samedi 23 août 2014

Một phút khoe sách 4: Thế giới như tôi thấy, Bởi vì yêu, Trở lại tìm nhau




1.       Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein
Đây là quyển sách thu thập nguyên văn các bài viết của Einstein liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như chính trị, kinh tế, tôn giáo, giáo dục, hòa bình, quân sự, tự do, ý nghĩa cuộc sống, tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế, tôn giáo, khoa học…. Einstein được xem là nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỉ 20. Và điều mình thích thú nhất ở ông có lẽ là cách diễn đạt trong sáng, thẳng thắn, dễ hiểu các vấn đề của cuộc sống (tất nhiên là trừ phần ông viết về vật lý). Mình giờ có cảm giác sợ đọc các sách của người khác viết diễn dịch về từ tưởng của những người nổi tiếng. Vì như ông đã viết trong quyển sách về « Đám nhà báo » - người ta có xu hướng viết theo những định kiến có sẵn của mình hơn là phản ánh chính xác quan điểm của người khác.Tuy nhiên, mình cũng tự ý ghi tóm gon ra đây các ý quan trọng theo cách hiểu của mình.

Quyển sách trình bày các quan điểm ngắn gọn của ông về các câu hỏi lớn của cuộc sống như :
-          Ý nghĩa cuộc sống là gì ?  Sống vì hạnh phúc của người khác và tự giải phóng bản thân
-          Lý tưởng sống là gì ? Hướng đến sự chân – thiện – mỹ
-          Con người liệu có tự do thực sự ? Con người luôn bị thôi thúc bởi ngoại cảnh và nội tâm
-          Quan hệ giữa độc lập cá nhân và ý thức cộng đồng : xã hội phải bảo đảm môi trường để hình thành một cá nhân sáng tạo, độc lập, chống lại tư tưởng bầy đàn trì độn về tư duy và cảm xúc.
-          Lý tưởng chính trị ? Dân chủ
-          Bạo lực, chiến tranh, độc tài : bạo lực luôn hấp dẫ những kẻ thấp kém về đạo đức. Nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khôn kiếp
-          Sự tha hóa tinh thần dân chúng với hệ thống giáo dục và báo chí : lý trí lành mạnh của dân chúng bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí làm cho bại hoại
-          Cái đẹp đẽ nhất của cuộc sống là khám phá những bí ẩn của cuộc sống thông qua khoa học và nghệ thuật. Con người ngừng tò mò, ngạc nghiên là ngừng tồn tại.
-          Tinh thần dân tộc hẹp hòi và tinh thần quốc tế cao cả : con người cần giải phóng mình khỏi lợi ích của cá nhân, tiến lên giải phóng mình khỏi sự ích kỉ của giai cấp, dân tộc để tiến đến phục vụ cho tinh thần quốc tế cao cả. Đặc biệt, người dân của các quốc giả nhỏ lại có thuận lợi trong cuộc giải phóng tư tưởng và hành động này.
-          Khoa học : mang lại những thành tựu trước mắt nhưng nó cũng đem lại những vấn đề, hiểm họa lâu dài, một ví dụ đơn giản là bom hạt nhân
-          Hòa bình : nền hòa bình của thế giới chỉ được xây dựng khi các nước giải trừ quân đội, xây dựng niềm tin lẫn nhau và thành lập một tòa án quốc tế có đủ pháp quyền. Loại bỏ nền giáo dục quốc phòng toàn dân, quân đội nhân dân, chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến
-          Sự phát triển của chính trị tụt hậu hơn sự phát triển của kinh tế và khoa học nhưng nó lại đóng vài trò kiểm soát và điều hành nhiều vấn đề của cuộc sống
-          Dẹp bỏ các thành phố lớn, không ủng hộ việc định cư các nhóm người đặc biệt như tập trung người già vào viện dưỡng lão
-          Tâm lý : tính ích kỉ và tinh thần ganh đua lại mạnh mẽ hơn tinh thần cộng đồng
-          Bi quan về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và các tập thể
-          Nhà nước là phục vụ dân chứ không phải dân đi phục vụ nhà nước. Nhà nước điều tiết xã hội bằng các biện pháp và các biện pháp này phải do các nhóm chuyên môn, độc lập đề ra.
-          Hủy bỏ mọi sự bao cấp
-          Chính trị không nên can thiệp vào các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các cá nhân, tự do học thuật, tự do ngôn luận, tự do theo đuổi chân lý phải được đề cao tối đa
-          Văn hóa : đội ngũ làm văn hóa tuy không là hoạt động quyết định sống còn của xã hội nhưng nó cần được tôn trọng và ủng hộ
-          Cần xây dựng khối hội đồng chung châu Âu
-          Tòa án phải độc lập với chính phủ
-          Chúng ta chỉ nên dành cho nhà nước những hy sinh mang lại kết quả tốt đẹp cho sự phát triển tự do của các cá nhân
-          Nền hòa bình thế giới không phải xây dựng trên sự thông minh và khôn ngoan mà phụ thuộc vào sự chân thành và sự tin cậy
-          Nhận xét về người Mỹ : vui vẻ, tự tin, lạc quan, không tị hiềm. Ít tư tưởng cá nhân, giống người châu Á, và khác với người châu Âu. Mỹ phát triển về kinh tế, kỹ thuật những nghệ thuật tạo hình và âm nhạc thìm kém.
-          Tôn giáo : các hình thái phát triển của tôn giáo : tôn giáo từ nỗi sự hãi, tôn giáo luân lý gắn với nhân tính, và đạo vũ trụ không gắn với một nhân tính cụ thể (quan điểm của đạo Phật và các nhà khoa học như Democrit, Spinoza)
-          Khoa học là bạn của tôn giáo
-          Nên đưa tôn giáo sau khi loại trừ các phần mê tín vào một phần của giáo dục
Thế giới cũng chẳng thể đánh giá đúng sai những quan điểm của ông . Nhưng đó là tư tưởng của một trong những bộ ốc vĩ đại nhất thế kí 20.
Link đọc sách online tại: http://minhtrietviet.net/lemontee/wp-content/uploads/2014/01/THE-GIOI-NHU-TOI-THAY-Tron-Cu%E1%BB%91n.pdf

2.       Truyện tình cảm lãng mạn « Parce que je t’aime » - Tên tiếng việt là «  Bởi vì yêu » của Musso Guillaume.
Câu chuyện với kết thúc bất ngờ. Lời văn dung dị, đễ hiểu, lãng mạn. Câu chuyện mang đến thông điệp quan trọng nhất là : nên học cách tha thứ cho chính bản thân mình để có thể tiếp tục sống và trao yêu thương đi
3.       Truyện tình cảm lãng mạn « Je reviens te chercher » - Tên tiếng Việt « Trở lại tìm nhau »
của Musso Guillaume.


Câu chuyện nhằm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : liêu con người có thể thay đổi được số phận ?
Câu chuyện với những gốc kể từng nhân vật tạo nên tính đa chiều, hấp dẫn về suy tư.


vendredi 22 août 2014

Ở đâu mới gọi là NHÀ ?



70 năm trước, vào tối thứ hai ngày 21 đến thứ ba ngày 22 tháng 8 năm 1944, quân Đức đã phải tháo chạy khỏi Grenoble. Sáng ngày 22, quân phòng ngự của Pháp và đến ngày 15 tháng 8 quân Mỹ đã đổ bộ vào thành phố Grenoble. Thành phố Grenoble được giải phóng. Hôm nay, kỉ niệm 70 năm giải phóng Grenoble, họ cho diễu hành mấy chiếc xe tăng, xe tải, máy bay chiến đấu...Dân tình Grenoble tò mò lại xem, chụp ảnh. Hôm ni thấy nhiều người cầm một cờ nhỏ của Pháp và một cờ nhỏ của Mỹ trên tay phe phẩy đầy thích thú và tự hào... 

Người ta mạnh, lại càng biết cách kết bạn với người mạnh. Còn có kẻ yếu lại còn nghĩ sẽ chẳng liên minh với ai...Nếu không liên minh tạo thế cân bằng về lực thì sự mất cân bằng tất yếu dẫn đến bất ổn. Cũng giống như quy luật âm dương ngũ hành vậy, nếu mất cân bằng tất sinh bệnh, sinh biến...

Theo như bạn Pháp kể thì có lẽ quá khứ giữa Đức và Pháp chẳng tốt đẹp gì vì Đức đã từng đánh chiếm Pháp. Thế hệ bố mẹ của bạn Pháp mình vẫn còn ghét cay ghét đắng và có ác cảm nặng nề với người Đức. Nên bạn mình kể hồi đó nếu dẫn bạn người Đức về nhà người Pháp là một điều rất khó khăn. Nhưng đến thế hệ trẻ dân Pháp hôm nay, đã không còn sự ác cảm đó nữa rồi. Giờ người Pháp đối xử với người Đức bình thường như những người nước ngoài khác. Và người Pháp cũng không ngần ngại qua tận Đức học hỏi các nghành khoa học, kĩ thuật và lối sống tiến bộ của người Đức. Thêm vào đó, chính phủ Pháp cũng không ngần ngại hợp tác chặt chẽ với Đức để quyết định các chiến lược quan trong của Công đồng chung châu Âu vì Đức và Pháp là hai nước mạnh nhất và là tiếng nói có trọng lượng nhất ở đây.  

Chỉ qua chưa đến đời thứ hai, thế hệ thứ hai mà dân Pháp và dân Đức đã biết bắt tay hợp tác với nhau rồi. Còn dân Việt Nam và dân Trung Quốc đã qua biết bao nhiêu thế hệ mà người dân hai nước chẳng thể hợp tác thực tâm với nhau được ?

Khi Cộng đồng chung châu Âu được thiết lập, lợi ích lớn nhất nó mang lại là sự ổn định chiến sự của vùng này. Nó gần như triệt tiêu đến mức thấp nhất có thể nguy cơ chiến sự giữa các nước châu Âu với nhau cũng như chiến sự từ bên ngoài vào. Giờ mỗi thành phố của Pháp nói riêng hay các thành phố của các nước trong hội đồng chung châu Âu nói chung, họ không chỉ treo lá cờ duy nhất của đất nước mình, mà họ treo cả một loạt các cờ nước bạn. Tinh thần dân tộc hẹp hòi bị mờ dần đi thay vào đó là tinh thần quốc tế, tinh thần hợp tác, tinh thần chung sống hòa bình và phát triển. 

Phát triển và xây dựng cộng đồng ASEAN giống như Cộng đồng chung Châu Âu, sống trong HÒA BÌNH, TÌNH THƯƠNG VÀ TƯƠNG TRỢ lẫn nhau. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì có nhiều khác biệt hơn giữa các nước Đông Nam Á so với các nước châu Âu nhưng đó là một mục tiêu có thể đạt được. Chỉ cần mỗi CÔNG DÂN ĐÔNG NAM Á có hun đúc tinh thần này trong mọi hoạt động của mình. Chỉ cần thế hệ trẻ hôm nay cởi mở hơn, giao lưu, học hỏi nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn. 

Như câu chuyện Romeo và Juliet, mỗi thù truyền kiếp giữa hai gia đình quý tộc được truyền qua biết bao nhiều thế hệ. Thế hệ sau mới sinh ra, đã được thế hệ cha anh trước rỉ tai về mối thù truyền kiếp đó hàng ngày, đến nổi hai người trẻ vốn không hề có chút xích mích gì với nhau, cũng buộc phải căm ghét vô cớ nhau, không được yêu nhau và đến với nhau. Nếu như Romeo và Juliet sinh ra trong hai gia đình khác thì mối tình họ đâu có kết thúc bi ai đến thế. Thế hệ trước đau khổ, chết chóc chưa đã, lại muốn thế hệ con cháu sau này cũng phải sống trong mối hận thù của thế hệ trước như thế. Nếu thế hệ hôm nay không biết cách chuyển hóa những mối thù truyền kiếp đó, lại truyền mối thù đó cho con cháu mình, như vậy có phải là bất công cho thế hệ con cháu lắm không.

Nếu bạn rời khỏi mái nhà của mình, bạn sẽ thấy yêu quý hơn những người thân
Nếu bạn rời khỏi thành phố nơi bạn sống, bạn sẽ thấy yêu quý hơn cả thành phố đó
Nếu bạn rời khỏi đất nước, quê hương bạn, bạn sẽ thấy yêu quý hơn đất nước nơi bạn sinh ra và lớn lên
Nếu bạn đến sống ở một đất nước mới, rồi bạn sẽ bắt đầu bén rễ và yêu thành phố mới đó từ khi nào, nó trở thành thành phố quê hương thứ hai của bạn
Nếu bạn có điều kiện đi sống ở nhiều thành phố khác nhau của thế giới (như một số người bạn ở labo mình kể, bố mẹ họ mang hai quốc tịch khác nhau, nhưng họ lại sinh ra ở một nước thứ 3, rồi họ lại được nuôi dạy ở một thành phố thứ 4, đến khi làm việc họ lại thay đổi thêm 2 thành phố khác nữa), bạn sẽ không còn phân biệt nổi đâu là tổ quốc, quê hương của bạn nữa…bởi nơi nào bạn cũng sẽ bị bén rễ một xí…Và bạn sẽ hiểu mái nhà chung của bạn là Trái đất này. Tượng tự như một nhà du hành người Mỹ sau khi bay ra ngoài vũ tru, đến khi quay lại trái đất, các nhà báo hỏi cảm tưởng của anh khi bay ra không gian thế nào : anh ấy hốt hoảng trả lời,  đại ý, khi bay anh ấy mang niềm kiêu hãnh Mỹ để muốn cắm lá cờ Mỹ lên vùng không gian mới, nhưng khi bay về nhìn Trái đất thân thường từ trên cao, anh ấy chợt nhận ra « Cả Trái Đất là nhà của anh ấy ».
Nếu một ngày khoa học hiện đại đưa con người khám phá, định cư ở hành tinh khác, rồi bạn sẽ thấy bạn sẽ xem cả vũ trụ là nhà.

Vậy cớ sao, mái nhà chung không bao giờ có ranh giới, có giới hạn mà nay mỗi cá nhân không thể chung sống hòa bình và hạnh phúc bên nhau ?








Sử dụng Công nghệ trong giảng dạy của Pháp



Nhân tiện đang có sự bàn luận sôi nổi về sử dụng máy tính bảng « tablette » ở Việt Nam. Mình xin chia sẽ một số hiểu biết hạn chế mà mình quan sát được qua cách giảng dạy một số trường đại học của Pháp :

      1. Quản lý thông tin qua mạng :
Hầu như mọi thủ tục liên quan đến giảng dạy và học đều có thể truy cập thông tin qua mạng : từ đăng kí nhập học, trả phí nhập học, thông tin liên hệ các phòng ban, thông tin về lịch học, môn học….

 2. Các khóa học được phối hợp cả online (dạy từ xa) và offline (dạy tại giảng đường)
Tùy theo tích chất, mục đích của khóa học mà thực hiện khóa học online hay offline. Ví dụ như chương trình giành cho sinh viên y dược Grenoble năm 1 chủ yếu là dạy các môn lý thuyết để cuối năm các sinh viên phải trải qua một kì sát hạch để chọn chuyên ngành nên trường Grenoble đã chủ động chuyển toàn bộ chương trình học sang dạng đĩa DVD, nghĩa là thầy cô ghi âm lời giảng cùng các hình slide minh họa , sinh viên đầu năm tới đăng kí, mua DVD về nhà tự học,  mỗi sinh viên có một tài khoản để truy cập chương trình học online, ở đó sinh viện có thể đặt câu hỏi về môn học cho giáo viên, tải lên các bài tập mà thầy cô giao. Sau khoảng 1 tháng gì đó thì quay lại trường tham gia một buổi giáo viên trả lời câu hỏi thắc mắc của sinh viên mà trước đó sinh viên đã tải lên mạng. Sau đó sinh viên lại được có thêm một buổi tra đổi, học hỏi với các sinh viên lơp trên gọi là « tutor » để nắm chắc thêm kiến thức. Và cuối cùng mới thi môn đó.Tuy nhiên lên đến năm cao hơn, thì do tính chất chuyên môn cao, đòi hỏi dạy kĩ năng lâm sàng nên hầu như các môn học lại được dạy theo phương pháp lên lớp như: dạy nhóm lớn, dạy nhóm nhỏ, dạy thực hành...

Hay như các khóa học dạy cho một số dược sĩ đã hành nghề nay muôn quay lại trường học nâng cao kiên thức. Khoa học cũng chia làm nhiều dạng khác nhau : đầu tiên là dược sĩ tham gia đọc tài liệu môn học online và tự trả lời trắc nghiệm trên mạng. Sau đó DS đến trường học trực tiếp với thầy cô một tuần, sau đó lại lên mạng làm bài lượng giá.

Như vậy, việc dùng công nghệ, kĩ thuật số nên được xem là biện pháp làm phong phú thêm cách dạy truyền thống.

Điểm thứ hai cần nhấn mạnh: không phải sự hiện đại của công cụ công nghệ  quyết định hiệu quả của việc giảng dạy mà cách sử dụng nguồn dữ liệu số hóa như thế nào quyết định chất lượng của việc dạy.Ví dụ như điều quan trọng không phải là dùng máy tính bàn, máy tỉnh bảng hay smartphone để đọc tài liệu mà làm thế nào có một cơ sở dữ liệu số phong phú, được bảo vệ bản quyền để mọi người có thể truy cập khi cần. Việc xây dựng được một cơ sở dữ liệu số khổng lồ hay gọi là "Big data" đang là xu hướng toàn cầu mà các nước phát triển đang đua nhau làm. Vì dụ như nếu bộ giáo dục có một nguồn dự liệu về nhân lực giảng viên, số lượng sinh viên, nội dung và chương trình đào tạo của tất cả các trường trên toàn quốc online, thì khi bộ giáo dục muốn đưa ra bất cừ quyết định nào cũng rất dễ dàng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực máy bay, ngân hàng đã mang lại rất nhiều điều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ thông tin cho bệnh viện, lĩnh vực y tế và giáo dục vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Tuy nhiên, cần chú ý nghiên cứu kỹ đầu tư kinh tế và hiệu quả thiết thực mà nó mang lại cũng như so sánh với các đầu tư và hiệu quả của các giải pháp khác như đầu tư thư viện, sân chơi, các thiết bị nghe nhìn tối thiểu phục vụ cho phương pháp dạy tích cực....

Một số đường link tham khảo các chương trình của một số trường Pháp:
Video giới thiệu về sử dụng công nghệ để đổi mới cách dạy tại trường Y Dược Grenoble cho sinh viên năm 1: http://www-sante.ujf-grenoble.fr/SANTE/cms/docs/video/index.htm
Toàn bộ nội dung, chương trình học của sinh viên Y Dược Grenoble đều có thể quản lý, truy cập online: http://www-sante.ujf-grenoble.fr/SANTE/cms/sites/medatice/paes/portail/index.php?pid=108
Tran web quản lý dạy và học của trường Lyon: http://spiralconnect.univ-lyon1.fr/

        3.       Phương pháp tìm hiểu để xây dựng một dự án/ đề xuất mới
Ý tưởng nào của Việt Nam đề xuất thường cũng không phải là ý tưởng đầu tiên của thế giới. Họ đi trước mình hàng chục năm rồi. Cứ một câu hỏi là họ có hàng trăm đầu sách, hội thảo, bài báo thảo luận chán chê. Vì vậy, để xem xét, thảo luận về một đề án nào của Việt Nam, điều đơn giản là cần đọc (1) dự thỏa toàn văn của đề án đó, (2) các tài liệu tham khảo (sách, báo, hội nghị, ý kiến chuyên gia…trên thế giới) và các bằng chứng khoa học như khảo sát, đánh giá thực tế ở Việt Nam, (3) ý kiến các chuyên gia, các hội thỏa thảo luận ở Việt Nam. Từ trên các nguồn thông tin đó mới có thể biết được là đề án có khả thi hay không. Khôn g thể bàn về một dự án nếu chỉ biết vài con số và vài ý tưởng được.

  





jeudi 21 août 2014

Bé trai, gấu bông và những cái ôm

Mình thấy trẻ Pháp luôn có chú gấu bống nhỏ xíu là bạn thân thiết nhất với chúng, gọi là "Doudou" (hình ảnh minh họa), bất kể là bé trai hay bé gái.

Nhân đọc bài báo về ích lợi khi cho bé trai chơi với gấu bông, mình dịch vài ý hay ho của bài báo (http://picklebums.com/2011/05/19/boys-dont-play-with-dolls-or-do-they/):


"Bé trai chơi với gấu vì đó là điều bình thường, tự nhiên, và là điều quan trọng để đứa trẻ học cách bắt chước chăm sóc gấu như cách người lớn chăm sóc trẻ em. Bởi vì sau ni bé trai thành người đàn ông thì họ có thể dễ dàng chăm sóc con cái và nuôi dạy con cái
Bé trai chơi với gấu để một ngày chúng có thể trở thành người cha, người chú, người anh, người chồng tư tin, tràn đầy yêu thương
Bé trại chơi với gấu để chúng học và thực hành các kĩ năng xã hội thông qua đóng kịch như thế với gấu.
Bé trai chơi với gấu để chúng có thể diễn đạt được cảm xúc, biểu lộ tình yêu một cách cởi mở và trung thực và để chúng biết rằng hoàn toàn là bình thường khi chúng bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc ân cần với người khác"

Mình đọc quyển sách của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, Thầy bảo tôn giáo nào đề cao "nam giới" thì tôn giáo đó thường rất "háu chiến", "ưa vũ lực"; nhưng tôn giáo nào đề cao "nữ giới" thường là tôn giáo yêu sự bình yên, độ lượng, hòa bình. Trong lịch sử thế giới bao nhiều nhà độc tài là nữ giới ? bao nhiều nhà độc tài là nam giới ? Vì sao nam giới lại có xu hướng độc tài và bạo lực nhiều hơn nữ giới?

Chính cái cách nuôi dạy không cho bé nam được bày tỏ tình yêu của chúng một cách tự nhiên, luôn bắt bé nam phải gồng mình lên, giả vờ mạnh mẽ để cuối cùng chính cách nuôi dạy đó đã sinh ra một thế hệ đàn ông bị tù túng không thể bày tỏ được cảm xúc của mình, yêu thương không được gửi trao và bày tỏ một cách bản năng, tự nhiên nhất.

Mình nhớ hồi về Việt Nam chơi, lúc đó mình tạm ở Huế vì có tọa đàm ở đó nên chưa thể về Quảng Trị thăm gia đình ngay, nhưng một người thân là nam giới trong nhà mình đã lái xe máy hơn hai tiếng đồng hồ vào Huế chỉ để gặp mình và chuyển ra trước một số hành lý. Sau gần hai năm xa nhà, lần đầu tiên gặp lại, mình và người thân đứng khựng như thế, cách nhau khoảng 1-2m, cười, vui lắm nhưng bối rối, tay chân cứ lống ngống không biết phải làm gì. Và cảnh tượng đó có lẽ là điều "kì dị" nhất mà ông giáo người Pháp không thể nào hiểu được. Để suốt cả hành trinh sau đó, ông cứ hỏi đi hỏi lại, tại sao người thân bạn vượt một quãng đường xa như vậy để gặp bạn mà bạn không ôm người ấy một cái ? Câu hỏi đó cứ luôn ám ảnh mình. Lỗi tại ai ?

Rồi hồi về tu ở Làng Mai, Pháp, khi chia tay, mọi người không hôn má theo truyền thống của Pháp. Tức người Pháp khi gặp nhau hoặc chào tạm biệt thường hôn lên má nhau. Cái hôn má đối với mình là một sự gần gũi thái quá lắm rồi. Những tưởng đó là đỉnh điểm của văn minh. Nào ngờ ở Làng Mai còn sáng tạo ra một kiểu ôm mới do thiền sư Thích Nhật Hạnh nghĩ ra. Chuyện là nhân một hôm có người phương Tây ở sân ga tự nhiên nhìn thấy Thiền sư thì vui mừng quá đỗi, vội chạy lại hỏi ngay: "Thầy ơi, cho con ôm thầy một cái được không ạ ?" Thầy lúc đầu có chút bối rối những sau nghĩ lại nhập gia phải tùy tục, Phương Tây họ cỡi mở trong giao tiếp, nên Thầy cho phép người Tây ôm choàng qua vai Thầy. Và sau đó Thầy về Làng Mai và chia sẽ ý tưởng thực hiện việc "ôm choàng vai" khi chào hay tạm biệt nhau. Cách thức chính thức là hai người đứng cách nhau khoảng 1m, chắp tay trước ngực, hít vào thở ra sâu 3 cái, rồi sau đó hai tay ôm choàng chéo qua thân người đối diện, khi đó tay sẽ ôm lên vai và lưng người đối diện, còn ngực, phổi hai người sẽ tiếp xúc rất sát nhau. Bạn có thể cảm nhận được từng hơi thở hít vào, thở ra của nhau. Điều đó mang lại một cảm xúc "đồng điệu" thực sự. Vì đôi khi nếu ôm lâu quá, chính hai người phải cảm nhận hơi thở của nhau và điều hào hơi thở cùng nhau. Hôm chia tay mọi người trong gia đình, mọi người đều thực hiện cách ôm choàng vai đó, kể cả những thầy đã xuất gia. Những người mình không thân lắm thì chỉ ôm thoáng qua trong vòng 3 giây thôi, nhưng có 3 cái ôm đặc biệt giành cho 3 người mà cảm giác mình vẫn còn nhớ mãi. Hai cái giành cho hai cô người Pháp, không biết tại sao hai Cô quý mình và mình cũng quý họ. Trong đó có một Cô mình ôm Cô ấy chắc phải đến 10 phút, vừa ôm vừa khóc. Và người thứ ba là một người đàn và hát rất hay, người đó đã rất lớn tuổi rồi, nhưng cái giọng của họ đặc biệt lắm, nó gợi đến một thứ gì rất thiêng liêng, xa xưa. Tự nhiên ôm tạm biệt người đó, mình đã khóc, chắc vì nghĩ khó có duyên may gặp lại họ, hặp lại một người có giọng hát đặc biệt như thế.

Rồi mình cũng nghe một Thầy kể về tổ chức Free Hugs - Chiến dịch những cái ôm miễn phí. Nhân tiện coppy bên Wiki để mọi người đọc luôn cho vui:

Ngày hội Ôm quốc tế-International Free Hugs Day là một ngày hội được lập bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7. Đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa mọi người với nhau. [1]

Năm 2004, chiến dịch Free Hugs được khởi xướng do Juan Mann, một người Úc khi anh cảm thấy quá cô đơn, mệt mỏi bởi cuộc sống. Juan Mann đã cầm tấm bản có dòng chữ FREE HUGS đứng trên đường phố Sydney hối hả chờ một cái ôm. Sau rất nhiều lần kiên nhẫn chờ đợi mà không có ai ôm mình anh đã gặp được một bà cụ kể về cái chết của chú chó sáng nay cùng ngày kỉ niệm của con gái cụ, người đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi. Anh sụp người và ôm chặt lấy người phụ nữ.
Nhiều tháng sau đó Juan Mann cho đi vô số cái ôm tự nguyện như thế, những cái ôm không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Ngày 22 tháng 9 năm 2006, một video về Mann được phát tán trên You Tube đã thu hút hơn 74 triệu lượt người quan tâm.

Ngày hội Ôm Quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam ở hai thành phố lớn Hà NộiTP.HCM. Năm 2014, ngày hội được tổ chức thêm tại Nha Trang.
Ngày 20 tháng 7 năm 2014, hơn 300 sinh viên, học sinh ở TP.HCM đã xuống đường dọc trung tâm thành phố để trao nhau những cái ôm thân tình nhân ngày hội Ôm quốc tế - International Free Hugs Day - diễn ra tại công viên Tao Đàn, Q.1.

Link Wiki: http://vi.wikipedia.org/wiki/Free_Hugs


Sự mạnh mẽ của người đàn ông không phải thể hiện ở sự lạnh lùng không thèm và không biết khóc, không thèm và không biết thể hiện những cảm xúc, tình cảm yếu đuối
Sự mạnh mẽ của người đàn ông thể hiện ở chổ họ dám chấp nhận dòng cảm xúc chảy qua con tim họ, khi buồn, khi yếu đuối họ khóc, để sau đó họ cười bình yên hơn, thật hơn
Đàn ông cũng là một con người vừa có phần yếu đuối và phần mạnh mẽ tồn tại song hành trong họ. Họ cũng cần được yêu thường và bày tỏ yêu thương một cách tự do, cởi mở như phái nữ. Tôn trọng và nuôi dưõng cả hai phần đó trong chính họ thay vì dùng định kiến nặng nề của xã hội để xã hội hóa, "trơ hóa" đàn ông. 







lundi 18 août 2014

Hành trình bình an



Bài viết này ghi lại hành trình nhận thức sau khi tham dự khoa tu thiền của Đạo Phật về Sức khỏe một tuần tại Làng Mai, thành phố Bordeaux Pháp và thực hiện chuyến hành hương về đất thánh Lourdes của Đạo Thiện Chúa Giáo.
Vì nhiều suy nghĩ cùng đến nên bài viết sẽ ghi xoay quanh các từ khóa quan trọng.

Khóa tu kéo dài một tuần, có nhiều hoạt động phong phú khác nhau. Sáng dậy 5h30, vận động bằng hít thở sâu khi lạy, massage mặt, ngồi thiền đến 6h30 thì ngồi nghe thuyết pháp ngắn. Sau đó xếp hàng ăn sáng. Đến 9h30 thì đi thiền dạo trọng yên lặng theo từng nhóm nhỏ khoảng 20-30 người, gọi là gia đình. Mỗi gia đình được đặt tên một loài động vật. Đi thiền dạo khoảng 2 tiếng thì trở về lại chùa, vào Thiền đường nằm và nghe nhạc để thư giản. Đến trưa xếp hàng ăn cơm trong yên lặng. Chiều khoảng 3h thì làm việc như làm vườn, lau chùi nhà vệ sinh…Đến 4h45 thì có thể giam gia các hoạt động như tập yoga, ta-chi, khí công. Đến 5h có buổi chia sẽ trong các nhóm gia đình nhỏ. Sau khi ăn tối thì tham gia các hoạt động nhóm theo các chủ đề ứng dụng khác nhau. Chủ đề rất phong phú như : nghe nhạc để vẽ tranh, làm sao ứng dụng thiền để cai nghiện, làm sao nhận định và chăm sóc các đau đớn về tinh thần và thể xác, nghệ thuật sắp đặt, các vị thế khác nhau khi ngồi, làm sao để làm thoát âm và hơi khi hát, nhảy, các câu hỏi liên quan đến nước, cười…..

Thiền – Hơi thở - Im lặng : Mọi người đươc học cách cảm nhận hơi thở hít vào và thở ra. Dùng hơi thở để quay về với chính mình, tập trung cảm nhận giây phút hiện tại các mọi vật ngay xung quanh mình. Những điều được thực tập về thiền, quán niệm hơi thở rất đơn giản. Nhưng những cảm nhận mới mẻ, sâu sắc, trọn vẹn mà nó mang lại thì chỉ có khi thực hành bạn mới hiểu hết giá trị của nó. Thiền không có nghĩa chỉ là ngồi một chổ và tập trung vào hơi thở. Mà thiền có nghĩa là thông qua tập trung vào hơi thở để quay về với chính mình với giây phút hiện tại để cảm nhận sâu sắc nó.  Nên có thể áp dụng thiền khi đi dạo, khi đánh răng, khi đọc sách, khi ngắm trăng…Mình ở trong một gia đình toàn người lớn khoảng 40, riêng mình còn « xanh » nhất. Nhưng chính học cách thiền mà nhiều người trong gia đình đã chia sẽ nhưng cảm nhận như con nít của họ ở cái tuổi 40 : họ tập đi chân trần trên cỏ, cảm nhận làn gió lướt qua da mặt và tay…tập ngồi tư lự một mình trước hồ sen để ngắm và ngửi một đóa sen đang nở, tập đi lững thững một mình, tập mỉm cười với chính mình, tập hiểu ý nghĩa của sự im lặng…

Ăn uống : bữa ăn chay chỉ có rau, và rất ít, thanh đạm. Sau khi đi thiền dạo về, xếp một hàng dài mới đến lượt tự múc thức ăn cho mình. Chỉ có rau lá và hạt, một ít trái cây mà sao thấy ngon, tươi lạ. Trong một buổi thuyết pháp, mình nhớ nhất cái nhận định : cơ thể khi ăn quá nhiều thức ăn, thì do năng lượng không tiêu thụ hết nên cơ thể sẽ tích lũy ngay thành mô mỡ hay mô cơ. Và nếu lần nào mình cũng ăn nhiều quá thì cơ thể cứ càng tích lũy và chẳng bao giờ ở tình trạng thiếu để mà sử dụng cái năng lượng trong mô dự trữ ấy. Thế là cái mô dự trữ ấy để lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tật hay ung thư chẳng hạn. Vì vậy, thỉnh thoảng phải để cơ thể đói để nó tự huy động, sử dụng năng lượng thừa ấy thì cơ thể mới có cơ hội để thay đổi chất liệu của mô mỡ và mô cơ.


Chia sẻ- Lắng nghe không phán xét : đây là hoạt động hàng ngày theo từng nhóm nhỏ gọi là gia đình. Nguyên tắc của hoạt động chia sẻ là mọi người nói lên những cảm nhận của chính mình, mọi người khác chỉ việc lắng nghe. Không có những câu hỏi, câu trả lời ; không có những thảo luận ý kiến trái chiều để tìm cái đúng ; không phán xét đúng sai. Chỉ đơn giản là từng người chia sẽ tự nguyện, người khác lắng nghe. Nguyên tắc này đơn giản nhưng rất tuyệt vời. Mình đã nghĩ sau ni nếu có một gia đình nhỏ, mình cũng sẽ áp dụng nguyên tắc này. Ví dụ như một đôi vợ chồng trẻ sau một tuần ngồi nói chuyện với nhau, chia sẽ những cảm nhận với nhau, lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận trọn vẹn và vô điều kiện. Thì những khúc mắc sẽ được giải tỏa, những hiểu lầm sẽ được thấu hiểu và những mâu thuẫn cũng sẽ được thấu hiểu.

Bình an là từ bên trong, bình an là sự thấu hiểu và chấp nhận và vun trồng : Sau khi hoàn thành khoa tu chiều thứ 6. Theo kế hoạch cá nhân mình sẽ rời Làng Mai quay lại trung tâm thành phố Bordeaux để du lịch hai ngày cuối tuần trước khi về Grenoble. Nhưng kế hoạch thay đổi một cách "định mệnh". Mình đang ngồi chờ xe thì một thầy đi qua bảo có muốn đi chơi với Thầy và mẹ Thầy không. Thầy chưa nói đi đâu, đi bao lâu mình đã đồng ý rồi. Thế là khách sạn đã thuê, vé tàu đã mua mình bỏ không dùng nữa. Đi theo tiếng gọi tình cờ. Vì mẹ thầy là theo đạo Thiên chúa Giáo nên Thầy (dù là đệ tử của Đức Phật) cùng một thầy nữa chở mẹ đi hành hương đến vùng Lourdes là vùng nổi tiếng thứ 3 thế giới của đạo Thiên chúa Giáo. Theo dự kiến một chị khác sẽ đi cùng nhưng vì công việc đột xuất chị ấy quay lại Paris và xuất ghế trống đó mình may mắn thế chân vào. Mọi người ở nhờ tại một đôi vợ chồng Phật tử người Pháp. Ngôi nhà của họ trên núi và có một khu vườn nhỏ nhưng bình yên và đẹp. Từ khi ngồi trên máy bay nhìn xuống mình đã tái khẳng định một lần nữa là rất nhiều ngồi nhà nhỏ như thế, xen lẫn trên núi hay bao quanh là một khu vườn nhỏ. Xin kể sâu hơn xí về ngôi nhà này. Trong ngôi nhà ấn tượng nhất là chiếc piano bằng gỗ rất đẹp và rất nhiều bức ảnh về người dân Ấn Độ mà hai vợ chồng chụp trong chuyến đi du lịch Ấn Độ cách đây 3 năm. Hai vợ chồng rất gần gũi, thân thiện, hiếu khách. Tự nhiên thấy thương họ quá. Bà vợ là một người rất động, giống mình trước đây. Bà luôn cười nói, làm trò cho mọi người vui, luôn tìm mọi cách phủ lấp sự im lặng bằng lời nói hay nụ cười của bà. Nhưng mọi người đều cảm nhận tâm bà đang không an. Mình chẳng thể hiểu được nổi đau riêng cá nhân của bà đó nhưng chỉ thấy nó khá nặng nề. Bà hút thuốc rất nhiều, ăn uống rất ít và sơ sài, bà uống rượu cũng khá nhiều. Ôm hôn bà là nồng nặc mùi rượu và thuốc lá. Có lẽ bà đang bị phụ thuộc vào các tác nhận kích thích để tự nâng đỡ tinh thần cho mình. Nhưng có lẽ điều đó chỉ làm tình hình xấu thêm. Chỉ hi vọng cái duyên với Làng Mai, với Phật giáo sẽ giúp bà cùng gia đình tìm lại sự an yên trong chính tâm hồn của mình. Mình hiểu rằng, dù người ta có giàu có, đầy đủ đến đâu, xã hội có phát triển, văn mình đến đâu, mỗi con người cá nhân đều mang trong mình nặng nề những suy nghĩ, tình cảm và những vết thương. Họ trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương. Nếu cứ chạy theo những ảo ảnh, yêu thương, hưởng thụ không đúng cách nó sẽ mang lại niềm đau. Hạt giống của niềm vui, niềm an lạc, niềm vui sống vốn rải đầy khắp nơi. Nhưng mỗi người phải tự chăm sóc trước tiên hạt giống đó trong tâm mình thì mới có khả năng nhận diện hạt giống đó xung quanh.

Thiền Sư Thích Nhật Hạnh – Thầy là một thiền sư Việt Nam nổi tiếng thế giới, chỉ sau mỗi Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Thầy mở nhiều Làng Tu ở nhiều nước như Úc, Mỹ, Thái Lan, Đức…Viết sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Là bạn của Martin Luther King và từng được Martin Luther King để cử thầy cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1967. Khóa tu ở Làng Mai là giành cho tất cả mọi người từ các đất nước khác nhau. Trong khóa tu mình tham gia thấy có bạn từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ…và tất nhiên nhiều nhất là người Pháp. Tuần này có 400 người tham gia, tăng gấp đôi năm ngoái. Triết lý thầy nói rất đơn giản nhưng thiết thực. Làng Mai dường như là một không gian tu học rộng lớn, yên bình và đậm màu sắc dân tộc Việt Nam. Thầy đã gìn giữ và xây dựng cái hồn Việt ở Làng Mai. Đi tới Làng Mai mình thấy mình tự hào, ngẩng cao đầu là một người Việt. Với hồ sen, hồ súng, tre, trúc, nón lá, đũa tre, áo dài….Trong đội ngủ đệ tử của Thầy có cả những người xuất xa người Indonesia, Pháp, Tây Tạng, hay một người hát rất hay trước đây theo đạo Do Thái…Một tinh thần cởi mở trong tôn giáo giáo được coi trọng tối đa. Không phân biệt anh từ đâu, từ quốc gia nào, tín ngưỡng của anh là gì, mọi người tới đây cùng chung mục đích duy nhất. Học cách hít thở, học cách tìm về với chính mình. Và học cách tìm lại sự an yên trong lòng. Và học cách chung sống, chấp nhận những khác biệt và xem những người lạ như anh em một nhà. Có hai Xóm là "Xóm hạ" và "Xóm trung" là nơi các ni cô tu và học, còn "Xóm thượng" là nơi các thầy tu và học. Và các thầy và các cô nếu vào các dịp sinh hoạt chung vẫn gặp gỡ sinh hoạt chung bình thường. Nếu đã quyết định dứt bỏ mọi ham muốn, ràng buộc để xuất gia, thì "lửa có gần rơm" sao bén được? Mà nếu đã bén sao cần phải gượng ép? Xuất gia đâu có nghĩa là trói buộc yêu thương, trói buộc giao tiếp với bên ngoài. Chỉ là họ chọn con đường yêu thương khác mà thôi. Yêu thương vượt lên trên sự ràng buộc và sở hữu thông thường. Ở đây, ở hiện tại, mình đã thấy được tình thần tự do, tự tâm được thực hiện một cách tự nhiên.

Đi tu ở Làng Mai có nhiều điều thú vị như cảnh các bạn Tây tự do trò chuyện với các Thầy mọi nơi, mọi lúc. Mọi người cởi mở trao đổi kể cả những vấn đề tế nhị nhất như tình dục. Ngày thứ 5 mọi người được phát 5 lời dạy quan trọng nhất của Đạo Phật gồm : 1. Tôn trọng sự sống của muôn loài. 2. Không trộm, cắp, phải trung thực, nên rộng rãi bố thí. 3. Xây dựng tình yêu đích thực tức chỉ quan hệ tình dục khi có một tình yêu và một cam kết lâu dài giữa hai người. Tôn trọng thân thể của bản thân và người yêu bằng cách chung thủy. 4. Lời nói tràn đầy yêu thường, lắng nghe để thấu hiểu người khác. 5. Không lạm dụng tiêu thụ các sản phẩm độc hại cho thể chất và tinh thần như rượu, bia, thuốc, trò chơi điện tử, một số trang internet…Trong đó mấy bạn Tây thấy khó khăn nhất là điều 3 về tình dục nên nhân buổi hỏi đáp với các thầy các bạn Tây nhiều người hỏi về câu hỏi này. Không khí cở mở, tự do trao đổi những vấn đề tế nhị nhưng thiết yếu làm mình thích thú. Còn có một đôi vợ chồng được mời lên để thực hành « chia sẽ không phán xét » trước gần 400 người. Lúc đầu người chồng hơi khó khăn khi chia sẻ, nhưng sau người chồng đã dám can đảm chia sẻ điều khó nói nhất với vợ. Đó là ông ấy đã phạm một sai lầm trong quá khứ là ngoại tình với người khác. Và giờ ông ấy rất hối hận, và cho vợ toàn quyền quyết định là tha thứ hay không ? Sự chia sẻ của ông đã làm nhiều người phải khóc, kể cả đàn ông.

Tự do tôn giáo - Tôn giáo giúp mọi người gần nhau là tôn giáo đích thức, nhân danh tôn giáo để chia rẻ thì nó đâu còn là tôn giáo. Như đã nói ở trên vì một thầy có mẹ theo đạo Thiên chúa giáo nên Thầy đưa mẹ đi hành hướng về vùng đất thiêng liêng của Đạo Thiên Chúa Giáo. Mình chấp nhận điều này như một điều hiển nhiên bình thường nhưng có lẽ với nhiều người là cú sốc với họ. Cá nhân mình tin rằng, vị thần duy nhất tồn tại thật là chính bản thân mình. Mọi tư tưởng tôn giáo chỉ là một cách gián tiếp để mỗi người từ tìm lại, tự nhận ra vị thần bên trong mỗi cá nhân mình. Niềm tin vào tôn giáo nên đồng hành với niềm tin vào chính mình thì đó mới là một niềm tin đúng đắn. Suy nghĩ của con người luôn thay đổi và khác nhau, thì có gì là không chấp nhận được khi trong một gia đình, mỗi người được tự do lựa chọn niềm tin tôn giáo cho mình và tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Vì sao người khác tôn giáo không được lấy nhau ? Tôn giáo là nâng người ta lên, đưa người ta gần lại gần nhau nhưng không phải làm người ta thấy kém cỏi hơn, hay ghét bỏ nhau. Mình cũng nghe thầy kể, các thầy cũng hay gặp các Cha sứ, Ma Xơ để trao đổi, đàm đạo với nhau. Khi hai Thầy đi dạo trong vùng đất Thánh của Đạo Thiên Chúa Giáo, nhiều người Việt đi hành hương tò mò, quay lại hỏi, các thầy đi tu theo đạo gì ? Đi tu theo Đạo Phật sao lại đến đây ? Còn bọn Tây nó không tò mò vì các Thầy tu theo đạo gì mà nó chỉ tò mò mỗi cái bộ trang phục của các thầy màu nâu nâu, bạc bạc, như người trên núi mới xuống ấy, lạ quá, và cái "nón lá" của Thầy cũng lạ và độc quá. Nhiều người Tây bu lại xin chụp ảnh chung cho bằng được. Chụp xong mặt họ vui mừng hớn hở. Chỉ nhờ cái khác biệt, cái đặc sắc văn hóa Việt Nam mà mình được các bạn Tây tôn trọng, tò mò, thích thú làm quen, hỏi thăm hoặc nhận ra dù chỉ mới liếc qua và thì thầm « À, họ là người Việt Nam đấy.  Sao bạn biết ? Cái nón ».

Tình mẹ con – Hình ảnh lưu lại đẹp nhất sau một chuyến đi dài là cảnh Thầy gần 50 tuổi mặc áo nâu, đôi dép lê nắm chặt tay dẫn bà mẹ gần 80 chục tuổi, hai người hai tôn giáo khác nhau cùng thực hiện chuyến hành hương này. Bà mẹ trước đó cũng tham gia khóa tu do chính người con của mình tổ chức và đến hôm sau chính người con dẫn mẹ đi hành hường về vùng đất Thánh. Bà mẹ đã nhiều tuổi nhưng có nụ cười rất sáng, nụ cười trong, cười chúm chím như con nít vậy. Bà đã già nên tính hay quên, để đâu là quên đó. Bà cũng bị bệnh tật đầy người như cao huyết áp, ung thư vú. Nhưng nhìn bà vẫn tràn trề niềm vui sống và trong veo. Bà vẫn đi bộ hành hương, cười nói chúm chím. Đi tắm nước nóng cùng mọi người. Độc đáo nhất là bà rất thích ăn đồ lạnh. Khi đi ghé vào siêu thị dừng chân, bà chủ động mua yaour cho mình và mọi người. Đến khi lái xe về, lại ghé siêu thị, bà lại rủ mình cùng ăn kem. Hai bà cháu, đứa gần 30 tuổi, người gần 80 tuổi, mút, cắn, ăn cây kem ngon lành. Một thầy khác mới phán một câu : « Chưa bao giờ thầy gặp một bà lão nào chịu chơi như bà này. Tuổi già người ta kiêng đồ lạnh, còn bà này lại thèm ăn kem. » Bao nhiêu người trẻ như mình hoặc hơn mình liệu có được tâm hồn trong veo như bà chứ? Có bao nhiều người trẻ cứ tự thổi phòng nỗi nhớ, niềm đau của mình lên để làm đồ trang sức cho bản thân mà quên đi cách tận hưởng một cây kem như bà chứ ?

Thế giới có bất an ? Cuộc sống có bất an? Có. Chắc chắn luôn thế. Vì cuộc sống và VÔ THƯỜNG, có nghĩa là luôn luôn thay đổi, có thể theo chiều hướng xấu đi hoặc tốt lên.
Thế hành lý nào cần chuẩn bị cho chuyến hành trình đầy bất an đó ? Đó là tìm về với chính mình, tìm về niềm an yên ngay trong chính bản thân mình. Chỉ khi nào bạn lững thững đi một mình mà lại không hề cảm thấy cô đơn, không thấy cần thêm điều gì khác ngoài cảnh vật xung quanh, khi bạn để tâm mình yên, trí mình yên, và lặng nhìn cuộc sống. Chính giây phút đó bạn sẽ giải mã được tin nhắn "Bí mật của cuộc sống- Bí mật của hạnh phúc". 

Hành trình của mỗi cá nhân là đi tìm sự bình an của mỗi cá nhân và góp sự bình an của mỗi cá nhân vào sự bình an chung của mọi người