lundi 27 octobre 2014

Giới thiệu sách: Cho đất nước đi lên, Quyền lực của kẻ không quyền lực

Cuối tuần cũng ngẫu nghiến xong hai cuốn sách hay
Quyển đầu tiên "Cho đất nước đi lên" của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, quyển sách ghi lại tất cả các bài nói chuyện của Thầy trong chuyến về thăm VN sau 40 xa cách. Thiền sư là một trong ba nhà hoạt động tôn giáo tiêu biểu nhất của thế kỉ 20, từng viết trên 100 quyển sách và dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Hồi về Làng Mai minh đã thấy điều đó nhưng trong quyển sách qua những gì Thầy nói mình cảm nhận rõ hơn: phần lớn người Tây đến Lang Mai, Pháp là người trẻ và đều là tri thức, họ không đến đó tìm niềm tin tôn giáo mà thực sự với tâm lý muốn trải niệm, khám phá những cách sống, chiêm nghiệm cuộc sống mới...Và thường họ cũng là những người hoài nghi nhất, đặt câu hỏi nhiều nhất...nhưng chính họ cũng bị mê hoặc bởi những điều đơn giản nhưng hiệu nghiệm của triết lý sống của Bụt....Quyển sách như một tách trà thiền mà Thiền Sư mời người đọc cùng nhâm nhi, thả lỏng người thưởng thức, chiêm nghiệm....Tiêu đề quyển sách mình thấy hơi xa xôi, thực sự những bài nói của Thầy nhắm đầu tiên về "cho mỗi cá nhân đi lên" thì đúng hơn:)

Quyển sách thứ hai "

Quyền lực của kẻ không quyền lực" của Vaclav Havel. Biết đến quyển sách này là do một anh giới thiệu lâu rồi, nhưng tại cái tiêu đề là quyền lực, cái mình chúa ghét nhất nên tải lề lưu trong máy mà chẳng bao giờ muốn đọc nó. Nhưng như một sự tò mò, đồng thời thách thức chính mình, muốn trải niệm xem hành trình tư duy, cảm xúc từ khi uống một ly trà thiền sang "uống môt ly trà giải độc" nó thế nào. Và quả đúng, quyển sách là ly trà giải độc hiệu nghiệm. Quyến sách đưa ra cách lý giải dễ hiểu về sự vận hàng của hệ thống, chất bôi trơn và bánh xe. Con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của hệ thống đó, và chính con người cũng sẽ là động lực duy nhất có thể thoát ra được hệ thống vận hàng tự động đó. Tuy nhiên, tác giả đề nghị một giả thuyết tưởng chừng như sẽ rất mâu thuẩn "quyền lực mạnh nhất là quyền lực của những kẻ không quyền lực "?

Quyển 1: http://thuvienhoasen.org/images/file/_pgQvp1G0QgQAAl0/cho-dat-nuoc-di-len.pdf
Quyển 2: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnnn2n0n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

mardi 21 octobre 2014

Em



Em đã đi cho thỏa con mắt tò mò
Em đã thấy có bao điều khác biệt
Em đã lang thang trên miền đất hứa của tự do
Em đã về với bao nhọc nhằn suy nghĩ

Em đã thơ thẩn nghĩ về ngục tù trong tư tưởng
Em đã muốn sẻ chia mọi điều, tất thảy
Em muốn nắm tay nhau đi, hát vang những lời nhân ái
Em muốn cúi xuống, vuốt tóc những mảnh đời bất hạnh

Em đã thương anh, người hiểu biết đúng sai mà không dám lên tiếng
Em đã thương em, yêu tự do, sự thật nhưng lại hèn
Em đã thương bao người, ngập ngụa trong những niềm vui nhỏ mà không thấy bóng tối cuối con đường
Em đã thương cho những linh hồn xưa cũ, những linh hồn sống vật vờ hôm nay, và những linh hồn sống vật vờ của ngày mai

Em cất dấu niềm tin ở nơi cao nhất
Em dõi theo ánh sáng ở mọi con đường
Em sẽ lang thang đội lốt làm con rối giữa kịch đời để được phẩm bình khôn dại
Em sẽ yêu anh, yêu em, yêu tự do và yêu chính con đường em đang đi, một mình, không run sợ

Em sẽ về, mỗi tối, yên an cùng giấc ngủ không mộng mị
Em sẽ cười cho tất cả những ngổn ngang, ngịch lý giữa đời thường
Em sẽ ngủ vùi, ngủ sâu vào một ngày nắng đẹp
Em sẽ tìm anh, lảnh quách ảnh hiện giữa thinh không mỉm cười tươi gọi...hồn em





lundi 20 octobre 2014

Ai là Người Cộng sự của Phan Bội Châu ?



Trước khi qua Pháp, tình cờ xem bộ phim "Người cộng sự" được hợp tác làm bởi Hãng phim của Nhật và Việt Nam nhân kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật. Câu chuyện kể về tình bạn cao đẹp của Phan Bội Châu với một bác sĩ người Nhật. Vị bác sĩ người Nhật này vừa là ân nhân cứu mạng PBC khi PBC vượt thuyền sang Nhật "du học", đồng thời là người luôn hỗ trợ PBC tiếp cạnh với giới tri thức, chính quyền Nhật, và cũng ủng hộ về mặt vật chất như chổ ở, tiền...
Cảm động nhất là những cảnh quay về ông bác sĩ người Nhật này, ông quý PBC đến nổi dù bản thân ông bị học máu (hình như ông bị ung thư) nhưng ông ấy vẫn luôn lo lắng và đi tìm gặp để trao cho PBC một số tiền để tự lo trốn thoát khi chính quyền Nhật truy đuổi PBC. Và giờ nhớ lại, hồi đó PBC đã dùng toàn bộ số tiền để mua một thuyền sách để vận chuyển về Việt Nam, nhưng rồi số phận không may, bị phát hiện và toàn bộ sách đã bị đốt cháy. Ở cái thời đó, PBC đã hiểu rõ đâu là "vũ khí thực sự" giúp cho dân tộc.

Mình cũng nghe đâu đó câu chuyện, một trong những lý do giúp Trung Quốc mạnh như hôm nay là những "thuyền sách" được vận chuyển từ nước ngoài về. Nghe bảo, Trung Quốc kêu gọi những người Trung Quốc thành danh trên khắp thế giới trở về quê hương để làm việc và được hậu đãi rất lớn. Có một ông giáo sư người Trung Quốc là giáo sư danh tiếng của một trường đại học của Mỹ, đã chấp nhận lời đề nghị này, và sau về Trung Quốc ông ấy không quên mang về đúng nghĩa một "thuyền sách" cùng ông ấy về Trung Quốc. Và người phương Tây cũng không còn lạ kể về câu chuyện các sinh viên hay người Trung Quốc khi đi thăm các labo, viện nghiên cứu, xí nghiệp... phương Tây, rất nhiều trong số họ đều lăm le coppy đầy cứng USB các dữ liệu bí mật của nơi đó để tuồn về Trung Quốc.

Hay như chuyện kể về dân Do Thái, họ cũng đã rất biết truyền thông tin, kiến thức cho nhau. Tại các quầy rượu chẳng hạn, họ có một quyển sách ghi chú chung, tất cả mọi người đều có thể ghi lại nhưng điều hay ho, kinh nghiệm, hay trải niệm của mình muốn chia sẻ cho người sau, họ ghi vào đó để những người khác được biết.
....
Khi nào thì người Việt Nam biết chở những thuyền sách từ mọi nơi về làm giàu cho kho sách Việt Nam ? Khi nào thì trong cuộc nói chuyện hàng ngày giữa những người Việt Nam sẽ bàn nhiều hơn về các quyển sách đã đọc thay vì bàn về "ngôi sao nào vừa bị lộ nội y" ? Khi nào thì nhiều người dân hơn muốn làm "người cộng sự " của PBC ?

Nghe bảo hôm nay là ngày kỉ niệm ngày mất của Tướng Giáp, nhưng cuộc sống hiện tại và tương lai có quá nhiều đáng phải trăn trở, cần đọc, thảo luận và tìm ra giải pháp nên mình không có cảm xúc về sự kiện đó. Mọi người hay quá hồi tưởng quá khứ và thần tượng thái quá ai đó! Ngày tướng Giáp mất, triệu người hụt hẫng, và họ cũng còn hụt hẩng đến tận bây giờ! Họ sợ rằng thế là người cuối cùng của một thế hệ vàng son, son sắt với đất nước đã ra đi! Họ hoang mang liệu thế hệ hiện tại và tương lai có đủ bản lĩnh để "vàng son" và "son sắt" như vậy. Nhưng mình thì có vẻ bình an về chuyện đó. Ai cũng đến rồi đi. Thế hệ đó đã đóng một vai trò không thể thiếu trong lịch sử, vai trò của họ là không thể phủ nhận. Nhưng cuộc sống hôm nay lại có quá nhiều những vấn đề mới, và cần những thế hệ mới, với đầu óc cởi mở hơn, sâu sắc hơn, bản lĩnh, tự tin hơn để tìm ra giải pháp mới. Chính những thế hệ hôm nay phải tự giải quyết vấn đề của hiện tại. Mình vẫn có linh tính là nếu tìm đọc được các quyển sách về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) thì sẽ tốt hơn nhiều khi đọc sách về các vị Tướng. Bởi có lẽ mình thích cầm bút hơn cầm súng.

Tuy nhiên, đặt câu hỏi để sống sâu sắc hơn xí xí, nhưng mình vẫn rất cảnh giác bản thân trước mọi "tiếng nói trái chiều"...Mình cũng đọc một số trang "trái chiều đó" để có những góc nhìn khác nhau, nhưng có một điều dễ nhận ra là bản thân những lời họ viết chất đầy tư tưởng cục bộ, căm ghét, hận thù, bi quan, không văn minh...Qua cách họ nói, họ viết, mình lại còn sợ hơn nếu giả sử chính họ lên nắm chính quyền...Bởi suy cho cùng, những con người luôn được nuôi dưỡng bằng những ý nghĩ tiêu cực, cục bộ vậy thì khi gió thổi thuận chiều, họ cũng chẳng thể làm tốt hơn...Mọi người có thể chưa biết, chưa cởi mở thì cũng có những lí do chủ quan, khách quan của họ. Những gì anh nói không chỉ đòi hỏi đúng hay không, mà nó còn đòi hỏi có tình người hay không!

Người ta cũng gán ghép cho cái từ "..." bao nhiêu là xấu xa, và áp đặt lên cho một hệ thống gồm rất nhiều người, mà lại quên đi phần quan trọng nhất là "phần người" của họ...."..." chỉ là một danh từ, tính từ, là "cách suy nghĩ" của nhiều người; nhưng liệu có nên đồng nhất nó với "con người" ? Nếu dân chủ thực sự, vì cũng phải tôn trọng họ như một sự tồn tại, một sản phẩm của chính con người. Còn sản phẩm đó có được xã hội chấp nhận, đánh giá cao hay không thì cùng với thời gian, dân trí tăng nó sẽ nhận sự đánh giá đúng với những gì nó đáng được nhận... Chu kì sống của sản phẩm là tất yếu...

Suy cho cùng, gốc của mọi vấn đề là do lòng tham, sân, si tạo ra. Hệ thống tốt thì giúp cho tham, sân, si của cá nhân dễ kiềm chế hơn. Nhưng hệ thống kiểm soát tốt nhất lại nằm chính ở mỗi con người.
Một người hoàn toàn có thể cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn ở giây phút hiện tại và ngay tại đây. Mình không tin là giả sử 10-20 năm sau với chất lượng cuộc sống tốt hơn, được sống trong một hệ thống mới tốt hơn, mình sẽ hạnh phúc hơn. Bởi cuộc sống luôn biết cách đặt ra cho mỗi người những bài toán mới khó hơn sau khi họ đã giải một bài toán dễ hơn. Cũng như sau gần 3 năm sống tại Pháp, mình đã thấy có những người theo cách nhìn của mình họ có đủ điều kiện vật chất, tình cảm để cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn, nhưng không hiểu sao, trái tim họ lại đầy tổn thương. Nếu đứng trước Thượng đế (nếu ông ấy có tồn tại), họ và mình hoàn toàn bình đẳng nhau, bình đẳng ở nhu cầu được yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng, suy tư về cuộc sống...

Nếu đã coi cuộc sống là cuộc đua thì bạn sẽ luôn phải chạy và chẳng bao giờ có thời gian để dừng lại ngắm hoa và chiêm nghiệm.
Nếu đã coi bạn luôn có một điều gì đó để đấu tranh, có ai đó cần phải triệt hạ, thì bạn sẽ quên cuộc đấu tranh với chính mình, và triệt hạ những góc khuất của chính mình. 
Nếu bạn tin sau khi đạt được điều gì đó mới giúp bạn hạnh phúc hơn, thì ngay sau khi đạt được điều đó, niềm vui sẽ qua mau, bạn hụt hẫng và bạn sẽ luôn biết cách đặt ra những điều kiện mới để bạn được hạnh phúc; mà quên mất rằng chính hành trình bạn đi chứ không phải đích bạn đến mới là món quà quý giá nhất


Có một câu chuyện thế này: Một ngày Thượng đế kêu gọi mọi người lại cùng bàn luận nên dấu "Thiên đường" ở đâu để loài người không thể nhận ra. Người thì nói dấu trên núi cao, người thì nói dưới biển sâu....Nhưng rồi có một người rất thông minh lại đề nghị là hãy dấu vào trong chính bản thân con người. Vì đó là nơi bất ngờ và an toàn nhất. Con người sẽ mãi mê đi tìm thiên đường ở mọi nơi mà quên mất rằng chính họ nắm giữ chìa khóa của nó. 



Phim "Người cộng sự": http://www.tbs.co.jp/partner_vtv/highlight/

Phim hay về ngành y và Môn văn ?



 Để giết thời gian khi bay từ Mỹ về Pháp, lại tình cờ xem hai bộ phim về chủ đề ung thư rât hay. Một bộ phim tên là "Decoding Annie Parker". Bộ phim kể về một người phụ nữ tên là Anne Parker sau khi chứng kiến cái chết của mẹ và em gái do ung thư vú, bà bị ám ảnh là mình cũng sẽ bị ung thư vú, và quả thực vào một ngày xấu trời bà cũng bị chẩn đoán như vậy. Bộ phim tinh tế kể về những gì một bệnh nhân ung thứ vú phải chịu đựng từ điều trị hóa chất độc hại, sự mặc cảm vì mình không còn là một phụ nữ "hoàn chỉnh"...và lồng vào đó cũng kể về một giai đoạn mà khoa học đã tạo được bước đột phá trong quá trình "chiến đấu" với ung thư vú. Đó là nhờ một đội ngủ bác sĩ đã tìm ra mối liên hệ giữa gen di truyền và nguy cơ bị ung thư vú.

Một bộ phim thứ hai xuất sắc hơn nhiều và rất cảm động. Có thể đó là bộ phim làm tiêu tốn nước mắt của mình nhiều nhất cho đến giờ phút này. Bộ phim mang tên "The fault in our stars". Bộ phim kể về một chuyện tình cảm lãng mạn, diệu kì, xúc động, đầy nội lực giữa cô gái tên là Hazel 16 tuổi ung thư phổi tình cờ gặp một chàng trai tên là Augustus 17 tuổi bị ung thư xương trong một nhóm tương trợ xã hội gồm toàn những người trẻ bị ung thư. Từng cảnh quay, từng lời thoại là một lát cắt tâm lý sâu sắc lột tả thế giới nội tâm, tâm lý của những người trẻ bị ám ảnh bởi cái chết do bệnh ung thư mang lại. Để rồi vượt lên trên tất cả họ nhận ra đâu là giới hạn hữu hạn và đâu là sự bất diệt của sự tồn tại của con người.

Khi đang ngồi trên máy bay, các nhân viên hàng không Pháp, Mỹ cũng liên tiếp giới thiệu về chương trình quyên góp ủng hộ Hội nghiên cứu giúp điều trị ung thư, mọi người có thể ủng hộ trực tiếp với nhân viên trên máy bay, hay ở quầy lễ tân hay mua các sản phẩm nước uống đặc biệt bán trên máy bay. Những hãng máy bay nổi tiếng, giàu có họ cũng đang bắt tay cùng hổ trợ cuộc chạy không cân sức của con người với mối đe dọa ngày càng lớn của bệnh ung thư. Có lẽ cũng vì thế mà họ cố ý để một số phim về chủ đề ung thư trong danh sách phim để mọi người chọn xem bên cạnh cách phim giải trí đơn thuần khác.

Từ cảm xúc sau khi xem hai bộ phim cảm động này về vấn đề y khoa, mình xin lạm bàn qua chuyện có nên thêm môn văn vào tuyển sinh ngành y, dược ? hay làm thế nào để nâng cao năng lực thực hành đúng chuẩn nghề nghiệp, đạo đức trong ngành y, dược ?
- Mình không nghĩ là nên thêm môn văn vào kì thi đại học, vì :
 do thư nhât: bản thân ngành văn dạy ở bậc THPT trở xuống, phương pháp giảng dạy chưa hiệu quả, cách giảng dạy còn thụ động, gượng gạo, ép buộc. Mình đã thử xem một giáo trình dạy văn của Mỹ thì thấy cách dạy và tư duy của họ khác hẳn. Tức họ đã chuyển từ dạy văn đơn thuần sang dạy lồng ghép văn hóa, phân tích tâm lý, các kĩ năng phản biện của sinh viên khi học văn.... Sự chuyển đổi phương pháp này cũng đã được người Nhật áp dụng. Và đợi ngành văn bặc THPT thay đổi cách dạy, để không những hỗ trợ cho ngành y, dược và các ngành khác chắc còn một thời gian dài nữa. Cái này cần có các nhóm chuyên môn nghề văn bàn luận sâu và đề ra giải pháp họa may.


Lí do thứ hai: thay vì thêm môn văn vào kì thi đại học, nên bổ sung một số môn dạy về tâm lý, xã hội, hành vi của bệnh nhân cũng như nhân viên y tế trong chương trình đạo tạo đại học ngành y, dược. Mình thấy khung chương trình dược của Pháp, Mỹ đề có các môn này được dạy nhiều, kĩ, và rất sớm. Các dạy ngành y, dược ở Việt Nam còn mang nặng quá nhiều về chuyên môn, tập trung về "bệnh", "thuốc", "chẩn đoán", "điều trị" mà quên đi các môn giúp cho sinh viên y dược hiểu và xem bệnh nhân như một "con người" với những hành vi, tâm lý đặc thù. Tuy nhiên, cái này chỉ là hướng đi cần phải thay đổi nhưng nó cần một thời gian thai nghén. Hiện tại, những giảng viên am hiểu về lĩnh vực này hay các đầu sách này ở Việt Nam rất hiếm. Một nội dung khác mà khung chương trình y dược cần thêm vào là  các khóa học về lỗi trong y khoa và giải pháp khắc phục. Ở Việt Nam, nếu cứ có sai sót trong y khoa đều đổ lỗi ngay cho chuyên môn hoặc vấn đề đạo đức. Nhưng thực ra, mọi chuyện còn phức tạp hơn thế nhiều. Nếu sinh viên được học về lỗi trong y khoa khi còn trong ghế nhà trường thì khi ra trường họ sẽ "cởi mở" hơn để biết cách học hỏi từ lỗi và không để nó tái diễn.

Link sau có thể cho bạn biết nội dụng về Phim "Decoding Annie Parker": http://phimchieurap.vn/review-phim/decoding-annie-parker-khong-bao-gio-lui-buoc 
Link giới thiệu phim "The fault in our stars": http://phimchieurap.vn/tin-tuc/hau-truong-phim/phim-tinh-cam-mua-he-bi-len-an-vi-chuyen-tinh-benh-tat

jeudi 16 octobre 2014

Phim hay (1)



Một bộ phim mình biết và xem cũng một chị gốc Việt lấy chồng Pháp tại gia đình chị ấy. Còn hai phim sau mình xem trên chuyến máy bay AirFrance để giết thời gian khi bày từ Paris sang Alanta, Mỹ. Không ngờ đó lại là hai bộ phim ấn tượng nhất về chủ đề chính trị - xã hội - chiến tranh mà mình đã từng xem.

1. « Voyage au bout de l’enfer » hay tên tiếng Anh là « The Deer Hunter » 
Đây là bộ phim Mỹ đầu tiên làm về cuộc chiến tranh Việt Nam, được sản xuất năm 1987. Phim được bình chọn là bộ phim Mỹ  xếp thứ 53 hay nhất mọi thời đại. Bộ phim kể về 3 người công nhân trẻ Mỹ tham gia cuộc chiến tranh và trải qua những chấn thương về tâm lý nặng nề khi đi qua cuộc chiến tranh đó. Bộ phim tập trung khai thác diễn biến tâm lý cá nhân thay vì nhìn cuộc chiến từ góc nhìn vĩ mô để quên đi « thân phận con người ».

2. Mandela – Long way to Freedom:
Bộ phim kể về cuộc đời của nguyên tổng thống Nam Phi Mandela. Bộ phim sản xuất năm 1995.Câu chuyện bắt đầu khi ông là luật sư để bảo vệ cho người da đen nhưng với những điều luật phân biệt chủng tộc thời đó, hầu như vai trò của ông trở nên bất lực. Sau một cuộc xung đột bạo lực giữa nhà cầm quyển thảm sát nhiều người da đen, ông cùng bạn bè đã tham gia phong trào phản đối mạnh mẽ nhà cầm quyền. Và ộng bị bắt như một tên khủng bố nên bị giam tù 27 năm trên một hòn đảo biệt lập với nhiều người. Vợ và gia đình ông cũng bị liên lụy, vợ ông bị hạ nhục trong tù nhưng sau đó được thả ra sớm. Và bà đã tham gia các phong trào phản đối chính quyển cũng như kêu gọi thả tự do cho ông. Điều hay nhất và cảm động nhất của bộ phim có lẽ là khi ông được thả ra, cũng là lúc ông nhận ra tư tưởng đấu tranh của ông và vợ đã không còn giống nhau. Vợ ông muốn theo đuổi đấu tranh theo con đường bạo lực, còn ông vẫn nhất quyết trước sau ủng hộ con đường phi bao lực. Sự xung đột tâm lý, những quyết định trái ngược làm bộ phim mang đến thông điệp tinh tế. Lần đầu tiên mình xem một bộ phim mà nước mắt lưng tròng vì một vị lãnh tụ, vị anh hùng mà sức mạnh của họ không nằm ở hào quang chiến thắng mà thay vào đó cam chịu tù đày để chứng mình cho lựa chọn phi bạo lực của mình.