jeudi 25 décembre 2014

Giới thiệu phim "Gods and Kings"




Hôm qua được mấy em gái dễ thương tặng món quà ý nghĩa nhân Noel là đi xem bộ phim 3D "Gods and Kings". Một bộ phim cảnh với cảnh quay hoành tráng, hóa trang chuyên nghiệp và cốt truyện xoáy sâu trả lời các câu hỏi quan trọng sau: "Thượng đế có tồn tại ? Quyền lực của con người và Thượng đế ai thắng ? Bản chất sâu xa của các cuộc chiến là gì ? Liệu cuộc chiến giữa người và người là cuộc chiến có thực và là cách thức duy nhất giải quyết xung đột ?", "Khi nào thì một cá nhân rời xa gia đình, hi sinh gia đình để cống hiến và bảo vệ những người yếu thế khác ? Sự lựa chọn đó có hợp lý ? Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc bên một gia đình nhỏ hay hi sinh hạnh phúc của một gia đình nhỏ để dấn thân vì một hạnh phúc của đám đông ?". Nhà làm phim đã đưa ra một câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng đó qua bộ phim, một câu trả lời hay, nhiều màu sắc, đa nghĩa, nhiều tầng lớp, và mình không tin mỗi người sẽ nhận ra thông điệp đó giống nhau. Nhưng mình tin chắc bộ phim buộc người xem sửng sốt trước những câu hỏi quá lớn đó, trước câu trả lời "tạm thời" của bộ phim và thảng thốt đi tìm câu trả lời cho cá nhân.
Mình chỉ ghi lại đây câu trả lời hiện tại của mình qua những gì hiện tại mình cảm nhận + thông điệp của bộ phim:

Thượng đế có tồn tại hay không ? Từ nhỏ đến lớn mình luôn tin vào một thế lực siêu hình nào đó, nhưng chỉ là không biết nó là gì mà thôi. Nó có thể là Bụt của đạo Phật, Jesus của Đạo thiên chúa hay quy luật tự nhiên của vạn vật. Nhưng mình tin ở sức mạnh tâm thần và sức mạnh tâm linh. Như trong cuốn "Hành trình về phương Đông" có những thông tin cũng được bộ phim bàn đến như: sẽ có một lúc bạn nhận ra sứ mạnh của cá nhân, có một lúc bạn đọc được, diễn giải được những tin nhắn mà "thượng đế của bạn" gửi cho bạn. Những tin nhắn đó vẫn được gửi hàng ngày, mọi nơi như sóng điện thoại có mọi nơi, nhưng chỉ những ai có cùng tần số thì sẽ bắt được sóng và giải mã được nó. Như nhân vật chính trong phim là người duy nhất "giao lưu" được với "Thượng đế của mình". Câu trả lời có lẽ là "Thượng đế có tồn tại nhưng thượng đế tồn tại ở đâu, như thế nào thì đó lại là câu trả lời của mỗi cá nhân".

Quyền lực của con người và Thượng đế ai thắng ? Bộ phim cũng gửi đến thông điệp sâu sắc như bộ phim "Đến thượng đế cũng phải cười". Con người càng nghĩ mình hiểu biết, mạnh mẽ nhờ kiến thức, khoa học bao nhiêu, có thể chinh phục được thiên nhiên bao nhiêu thì con người càng nhận ra con người cũng chỉ là một phần, một bộ phận vận hành theo một quy luật chung trong một hệ thống khổng lồ. Ví dụ như giới y học vỗ ngực vì những phát minh tìm ra thuốc ung thư mới nhưng lại thất vọng trước hàng loạt các bệnh mới xuất hiện. Đó dường như là một cuộc chạy đua với cái bóng của mình. Con người càng chạy, cái bóng càng chạy nhanh hơn. Và chỉ khi con người ngừng chạy, tự khắc cái bóng sẽ đứng im. Điều này không đồng nghĩa là khuyên người ta không chạy nữa. Nếu không chạy thì thế giới hôm nay đã không có iphone, xe hơi, máy bay để cưỡi; nhưng điều đó có nghĩa là bạn chạy để chiến thắng cái bóng của chính mình, để khám phá chính mình chứ không phải chạy để hơn thua với người khác. Bạn "đồng hành chạy" chứ không phải "chạy vì cạnh tranh".

Bản chất sâu xa của các cuộc chiến là gì ? Bộ phim có hai nhân vật đối kháng về niềm tin, quyền lực và lãnh đạo hai "đám đông" khác nhau. Điều thú vị đầu tiên là sự hoán đổi về ranh giới "đồng minh" và "kẻ thù". Lúc đầu hai nhận vật cùng một phe và là đồng minh, nhưng rồi một bí mật được mở ra và hai nhân vật trở thành "kẻ thù". Như vậy ranh giới "đồng minh" và "kẻ thù" bị hoán đổi sau một tích tắc. Vì vậy hãy cẩn thận với những ai bạn cho là "kẻ thù" hay "đồng minh" hiện tại. Vì tất cả sẽ thay đổi theo thời gian. Điều thú vị thứ hai là bộ phim đưa ra những dạng chiến tranh khác nhau: sau khi cuộc chiến giữa hai đám đông chỉ đem lại cái chết tràn lan ở cả hai phe. Một thủ lĩnh đã nhận ra có điều gì đó không ổn. Cách thức giải quyết xung đột bằng bạo lực chỉ đem lại đau thương cho cả hai đám đông. Và một thủ lĩnh với sự hướng dẫn của "thượng đế của mình" đã đứng yên, bất động, không phản kháng bằng bạo lực nữa, mà để một bàn tay vô hình của "thượng đế" can thiệp. Câu trả lời là bản chất của mọi cuộc chiến  không phải là cuộc chiến giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa đám đông này và đám đông khác. Mà là cuộc chiến tranh giữa mỗi cá nhân và "thượng đế" của mình.

"Khi nào thì một cá nhân rời xa gia đình, hi sinh gia đình để cống hiến và bảo vệ những người yếu thế khác ? Sự lựa chọn đó có hợp lý ? Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc bên một gia đình nhỏ hay hi sinh hạnh phúc của một gia đình nhỏ để dấn thân vì một hạnh phúc của đám đông ?". Kết thúc bộ phim là câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi trên. Bạn đến thế giới này để tìm ra một người đồng hành để bạn học cách dung hòa cái tôi, cái chúng ta. Một người không biết lo cho bản thân, không đem lại hạnh phúc, bình an cho gia đình nhỏ của mình thì không thể mang cái gì tốt đẹp để mà cống hiến cho "đám đông". Như mỗi cái cây, tập trung sống, vươn mình lên với mặt trời và không bao giờ làm phương hại lên cái cây khác, sẽ tạo nên một thế giới yên bình như loài cây. Sẽ có rất nhiều người nhân danh vì những mỹ từ như "phát triển", "thành công" để gieo rắc "cạnh tranh", "hoài nghi" và "sợ hãi" cho người khác. Bất cứ học thuyết nào nếu không mang lại những cảm nhận tích cực cho cá nhân bạn ở giây phút hiện tại, học thuyết đó đều ẩn chứa nguy cơ sai lầm! 




mercredi 24 décembre 2014

Chia sẽ kiến thức chuyên môn




                                                Ảnh coppy từ Google

Khi nói đến nguyên nhân làm cho hệ thống y tế VN yếu kém, mọi người thường nhắc đến nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng mình lại thấy một nguyên nhân nội tại, tế nhị quan trọng là "sự hợp tác và chia sẽ chuyên môn" trong môi trường y tế còn yếu. 
Ở mình 
Nhà trường:
Với bạn bè: mình còn nhớ hồi còn là sinh viên dược, mình đã có ý tưởng thành lập một "Câu lạc bộ dược lâm sàng". Mục đích là tập hợp tất cả các tài liệu chuyên ngành mà mọi người có được và chia sẽ cho nhau, kiểu như một thư viện mở vậy. Nhưng ý tưởng chỉ nhen lên vài ngày rồi tắt ngúm. Quãng thời gian đại học chứng kiến không ít lần "mình và một số bạn bè" dấu diếm tài liệu chuyên ngành để ôn thi, đó có thể là đề thi của các năm trước, hay một tài liệu tham khảo quý nào đó vì ai cũng muốn mình đạt điểm cao nhất. Cái tâm lý không cơi mở để chia sẽ thông tin và tài liệu nhen nhóm và duy trì trong suốt quãng thời gian đại học.

Với thầy cô: giờ nhìn lại cách dạy của một số thầy cô mình vẫn nghĩ Thầy Cô không dạy tụi mình cách trở thành một sinh viên tự lập hay một "đồng nghiệp tự lập" trong tương lai. Càng học tụi mình càng phụ thuộc và tự ti. Phụ thuộc vì mọi cái đúng sai đều phải chờ thông tin, nhận định của Thầy Cô. Tự ti vì càng học càng thấy "Thầy Cô" đang ở trên trời, còn mình đang ở "dưới đất" ấy. Chẳng bao giờ mình có thể vượt qua cái bóng của Thầy Cô được. Đôi khi chia sẽ cũng không hết vì sợ "lộ nghề".

Với đồng nghiệp: tâm lý dấu nghề vẫn còn rất nặng. Sự trao đổi chuyên môn cởi mở, mang tính học thuật cao, học hỏi vẫn còn ít.

Môi trường học thuật y học của phương Tây
Nhà trường: kiến thức được rải la liệt ở khắp nơi: thư viện, internet, các câu lạc bộ, các hội chuyên ngành, các forum trao đổi. Ai thích học bao nhiêu, chuyên sâu bao nhiêu, có sức học đến đâu thì tự học, tự bơi đi. Không che dấu "tài liệu riêng, tài liệu lưu hành nội bộ". Sinh viên học không nhằm mục đích là đứng thứ mấy của lớp hay hơn thằng A, B, C nào đó mà là học để chinh phục điều mình chưa biết, học để thách thức năng lực của bản thân. 
Thầy cô: Thầy cô giảng dạy coi sinh viên, tôn trọng sinh viên như "đồng nghiệp tương lai" của mình. Rất tôn trọng mọi phát biểu, ý kiến cá nhân của sinh viên. Dạy cho sinh viên phương pháp tư duy độc lập để tự đi tìm câu trả lời chuyên môn cho mình thay vì chỉ tay dắt việc. Nên càng học, sinh viên càng tự lập, tự tin thể hiện bản thân. Nhìn bề ngoài cứ tưởng vai trò của người thầy giáo trở nên mờ nhạt nhưng thực ra chính cái lúc người thầy giáo rút lui khỏi sân khấu vào hậu trường để sinh viên tự biên tự diễn trên sân khấu, lại chính là lúc người thầy giáo làm tròn vai trò của mình nhất và lúc người thấy giáo cho thấy đẳng cấp sư phạm, bản lĩnh sư phạm và nghề nghiệp của mình. 

Đồng nghiệp: bên này, cứ mỗi chủ đề, chuyên ngành có rất nhiều hội nghề nghiệp hoạt động độc lập, có chuyên môn cao và hợp tác chặt chẽ. Báo chí, hội nghị, seminar chuyên ngành cũng nhiều hơn. Và hình như mình không hề thấy xí nào về hiện tượng "giấu nghề". Ai có kiến thức, kinh nghiệm thì viết báo chia sẽ, tham gia hội nghị để chia sẽ, hay tham gia viết hướng dẫn điều trị. Tất cả đều để chia sẽ, để trao đổi. Và họ chứng minh bản thân qua những gì họ chia sẽ, qua những gì họ cống hiến cho cộng đồng chuyên ngành của họ. Chứ không chỉ đơn thuần là họ có thể chăm sóc nhiều bệnh nhân hơn hay họ điều trị "mát tay" hơn đồng nghiệp. 

Chừng nào mà đào tạo sinh viên y khoa xem sinh viên là trọng tâm, đòa tạo và đối xử tôn trọng sinh viên như "đồng nghiệp tương lai độc lập" của mình và tinh thần chia sẽ kiến thức, kĩ năng chuyên môn công khai, rộng rãi (không dấu nghề) thì chất lượng cán bộ y tế tương lai mới tiến bộ được. 


Đó cũng chính là lí do vì sao mình và một số đồng nghiệp và SV dược đang xây dựng nhóm "Nhịp cầu Dược lâm sàng" (https://www.facebook.com/nhipcauduoclamsang?ref=hl) để thực hiện việc hợp tác và chia sẽ. Chỉ có thông qua hành động thì mới thay đổi được tận gốc thói quên và văn hóa trên! 

Không có sự chia sẽ nào hữu hiệu hơn là chia sẽ chuyên môn bởi đó là cái mình nắm chắc nhất, hiểu biết nhất.




  

Tình riêng, tình chung của cán bộ y tế ? - Chuyên nghiệp



                                                Anh coppy từ Google

Dạo này trong gia đình có người đau. Làm mình suy nghĩ nhiều về "nghề nghiệp", "chuyên nghiệp" và "tình thương".

Mình từng nhìn một bức ảnh của một người bạn bị đau chân với dòng khẩu hiệu to tướng phía sau "Lương y phải như từ mẫu". Mình bực quá phán luôn: "Nhìn cái câu khẩu hiểu là không muốn làm nhân viên y tế: (1) chẳng ai có thể yêu và thương ta vô tư như Mẹ của mình (2) nhân viên y tế hay công việc nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Ở BV Pháp không có những câu khẩu hiệu khuôn sáo như thế nhưng nó quy định 10 điều cụ thể cơ bản mà một nhân viên y tế phải làm khi chăm sóc bệnh nhân. Làm việc có chuyên môn cao, chuyên nghiệp và có trách nhiệm đã là một phần đạo đức rồi. Còn vấn đề "đạo đức" theo cách hiểu thông thương, tình yêu thường đôi khi đó là đặc tính cá tính của từng nhân viên y tế, không thể áp đặt được."

Cứ mỗi lần đi bệnh viện Pháp ở đây, đôi khi nước mắt mình cứ muốn chảy! Bởi mình lại chột dạ so sánh với điều kiện chăm sóc ở nhà. Ở đây ngoài phương tiện vật chất chăm sóc đầy đủ, còn là sự "chuyên nghiệp" của đội ngũ cán bộ y tế (CNYT). Họ không những cập nhật chuyên môn thường xuyên, mà còn cởi mở cộng tác với nhau (bác sĩ coi trọng y tá, dược sĩ hay sinh viên thực tập; khi đi thăm khám bác sĩ thường hỏi ý kiến của mọi người về cách điều trị, chăm sóc để mọi người tự góp ý, rồi bác sĩ mới tổng hợp tất cả các góp ý và đưa ra quyết định cuối cùng của mình). Đội ngũ CBYT cũng rất chuyên nghiệp khi tiếp xúc với bệnh nhân (chuyên nghiệp ở đây là họ hiểu cách giao tiếp làm sao để trấn an tinh thần cho bệnh nhân, tôn trọng các quyền riêng tư của bệnh nhân ví dụ không trao đổi thông tin cá nhân kể cả thông tin điều trị của bệnh nhân ở những nơi "công cộng" như thang máy). Tất cả những cái đó không tự nhiên mà có. Khi mình tìm hiểu sâu thì mới biết tại vì họ được đào tạo về các kĩ năng đó: kĩ năng về giao tiếp, hiểu biết tâm lý, hành xử của bệnh nhân. Nên vấn đề thực sự không đơn giản chỉ là "chuyên môn" hay "đạo đức". Mà vấn đề ở sự "chuyên nghiệp", phương Tây hay dùng từ "(professionalism). Muốn trở thành chuyên nghiệp thì mỗi người phải được và tự đào tạo.

Vì sao một bệnh nhân ở Pháp có thể tới bệnh viện một mình để thăm khám và điều trị mà đôi khi không cần bất cứ người thân nào trong gia đình tới chăm sóc. Vì hệ thống chăm sóc của họ là toàn diện, hoàn chỉnh: từ dịch vụ gọi xe đưa đón từ nhà bệnh nhân đến bệnh viện, đến thủ tục nhập viện, chăm sóc, điều trị, dịch vụ đưa bệnh nhân từ BV về nhà, dịch vụ y tá đến tận nhà bệnh nhân tiêm thuốc....Tất cả các công đoạn đó, BV đều "lo" được. Người nhà bệnh nhân vì vậy không cần túc trực tại bệnh viện: giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cũng như nguy cơ mắc bệnh cho người nhà, người nhà không phải nghỉ học/nghỉ làm để chăm sóc người thân, rồi còn tiết kiệm chi phí ăn ở, túc trực, đi lại...Rồi còn không phải lo lắng, stress về tâm lý nữa chứ.

Vì sao hệ thống y tế này là có thể vận hành tốt thế? Vì nó vận hành bằng sự "chuyên nghiệp""niềm tin".

Nhân viên y tế được trả lương hậu hĩnh để chỉ việc chuyên tâm vào chuyên môn, điều trị mà không phải tìm mọi cách "kiếm thêm" bằng cách "o ép" bệnh nhân hay hưởng lợi từ các "tập đoàn dược phẩm". Khi người nhà bệnh nhân tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của hệ thống y tế đó thì không còn phải tốn phí bôi trơn bằng "các bì thư" nữa.

Trở lại chuyện người thân bị đau. Khi biết người thân bị đau. Đầu tiên vì để chẩn đoán cho chắc ăn, mình bảo anh đến khám tại một phòng khám tư nhân uy tín. Sau khi có chẩn đoán, bác sĩ bảo mổ nhưng mổ tại phòng khám tư nhân đó giá cả quá cao, gia đình không chịu được nên đành đi khám ở BV thứ 2. Đến BV thứ 2 thì BS bảo không cần mổ. Nên người thân về nhà, tập ngồi thiền và các phương pháp không can thiệp khác. Nhưng sau hai tháng tình trạng không tốt lên, nên đi khám BV thứ 3.

Tuy nhiên, điều mình băn khoăn cá nhân ở đây là:
- Gia đình mỗi lần đi khám thì luôn muốn khám ở đâu là tốt nhất ? Mổ bởi bác sĩ nào là tốt nhất ?: Điều đó là nhu cầu chính đáng, nhưng không hợp lý. Nếu bệnh nhân nào cũng đòi hỏi nhu cầu đó được thảo mãn thì chỉ có duy nhất một BV và một BS là có bệnh nhân điều trị, còn tất cả các BV khác hay BS khác thất nghiệp ? Thậm chí với điều kiện khá giả như phương Tây, họ cũng không yêu cầu điều đó thì sao một BN "nghèo" như mình lại yêu cầu điều đó ?. Chỉ khi thiết lập được một mặt bằng chăm sóc y tế chất lượng đồng đều ở mọi nơi và BN khi thăm khám cũng chỉ nên mong đợi ở cái chất lượng tầm trung đó thôi.

Điều mỗi cán bộ y tế như mình cần làm không phải chỉ chăm chăm đi lo cho người thân của mình "được chăm sóc tốt nhất" mà là cùng hợp tác tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp để mọi bệnh nhân đều được chăm sóc bình đẳng, chất lượng...Và khi điều đó đạt được, thì có nghĩa: ngày hôm nay tôi chăm sóc một bệnh nhân như người nhà của mình một cách chuyên nghiệp và yên tâm người nhà tôi được đồng nghiệp khác chăm sóc một cách chuyên nghiệp như thế trong tương lai! Đó gọi là "hệ thống hoạt động dựa trên sự chuyên nghiệp và niềm tin".





mardi 9 décembre 2014

Tình yêu hay Kiến thức ? - suy ngẫm từ chuyến đi Berlin



Còn nhớ hình ảnh ám ảnh nhất khi mình đọc 1/3 cuốn "Tuổi thơ dữ dội" không phải là sự cảm phục hay cảm động tinh thần yêu nước của các em nhỏ theo chủ ý tác giả mà là hình ảnh việc đập phá một chiếc đàn piano thành củi của một số người "chân quê" vì không hề biết đó là một dụng cụ âm nhạc, cho đến khi họ được nghe âm nhạc diệu kì phát lên từ cái "dụng cụ nhiều răng" đó, họ mới ngỡ ngàng vì âm nhạc đưa họ đến một cảm xúc mà trước đây họ chưa từng được bước vào đó. Họ đáng trách hay đáng thương ? Sự thiếu hiểu biết luôn là nguyên nhân dẫn đến những hành động có ý thức một cách vô thức !

Đến Berlin lần này, ngay từ đầu mình đã nghĩ đó là duyên may hay một phần định mệnh của mình. Đây là chuyến du lịch cuối cùng mình có thể tham gia cùng Campus France, một tổ chức giúp các sinh viên quốc tế du học tại Pháp tổ chức các chuyến du lịch để sinh viên khám phá văn hóa Pháp và một số nước châu Âu. Và thật tình cờ, chuyến du lịch cuối cùng này lại đến Berlin. Trên chuyến bay đi Mỹ, cũng tình cờ mình xem một bộ phim tên là "Goodbye Lenin"  và tự nhiên mình lại chờ đợi chuyến đi này rất nhiều.

Đến Berlin vào tầm hơn 10h tối, xe bus đưa đoàn sinh viên gồm 28 người với đủ quốc gia Maroc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Lyban, Syria, Việt Nam....cùng hai người hướng dẫn người Pháp Eva và Stephanie, cùng một người hướng dẫn du lịch người Đông Đức vào trung tâm thành phố Berlin.
  
Bức tường Berlin: người hướng dẫn đã nói đúng, ở Berlin, mỗi viên gạch, mẫu vụn đất đều chứa trong mình những câu chuyện thú vị để kể lại cho người du lịch từ xa tới. Năm nay kỉ niệm 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ hoàn toàn nên nhiều khách du lịch đến Berlin hơn, người ta có cảm tưởng cá thế giới đều có mặt tại Berlin vào cái ngày kỉ niệm trong đại này. Bởi đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa với Đức mà còn với châu Âu và lời nhắn cho những nước còn lại của thế giới. Chính con người đã dựng lên những bức tường để ngăn cách nhau, để chia rẻ nhau và hoài nghi nhau, thì cũng chỉ có con người cùng với sự đối thoại, yêu thường, mong muốn kết nối, hàn gắn mới có thể hạ đổ được những bức tường hữu hình và vô hình ấy.

Viện bảo tàng Checkpoint Charlie: là một điểm thông thương giữa hai vùng Đông Đức và Tây Đức cách đây 25 năm. Bảo tàng nhỏ nhỏ thôi, nhưng những tư liệu, hình ảnh, câu hỏi tái hiện trong bảo tàng bảo đảm sẽ khiến bạn tự làm sụp đổ những bức tường định kiến của những người kiên định nhất. Ở đó có hình ảnh của những còn người trí tuệ lớn, nổi tiếng như Luther King, Mỹ người tranh đấu cho sự bình đẳng của người da đen, đại sư Phật giáo Dat Lai Lat Ma, đại sự Hindu giáo Ấn Độ Mahatma Gandi... Thế giới sẽ ra sao nếu không có những con người tiến bộ, can đảm và giám dấn thân vì lẽ phải như họ... Nhưng rồi mình cũng tự hỏi, đâu là giới hạn của việc dấn thân với danh nghĩa vì người khác, vì tiến bộ xã hội ? Cũng chả phải chính những cá nhân như Hitler cũng lấy đúng danh nghĩa vì sự hùng cường của người Đức mà đẩy nước Đức vào thời kì đen tối và đáng hổ thẹn nhất lịch sử Đức đó thôi. Bản thân Hitler cũng đâu sống và hành động vì cá nhân ông, nếu ông ấy vì cá nhân ông ấy thì ông ấy ăn khỏe, ngủ khỏe, đi xem phim, nghe ca nhạc, làm tình....cho sướng cuộc đời riêng tư của ông ấy, chứ dại gì mà đau đầu, bể não vì những mưu tính vì đại nghiệp, vì sự nghiệp chung...Mình còn nhớ có ai đó đã từng bình luận chen ngang vào facebook khi tụi mình đang bàn luận về việc cần một "ai đó", một "lãnh tụ" hay một ngọn cờ nào đó để thay đổi thực tại nhiễu nhương hiện tại, anh ấy bảo đại ý là, hãy cẩn thận, vì lịch sử cũng đã chứng minh, đôi khi chính những vị lãnh tụ đó lại dẫn hàng triệu sinh mạng vào cái chết. Thời đại ngày nay người ta càng không cần một cá nhân lãnh đạo nào đó nữa rồi, khi mà tinh thần dân chủ, tự do đang được ủng hộ và hậu thuẫn khắp nơi, thứ người ta cần đó là tinh thần tự chủ của từng người. Nếu mỗi người tự biết yêu thương mình, chăm sóc cho cuộc sống của mình, tận hưởng cuộc sống cá nhân của mình, và đừng làm phương hại đến cuộc sống của người khác, thế là đã đóng góp lớn cho hòa bình thế giới, ổn định xã hội lắm rồi. Xin đừng hô hào những lý tưởng tuyệt đẹp và đẩy chính mình và những người khác xa rời hạnh phúc của chính họ. 

Mình đã đi nhiều nơi, những thành phố giàu có, phát triển. Cuộc sống của họ nếu so sánh với mình thì quá ư đầy đủ, sung túc, văn minh và có đủ điều kiện để họ có những trải nghiệm mới mẻ cho bản thân mỗi ngày.  Nhưng rồi cuộc sống của họ vẫn bộn bề với những vấn đề của riêng họ, và tựu chung vấn đề ấy liên quan đến nhu cầu hạnh phúc, triết lý sống sâu xa. Và họ vẫn bình đẳng với mình để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó dù cho tâm thế đứng của họ có cao hơn mình về cả vật chất và nhận thức. Cũng giống như hành trình đi thiền bộ ở Làng Mai tối nọ, mọi người được hướng dẫn đi thiền đêm, đi càng chậm càng tốt, đi và cảm nhận. Chuyến đi cứ đi thế không có nơi bắt đầu và không biết điểm đến là đâu, mọi người được hướng dẫn duy nhất là đi đi và cảm nhận mỗi bước chân, mỗi hơi thở, một phút giây. Lúc đầu mình không quen, cứ thấy người ta đi nhanh dần, nhanh dần, và mình thì đi chậm quá, và cứ thụt dần về phía sau, nhưng có tiếng nói nào đó sâu bên trong bảo mình cứ đi chậm như thế đi, và đừng để ý hơn thua với người ta...Và sau 1-2h gì đó, cuối cùng hành trình cũng kết thúc, cuồi hành trình cũng chẳng có gì đặc biệt cả, mọi người ai hoàn thành trước thì đi làm việc cá nhân của mình, còn ai chưa xong thì hoàn thành tiếp, cuối con đường đó không có ai đợi sẵn ở đó để ban thưởng hay xếp hạng cao thấp cho bạn cả. Và chính cảm nhận trên chính con đường bạn đang đí mới là món quà của hành trình của bạn. Mình cũng đã chia sẽ suy  nghĩa và cảm nhận này với nhóm gia đình này, qua hành trình thiền hành đó, mình hiểu ra một điều, cuộc sống của con người cũng tương tự như hành trình đó, bạn không được ai báo trước ngày giờ bạn xuất hiện ở thế giới này, cho đến khi 5-6 tuổi bạn bắt đầu cảm nhận về cái "tôi", cái "ta", rồi sau quá trình học hỏi trải niệm bạn tự gán, gắn cho mình báo nhiều là tính từ và danh từ để định hình cái tôi, cái ta đó như mình là nữ, dược sĩ, giảng viên, sinh ở Quảng Trị, yêu thơ văn, ca nhạc.....và càng lớn, bạn càng sở hữu càng nhiều danh từ, tính từ và mặc định nó là của mình, bất di, bất dịch, mình tự xây dựng cho mình các bức tường bằng các tính từ, danh từ đó để phân biệt mình với mọi người....và rồi bạn nhận ra càng lớn bức tường đó càng được xây dựng kiên cố, tỉ mỉ làm sao..... Nhưng cuối cùng, nếu mục đích của cuộc sống này của bạn là đi tìm ý nghĩa hạnh phúc là gì và làm thế nào để đạt được nó thì liệu bạn có đủ can đảm tự mình phá vỡ các bức tường đó nếu điều đó là cần thiết để bạn hạnh phúc hơn ? Và rồi, ai cũng biết sẽ có một ngày, hành trình cuộc sống này của bạn sẽ kết thúc, và cũng chẳng ai báo trước cho bạn ngày đó là ngày nào, vậy có nghĩa điểm đích đó chẳng ai có thể nắm bắt được, vậy suy cho cùng chỉ có hành trình hiện tại của bạn là quan trọng nhất. Sẽ có vô số ảo ảnh khiến bạn chạy theo hơn thua với người ta, nhưng cảm xúc chạy đua hơn thua với người ta không làm cho bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mà là tinh thần hướng nội để cảm nhận sự phát triển cá nhân, sự thay đổi nội tâm, thay đổi góc nhìn nội tâm, từ đó thay đổi hành động theo chiều hướng tích cực lên mới là có ý nghĩa nhất với bạn. Bạn không cần thay đổi cả thế giới, bạn chỉ cần thay đổi chính bạn và làm cho chính bạn an toàn, hạnh phúc thì bản thân bạn đã vĩ đại lắm rồi.

Viện bảo tàng kĩ thuật Đức: đó là một viện bảo tàng lớn tại Berlin. Vào đó bạn sẽ hiều vì sao nước Đức lại phát triển đến thế. Chính tài năng, kiến thức, giáo dục đã giúp con người có thể chinh phục được gió, mây, mưa để làm được khối thứ xưa tưởng như không tưởng như xe máy, điện thoại, máy bay....Nhưng cũng chính trong không gian tri thức, kĩ thuật đó lại thấy con người sau khi chế tạo được máy bay để thỏa niềm mơ ước được bay như chim, một số người đã dùng máy bay làm vũ khí đắc lực phục vụ chiến tranh. Kiến thức, khoa học, giáo dục rồi sẽ dẫn con người đi đâu, chinh phục những cái gì nếu như nó không đi cùng với lòng nhân ái, tình yêu thương ? Kiến thức là vũ khí lợi hại nhất để phát triển nhưng chỉ có tình yêu là vũ khí lợi hại nhất để hạnh phúc, không phải vậy sao ? Nhưng ngược lại, nếu yêu thương mà hành động mù quáng không có tri thức thì cũng tồi tệ không kém, như thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nói "Người ta thường lấy danh nghĩa tình yêu để làm khổ nhau". Quả đúng vậy, có chuyện tình lâm ly bi đát nào mà hai người không yêu nhau mãnh liệt, vậy sao họ lại làm khổ chính nhau ? Rồi, người dân của một đất nước có phải họ không yêu nước, họ cũng yêu nước lắm chứ nhưng sao vẫn cứ làm khổ nhau ? Vì họ chỉ biết yêu thương một cách bản năng thôi, mà lại chưa dám chịu khó nâng tầm tri thức, hiểu biết của mình.

Trong một xã hội mà tinh thần đám đông còn mạnh, thì có lẽ, mỗi người hãy sống tốt vì chính mình và không làm tổn hại đến người khác thế đã đáng được vinh danh lắm rồi.