho phép tối đa 3 người vào thăm khám 1 lần và phải mang áo quần, khẩu trang bảo hộ.

Các thiết kế khác của bệnh viện : tay vịn dọc lối đi cho bệnh nhân, công viên trong khuôn viên bệnh viện, chế độ ăn của bệnh nhân được bệnh viện phục vụ tại chỗ đến từng phòng cho bệnh nhân….Mình nhớ có lần ông giáo thăm bệnh viên Trường đại học Huế điều trị bệnh nhân đái tháo đường đã hỏi: thế bệnh viện không kiểm soát chế độ ăn cho bệnh nhân thì làm sao điều trị bệnh đường huyết!

Về bệnh nhân : thật kì lạ là khoa lâm sàng có gần 20 bệnh nhân bị bệnh nặng thế mà thấy chỉ có 3 bệnh nhân có vẻ không hạnh phúc và tâm trạng không được ổn. Còn lại các bệnh nhân khác rất vui vẽ. Vật không thể thiếu bên giường bệnh nhân không phải là thuốc mà là những quyển sách dày cộm, trên tường là dán những bức ảnh về người thân, gia đình. Dù bị ung thư máu và việc nhập viện  và thường xuyên, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn giữ nếp sống bình thường. Ở Pháp có dịch vụ "Bệnh viện 1 ngày", tức giành cho bệnh nhân đến bệnh viện để nằm từ sáng đến chiều là xuất viện được. Thường dịch vụ này thường dành cho bệnh nhân bị bệnh mãn tính và phải hay lui tới bệnh viện để truyền dịch. Đối với bệnh nhân, dường như họ xem vài ngày ở bệnh viên như ở khách sạn hay nhà nghỉ, vì họ được truyền thuốc, được chăm sóc tận tình, được tư vấn, và sau đó họ lại rời bệnh viện để trở về với cuộc sống để được làm việc, để được đi bơi, vận động, đi du lịch…Dù cái án bệnh ung thư máu với tiên lượng sống trên 5 năm không cao, nhưng thấy họ vẫn yêu đời chán. Bác sĩ còn kể cho tụi mình nghe một đồng nghiệp là bác sĩ cũng bị bệnh ung thư máu, nhưng chỉ ở lại bệnh viện vài giờ để truyền hóa chất, còn buổi chiều vẫn trở lại phòng khám của mình để khám bệnh cho bệnh nhân. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bạn làm những điều ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình và cho người khác chừng nào bạn còn hít thở. Có lẽ họ biết vậy nên họ vẫn ham sống và ham làm việc, vận động.

Buổi chiều, mình lại một lần nữa rướm nước mắt khi lần đầu tiên xem video về vụ Thiên An Môn tại Trung Quốc (http://hieuminh.org/2014/06/04/25-nam-thien-an-mon-trung-quoc-co-manh/). Những con người hoàn toàn khỏe mạnh lại tự tìm đến cái chết. Tôi không biết ai đúng, ai sai trong cái video đó, tôi chỉ biết rằng mọi cái chết cá nhân đều vô nghĩa giống nhau. Bạn không thể hi sinh mạng sống của mình vì một điều gì đó. Bạn có thể thay đổi tư duy, thay đổi hành động nhưng chỉ có bạn là đấng cứu rỗi, cứu thế của chính bạn. Tôi không nghĩ cái sứ mạng cao quý của đời người là giải phóng loài người mà là TỰ GIẢI PHÓNG CHÍNH MÌNH bởi tất cả mọi định kiến mà thôi. Cuộc sống này quá đẹp, có quá nhiều điều nhỏ bé có thể làm cho người thân, gia đình và những người không quen biết, những vật không quen biết, vũ trụ này còn quá nhiều điều bí ẩn cần khám phá và một đời người 100 năm là quá ngắn ngủi để tìm lời giải đáp cho ý nghĩa của cuộc sống này. Chính vì vậy, đừng bao giờ TỰ DẪN MÌNH ĐẾN CÁI CHẾT. Những cái chết « oanh liệt » thường là hậu quả của một phút bồng bột, máu nóng tức thời, thỏa mãn cái chí khí « nam nhi, bậc quân tử » tức thời, nhưng làm người « chiến sĩ thầm lặng » và chiến đấu để nhân rộng những điều tốt đẹp mỗi phút, mỗi giây, mỗi ngày, cái « chiến trường » thầm lặng đó, không có bia đá ghi công, mà chỉ có cái tâm của từng người tự ghi khắc. Đó mới là một cuốc chiến đích thực !

PS/ Mình đã rất muốn chụp ảnh rõ mặt các bác sĩ, sinh viên Pháp sáng nay nhưng mình đành lén chụp bởi dân Pháp hay dân châu Âu rất « ghét » chụp ảnh cá nhân như thế. Bởi họ đang làm việc mà. Họ không muốn ghi tên, ghi dân.



QUYẾT SỐNG CHO TỔ QUỐC HÒA BÌNH - NHƯNG SỐNG THẾ NÀO ? MỖI NGƯỜI PHẢI TỰ TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO MÌNH  

Với cá nhân tôi, hiện tại chỉ biết tâm niệm:
- Cứ thấy người giỏi là học hỏi, thấy cái tốt thì khen, chia sẻ và áp dụng
- Cứ thấy người biết mà không dám nói thì tránh xa vì đó là hạng tiểu nhân nhất mà tôi biết
-  Cứ thấy cái tiêu cực, không hay là tôi cố gắng tìm nguyên nhân tổng thể, hệ thống thay vì đổ lỗi cá nhân và cố gắng tìm giải pháp thay vì chỉ biết than phiền