vendredi 22 août 2014

Ở đâu mới gọi là NHÀ ?



70 năm trước, vào tối thứ hai ngày 21 đến thứ ba ngày 22 tháng 8 năm 1944, quân Đức đã phải tháo chạy khỏi Grenoble. Sáng ngày 22, quân phòng ngự của Pháp và đến ngày 15 tháng 8 quân Mỹ đã đổ bộ vào thành phố Grenoble. Thành phố Grenoble được giải phóng. Hôm nay, kỉ niệm 70 năm giải phóng Grenoble, họ cho diễu hành mấy chiếc xe tăng, xe tải, máy bay chiến đấu...Dân tình Grenoble tò mò lại xem, chụp ảnh. Hôm ni thấy nhiều người cầm một cờ nhỏ của Pháp và một cờ nhỏ của Mỹ trên tay phe phẩy đầy thích thú và tự hào... 

Người ta mạnh, lại càng biết cách kết bạn với người mạnh. Còn có kẻ yếu lại còn nghĩ sẽ chẳng liên minh với ai...Nếu không liên minh tạo thế cân bằng về lực thì sự mất cân bằng tất yếu dẫn đến bất ổn. Cũng giống như quy luật âm dương ngũ hành vậy, nếu mất cân bằng tất sinh bệnh, sinh biến...

Theo như bạn Pháp kể thì có lẽ quá khứ giữa Đức và Pháp chẳng tốt đẹp gì vì Đức đã từng đánh chiếm Pháp. Thế hệ bố mẹ của bạn Pháp mình vẫn còn ghét cay ghét đắng và có ác cảm nặng nề với người Đức. Nên bạn mình kể hồi đó nếu dẫn bạn người Đức về nhà người Pháp là một điều rất khó khăn. Nhưng đến thế hệ trẻ dân Pháp hôm nay, đã không còn sự ác cảm đó nữa rồi. Giờ người Pháp đối xử với người Đức bình thường như những người nước ngoài khác. Và người Pháp cũng không ngần ngại qua tận Đức học hỏi các nghành khoa học, kĩ thuật và lối sống tiến bộ của người Đức. Thêm vào đó, chính phủ Pháp cũng không ngần ngại hợp tác chặt chẽ với Đức để quyết định các chiến lược quan trong của Công đồng chung châu Âu vì Đức và Pháp là hai nước mạnh nhất và là tiếng nói có trọng lượng nhất ở đây.  

Chỉ qua chưa đến đời thứ hai, thế hệ thứ hai mà dân Pháp và dân Đức đã biết bắt tay hợp tác với nhau rồi. Còn dân Việt Nam và dân Trung Quốc đã qua biết bao nhiêu thế hệ mà người dân hai nước chẳng thể hợp tác thực tâm với nhau được ?

Khi Cộng đồng chung châu Âu được thiết lập, lợi ích lớn nhất nó mang lại là sự ổn định chiến sự của vùng này. Nó gần như triệt tiêu đến mức thấp nhất có thể nguy cơ chiến sự giữa các nước châu Âu với nhau cũng như chiến sự từ bên ngoài vào. Giờ mỗi thành phố của Pháp nói riêng hay các thành phố của các nước trong hội đồng chung châu Âu nói chung, họ không chỉ treo lá cờ duy nhất của đất nước mình, mà họ treo cả một loạt các cờ nước bạn. Tinh thần dân tộc hẹp hòi bị mờ dần đi thay vào đó là tinh thần quốc tế, tinh thần hợp tác, tinh thần chung sống hòa bình và phát triển. 

Phát triển và xây dựng cộng đồng ASEAN giống như Cộng đồng chung Châu Âu, sống trong HÒA BÌNH, TÌNH THƯƠNG VÀ TƯƠNG TRỢ lẫn nhau. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì có nhiều khác biệt hơn giữa các nước Đông Nam Á so với các nước châu Âu nhưng đó là một mục tiêu có thể đạt được. Chỉ cần mỗi CÔNG DÂN ĐÔNG NAM Á có hun đúc tinh thần này trong mọi hoạt động của mình. Chỉ cần thế hệ trẻ hôm nay cởi mở hơn, giao lưu, học hỏi nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn. 

Như câu chuyện Romeo và Juliet, mỗi thù truyền kiếp giữa hai gia đình quý tộc được truyền qua biết bao nhiều thế hệ. Thế hệ sau mới sinh ra, đã được thế hệ cha anh trước rỉ tai về mối thù truyền kiếp đó hàng ngày, đến nổi hai người trẻ vốn không hề có chút xích mích gì với nhau, cũng buộc phải căm ghét vô cớ nhau, không được yêu nhau và đến với nhau. Nếu như Romeo và Juliet sinh ra trong hai gia đình khác thì mối tình họ đâu có kết thúc bi ai đến thế. Thế hệ trước đau khổ, chết chóc chưa đã, lại muốn thế hệ con cháu sau này cũng phải sống trong mối hận thù của thế hệ trước như thế. Nếu thế hệ hôm nay không biết cách chuyển hóa những mối thù truyền kiếp đó, lại truyền mối thù đó cho con cháu mình, như vậy có phải là bất công cho thế hệ con cháu lắm không.

Nếu bạn rời khỏi mái nhà của mình, bạn sẽ thấy yêu quý hơn những người thân
Nếu bạn rời khỏi thành phố nơi bạn sống, bạn sẽ thấy yêu quý hơn cả thành phố đó
Nếu bạn rời khỏi đất nước, quê hương bạn, bạn sẽ thấy yêu quý hơn đất nước nơi bạn sinh ra và lớn lên
Nếu bạn đến sống ở một đất nước mới, rồi bạn sẽ bắt đầu bén rễ và yêu thành phố mới đó từ khi nào, nó trở thành thành phố quê hương thứ hai của bạn
Nếu bạn có điều kiện đi sống ở nhiều thành phố khác nhau của thế giới (như một số người bạn ở labo mình kể, bố mẹ họ mang hai quốc tịch khác nhau, nhưng họ lại sinh ra ở một nước thứ 3, rồi họ lại được nuôi dạy ở một thành phố thứ 4, đến khi làm việc họ lại thay đổi thêm 2 thành phố khác nữa), bạn sẽ không còn phân biệt nổi đâu là tổ quốc, quê hương của bạn nữa…bởi nơi nào bạn cũng sẽ bị bén rễ một xí…Và bạn sẽ hiểu mái nhà chung của bạn là Trái đất này. Tượng tự như một nhà du hành người Mỹ sau khi bay ra ngoài vũ tru, đến khi quay lại trái đất, các nhà báo hỏi cảm tưởng của anh khi bay ra không gian thế nào : anh ấy hốt hoảng trả lời,  đại ý, khi bay anh ấy mang niềm kiêu hãnh Mỹ để muốn cắm lá cờ Mỹ lên vùng không gian mới, nhưng khi bay về nhìn Trái đất thân thường từ trên cao, anh ấy chợt nhận ra « Cả Trái Đất là nhà của anh ấy ».
Nếu một ngày khoa học hiện đại đưa con người khám phá, định cư ở hành tinh khác, rồi bạn sẽ thấy bạn sẽ xem cả vũ trụ là nhà.

Vậy cớ sao, mái nhà chung không bao giờ có ranh giới, có giới hạn mà nay mỗi cá nhân không thể chung sống hòa bình và hạnh phúc bên nhau ?








Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire