Em đã định gác bút
nhưng hôm ni em lại thích lưu lại vài dòng.
Anh có biết là có
một xứ sở "Xì trum" nơi những con người nhỏ bé sống. Trong xứ sở xì
trum đó, có một điều đặc biệt là người ta hay dùng từ "xì trum" để
thay thế các từ diễn đạt quan trọng trong câu khi nói. Ví dụ như một người đi
mua bánh mì sẽ nói với ông chủ bán bánh mì là "Bán cho tôi 1 xì
trum". Và tất nhiên trong hoàn cảnh đó, cả hai người đều hiểu hàm ý của từ
xì trum là gì. Đó là trường hợp đơn giản. Tuy nhiên, tùy theo mức độ thấu hiểu
nhau giữa hai người mà tần suất xuất hiện từ xì trum trong câu sẽ nhiều lên. Ví
dụ một chàng trai mới mua một con gấu to đùng tặng người yêu thì cô gái khi nhận
quà với đôi mắt sáng trưng và nụ cười
mãn nguyện cô gái sẽ
nói với anh người yêu là "Em rất xì trum anh vì anh đã xì trum em" tức
ý cô ấy có thể muốn nói là "Em rất cảm ơn anh vì anh đã tặng gấu cho
em". Khi nói như vậy, thì người ngoài nghe sẽ rất khó hiểu, hoặc nếu như
hai người đó không có sự thấu hiểu nhau sẽ rất nguy hiểm vì có thể hiểu nhầm ý
nhau. Ví dụ cũng là câu trên, nếu nhìn
thấy vẻ mặt cô ấy không vui thì anh chàng nên hiểu là "Em rất giận anh vì anh chỉ tặng gấu
bông cho em". Vậy, anh có tự hỏi
xung quanh anh có bao nhiêu người có thể dùng từ xì trum để nói chuyện với anh
? và bao nhiêu người có thể nói chuyện với anh toàn bằng từ xì trum ? Nếu anh có
một người giao tiếp với anh toàn bằng từ xì trum là khi đó anh có một người bạn
tri kỉ, hiểu thấu ruột gan anh rồi đó.
Em đang được người
ta dạy là cần phải giao tiếp nhiều hơn, diễn đạt nhiều hơn để người ta hiểu mình,
để đối thoại được với người ta, để kết nối được với người ta, để hợp tác được với
người ta.
Nhưng em lại
nghi ngờ về giả thuyết đó. Có thực càng giao tiếp, càng nói nhiều người ta sẽ
hiểu nhau nhiều hơn. Bản thân ngôn ngữ không làm cho người ta hiểu nhau nhiều hơn,
mà là tình thương, tình yêu mới là chất liệu giúp người ta hiểu nhau nhiều hơn.
Để kết nối được không phải người ta cần mở miệng mà người ta cần mở rộng trái
tim. Khi có một trái tim đủ rộng người ta sẽ không còn bị kẹt vào cái bẫy đúng
sai của ngôn từ hay hành xử đúng sai. Trái tim phải đủ rộng rãi để chấp nhận mình
(cả ưu và nhược) cũng như chấp nhận người (cả ưu và nhược) để trân trọng một cuộc
đối thoại duyên nợ của hai tâm hồn tại thời khắc đó.
Khi đối thoại nếu
gặp phải sự căng thẳng, em thường chọn giải pháp rút lui. Rút lui để trở về với
mình, để mở rộng trái tim, khi nào trái tim đủ rộng để chấp nhận mình, chấp nhận
người với những khác biệt đó mà không nghi kị, ghét bỏ mình, ghét bỏ người thì
em mới quay lại cuộc đối thoại.
Ngày nay, người
ta có quá nhiều cách để giao tiếp, nhưng có lẽ ngôn ngữ của trái tim, của tình
yêu sâu sắc nhất là ngôn ngữ của "xì trum", ngôn ngữ không lời, không
ký tự, không hình tướng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire