samedi 29 novembre 2014

Hoa, Huế và Kiến trúc


Hôm qua đi dự bảo vệ thèse (tiến sĩ) của một chị học chuyên ngành kiến trúc, đề tài về kiến trúc Huế. Muốn ghi nhắn gọn một số suy nghẫm bản thân.

(Ảnh coppy từ Google)
1. Hoa
Có rất nhiều sự khác nhau về cách chơi hoa của miềng với cách chơi hoa của bọn Tây.
- Hoa ở trời Tây  không là thứ xa xỉ như ở mình. Hoa trở thành vật trang trí công cộng hết sức đỗi bình thường, bạn có thể thấy những bông hoa đẹp, quý giá trên vỉa hè, chậu hoa công cộng, ban công nhà của mọi người, công viên, thập chí là trong mỗi văn phòng làm việc (chậu hoa chứ không phải bó hoa, bình hoa nhé).
- Xu hướng tặng hoa bọn Tây cũng giảm dần theo thời gian, mà nếu có tặng họ cũng tặng rất giản đơn. Họ thích tặng chậu hoa, chậu cây hơn là bó hoa to đùng. Mình có chia sẽ sự khác nhau về cách chơi hoa của mình và người Pháp. Bà giáo người Pháp kể, trước đây mấy chục năm, dân Pháp cũng chơi hoa kiểu cũ như mình thôi, nhưng theo thời gian, mọi người thay đổi dần. Ví như người ta kêu gọi thay vì viếng vòng hoa to đùng vào đám tang ai đó, mà nên chuyển tiền đó để ủng hộ các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức giành cho bệnh nhân hiểm nghèo. Do đó , không khó hiểu chút nào khi Đại sứ quán Bỉ tại HN nhân một ngày lễ của mình đã gửi thư cho các khách mời là có đến thì không nên tặng hoa, mà nên giành tiền đó để ủng hộ cho Chương trình Cơm có thịt. Nên hiện nay, rất hiếm còn tồn tại các lẵng hoa to đùng vào đám tang. Hay ngay trong lễ lược, việc tặng những bó hoa to đùng đã trở thành lạc mốt, lạc lõng và trở nên khoa trương.

2. Huế
Mình đến muộn nên không hiểu rõ đề tài của chị ấy. Nhưng qua cách đặt câu hỏi, nhận xét của các ông bà Pháp mình thấy một số thú vị là: họ bảo là nên xem các giá trị văn hóa Huế không phải là cái gì "tĩnh", cái gì cổ xưa mãi mãi không thay đổi, mà nên xem các giá trị văn hóa đó một cách "động" nghĩa là luôn thay đổi để phù hợp với cuộc sống.
Và cùng một giá trị văn hóa hay kiến trúc văn hóa nên nhìn nó từ nhiều góc độ, và tìm hiểu các quan điểm của những người dân khác nhau.

3. Kiến trúc
Trường kiến trúc nhìn bên ngoài cũ kĩ thôi rồi, chỉ có mỗi cái cổng là sơn màu đỏ cho nổi, còn lại bên trong thì là khá cũ. Nhưng nhìn kĩ thì không khó để nhận ra những đặc điểm khác biệt của một ngôi trường kiến trúc
- Mỗi lớp học như một xưởng, công trường thu nhỏ nơi các bàn ghế trở thành bàn ghế để hí hoáy vẻ, khắc, trổ gì đó
- Tường treo đầy các triễn lảm ảnh của sinh viên về kí hóa, kiến trúc
- Trên tường, nhiều ngõ ngách có nhiều hình thù kiến trúc rất độc đáo, sáng tạo....
Ngỡ ngàng vì sự khác nhau "xấu xí, cũ kĩ" phía ngoài ngôi trường và một "không khí đậm chất kiến trúc bên trong" đã làm mình liên tưởng đến những ngôi nhà Pháp. Rất nhiều ngôi nhà Pháp nếu bạn nhìn bên ngoài bạn thấy nó không có gì đặc biệt, nhỏ nhỏ, lè tè thậm chí không "hoành tráng" xí nào so với một ngôi nhà mình hay thấy. Nhưng khi bạn bước vào không gian bên trong ngôi nhà, bạn mới hiểu bạn bước vào một thế giới khác: nhà nhỏ nhưng cực kì đẹp, ấm áp, tiện nghi, và có giá trị thẩm mĩ cao: nhiều đồ dùng bằng gỗ, thảm, tường nhà hoa văn nhã nhặn, hài hòa, nhiều phòng khác nhau với thiết kế riêng biệt...Họ chú trọng thực sự đến từng công năng chi tiết của ngôi nhà từ gara để xe ngầm dưới lòng đất để tiết kiệm tầng 1, gác xép....
Mình chưa hề nghĩ mình hứng thú với kiến trúc, nhưng vì được đến thăm nhiều ngôi nhà người Pháp, lần nào mình cũng thật sự thích thú với không gian bên trong mỗi ngôi nhà ấy. Điều đó khiến mình tò mò muốn hiểu từng chi tiết nhỏ để thiết kế một ngôi nhà nhỏ nhưng thực sự đầy đủ chức năng.

Ngôi nhà là không gian ấm áp nhất của mỗi người. Càng nhỏ càng ấm. Càng thiết kế chu đóa, càng đầy đủ công năng. Một ngôi nhà ấm cúng phụ thuộc chủ yếu vào không gian bên trong nó và tấm lòng của những vị chủ nhận sống trong đó đối xử với nhau.





lundi 24 novembre 2014

Truyện vui trẻ em giành cho cả người lớn "Tâm hồn cao thượng" và "Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể"



Mình chỉ đọc Dế mèn phiêu lưu kí trong sách giáo khoa và cũng không đọc toàn truyện nên không biết nó hay dỡ thế nào. Nhưng nói chung là không có ấn tượng gì đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu nhắc đến sách về tuổi nhỏ mang nhiều thông điệp ý nghĩa có lẽ mình sẽ chọn 2 quyển sách:

1. Tâm hồn cao thượng của Edmonde de Amicis, một tác giả người Ý 
Quyển này mới tình cờ được đọc cuối tuần rồi. Sách được chia thành những mẫu chuyện ngắn, kể về một năm học của Enrico. Mỗi câu chuyện cực kì ngắn gọn, ngôn ngữ đơn giản để tối đa, nhưng thông điệp của mỗi câu chuyện thì ý nghĩa và dồn nén ở những câu cuối cùng của mỗi chuyện. Tác giả chỉ đơn thuần kể sự việc, thường không lồng ghép bất kì một nhận xét hay cảm xúc cá nhân nào, nhưng vẫn khiến cho người đọc thổn thức khi mỗi câu chuyện kết thúc. Quyển sách đã được thế hệ trước như bố mẹ mình đọc rất nhiều, nhưng có lẽ thế hệ mình thì ít phổ biến hơn, thật tiếc cho chính mình vì đã trải qua một tuổi thơ học hành mà lại không được đọc quyển sách này.

2. Nhóc Nicolas: những chuyện chưa kể của Goscinny và Sempé, hai tác giả người Pháp. 
Cũng giống như truyện Tâm hồn cao thượng, sách cũng chia thành những mẫu chuyện ngắn, nhưng khác một điểm là ngôn ngữ trong Nhóc Nicolas thường hóm hỉnh chứ không "nghiêm túc" như Tâm hồn cao thượng. Những những bài học mà Chuyện Nhóc Nicolas gửi gắm thì cũng ý nghĩa không kém. Sách được minh họa thêm bằng các hình vẽ đơn nét màu đen cho mỗi chuyện rất đẹp và có hồn. Một số bộ phim đã được phỏng tác từ những quyển sách về Nhóc Nicolas này.
Còn có lẽ, khi nào có thời gian sẽ đọc 3 Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh mới được.


Nếu nói thiệt thòi lớn nhất của tuổi thơ mình có lẽ là ít truyện để đọc nên giờ lớn rồi lại phải mò mẩm lại truyện tuổi thơ để đọc bù cho đỡ tủi.








Phim "The Vow"



Theo danh sách 10 phim lãng mạn trên báo Vietnamnet, còn vài phim chưa xem, tranh thủ cuối tuần mình xem nốt. Lần này mình xem bộ phim "The vow", sản xuất năm 2012 với cặp diễn viên chính Rachel McAdams và Channing Tatum .

Bộ phim lãng mạn, nhẹ nhàng, cặp diễn viên chính đẹp, diễn xuất tốt. Bộ phim khác với những bộ phim lãng mạn khác là ít tình tiết gay cấn hay xúc động nhưng mình đã tự hỏi tại sao bộ phim lại được đánh giá cao như vậy. Có lẽ nó được đánh giá cao bới thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm, một thông điệp cũ rích nhưng thực hiện được nó không phải dễ. Đó là yêu một người là chấp nhận người đó như họ vốn thế chứ không phải yêu người mà bạn muốn họ trở thành. Và đôi khi không phải khi nào giữ đúng lời hứa cũng là yêu nhất, kể cả lời hứa khi kết hôn (The Vow).

Danh sách 10 bộ phim cực kì lãng mạn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/154716/10-bo-phim-cuc-ki-lang-man-ve-tinh-yeu.html
Video phim trên youtube đã bị xóa:((







jeudi 20 novembre 2014

Góc nhìn khác về Ngày Nhà giáo VN 20-11



Cuối cùng Ngày Nhà giáo VN 20-11 cũng qua. Không biết tại sao từ hai ngày nay, khi bắt đầu thấy mọi người share thông tin về ngày Nhà giáo VN, mình lại cứ có cảm giác sợ một điều gì đó. Có lẽ vì mình biết mình sẽ viết một điều gì đó rất mâu thuẫn về cái ngày này.

1. Về mặt tình cảm:
 Tình thầy trò nó có cái gì đó tự nó rất thiêng liêng. Kiểu như con có yêu ánh sáng mặt trời thì một ngày con sẽ thành mặt trời vậy. Và tư nó, cái tình cảm thiêng liêng ấy sẽ luôn làm cho mỗi người trở nên sáng và tinh hơn.

2. Về mặt vật chất: 
Có nhiều sự thật, nhiều bất cập xung quanh cái ngày này mà ai cũng biết.
- Hoa: nếu Thầy Cô trong ngày này nhận 1-2 bó hoa thôi, đã là đủ về mặt vật chất và tinh thần rồi. Nhưng trung bình ngày này mỗi Thầy Cô sẽ nhận bao nhiêu bó hoa, bao nhiêu cây hoa ? Không nói đến sứ phí phạm tiền bạc mà hoa bị cắt đi, sẽ mau tàn mà chết (nói thế này thì lại thiệt cho mấy quầy bán hoa nhưng mình chỉ nói về mặt cá nhân cảm nhận của mình). Làm sao để giảm số hoa các em đem đi tặng ? Có lẽ Thầy Cô nên mạnh dạn nói với học trò (cái này lại là vấn đề tế nhị mất rồi).

- Quà: mình nhớ hồi nhỏ, ngày 20-11 hồi đó lũ học sinh tụi mình hay mua theo phong trào, năm tặng áo dài, thì đua nhau tặng áo dài, năm tặng bộ ly tách trà, thì lớp nào cũng đua nhau mua bộ ly trà...Làm thầy cô cũng khổ. Sau ngày 20-11 thầy cô phải lén lút đem ra chợ bán lại cho người ta, vì được tặng đến chục bộ ly tách thì sao dùng hết. Học sinh tặng quà nhưng đâu có nghĩ đến nổi khổ của người nhận quà vì món quà không phù hợp. Hãy xem bọn Tây (cụ thể đây là bọn Pháp) nó giải quyết vấn đề này thế nào ? Tình huống tương tự: Vào lễ cưới mọi người hay muốn mua đồ tặng đôi trẻ mới cưới. Đôi trẻ sẽ lên danh sách các đồ cần mua sắm cho lễ cưới hay cuộc sống riêng tư của hai người và up danh sách đó, cùng địa chỉ cửa hàng mà đôi trẻ muốn mua cho mỗi loại đồ online. Bạn bè ai muốn tặng quà thì vào danh sách đó đăng kí trả món hàng mà đôi trẻ đã liệt kê. Như vậy, người tặng quà sẽ chọn tặng chỉ những món quà mà đôi trẻ yêu cầu. Vì sao ? Vì ví dụ, nhà của người Pháp họ thiết kế "tông xuyệt tông" hết, tức sàn nhà màu xanh thì cái đèn lồng phải màu xanh, cái ga trải giường phải màu xanh, lỡ bạn bè tặng cái ga trải giường màu đỏ thì dù cái ga trải giường đó đẹp bao nhiêu cũng phải xếp xó (ví dụ chỉ mang tính minh họa). Văn hóa á đông hay ngại cái khâu công khai mong muốn của mình, để rồi học sinh cũng khổ mà Thầy Cô cũng khổ.

- Giải thưởng cho những nhà giáo có đóng góp tích cực cho giáo dục: có lẽ nên tận dùng ngày này để tổ chức các buổi tọa đàm về Phương pháp giáo dục, tư duy giáo dục, kinh nghiệm giáo dục; thay vì chỉ đơn thuần là tôn vinh tất cả mọi nhà giáo. Ở nhiều nước, họ cho sinh viên biểu quyết chọn giáo viên giỏi của từng khoa, từng trường, và tôn vinh cá nhân. Tạo một không khí thi đua cho mỗi nhà giáo cũng là một giải pháp để thúc đẩy đổi mới giáo dục không ngừng.

- Hoạt động chung: mình còn nhớ kỉ niệm ngày nhà giáo có lẽ ấn tượng nhất cho đến bây giờ của mình là hôm đó một cô giáo đã thuê luôn chiếc xe công nông vốn dùng để chở hàng, chở lũ học sinh tụi mình về biển chơi, cô mang theo đồ nhà cô vừa mới cúng xong (chuối, xôi gì đó nữa), và tụi mình đã có một kỉ niệm nhớ đời. Thế đó, khi được tổ chức một hoạt động không theo khuôn mẫu nào cả, không tụ tập tại nhà thầy cô, không đầy hoa, và quà, nhưng nó lại thành một kỉ niệm không bao giờ quên. Và cũng vì kỉ niệm đó, mà mình cũng chẳng thể nào quên cô giáo của mình.

Ai cũng rõ Giáo dục đang có vấn đề. Và ngày 20.11 cũng có lẽ phải thay đổi cách thức tổ chức thì sẽ giảm thêm một vấn đề cho Giáo dục. 


PS. Lúc đầu, sợ quá mình còn nghĩ ước gì hay đừng có ngày 20.11 còn hơn. Nhưng khi tra google thì thấy có hơn 89 quốc gia có ngày Nhà giáo. Và ngày nhà giáo quốc tế là ngày 5 tháng 10 cũng được tổ chức trên 120 nước, chỉ còn lại câu hỏi: các nước họ tổ chức thế nào? . http://en.wikipedia.org/wiki/Teachers%27_Day.

dimanche 16 novembre 2014

New Day - New Me



Tối qua tình cờ xem một bộ phim lãng mạn, xúc đông tên là "Remember Sunday" trên Youtube. Bộ phim về tình tiết cơ bản làm mình liên tưởng ngay đến bộ phim "50 first dates" xem cách đây đã lâu.
Cả hai bộ phim đều nói đến thử thách làm sao duy trì một tình yêu giữa hai người khi nếu một người bị bệnh trí nhớ ngắn hạn, tức người đó chỉ có thể lưu lại các sự kiện diễn ra trong ngày hôm đó. Còn sau khi ngủ dậy, người đó sẽ quên sạch trơn những gì đã xảy ra ngày hôm trước. Và nếu ai chọn vun đắp tình yêu với một người bị bệnh trí nhớ ngắn hạn đó thì họ phải đối mặt với thử thách lớn nhất đó là mỗi ngày đều là ngày hẹn hò đầu tiêncủa hai người.

Độ hay của hai bộ phim thì khỏi bàn, vì nó lấy đi không ít nước mắt ngọt ngào của mình. Tuy nhiên, mình đang liên hệ ý nghĩa của hai bộ phim này muốn gửi gắm và câu "New Day-New Me" của Thầy Thích Nhật Hạnh. Đó là nhân thấy người ta hay chúc nhau năm mới là "Chúc mừng năm mới", Thầy khuyên mọi người nên chúc nhau là "New Year -New Me" tức là chúc anh năm mới, anh cũng phải tự làm mới mình, mới về tư duy, suy nghĩ, tình cảm, hành động chẳng hạn. Ui chao, giờ nghiệm lại, thấy cái ý của Thầy nó sao mà giống cái tư tưởng "innovation", "change" của Mỹ thế. Tại sao Mỹ luôn là nước đi tiên phong trong gần như mọi lĩnh vực ? Vì ở đó, người ta tôn trọng quyền tự do tối đa, và khả năng sáng tạo, thay đổi, đổi mới tối đa, người ta cũng ươm mầm cho tinh thần lãnh đạo cho mỗi cá nhâ. Tinh thần lãnh đạo, thay đổi bản thân, thay đổi cách làm việc hàng ngay luôn được người ta khuyến khích. Lãnh đạo không chỉ là tổ chức cho người khác làm, mà trước hết lãnh đạo chính mình để bản thân mình thay đổi, mình có lãnh đạo được mình, thay đổi được mình thì mới thay đổi, ảnh hưởng người khác được. Đó là nói ở mức độ to tát xí xí.

Còn quay lại mức độ cá nhân trong quan hệ yêu đương, quan hệ gia đình thì tinh thần "New Day- New Me" cũng là hạt nhân giúp cho cuộc sống hay mối quan hệ giữa hai người tránh được cái bẫy "nhàm chán nhau". Nếu trong một mối quan hệ đó, mà mỗi người đều ý thức và coi trọng mỗi ngày mới quan trọng như ngày đầu tiên hẹn hò, thì hai người sẽ cố gắng để tự làm mới mình, tự hoàn thiện mình để chinh phục đối phương. Nếu tinh thần, hành động ấy duy trì mỗi ngày, kể cả khi hai người đã đính hôn, cưới nhau, về sống chung, con đàn cháu đống, thì tinh thần đó vẫn luôn quan trọng. Tình yêu đơn giản như hạt mầm, tưới tẩm mỗi ngày thì ra hoa, kết quả. Có lẽ cũng chính thế Thầy Thích Nhật Hạnh mới khuyên, để trở thành tri kỉ của nhau thì phải HIỀU, THƯƠNG và TƯƠNG KÍNH nhau. TƯƠNG KÍNH ở đây theo như cách nói diễu cợt là "sợ chồng, sợ vợ", nói theo cách nói lãng mạn Hollywood thì là "mỗi ngày mới đều là ngày đầu tiên hẹn hò", nói theo ngôn ngữ triết học thì là "vô thường" tức mọi việc, mọi vật, mọi người phải luôn ngừng thay đổi để hoàn thiện.

Link bái báo giới thiệu phim lãng mạn, đã xem được 7/10 bộ phim này.http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/154716/10-bo-phim-cuc-ki-lang-man-ve-tinh-yeu.html