samedi 12 avril 2014

Trường đại học đào tạo sinh viên làm Thầy, Thợ hay Làm Ông Chủ ?



Tuần vừa rồi theo học khóa học Doctorial được tổ chức khá thú vị.
Khóa học gồm gần 100 sinh viên tiến sĩ từ các chuyên ngành khác nhau. Sinh viên được xe bus đón từ chiều chủ nhật đến một khách sạn trên núi cao cách ly trong vòng 1 tuần để chỉ tập trung học chung với nhau. Sinh viên được phục vụ ăn uống, có nhiều phòng giải trí vào buổi tối nếu sinh viên cần. Ở đó, mình còn bắt gặp các nhóm trẻ em chừng trăm nhóc cũng được thầy cô dẫn tới đó học. Và có rất nhiều nhóm khác cũng vậy. Ở Pháp, rất nhiều chương trình được tổ chức học ở một nơi xa như vậy. Đặc biệt là những khóa học đào tạo kĩ năng làm việc nhóm và đòi hỏi học viện phải dành nhiều thời gian tương tác với nhau.

Còn các nhóc từ 3-4 tuổi đã được đi du lịch xa theo đoàn cùng các anh chị hay thầy cô hướng dẫn để. Nên việc rèn luyện kĩ năng độc lập, tự tin, tự chăm sóc mình của các nhóc thì khỏi phải bàn.
Trở lại khóa học, khóa học này nhằm đến 2 mục tiêu chính : đào tạo kĩ năng phỏng vấn xin việc và tiến hành một ý tưởng kinh doanh.

Một vấn đề nổi trội của các nước châu Âu cũng như Pháp đang đương đầu là nạn thất nghiệp gia tăng. Nên các trường đại học Pháp đang đổi mới mạnh mẽ bằng cách bổ sung các khóa học hỗ trợ kĩ năng định hướng nghề nghiệp cho Sinh viên. Và khóa học này là để thực hiện điều đó. SV được dạy về viết CV, thư xin việc, về cách tìm thông tin để xin việc. Và các chuyên gia về xin việc, về tuyển dụng được mời tới để trực tiếp phỏng vấn sinh viên từ đó đưa ra góp ý cho sinh viên.

Một hướng khác là giúp sinh viên xây dựng kĩ năng làm việc nhóm để thực hiện một ý tưởng kinh doanh. Khóa học chia làm các nhóm nhỏ 8-9 người. Mỗi nhóm tự chọn một ý tưởng và có các chuyên gia để hướng dẫn. SV tìm ý tưởng, tính toán về mặt kĩ thuật, tổ chức, kinh phí…để bảo đảm ý tưởng đó có tính khả thi và sinh lợi.
Khi nhắc đến các doanh nghiệp, người ta chỉ nhớ đến các doanh nghiệp lớn, nổi tiếng. Nhưng thật bất ngờ, nếu như mình nhớ không nhầm thì có hơn 70% các nhân viên là làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ chỉ dưới 50 nhân viên. Điều đó cho thấy số lượng các doanh nghiệp nhỏ rất nhiều. Và cơ hội nằm trong tay những người dám nghĩ, dám làm ông chủ.

Đào tào ở mình luôn bị kêu ca là đào tạo « LẮM THẦY, ÍT THỢ ». Và hậu quả cuối cùng là rất nhiều người thất nghiệp hay làm sai nghề. Một sự lãng phí quá lớn. Nhưng mình nghĩ, vấn đề không phải ở đào tạo « nhiều thầy » mà là rất ít trường đào tạo sinh viên « LÀM ÔNG CHỦ», và cũng rất ít trường hổ trợ sinh viên kĩ năng xin việc cho sinh viên.

Nếu quan niệm trường đại học cũng là một doanh nghiệp. Thì sản phẩm của trường đại học là sinh viên. Và một trong nhữn g tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá trường đại học là tỷ lệ phần trăm sinh viên xin được viêc hay tự tạo việc làm cho mình đúng chuyên ngành. Chừng nào trường đại học không đổi mới chương trình đào tạo để giải quyết vần đề này thì chừng đó việc đổi mới ở trường đại học vẫn chưa đúng hướng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire