lundi 20 octobre 2014

Ai là Người Cộng sự của Phan Bội Châu ?



Trước khi qua Pháp, tình cờ xem bộ phim "Người cộng sự" được hợp tác làm bởi Hãng phim của Nhật và Việt Nam nhân kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật. Câu chuyện kể về tình bạn cao đẹp của Phan Bội Châu với một bác sĩ người Nhật. Vị bác sĩ người Nhật này vừa là ân nhân cứu mạng PBC khi PBC vượt thuyền sang Nhật "du học", đồng thời là người luôn hỗ trợ PBC tiếp cạnh với giới tri thức, chính quyền Nhật, và cũng ủng hộ về mặt vật chất như chổ ở, tiền...
Cảm động nhất là những cảnh quay về ông bác sĩ người Nhật này, ông quý PBC đến nổi dù bản thân ông bị học máu (hình như ông bị ung thư) nhưng ông ấy vẫn luôn lo lắng và đi tìm gặp để trao cho PBC một số tiền để tự lo trốn thoát khi chính quyền Nhật truy đuổi PBC. Và giờ nhớ lại, hồi đó PBC đã dùng toàn bộ số tiền để mua một thuyền sách để vận chuyển về Việt Nam, nhưng rồi số phận không may, bị phát hiện và toàn bộ sách đã bị đốt cháy. Ở cái thời đó, PBC đã hiểu rõ đâu là "vũ khí thực sự" giúp cho dân tộc.

Mình cũng nghe đâu đó câu chuyện, một trong những lý do giúp Trung Quốc mạnh như hôm nay là những "thuyền sách" được vận chuyển từ nước ngoài về. Nghe bảo, Trung Quốc kêu gọi những người Trung Quốc thành danh trên khắp thế giới trở về quê hương để làm việc và được hậu đãi rất lớn. Có một ông giáo sư người Trung Quốc là giáo sư danh tiếng của một trường đại học của Mỹ, đã chấp nhận lời đề nghị này, và sau về Trung Quốc ông ấy không quên mang về đúng nghĩa một "thuyền sách" cùng ông ấy về Trung Quốc. Và người phương Tây cũng không còn lạ kể về câu chuyện các sinh viên hay người Trung Quốc khi đi thăm các labo, viện nghiên cứu, xí nghiệp... phương Tây, rất nhiều trong số họ đều lăm le coppy đầy cứng USB các dữ liệu bí mật của nơi đó để tuồn về Trung Quốc.

Hay như chuyện kể về dân Do Thái, họ cũng đã rất biết truyền thông tin, kiến thức cho nhau. Tại các quầy rượu chẳng hạn, họ có một quyển sách ghi chú chung, tất cả mọi người đều có thể ghi lại nhưng điều hay ho, kinh nghiệm, hay trải niệm của mình muốn chia sẻ cho người sau, họ ghi vào đó để những người khác được biết.
....
Khi nào thì người Việt Nam biết chở những thuyền sách từ mọi nơi về làm giàu cho kho sách Việt Nam ? Khi nào thì trong cuộc nói chuyện hàng ngày giữa những người Việt Nam sẽ bàn nhiều hơn về các quyển sách đã đọc thay vì bàn về "ngôi sao nào vừa bị lộ nội y" ? Khi nào thì nhiều người dân hơn muốn làm "người cộng sự " của PBC ?

Nghe bảo hôm nay là ngày kỉ niệm ngày mất của Tướng Giáp, nhưng cuộc sống hiện tại và tương lai có quá nhiều đáng phải trăn trở, cần đọc, thảo luận và tìm ra giải pháp nên mình không có cảm xúc về sự kiện đó. Mọi người hay quá hồi tưởng quá khứ và thần tượng thái quá ai đó! Ngày tướng Giáp mất, triệu người hụt hẫng, và họ cũng còn hụt hẩng đến tận bây giờ! Họ sợ rằng thế là người cuối cùng của một thế hệ vàng son, son sắt với đất nước đã ra đi! Họ hoang mang liệu thế hệ hiện tại và tương lai có đủ bản lĩnh để "vàng son" và "son sắt" như vậy. Nhưng mình thì có vẻ bình an về chuyện đó. Ai cũng đến rồi đi. Thế hệ đó đã đóng một vai trò không thể thiếu trong lịch sử, vai trò của họ là không thể phủ nhận. Nhưng cuộc sống hôm nay lại có quá nhiều những vấn đề mới, và cần những thế hệ mới, với đầu óc cởi mở hơn, sâu sắc hơn, bản lĩnh, tự tin hơn để tìm ra giải pháp mới. Chính những thế hệ hôm nay phải tự giải quyết vấn đề của hiện tại. Mình vẫn có linh tính là nếu tìm đọc được các quyển sách về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) thì sẽ tốt hơn nhiều khi đọc sách về các vị Tướng. Bởi có lẽ mình thích cầm bút hơn cầm súng.

Tuy nhiên, đặt câu hỏi để sống sâu sắc hơn xí xí, nhưng mình vẫn rất cảnh giác bản thân trước mọi "tiếng nói trái chiều"...Mình cũng đọc một số trang "trái chiều đó" để có những góc nhìn khác nhau, nhưng có một điều dễ nhận ra là bản thân những lời họ viết chất đầy tư tưởng cục bộ, căm ghét, hận thù, bi quan, không văn minh...Qua cách họ nói, họ viết, mình lại còn sợ hơn nếu giả sử chính họ lên nắm chính quyền...Bởi suy cho cùng, những con người luôn được nuôi dưỡng bằng những ý nghĩ tiêu cực, cục bộ vậy thì khi gió thổi thuận chiều, họ cũng chẳng thể làm tốt hơn...Mọi người có thể chưa biết, chưa cởi mở thì cũng có những lí do chủ quan, khách quan của họ. Những gì anh nói không chỉ đòi hỏi đúng hay không, mà nó còn đòi hỏi có tình người hay không!

Người ta cũng gán ghép cho cái từ "..." bao nhiêu là xấu xa, và áp đặt lên cho một hệ thống gồm rất nhiều người, mà lại quên đi phần quan trọng nhất là "phần người" của họ...."..." chỉ là một danh từ, tính từ, là "cách suy nghĩ" của nhiều người; nhưng liệu có nên đồng nhất nó với "con người" ? Nếu dân chủ thực sự, vì cũng phải tôn trọng họ như một sự tồn tại, một sản phẩm của chính con người. Còn sản phẩm đó có được xã hội chấp nhận, đánh giá cao hay không thì cùng với thời gian, dân trí tăng nó sẽ nhận sự đánh giá đúng với những gì nó đáng được nhận... Chu kì sống của sản phẩm là tất yếu...

Suy cho cùng, gốc của mọi vấn đề là do lòng tham, sân, si tạo ra. Hệ thống tốt thì giúp cho tham, sân, si của cá nhân dễ kiềm chế hơn. Nhưng hệ thống kiểm soát tốt nhất lại nằm chính ở mỗi con người.
Một người hoàn toàn có thể cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn ở giây phút hiện tại và ngay tại đây. Mình không tin là giả sử 10-20 năm sau với chất lượng cuộc sống tốt hơn, được sống trong một hệ thống mới tốt hơn, mình sẽ hạnh phúc hơn. Bởi cuộc sống luôn biết cách đặt ra cho mỗi người những bài toán mới khó hơn sau khi họ đã giải một bài toán dễ hơn. Cũng như sau gần 3 năm sống tại Pháp, mình đã thấy có những người theo cách nhìn của mình họ có đủ điều kiện vật chất, tình cảm để cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn, nhưng không hiểu sao, trái tim họ lại đầy tổn thương. Nếu đứng trước Thượng đế (nếu ông ấy có tồn tại), họ và mình hoàn toàn bình đẳng nhau, bình đẳng ở nhu cầu được yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng, suy tư về cuộc sống...

Nếu đã coi cuộc sống là cuộc đua thì bạn sẽ luôn phải chạy và chẳng bao giờ có thời gian để dừng lại ngắm hoa và chiêm nghiệm.
Nếu đã coi bạn luôn có một điều gì đó để đấu tranh, có ai đó cần phải triệt hạ, thì bạn sẽ quên cuộc đấu tranh với chính mình, và triệt hạ những góc khuất của chính mình. 
Nếu bạn tin sau khi đạt được điều gì đó mới giúp bạn hạnh phúc hơn, thì ngay sau khi đạt được điều đó, niềm vui sẽ qua mau, bạn hụt hẫng và bạn sẽ luôn biết cách đặt ra những điều kiện mới để bạn được hạnh phúc; mà quên mất rằng chính hành trình bạn đi chứ không phải đích bạn đến mới là món quà quý giá nhất


Có một câu chuyện thế này: Một ngày Thượng đế kêu gọi mọi người lại cùng bàn luận nên dấu "Thiên đường" ở đâu để loài người không thể nhận ra. Người thì nói dấu trên núi cao, người thì nói dưới biển sâu....Nhưng rồi có một người rất thông minh lại đề nghị là hãy dấu vào trong chính bản thân con người. Vì đó là nơi bất ngờ và an toàn nhất. Con người sẽ mãi mê đi tìm thiên đường ở mọi nơi mà quên mất rằng chính họ nắm giữ chìa khóa của nó. 



Phim "Người cộng sự": http://www.tbs.co.jp/partner_vtv/highlight/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire