samedi 26 juin 2021

Tìm hiểu về Hơi thở


Hơi thở là một điều diệu kỳ của con người và cuộc sống. Thở là hoạt động tự động và bắt buộc của con người. Và hơi thở không chỉ đơn giản là biểu hiện của sự sống. Ý nghĩa của nó còn sâu xa hơn thế.  

Hơi thở nuôi dưỡng cơ thể như thế nào ?

Chúng ta đều biết lợi ích của hơi thở là cung cấp dưỡng khí oxy và thải khí độc CO2 ra khỏi cơ thể. Cơ thể cần Oxy (O2) để phối hợp cùng nước (H2O) chúng ta uống vào và tạo ra năng lượng cho cơ thở sinh tồn. Còn CO2 là sản phẩm khí độc sinh ra khi cơ thể xảy ra các phản ứng chuyển hóa để sinh năng lượng. Sự ngừng thở trên 5 phút có thể tổn thương không hồi phục các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não. Tế bào não nếu thiếu oxy thì sẽ chết. Không giống như nhiều tế bào khác trong cơ thể, các tế bào não không thể tái sinh hoặc phục hồi. Nếu não chết thì não sẽ không bao giờ hoạt động nữa và người đó đã chết.

Hơi thở liên quan đến cơ thể (thân) như thế nào ?

Hơi thở liên quan mật thiết đến cơ thể. Nếu hơi thở lành mạnh thì cơ thể khỏe mạnh. Nếu hơi thở độc hại thì cơ thể sinh bệnh. Một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Nam Carolina đã cho thấy nước bọt của nhóm thực hành bài tập hơi thở có nồng độ ba loại cytokines liên quan đến việc nhiễm trùng và stress thấp hơn một cách đáng kể.  

Ngược lại, cơ thể khỏe mạnh hay có bệnh lý cũng phản ánh qua tính chất của hơi thở. Ví dụ hơi thở có mùi bất thường, hơi thở chứa chất bất thường khi cơ thể bị một số bệnh như bệnh răng miệng, bệnh dạ dày – thực quản, bệnh đường hô hấp, bệnh nhiễm khuẩn, bệnh gan, thận, cơ thể mất nước….

Hơi thở liên quan đến cảm xúc, tâm trạng (tâm) như thế nào ?

Chúng ta đều có trải nghiệm cá nhân thấy rõ sự liên hệ mật thiết giữa tính chất hơi thở và cảm xúc, tâm trạng của mình. Khi chúng ta tức giận thì hơi thở dồn dập, ngắt, đứt quãng. Và nghiên cứu còn cho thấy hơi thở khi sinh ra khi tức giận có chứa nhiều chất độc với hàm lượng cao, gây độc cho cơ thể. Bác sĩ Gate (Mỹ) đã làm thí nghiệm: hứng hơi thở của người bình thường vào ống nghiệm ướp lạnh, để hơi đó ngưng tụ và không thấy có cặn bã nào đáng kể. Năm phút sau, ông làm người này tức giận, nổi nóng, và hơi thở trong ống nghiệm ngưng tụ một chất cặn bã màu nâu nhạt. Đem chất này chích vào con vật, nó gây nên sự co giật lớn. Điều đó chứng tỏ trong cơn nóng giận, cơ thể tạo chất độc hại gây căng cứng, co giật, có thể làm bế tắc hoặc co hẹp mạch máu, tổn hại thần kinh, tim, huyết áp... Khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết chảy vào huyết quản, số lượng bạch cầu giảm sút nhanh chóng. Chính vị vậy đã có những tình huống người bệnh vì giận dữ quá mà khiến ngừng tim, ngạt thở và tử vong do cơ thể bị đầu độc quá mức. Ngược lại, khi chúng ta bình an, hạnh phúc, vui vẻ thì hơi thở nhẹ nhàng, dài, sâu hơn.

Lợi ích của hơi thở có ý thức ?

Thực hành hơi thở có ý thức có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến lo âu, mất ngủ, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lýtrầm cảm và rối loạn giảm chú ý (mất khả năng tập trung). Làm thế nào để hơi thở có kiểm soát có thể thúc đẩy việc chữa lành vẫn là một nguồn nghiên cứu khoa học. Một giả thuyết cho rằng hơi thở có ý thức có thể sẽ gởi tín hiệu đến bộ não để điều chỉnh các phản ứng của hệ thần kinh tự động (như làm chậm nhịp tim và sự tiêu hoá), tạo ra cảm giác bình tĩnh, làm giảm việc giải phóng các kích thích tố gây căng thẳng như cortisol. Khi bạn thở chậm và đều đặn, não của bạn sẽ nhận được thông tin rằng mọi chuyện đều đang tốt đẹp và nó sẽ kích hoạt các phản ứng tương ứng làm cơ thể bình tĩnh và sáng suốt. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh cho giả thiết trên. Các nghiên cứu khác cũng đã cho thấy luyện tập Yoga hằng ngày và tập thở có ý thức, nhịp nhàng đã giúp các triệu chứng của trầm cảm thuyên giảm đáng kể, và mức độ axit gamma-aminobutyric, một hoá chất trong não có tác dụng làm dịu và ngăn chặn sự lo âu đã tăng lên.

Ngoài ra, thực tập hơi thở có ý thức kết hợp với thực tập chánh niệm sẽ mang lại các lợi ích lâu dài về sức khỏe sinh lý, tâm lý và xã hội của mỗi cá nhân; tăng trưởng sức khỏe, trí tuệ và hạnh phúc.

Thực tập chánh niệm và những lợi ích

Chánh niệm là gì ?

Từ hơn 2 năm trở lại đây, mình bắt đầu thực tập chánh niệm. Chánh Niệm (Mindfulness) càng ngày càng được phổ biến sâu rộng hơn tại các xứ Âu Mỹ. Hiện nay trong các nước này có các  chương trình dạy Chánh Niệm để giãm căng thẳng tại các trung tâm y khoa hoặc ở các trường đại học. Các chương trình này không có tính cách tôn giáo, mặc dù Chánh Niệm xuất phát từ Phật giáo. Chánh Niệm cũng được dạy cho các cầu thủ và lực sĩ để họ đuợc kết quả khả quan hơn.

Chánh Niệm là chú tâm đến những gì đang xảy ra ngay bây giờ (here) và trong hiện tại (now), một cách không phê phán hoặc so sánh (chỉ nhận diện đơn thuần), để thấy nó thật sự ra sao. 

Cách thực tập dễ nhất bắt đầu bằng việc quay về chú tâm theo dõi hơi thở vào ra của mình, rồi từ từ nhận diện về cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm trạng của mình. Có thể nhận biết, gọi tên, mô tả được những gì đang xảy ra với cơ thể (thân) và tâm của mình. Sau đó, có khả năng ý thức và nhận biết rõ những gì đang xảy ra xung quanh (đối tượng/môi trường).

Lợi ích là gì ?

Lợi ích thứ nhất là tiết kiệm được năng lượng. Thực tập chánh niệm luôn bắt đầu bằng việc đưa tâm ý của mình về nhận biết được hơi thở và cơ thể của mình. Điều này làm cho tâm trí có cơ hội quay về neo đậu tại một điểm cụ thể, gần gũi và không tán loạn đi quá xa và bảo toàn năng lượng. Bởi tâm trí của chúng ta như chú khỉ hiếu động, suy nghĩ nhảy lung tung từ chủ đề này sang chủ đề khác rất nhanh. Việc tâm trí nhảy quá nhanh và nhiều khiến bản thân bị tiêu hao năng lượng như kiểu một chiếc máy tính mà mở quá nhiều chương trình và phần mềm sẽ rất dễ bị “nóng máy” hay “treo máy” và làm việc không hiệu quả.

Lợi ích thứ hai là giúp đưa bản thân từ người bị động thành người quan sát và người kiến tạo. Việc nhận diện đơn thuần, gọi tên, mô tả được về cảm xúc, suy nghĩ và tâm trạng của mình mà không phán xét giúp cho chúng ta có thể đóng vai trò là người quan sát được dòng chảy “thế giới nội tâm” bên trong của mình. Kiểu như người quan sát về “bức tranh” hay người lắng nghe “bản nhạc” cảm xúc/suy nghĩ/tâm trạng bên trong của mình. Khi làm được điều đó, chúng ta không còn đồng hóa mình là bức tranh đó, hay bản nhạc đó (người bị động). Chúng ta có thể quyết định chuyển từ người quan sát sang người kiến tạo (người họa sĩ hay người soạn nhạc) sau đó. Có nghĩa là sau giai đoạn quan sát, lắng nghe để hiểu, chấp nhận, chúng ta có thể bước sang giai đoạn của hành động, thay đổi, sáng tạo,thay đổi và làm chủ thế giới bên trong đó của mình.

Lợi ích thứ ba là giúp chúng ta có những trải nghiệm mới và nhận ra nhiều điều nhỏ bé về bản thân và cuộc sống một cách sâu sắc. Có thể nói ngắn gọn là hiểu mình và hiểu đời, hay đại ngôn là “giác ngộ”. Có lẽ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhắc đến từ “giác ngộ” là một điều gì đó “lạ lùng” và hơi “ảo tưởng”, đặc biệt là với người trẻ, nhà khoa học. Thử tìm hiểu ý nghĩa của từ này nhé. Giác ngộ là một từ Hán-Việt có nghĩa là: tỉnh ra mà hiểu rõ. Giác ngộ tiếng Pháp là éveil, hay illumination; tiếng Anh là awakening, hay enlightenment; bao hàm ý nghĩa: bừng tỉnh và chói lòa ánh sáng. Tiếng Pali và Sanskrit là bodhi (phiên âm là bồ-đề). Giác ngộ, bodhi là nhờ ở trí tuệ, là sự hiểu biết không phải chỉ bằng trí thức, lý luận, mà bằng sự cảm nhận sâu xa, bằng kinh nghiệm sống trực tiếp. Vậy hiểu theo kiểu đơn giản là chúng ta có những khoảng khắc có những cái thấy “mới”, do tự chúng ta trải nghiệm và chiêm nghiệm nên. Nó trở thành một cái thấy rất sống động, cá nhân. Những khoảng khắc đó làm bạn "yêu thương" nhiều hơn, "mỉm cười" nhiều hơn, "chấp nhận" nhiều hơn, “tự do” hơn và bạn “hạnh phúc” hơn.