Hôm trước đi dự buổi chia tay bà giáo Régine rời Grenoble để
sang Anh làm việc. Bà là trưởng một hội thiện nguyện tên là "Coup de pouce", kêu
gọi các tình nguyện viên người Pháp, thường là các bác đã về hưu, nhằm dạy và hỗ
trợ các sinh viên quốc tế về ngoại ngữ, cũng như tổ chức các hoạt động vui
chơi, văn hóa để các sinh viên quốc tế hòa nhập vào cuộc sống tại Grenoble được
tốt hơn.
Buổi chia tay được tổ chức đơn giản nhưng thật tình cảm. Mỗi
người tự mang các món ăn đặc sản đến. Mở đầu là buổi tiệc là buổi ăn tráng miệng. Buổi ăn Tây thường ăn đứng để tiện cho mọi người di chuyển, bắt chuyện
làm quen trong buổi ăn, không tạo không gian cứng nhắc, cố định như bữa tiệc ăn ngồi theo
bàn.
Sau đó mọi người vào phòng nghe một số sinh viên đến từ một nước giới thiệu về
đất nước của mình, những đất nước xa xôi với những điều thật khác lạ từ cảnh vật,
trang phục, cách ăn uống... Một lần nữa mình lại thấy, sự khác biệt tồn tại khắp
nơi, tìm hiểu, tiếp cận nó và chấp nhận nó là một hành trình thú vị để khám phá
thế giới muôn màu này.
Những tiết mục văn nghệ biểu diễn hôm đó đều để lại
trong mình một cảm xúc riêng :
(1) tiết mục múa của hai cô bé dễ thương,
tuy điệu múa đơn giản, các cô bé múa không quá xuất sắc nhưng nhìn thấy trong
đôi chân hai cô bé và ánh mắt ấy là cả trái tim nhảy múa trong đó.
(2) Tiết mục
khác là của một cô lớn tuổi hơn, cô đến từ nước nào mình quên mất rồi, trước
khi múa cô ấy giới thiệu vài câu thôi mà sao cái giọng của cô mình nghe có chất
gì « thiêng-lạ » lắm ấy. Giống cái cảm giác khi mình nghe những người
kể chuyện trong một lần đi thăm động tại Grenoble mà tuần trước đó mình được nghe. Cái giọng thiêng lạ đó
như thể đưa mình về một không gian xa xưa nào đó vậy. Cô ấy rất muốn nhảy một
điệu múa trong ngày hôm ấy để bày tỏ tình cảm của mình với những hoạt động ý
nghĩa của Hội. Mặc dù, Cô ấy không tìm được một bộ váy múa phù hợp và chân cô ấy
đang phải bị bó cố định, nhưng Cô ấy vẫn quyết định múa như đã định. Lấy tấm
khăn van màu trắng vắt qua lưng, Cô ấy múa say mê theo điệu nhạc. Thân hình Cô ấy
hơi quá khổ, lại thấp, lại không có váy đẹp, không trang điểm, không giày….Nhưng
những đông tác múa thì khá uyển chuyển, và một lần nữa mình lại thấy ánh sáng ấy,
một tâm hồn nhảy múa, một trái tim đang nhảy múa trước mặt dù cho thiếu thốn đủ
thứ. Mình vẫn nhận được thông điệp tuyệt vời mà cô ấy muốn gửi gắm. Hãy để cơ
thể được tự do nhảy múa theo trái tìm, đừng để những ngoại cảnh ảnh hưởng đến
niềm vui sống.
(3) Một chàng trai iran cùng chiếc đàn đặc biệt hát bài hát mà
anh ấy tự sáng tác để tặng cho bà Régine. Chẳng hiểu bài hát nói gì nhưng những
giai điệu huyền hoặc ấy lại đưa mình tới những xúc cảm xa lạ mà lần đầu mình được
biết.
(4) Hai nam sinh viên Việt Nam cũng vừa đàn vừa hát hai bài, một bài Trường
Sơn Đông – Trường Sơn Tây và một bài tiếng Pháp. Riêng chọn bài hát về chiến
tranh để hát trong buổi chia tay này, cá nhân mình thấy có chút gì đó không khớp
lắm. Cá nhân mình nghĩ cả thế giới chỉ biết đến Việt Nam là đất nước triền miên
trong chiến tranh, nó như trở thành « đặc sản, thương hiệu » của Việt
Nam rồi, nhưng đã đến lúc cần hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần giới thiệu
cho thế giới thấy Việt Nam có vô số những « đặc sản » mới. Bài hát thứ
2 hai bạn hát bằng tiếng Pháp không tốt lắm chắc tại hai bạn ngẫu hứng chọn và
chưa có thời gian tập trước. Nhưng mình lại đánh giá rất cao bài hát tiếng Pháp
ấy, mình nhận thấy có điểm gì rất chung với hai tiết mục múa trước. Hai bạn đã
cho thấy sự ngẫu hứng, tự tin của mình, nghe theo ngẫu hứng của con tim để đàn,
để hát trước những người Pháp mà không lo sợ. Mình đã thấy ở tiết mục ấy một
tinh thần rất Tây !!!!
Sau đó, mọi người lần lượt tặng quà cho bà Régine, những tấm
thiệp, sổ lưu niệm, ipad….Và có bác còn phổ lời hẳn một bài nhạc để tất cả mọi
người cùng hát tặng tạm biệt bà Régine. Mọi người không ngừng nói những lời tử
tế, cảm ơn nhau, trân trọng những cống hiến cá nhân của người khác. Kết thúc Bà
Régine phát biểu lời sau cuối. Điều nhớ nhất trong bài phát biểu ấy, là bà yêu
cầu mọi người giành ra phải phút yên lặng để tưởng nhở đến một bác cũng làm
tình nguyện viện ở hội nhưng mất cách đây 3 năm, cũng như gửi lời cảm ơn đến những
cá nhân đã đóng góp cho hoạt động của hội. Hàng trăm người im lặng. Không gian
lặng thinh.
Có lẽ cái khó nhất của một đám đông là tạo nên một không gian im lặng
tập thể. Những tưởng để đám đông thấu hiểu nhau phải nói thật nhiều, nhưng
không gian im lặng đó lại cho thấy một sức mạnh thấu hiểu đặc biệt.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire