dimanche 3 août 2014

Một gia đình bình yên

Vừa rồi, được tới ở lại nhà của một chị người Việt Nam lấy chồng Pháp và có một cô nhóc 7 tuổi xinh xắn, dễ thương, mình cảm nhận một không gian bình yên mà mình đang đi tìm kiếm. Mình đã định không viết bài về gia đình đó vì mình không muốn phá vỡ sự riêng tư của họ. Nhưng vì viết dấu tên nên hi vọng mọi người chỉ đọc và tập trung vào sự kiện, sự việc và đừng để ý nhân vật đó là ai. Nhân tiện đây cũng xin lỗi những người thân, bạn bè của mình vì cái tính hay viết của mình mà đôi khi biến mọi người thành nhân vật bất đắc dĩ, tuy nhiên mình cũng hữa sẽ cẩn thận trong cách viết để bảo đảm bí mật tối đa thông tin cá nhân của mọi người.

Căn nhà không quá gọn gàng như những căn nhà người Pháp khác mình từng biết nhưng yên bình và thoải mái. Ngoài khu vườn là chưa có, còn lại mọi thứ khá tiện nghi. Một buổi tối, tụi mình quyết định xem phim về chiến tranh Việt Nam do hãng phim Mỹ sản xuất, bộ phim mang tên « Voyage au bout de l’enfer ». Chắc sẽ viết một cái note riêng về bộ phim này. Mọi người sử dụng máy chiếu lên tường và ngồi xem ở nhà. Một tối khác thì chị ấy mời một chị bạn đồng nghiệp người Pháp tới ăn tối. Hôm đó tụi mình nấu món bún chả và nem. Mình vốn hậu đậu trong việc nấu nướng và chị ấy cũng không quá rành về nấu nướng. Nghe chị ấy kể mọi chuyện mà thấy cuộc sống của chị ấy có vẻ đơn giản. Chỉ có những người bình yên trong tâm và trí mới nói được những điều đơn giản như vậy. Chị bảo chị không giỏi nấu ăn nhưng mà may anh chồng chị cũng không quá coi trọng việc đó. Mỗi lần chị ấy có ý định nấu món gì phức tạp là đôi khi chính anh chồng lại bảo « Sao phải bày vẻ làm gì ? ». Hai anh chị khi nào nói chuyện cũng nhỏ nhẹ. Khi ăn cơm xong mình đi tắm, còn hai anh chị vừa rửa bát vừa nói chuyện mà như thủ thỉ với nhau vậy. Hoặc khi mình ham chơi cùng cô bé thì hai anh chị lại nói chuyện với nhau, từ từ, chậm rãi, và …rất nhỏ. Cả khu phố này vốn nhỏ, vốn rất yên tĩnh, không khí trong nhà dù có 4 người cũng vẫn yên yên như thế. Anh chồng là người nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ.

Mình ngạc nhiên và khâm phục vô cùng cái cách anh chị ấy « dạy con ». Anh chuẩn bị đồ cho cô bé vẽ tranh. Khi cô bé thỉnh thoảng trở nên khó tính bất thường (con nít mà) nhưng anh và chị không dùng lời to tiếng để quát mắng con, chị thì lời nói trở nên nhẹ nhàng hơn khi « trách con » và khi nào cũng để sự lựa chọn, quyết định cuối cùng cho con. Ví như anh chọc đùa với cô bé là đổi miếng thịt bò lại miếng nem nào (vì anh thích ăn nem). Cô bé giận dỗi gắp miếng nem bỏ vào bát anh. Anh hỏi lại : Sao tư nhiên con lại làm như thế ? Bố muốn ăn nem nhưng bố đề nghị một sự trao đổi chứ bố không xin. Tóm lại, con muốn bố ăn miếng nem này hay không ? Cô bé không nói gì. Anh bố hỏi lại lần 2 và sau một hồi im lặng cô bé trả lời là « không muốn ». Thế là anh gắp miếng nem lại bỏ vào dĩa cô bé. Sau đó, cô bé lại tự động chia đôi miếng nem cho bố. Họ đối xử tôn trọng cô bé. Buộc cô bé phải suy nghĩ, lựa chọn và chịu trách nhiệm trước mọi lựa chọn của mình. Mình dám chắc là nếu cô bé nói lẫy là « cố bé muốn ông bố ăn miếng nem đó ». Anh bố sẽ ăn liền không đắn đo. Cô bé thỉnh thoảng dỗi hơn, những khi ấy, hai anh chị đều diễn đạt nghiêm giọng nhưng lời nói vẫn nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ thể hiện là họ không đồng tình và hài lòng về cách cư xử của cô bé. Thế thôi !

Còn chị là người Việt đầu tiên mà mình quen biết mà mình cảm nhận là chị đã hòa nhập gần như hoàn toàn với cuộc sống ở Pháp. Chị có một công viên ổn định ở Bệnh viện. Vai trò của chị ở Bệnh viện khá quan trọng, bằng chứng cho thấy là rất nhiều giấy tờ hay câu hỏi mọi người phải vào phòng chị ấy hỏi han. Rồi chị ấy điện thoai thỏa luận với bác sĩ, đồng nghiệp luôn tù tì. Cách sống nhẹ nhàng, đơn giản, cởi mở của chị đã khiến chị hòa nhập gần như trọn vẹn vào cuộc sống làm việc tại bệnh viện và gia đình. Ngoài giờ làm việc, chị hay chở con cái đến nhà bạn đồng nghiệp người Pháp để tụi trẻ chơi với nhau. Mình hỏi chị có nhiều người Việt ở vùng này không ? Chị bảo chị cũng không rõ lằm vì chị không tiếp xúc nơi. Mình hỏi chị có nhớ nhà không thì chị bảo nhiều việc quá chị chẳng có thời gian để nhớ nhà. Nhưng mình thấy điều đó đúng. Vì hàng ngày thì chị ấy bận rộn với những công việc ý nghĩa mà chị ấy làm tại bệnh viện. Tối thì quây quanh bên gia đình trong căn nhà yên bình như thế. Cuối tuần thì dẫn con đi thư viện, dẫn con đi múa ba lê, đi dã ngoại…này nọ. Đến già đình bạn bè hay gia đình nội để chơi…Chị có một công việc tốt, một gia đình bình yên, ở một nơi yên bình, yên ổn. Thỉnh thoảng lại đi du lịch thay đổi không khí. Thì chị có cần phải nhớ nhà không . Chắc không.

Lúc ở nhà, đài báo hay giáo dục hay nhồi nhét vào đầu mình cái ý nghĩ « Xã hội phương Tây phát triển quá, coi trọng vật chất quá nên họ bị khủng hoảng về cuộc sống tinh thần ». Thực ra thì trái lại, xã hội của họ được quản lý theo những nguyên tắc đúng đắn, nên họ xây dựng được một cơ sở vật chất đầy đủ, đồng thời hệ thống giáo dục của họ từ gia đình đến nhà trường đã xây dựng cho họ một lối sống độc lập, tự chủ về bản thân, và có đời sống tinh thần phong phú, hài hòa

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire