jeudi 15 mai 2014

Quyết sống cho tổ quốc hòa bình


Mình sẽ cố gắng viết note thường xuyên hơn. Dù việc này mình không muốn vì nếu mình viết mà chưa chịu đọc nhiều, chưa chịu suy nghĩ, chưa tự độc thoại, tự tranh cải trong chính bản thân mình thì cái note đó sẽ không rõ ràng và hợp lí. Nhưng note này mình viết để nhắc nhở chính bản thân mình về nhiệm vụ chính hiện tại mình phải làm.

Có thể nhiều người quen, người bạn, người thân trong gia đình cũng đang nhận thấy mình đang thay đổi hàng ngày. Và không hiểu cuối cùng thì mình đang làm gì và vì sao. Đối với mình, chân thật và chia sẽ có lẽ là hai động từ ảnh hưởng đến mình nhiều nhất.

Cuộc sống du học là một hành trình thử thách, giúp bạn khám phá bản thân. Đó là sự xung khắc của văn hóa ta – tây. Giai đoạn đầu vào năm thứ nhất, mình hoàn toàn tự ti vì sợ không thể hoàn thành đề tài. Mình đã từng viết email cho thầy cô ở Viêt Nam xin ý kiến được về nước, viết thư cho người phụ trách học bổng để hỏi thủ tục xin nghỉ học. Và có những lúc tồi tệ nhất mình đã từng có ý nghĩ « tự tử ». Nhưng rồi, sau đó bằng cách lắng nghe mong muốn ẩn sâu trong bản thân là muốn làm thật nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống của người khác. Thật là mâu thuẫn nhưng đó là sự thật, khi mình quên đi vấn đề của mình và muốn làm những điều ý nghĩa cho người khác lại là động lực giúp mình vượt qua cánh cửa tử thần đó. Trong cuốn « Thức tỉnh mục đích sống » nói đúng, chính những cú sốc tâm lý, những giây phút tử thần đó giúp mình nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì. Và cũng chính sự kiện đó khiến mình nhạy cảm hơn khi quan sát cuộc sống xung quanh.

Mình tham gia công tác từ thiện "Cơm có thịt tại Grenoble", lập trang chia sẻ về chuyên ngành "Nhipcauduoclamsang" và tập viết blog cá nhân "Xách balô lên và lang thang -  Lặng nhìn cuộc sống" để chia sẽ những cảm nhận về cuộc sống ở đây. Và càng chia sẽ, càng so sánh cuộc sống ở đây và ở nhà, mình đã luôn khắc khoải một điều, tại sao cuộc sống ở đây lại có nhiều cái đáng cho mình học hỏi như vậy ? Liệu mình có thể làm gì để thay đổi không ? Cách duy nhất mình có thể làm hiện tại là chia sẽ thông tin thôi. Nhưng chắc chắn khi về nước mình mình sẽ cố gắng biến nó thành những hành động thực tiễn hơn.

Một số điều mình tâm niệm là :
-       1. Đừng tự ti và cũng đừng tự tin quá, nhưng chắc chắn phải cởi mở trong tư duy để học hỏi : Nói thật một điều là bản thân mình cư xử nhiều cái « như con nít » chưa được dạy bảo đến nơi đến chốn vậy nếu so với một bạn Tây như không giữ gìn vệ sinh chung, hay ghen tỵ, thiếu trách nhiệm, không đúng giờ, hay làm việc riêng, hay không nói lời cảm ơn, xin lỗi khi cần thiết, hay giấu dốt, hay lừa dối, không trung thực....Rồi ngoại ngữ kém, kĩ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, kĩ năng tranh luận…rất kém. Nếu điểm qua những cái đó thì dài lắm và hồi đầu mình rất hay so sánh mình với bạn Tây, rồi điều đó làm mình tự ti vô cùng. Nhưng rồi mình đọc về lý thuyết phạm lỗi bên nghành Dược, họ bảo rằng, lỗi xảy ra không phải là do cá nhân mà thường là lỗi do hệ thống, chỉ là bạn là người cuối cùng, là nơi lỗi bộc lộ, nhưng nguyên nhân của nó thì do tích lũy các nguyên nhân « hệ thống » , tức nguyên nhân xa xôi như gia đình, nhà trường, xã hội đã không dạy bạn những điều đó. Thực hành bước đó, mình đã tự tha thứ cho chính mình. Bước tiếp theo là mình cố gắng thay đổi từ những việc nhỏ nhất. Mình bắt đầu tập quan sát bạn Tây và bắt chước làm theo. Mình chủ động lau bàn ăn và để ghế lại đúng vị trí cũ khi rời bàn ăn, không dùng vé lậu tàu điện ngầm, hỏi khi không hiểu, giữ yên lặng khi ngồi trên xe bus, nói cảm ơn, xin lỗi thường xuyên hơn, bắt đầu đọc sách, thử đi du lịch một mình…Cứ mỗi lần thay đổi những việc nhỏ đó, mình càng tự tin hơn. Mình luôn tự nhủ, còn nhiều cái mình phải thay đổi, tự khắc phục. Mình còn nhiều điều chưa đúng không phải lỗi của mình, nhưng nếu mình để những điều đó tiếp tục lặp lại dù mình biết đó là sai, thì đó lại là lỗi của mình rồi.


Mình nghĩ có nhiều cái tương đồng nếu so sánh hành trình hòa nhập cá nhân của chính bản thân mình với cuộc sống ở đây với hành trình hòa nhập của đất nước Việt Nam và thế giới. Nếu đem ra so sánh các mặt, thì Việt Nam nói thật là đang ở top "đội sổ" của thế giới. Nhưng đó không phải là lỗi của Việt Nam. Mà đó là lỗi hệ thống do quá khứ gây ra. Một quá khứ chìm đắm trong chiến tranh quá lâu. Để rồi, mỗi lần thoát khỏi chiến tranh, Việt Nam lại đứng vào vạch xuất phát ban đầu. Nhưng nếu hiện tại, mỗi người dân không có ý thức thay đổi thì sẽ rất nguy hiểm.

Có một số điểm mình thấy quan trọng là :
-        1.  Trung thực – tham nhũng : mình chưa bao giờ dám chê trách mấy bác tham nhũng cả vì bản thân mình cũng tham nhũng. Hồi mình học ở HN phải đi tàu từ HN – Huế, mình vẫn mua giả vé tàu trong khi bắt xe bus về Huế để đề nghị trường thanh toán (vé tàu đắt hơn vé xe bus) để « tham nhũng » số tiền chênh lệch đó. Nhìn những cái sai to tướng của người khác để đấu tranh và xóa sổ thì dễ lắm, nhưng tự nhận thấy cái lỗi của mình, rồi khắc phục thì nó khó khăn gấp vạn lần.Người chức càng cao càng khó giữ mình thanh sạch. Mình ở vị trí thấp nếu quen "tham nhũng" những cái nhỏ thì khi leo lên cái vị trí cao kia, sao dám chắc mình không "tham nhũng" những cái lớn ? 
-        2.  Giáo dục – Sách : nó là chìa khóa, là công cụ, là vũ khí hiệu quả nhất để giải quyết tất cả các vấn đề hiện tại của Việt Nam. Nếu chừng nào chưa lôi kéo mọi người thay đổi thói quen đọc sách, tham gia thảo luận các vấn đề và đề ra giải pháp cho giáo dục thì ngày đó Việt Nam còn nguy khốn.
-       3.   Văn hóa sống trong thời bình : mình nghĩ cái dân tộc Việt Nam còn thiếu là tư duy và hành động để sống trong thời bình. Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian sống trong hòa bình của Việt Nam quá ngắn ngủi so với thế giới. Nên cái văn hóa đó đôi khi mới xây dựng chưa được bao lâu thì lại vị chiến tranh san bằng. Cũng như một đôi yêu nhau, đám cưới chỉ là một cái mốc nhưng nó không bảo đảm sự hạnh phúc vĩnh cữu của gia đình. Hạnh phúc sau hôn nhân phải là sự chung thay của từng thành viên trong gia đình. Việt Nam đã có câu « quyết tử cho tổ quốc quyết sinh » nhưng trong thời bình thì lại chưa xây dựng được câu « quyết sống cho tổ quốc hòa bình ». Chết thì trong tích tắc, nhưng quyết sống và đấu tranh với chính bản thân trước những việc đúng sai hàng ngay, cuộc chiến không tiếng súng, không trọng tài, thẩm phán đó mới đáng sợ, mới khó khăn, khốc liệt làm sao.
-     4.     Niềm tin : Việt Nam đã chiến thắng tất cả những kẻ thù mạnh nhất trong chiến tranh. Điều đó chứng tỏ Việt Nam mạnh trong hoàn cảnh chiến tranh. Vì vậy, nếu Việt Nam biết phát huy nội lực của mình trong thời bình, thì Việt Nam sẽ làm được như Nhật Bản. Sẽ rất khó, khó vô cùng ấy, nhưng phải có niềm tin thì mới làm được. Nếu thế hệ tôi chết đi vẫn chưa làm được, thì tôi sẽ dạy cho con tôi tiếp tục cái niềm tin đó. Nếu thế hệ con tôi chưa làm được thì thế hệ tiếp theo phải làm được…

1 commentaire:

  1. Bài viết của chị rất hay, em rất vui và xúc động khi đọc được những dòng này của chị, em chúc chị khỏe và viết được nhiều bài hay hơn nữa

    RépondreSupprimer