jeudi 22 janvier 2015

Đánh giá bằng điểm: điều đó có nghĩa là gì ?



Chương 10: Đánh giá bằng điểm: điều đó có nghĩa là gì ?
Võ Thị Hà (phỏng dịch và bổ sung)
Từ Chương 10. Assigning Grades: What do they mean ? của
Quyển McKeachie's Teahcing TIPS 14th của Marilla D. Svinicki và Wibert J. McKeachie
Hoạt động của "Nhóm dịch sách giáo dục"




Giới thiệu

Điểm luôn là một chủ đề được bàn luận thường xuyên. Sự khoan dung khi chấm điểm (grading leniency), chấm điểm dựa theo thảo thuận giữa thầy-trò (contract grading), lạm phát về điểm (grade inflation: khuynh hướng cho điểm cao hơn cùng một bài tập đó nếu cho điểm trong quá khứ), chấm điểm dựa theo mức độ thuần thục (mastery-based grading: tức hệ thống chấm điểm dựa theo mức độ nắm thuần thục các khái niệm, kĩ năng hơn là chỉ tính toán dựa vào tổng số điểm sinh viên đạt được trong một học kì) là những chủ đề nóng được đem ra thảo luận.
Điểm là một phương pháp cơ bản để giao tiếp, để truyền thông tin. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Người thầy dự định truyền thông tin gì và với ai ? Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét 4 điều:
1. Đánh giá là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, nổ lực, hoạt động hơn là chỉ đơn thuần cho điểm. Một phần chính của đánh giá nên ở dạng những lời nhận xét trong bài làm, những câu trả lời, tương tác với những phát biểu của sinh viên, những cuộc đối thoại..để giúp sinh viên hiểu chúng đang ở vị trí nào và cần làm gì để có thể đạt kết quả tốt hơn. Người thầy cho điểm sinh viên là một cách truyền thông tin tới nhiều đối tượng bao gồm: các cá nhân sinh viên, giáo viên khác, hội đồng đánh giá của nhà trường, nhà tuyển dụng sinh viên trong tương lai...
2. Người thầy truyền thông tin gì thông qua việc cho điểm phụ thuộc vào ý nghĩa của điểm số đó đối với từng cá nhân nhận nó.
3. Người thầy không thể đơn phương thay đổi ý nghĩa của điểm số. Bởi vì sự đánh giá về điểm số mà sinh viên nhận được còn bị ảnh hưởng bởi điểm số sinh viên nhận được trước đó, dự đoán điểm mà sinh viên sẽ nhận được, và cảm giác hụt hẫng khi người thầy đánh giá theo một cách khác với dự đoán của sinh viên. Adams (2005) đã nghiên cứu về điều gì sinh viên và nhà trường nên cân nhắc khi cho điểm. Tác giả nhận thấy sinh viên tin rằng nổ lực của sinh viên nên là căn cứ quan trọng hơn để cho điểm số cuối cùng bất kể sinh viên có tiến bộ như thế nào so với ý kiến của nhà trường. Ngoài ra sinh viên và nhà trường còn có quan niệm khác nhau lớn giữa số giờ cần bỏ ra để được xem là đã nổ lực lớn. Vì vậy, một điểm "A" không luôn có ý nghĩa giống nhau.
4. Ý nghĩa của thang điểm A, B, C đã thay đổi trong 50 năm qua. Giữa những năm 1950s, C được xem là điểm trung bình. Nhưng ngày nay, B mới được xem là điểm trung bình (hiện tượng lạm phát về điểm). Do đó, việc cho điểm cũng như diễn giải điểm số nên được đặt trong bối cảnh thời gian của nó.
Điểm số được dùng để làm gì ? Tôi đề nghị là một người khi đọc một điểm số chủ yếu là muốn có thông tin để đánh giá về khả năng thực hiện trong tương lai (future performance) của sinh viên. Các hệ thống cho điểm khác như chấm điểm dựa theo mức độ thuần thục (mastery based grading), chấm điểm đạt-không đạt (pass-fail grading) không cung cấp thông tin hữu ích để tiên đoán khả năng thực hiện trong tương lai của sinh viên.

Liệu điểm có cung cấp thông tin hữu ích cho việc đưa ra quyết định ?

Một trong những phê phán về hệ thống cho điểm truyền thống là điểm không cung cấp thông tin hữu ích cho các mục đích chính mà điểm thường được sử dụng. Giáo viên mặc địch rằng điểm là một chỉ số cung cấp thông tin và giúp khuyến khích sinh viên học. Nhưng những ý kiến chỉ trích thì cho rằng dùng điểm thấp để uy hiếp sinh viên học giống như dùng cái nạng để khuyến khích sinh viên đi, được dùng bởi các giao viên tồi. Thêm vào đó, đặt nặng vào điểm số có khuynh hướng làm giảm động lực học thêm của sinh viên và có thể dẫn đến kết quả kém hơn ở những sinh viên mà điểm là động lực chính. Trong thực tế, những ai đạt điểm cao nhất thường là sinh viên xem điểm số là một động lực vừa phải để học và có một động lực bên trong cao cho việc học (Lin et al. 2003).
Thông tin gì từ điểm số cung cấp cho các nhà tuyển dụng ? Có lẽ hầu hết các nhà tâm lý học về nhân sự sẽ đồng ý rằng một chỉ điểm để tiên lượng tốt nhất cho việc thực hiện một công việc thành công là người đó đã từng thực hiện thành công một công việc tương tự trong quá khứ. Với một sinh viên trẻ mới bước vào thị trường lao động, thì kinh nghiệm làm việc trước đó thường là những công việc bán thời gian và trình độ thấp. Do đó, quyết định của nhà tuyển dụng phải phụ thuộc chủ yếu vào các thông tin khác như phỏng vấn, thư giới thiệu, thông tin cá nhân, gia đình, điểm số. Mỗi nguồn thông tin cung cấp một phần thông tin cho đánh giá. Nếu công việc đòi hỏi ứng cử viên được đào tạo một số khóa học nào đó, thì khi đó điểm số nhằm phản ánh kết quả về những kĩ năng được áp dụng trong quá trình học sẽ cung cấp thêm một thông tin hữu ích. Điểm số cũng có thể được dùng bởi một số người như một cách đánh giá trung gian về tinh thần đam mê làm việc, tính kiên trì, và khả năng thích ứng với các tình huống khác nhau (Tuy nhiên, điểm số không luôn luôn là chỉ số chính xác phản ánh điều này).
Bởi vì điểm số thường được dùng kết hợp với các biến khác, nên không ai có thể mong đợi rằng điểm số luôn luôn tương quan với khả năng thành công của sinh viên. Nó giống như một phép toán đơn giản trong đó có nhiều biến khác nhau để tiên lượng khả năng thành công cuối cùng của sinh viên. Mỗi biến có một tương quan nhất định, có thể là tương quan thuận, không tương quan hoặc tương quan nghịch với kết quả cuối cùng. Đó đó, có khi người ta chọn một ứng cử viên có các tiêu chuẩn khác cao trong khi điểm số thấp, cũng có khi người ta chọn một ứng cử viên vì điểm cao trong khi các tiêu chuẩn khác thấp. Một chỉ trích phổ biến cho rằng điểm không tiên lượng đúng về khả năng thành công của ứng cử viên và những chỉ trích này thường là không đúng trong hầu hết các nghiên cứu được tiến hành.

Chúng ta có thể tin tưởng vào điểm số được không ?

Giá trị thông tin về điểm số phụ thuộc nhiều vào phương pháp chúng ta dùng để đánh giá sinh viên. Trong chương 7, tôi đã miêu ta một vài cách đánh giá sinh viên thông qua kiểm tra trên lớp, kiểm tra ngoài lớp hoặc các đánh giá trung thực khác. Để điểm số thực sự hữu ích thì phương pháp đánh giá cần tin cậy và chính xác.

Tính chính xác của đánh giá (validity)

Một đánh giá chính xác khi nó đo lường đúng cái nó muốn đo lường. Ví dụ, cách tốt nhất để đánh giá khả năng biện luận một cách thuyết phục của sinh viên là yêu cầu sinh viên đưa ra những điểm biện luận của riêng mình về một chủ đề và thực hiện nó dưới dạng văn viết hoặc nói. Những câu hỏi trắc nghiệm về các phần của biện luận thường không đánh giá cùng một mục đích như trên. Thậm chí cho sinh viên đưa ra nhận xét về bài biện luận của sinh viên khác cũng là đánh giá một kĩ năng khác. Khi chúng ta chấm điểm về kĩ năng biện luận thông qua các hoạt động để thực hiện biện luận đó thì phương pháp đánh giá sẽ chính xác hơn và tiên lượng tốt hơn cho khả năng biện luận thành công trong tương lai của sinh viên.
Một điều chúng ta nên cân nhắc khi xác định tính chính xác của điểm số là những gì được đưa vào để tính toán điểm số. Nhiều giáo viên cho thêm hoặc trừ điểm sinh viên vì những hoạt động mà nó ít hay không liên quan đến hoạt động học chính của sinh viên. Ví dụ, chúng ta trừ điểm vì nộp bài muộn hoặc không làm theo hướng dẫn. Có những thông số chính xác khác để đánh giá những đặc điểm này của sinh viên bào gồm tinh thần trách nhiệm cá nhân, hành xử một cách trưởng thành, tính chuyên nghiệp. Nếu những đặc điểm này được đánh giá trong điểm số cuối cùng thì bản thân điểm số đã không còn đánh giá chính xác về những gì sinh viên đã học được, nến tính chính xác của điểm số sẽ giảm. Tôi thường dùng hai hệ thống điểm riêng biệt, một để đánh giá những gì sinh viên đã học được, và một thang điểm khác để đánh giá những đặc điểm trên như chậm trễ, không làm theo hướng dẫn.

Tính tin cậy của điểm số (reliability)

Một đánh giá là tin cậy khi nó cho những kết quả khá tương đồng nhau dù người đánh giá là khác nhau hay thực hiện ở các thời điểm khác nhau. Những câu hỏi trắc nghiệm là rất tin cậy vì nó tránh được sự chấm bài chủ quan của người thầy. Kiểm tra bằng bài luận thường ít tin cậy hơn trừ trường hợp có một sườn bài chuẩn để chấm.

Cho điểm dựa theo chuẩn (criterion-referenced grading) hay dựa theo đường cong (grading on a curve) ?

Cho điểm theo chuẩn

Là phương pháp cho điểm nhằm đánh giá xem liệu sinh viên có đạt được tiêu chuẩn đề ra. Hầu hết các kiểm tra ở nhà trường có thể xem là áp dụng phương pháp cho điểm theo chuẩn.

Cho điểm dựa theo đường cong

Đây là một phương pháp cho điểm dựa theo lý thuyết thống kê để phân bố các mức điểm khác nhau theo một tỷ lệ xác định trước cho các sinh viên trong một lớp học. Thuật ngữ "đường cong" là nhằm nói đến đường cong hình chuông, biểu đồ của phân phối chuẩn (còn gọi là phân phối Gaussian) trong xác xuất. Tuy nhiên, không nhất thiết cách cho điểm phải tuân theo phân phối chuẩn này.
Cho điểm dự theo đường cong tiến hành theo ba bước:
+ Xác định phân bố điểm mong muốn của cả lớp. Ví dụ: 10% sinh viên có thứ hạng kém nhất nhận điểm 1, 10% sinh viên tiếp theo nhận điểm 2, ....10% sinh viên có thứ hạng tốt nhất nhận điểm 10 (Bảng 1).
+ Cho điểm dạng số (có thể cho thang điểm số lớn hơn thang điểm 10 để cho điểm được chính xác hơn như dùng thang 20, thang 100) để chấm bài cho sinh viên theo đáp án chuẩn.  Ví dụ, thu được kết quả như cột 1, cột 2 bảng 2.
+ Tính thứ hạng của sinh viên theo phần % từ dưới lên. Ví dụ: thu được kết quả như cột 3 bảng 2.  
+ Đối chiếu cột 3 bảng 2 với cột 2 bảng 1 để chuyển đổi điểm cho sinh viên thu được kết quả như cột 4 bảng 2.
Bảng 1
Phân bố thang điểm 10 mong muốn
Thứ hạng theo % tích lũy 
10 = 10%
100%
9 = 10%
90%
8 = 10%
80%
7 = 10%
70%
6 = 10%
60%
5 = 10%
50%
4 = 10%
40%
3 = 10%
30%
2 = 10%
20%
1 = 10%
10%

Bảng 2
Điểm thang 20
Số lượng sinh viên
Thứ hạng theo %
Điểm cuối cùng của sinh viên
18
3
100%
10
17
5
96%
10
16
8
88%
9
15
15
76%
8
12
17
54%
6
10
4
29%
3
9
7
23%
3
7
4
12%
2
6
1
6%
1
4
2
5%
1
3
1
2%

Tổng sinh viên = 67

Mục tiêu cuối cùng của cho điểm theo đường cong là nhằm bảo đảm học sinh được đánh giá so với các bạn khác trong lớp.
Ví dụ về so sánh giữa hai phương pháp
Câu hỏi: Hãy kể tên thành phố của Việt Nam mà em biết ?
Cho điểm theo tiêu chuẩn
Cho điểm theo đường cong

SV1: Hà Nội
Đúng
SV1 trả lời tốt hơn SV2 nhưng tệ hơn SV3
SV2: Paris
Sai
SV2 trả lời tệ hơn SV1, SV3
SV3: Hà Nội, Hồ Chí Minh
Đúng
SV3 trả lời tốt hơn SV1, SV2

Chọn phương pháp nào ?

Một trong những tranh cải dai dẳng của các giảng viên là nên cho điểm theo chuẩn hay cho điểm theo đường cong. Tuy nhiên, có lẽ hai phương pháp này không tách rời nhau hoàn toàn như người ta nghĩ. Thậm chí khi người thầy chấm điểm theo đường cong, người thầy cũng dùng đánh giá theo tiêu chuẩn để phân biệt xem lớp nào học tốt hơn và lớp nào học kém hơn. Tương tự, một người thầy chấm điểm theo tiêu chuẩn cũng sẽ thay đổi tiêu chuẩn chấm dựa theo kinh nghiệm chấm bài trước đó. Theo quan điểm cá nhân của tôi, chấm điểm theo đường cong là phản giáo dục. Nếu có thể, điểm nên dựa trên tiêu chuẩn tuyệt đối hơn là dựa theo tính tương đối trong một lớp cụ thể.
Việc dùng tiêu chuẩn tuyệt đối có thể dễ dàng hơn nếu bạn dựa trên những mục tiêu chính và phụ mà sinh viên cần đạt được của môn học. Ví dụ:
9-10 điểm: đạt được tất cả các mục tiêu chính và phụ
7-8 điểm: đạt được các mục tiêu chính, một số mục tiêu phụ không đạt được
5-6 điểm: đạt được tất cả các mục tiêu chính, nhiều mục tiêu phụ không đạt được
3-4 điểm: một số mục tiêu chính đạt được
1-2 điểm: không mục tiêu nào đạt được
Có thể tiến hành như sau, nên liệt kê danh sách các mục tiêu của môn học và soạn tiêu chuẩn để đánh giá theo mỗi mục tiêu này. Có thể tiến hành nhiều hình thức đánh giá khác nhau như kiểm tra viết, phỏng vấn, bài tập, bài nghiên cứu, làm việc nhóm...để đánh giá các mục tiêu này. Và điểm cuối cùng là điểm tổng hợp từ các điểm thành phần này.
Có một vấn đề mang tính triết lý đằng sau cuộc tranh luận về cho điểm theo chuẩn hay cho điểm theo đường cong. Đó là vấn đề mà chúng ta đã nhắc đến là: Mục đích của việc cho điểm là gì ? Để xác định sinh viên giỏi nhất trong một nhóm (cho điểm theo đường cong) hay để xác định xem sinh viên đã đạt được cái gì (cho điểm theo tiêu chuẩn). Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản. Câu hỏi này chúng ta thường đặt ra khi chúng ta phải trao số giải thưởng có hạn cho những sinh viên giỏi. Liệu chúng ta sẽ so sánh giữa các nhóm để chọn ra những sinh viên giỏi nhất hay chúng ta chọn các sinh viên giỏi của từng nhóm, kể cả khi nhóm đó rất giỏi hoặc rất kém như nhau. Câu trả lời còn phụ thuộc, liệu những kĩ năng đạt được của môn đó là rất thiết yếu cho việc học các môn tiếp theo và việc đánh giá theo một chuẩn đề ra là cần thiết. Do đó, chúng ta chỉ có thể cho sinh viên qua khi đã đạt được chuẩn. Ví dụ như trong ngành y, dược, một số môn học thực sự rất quan trọng và liên quan đến tính mạng của bệnh nhân chăm sóc sau này, nên việc đánh giá theo chuẩn là quan trọng.
Sự lựa chọn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
1. Mức độ chính xác của phương pháp đánh giá sinh viên là như thế nào ? Có tin cậy ? Cho điểm theo tiêu chuẩn là không thích hợp nếu phương pháp đánh giá là không chính xác hay tin cậy.
2. Nhóm sinh viên được lựa chọn như thế nào ? Nếu một nhóm khá đồng đều thì chấm điểm theo đường cong là không thích hợp bởi sẽ không phân loại được sinh viên.
3. Tiêu chuẩn đạt được có quan trọng với sinh viên không ? Nếu có, thì chấm điểm theo chuẩn là thích hợp hơn.
4. Liệu những môn sau có phụ thuộc vào những kiến thức/kĩ năng đạt được của môn này ? Nếu có, thì chấm điểm theo chuẩn là thích hợp hơn vì những ai đạt được tiêu chuẩn yêu cầu mới được cho qua.
Còn nhiều yếu tố khác cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp cho điểm nào, tuy nhiên điều quan trọng nhất là không nên chọn đại một phương pháp mà không có lý do.

Giảm lo lắng của sinh viên về điểm số

Đối với nhiều sinh viên, điểm số là nỗi sợ hãi và điều may rủi, do đó, có thể giảm sự lo lắng của sinh viên bằng cách khuyến khích sinh viên tham gia vào việc đề ra phương pháp đánh giá. Sinh viên thường có thể nhận ra là người thầy cần tuân thủ các quy định chung của trường về phân bố điểm số cao thấp, và nếu sinh viên được tham gia xác định hệ thống phân bố điểm này thì sinh viên sẽ ít cảm thấy bị đe dọa hơn.
Một số người thầy còn đi xa hơn là cho sinh viên tự cho điểm hoặc cho sinh viên tự chấm điểm lẫn nhau. Tôi thích ý tưởng rằng sinh viên nên phát triển khả năng tự đánh giá, nhưng tôi nhận thấy nhiều sinh viên tự cho điểm mình thấp vì khiêm tốn hay do sợ cho điểm sai. Nếu dùng phương pháp này, bạn nên có cuộc thảo luận chi tiết về cách chấm điểm với sinh viên (mục đích tự đánh giá, tiêu chuẩn được thiết kế rõ ràng).
Bạn cần giới thiệu tiêu chuẩn đánh giá một cách rõ ràng. Dùng các ví dụ về các bài tập của các khóa trước có thể hữu ích. Yêu cầu sinh viên chấm điểm để phát triển khả năng tự đánh giá của sinh viên.
Nhìn chung, động lực học không được thúc đẩy đơn giản bởi điểm cao hay bởi tiêu chuẩn chấm khó khăn. Sinh viên có động lực học nhất khi chúng cảm thấy chúng có thể đạt thành công với một nổ lực vừa sức (Harter, 1978) và khi chúng tin rằng việc cho điểm là công bằng. Gordon và Fat (2010) đã nghiên cứu về điều gì ảnh hưởng đến nhận định của sinh viên là việc cho điểm là công bằng. Điều bất ngờ là các tác giả nhận thấy những kĩ thuật mà chúng ta hay dùng để loại bỏ các điểm chết cho sinh viên như cho sinh viên thi lại, tự ý vớt điểm cho sinh viên không làm cho sinh viên cảm thấy mình được cho điểm công bằng. Mà các kĩ thuật giúp sinh viên làm bài tốt trong lần đầu tiên như hướng dẫn việc học, có những bài ôn lại, các bài kiểm tra thử... Vì vậy, nếu bạn muốn sinh viên cảm thấy việc cho điểm là công bằng, bạn phải chú ý hơn đến những công tác trước khi tiến hành kiểm tra và cho điểm.
Giúp sinh viên biết được mức độ mà chúng đạt được trong suốt môn học giúp sinh viên ít lo lắng hơn là để cho sinh viên có cảm giác việc đánh giá là không có rõ ràng và không có hệ thống.
Nếu bạn khá hòa phóng khi cho điểm, bạn có thể bị các sinh viên khác phàn nàn về tính công bằng. Ví dụ như khi bạn cho sinh viên cơ hội làm lại để gỡ điểm hay cho sinh viên làm các bài tập ngoài để tăng thêm điểm. Bạn cần có lý do thỏa đáng khi tiến hành những điều đó.

Nếu một sinh viên muốn thay đổi điểm thì sao ?

Đầu tiên phải lắng nghe sinh viên và sau đó xem lại các tiêu chuẩn đánh giá. Cố gắng hiểu lý do, lời giải thích của sinh viên.
Bạn có thể cố gắng giải thích cho sinh viên về sự hợp lý của điểm đã cho. Tuy nhiên, điều này thường không có tác dụng nhiều. Vì thông thường, sinh viên và giảng viên nhầm lẫn hai phương pháp đánh giá khác nhau. Sinh viên thì có khuynh hướng dựa trên mức độ tiến bộ của mình còn giảng viên thì dựa trên kết quả đạt được của sinh viên so với mục tiêu của môn học.
Sự tiến bộ cũng là một chỉ tiêu quan trọng để cho điểm. Một sinh viên đã có nhiều tiến bộ dù ban đầu kiến thức nền của sinh viên thấp có thể sẽ đạt kết quả tốt ở môn học nâng cao hay công việc bằng với một sinh viên khác đạt được kết quả có phần tốt hơn nhưng lại tiến bộ ít hơn so với ban đầu. Giải pháp của tôi là, cho điểm chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn cần đạt được của môn học, nhưng nếu điểm cuối cùng là lẻ, thì tôi sẽ làm tròn lên cho những sinh viên có nhiều tiến bộ.
Dù bạn có cho điểm thế nào, một số sinh viên sẽ không vui. Hãy đồng cảm với sinh viên. Nếu bạn muốn thay đổi điểm cho sinh viên, cần biết thủ tục thay đổi điểm của nhà trường.

Một số nghiên cứu về việc học và cho điểm

Có những người học với động lực học dựa trên các mục tiêu (goal-based: họ thực sự muốn học và tập trung đạt một mục tiêu cụ thể hơn là học bất cứ điều gì) và có những người học với động lực dựa trên nghĩa vụ (performance-based: họ học để đạt điểm số tốt nhất). Đầu tiên, người ta nghĩ là đặc điểm tính cách của mỗi người quyết định đến động lực học là gì, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy điều kiện học cũng quyết định một phần. Những nghiên cứu còn cho thấy một người có thể có cả hai động lực trên trong cùng một tình huống. Những sinh viên có động lực duy nhất là điểm thường có tư duy lí thuyết, ngại thử điều mới, và có xu hướng làm những điều quen thuộc mà họ biết là sẽ thành công. Họ cũng có động lực học nhưng chỉ là không như cách chúng ta mong muốn. Còn những sinh viên muốn học bất cứ thứ gì, thường thích thử cái mới, phạm lỗi để học từ những sai lầm đó hơn là trốn tránh nó. Chúng ta thường thích sinh viên thứ 2 hơn. Điều quan trọng nhất là chúng ta tìm cách ảnh hưởng đến mục đích của sinh viên: học hay điểm. Ames (1992) và Maehr và Midgley (1991) là những nhà nghiên cứu về động lực (motivation) đã đưa ra một số số hướng dẫn để giúp sinh viên hướng theo mục đích học, bao gồm:
1. Tập trung vào các hoạt động có ý nghĩa mà sinh viên có thể thấy là chúng liên quan mật thiết đến tương lai của sinh viên. Điều này giúp cho sinh viên tập trung rèn luyện kĩ năng hơn là chỉ đơn giản học để kiếm điểm.
2. Làm cho việc học trở nên thú vị thông qua dùng nhiều phương thức khác nhau và sự mới lạ. Mục đích là nhằm làm cho sinh viên xao nhãng việc tập trung vào điểm bằng cách làm cho bản thân việc học là cuốn hút.
3. Làm cho việc học trở thành một thách thức nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Thử thách là một nguồn động lực lớn nhưng chỉ khi sinh viên cảm thấy có cơ hội thành công.
4. Đưa cho sinh viên một số lựa chọn về những gì chúng muốn học. Khi bạn có cơ hội lựa chọn, thì bạn có xu hướng học tốt hơn những điều bạn quan tâm.
5.  Tập trung vào sự tiến bộ của từng cá nhân hơn là so sánh với sinh viên khác. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất nhưng khó kiểm soát nhất. Bởi vì sinh viên thường có thói quen so sánh với các sinh viên khác qua điểm số.
6. Đánh giá một cách riêng tư hơn là đánh giá công khai. Biện pháp này thực sự hữu ích đối với những sinh viên hay so sánh mình với người khác.
7. Ghi nhận nổ lực và tiến bộ của sinh viên. Tránh việc để cho sinh viên chỉ tập trung vào đúng sai như là mục đích duy nhất.
8. Giúp sinh viên nhận ra lỗi lầm là một cơ hội để học hỏi. Điều này có thể được làm tốt nhất thông qua phản ứng của bạn khi sinh viên phạm lỗi. Bạn có phê phán sinh viên hay bạn cố gắng giúp sinh viên tiến bộ hơn theo khả năng của chính sinh viên? Hai cách thức hành xử này sẽ dẫn đến phản ứng rất khác nhau của sinh viên với lỗi.
9. Khuyến khích hợp tác trong việc học. Sinh viên làm việc cùng nhau trong cùng một nhóm nhằm đạt được mục tiêu chung sẽ ít so sánh chúng với người khác hơn.
Các nghiên cứu về động lực của việc học theo mục đích cho thấy nếu bạn tổ chức lớp học theo các hướng dẫn trên thì sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái để gạt điểm sang một bên và tập trung vào việc học bởi vì chúng tin bạn sẽ giúp chúng đạt được số điểm cao nhất mà chúng có thể.

Kết luận

1. Điểm không chỉ là một thông tin để trao đổi giữa giáo viên và sinh viên, mà chúng còn là công cụ để đưa ra quyết định cho giáo viên khác, nhà tuyển dụng, hội đồng xét tuyển sinh..
2. Phương pháp đánh giá hữu ích đòi hỏi tính chính xác và tính tin cậy.
3. Để cho sinh viên tham gia vào quá trình lên kế hoạch về phương pháp đánh giá có thể làm giảm sự lo lắng của sinh viên về điểm.
4. Chấm điểm theo đường cong có thể có tác dụng không tốt. Nên cần sử dụng cẩn thận.
5. Cố gắng tập trung sinh viên vào việc học hơn là về điểm số.
Tài liệu tham khảo thêm:
http://www.astronomy.ohio-state.edu/~pogge/Ast162/Quizzes/curve.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire