lundi 18 août 2014

Hành trình bình an



Bài viết này ghi lại hành trình nhận thức sau khi tham dự khoa tu thiền của Đạo Phật về Sức khỏe một tuần tại Làng Mai, thành phố Bordeaux Pháp và thực hiện chuyến hành hương về đất thánh Lourdes của Đạo Thiện Chúa Giáo.
Vì nhiều suy nghĩ cùng đến nên bài viết sẽ ghi xoay quanh các từ khóa quan trọng.

Khóa tu kéo dài một tuần, có nhiều hoạt động phong phú khác nhau. Sáng dậy 5h30, vận động bằng hít thở sâu khi lạy, massage mặt, ngồi thiền đến 6h30 thì ngồi nghe thuyết pháp ngắn. Sau đó xếp hàng ăn sáng. Đến 9h30 thì đi thiền dạo trọng yên lặng theo từng nhóm nhỏ khoảng 20-30 người, gọi là gia đình. Mỗi gia đình được đặt tên một loài động vật. Đi thiền dạo khoảng 2 tiếng thì trở về lại chùa, vào Thiền đường nằm và nghe nhạc để thư giản. Đến trưa xếp hàng ăn cơm trong yên lặng. Chiều khoảng 3h thì làm việc như làm vườn, lau chùi nhà vệ sinh…Đến 4h45 thì có thể giam gia các hoạt động như tập yoga, ta-chi, khí công. Đến 5h có buổi chia sẽ trong các nhóm gia đình nhỏ. Sau khi ăn tối thì tham gia các hoạt động nhóm theo các chủ đề ứng dụng khác nhau. Chủ đề rất phong phú như : nghe nhạc để vẽ tranh, làm sao ứng dụng thiền để cai nghiện, làm sao nhận định và chăm sóc các đau đớn về tinh thần và thể xác, nghệ thuật sắp đặt, các vị thế khác nhau khi ngồi, làm sao để làm thoát âm và hơi khi hát, nhảy, các câu hỏi liên quan đến nước, cười…..

Thiền – Hơi thở - Im lặng : Mọi người đươc học cách cảm nhận hơi thở hít vào và thở ra. Dùng hơi thở để quay về với chính mình, tập trung cảm nhận giây phút hiện tại các mọi vật ngay xung quanh mình. Những điều được thực tập về thiền, quán niệm hơi thở rất đơn giản. Nhưng những cảm nhận mới mẻ, sâu sắc, trọn vẹn mà nó mang lại thì chỉ có khi thực hành bạn mới hiểu hết giá trị của nó. Thiền không có nghĩa chỉ là ngồi một chổ và tập trung vào hơi thở. Mà thiền có nghĩa là thông qua tập trung vào hơi thở để quay về với chính mình với giây phút hiện tại để cảm nhận sâu sắc nó.  Nên có thể áp dụng thiền khi đi dạo, khi đánh răng, khi đọc sách, khi ngắm trăng…Mình ở trong một gia đình toàn người lớn khoảng 40, riêng mình còn « xanh » nhất. Nhưng chính học cách thiền mà nhiều người trong gia đình đã chia sẽ nhưng cảm nhận như con nít của họ ở cái tuổi 40 : họ tập đi chân trần trên cỏ, cảm nhận làn gió lướt qua da mặt và tay…tập ngồi tư lự một mình trước hồ sen để ngắm và ngửi một đóa sen đang nở, tập đi lững thững một mình, tập mỉm cười với chính mình, tập hiểu ý nghĩa của sự im lặng…

Ăn uống : bữa ăn chay chỉ có rau, và rất ít, thanh đạm. Sau khi đi thiền dạo về, xếp một hàng dài mới đến lượt tự múc thức ăn cho mình. Chỉ có rau lá và hạt, một ít trái cây mà sao thấy ngon, tươi lạ. Trong một buổi thuyết pháp, mình nhớ nhất cái nhận định : cơ thể khi ăn quá nhiều thức ăn, thì do năng lượng không tiêu thụ hết nên cơ thể sẽ tích lũy ngay thành mô mỡ hay mô cơ. Và nếu lần nào mình cũng ăn nhiều quá thì cơ thể cứ càng tích lũy và chẳng bao giờ ở tình trạng thiếu để mà sử dụng cái năng lượng trong mô dự trữ ấy. Thế là cái mô dự trữ ấy để lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tật hay ung thư chẳng hạn. Vì vậy, thỉnh thoảng phải để cơ thể đói để nó tự huy động, sử dụng năng lượng thừa ấy thì cơ thể mới có cơ hội để thay đổi chất liệu của mô mỡ và mô cơ.


Chia sẻ- Lắng nghe không phán xét : đây là hoạt động hàng ngày theo từng nhóm nhỏ gọi là gia đình. Nguyên tắc của hoạt động chia sẻ là mọi người nói lên những cảm nhận của chính mình, mọi người khác chỉ việc lắng nghe. Không có những câu hỏi, câu trả lời ; không có những thảo luận ý kiến trái chiều để tìm cái đúng ; không phán xét đúng sai. Chỉ đơn giản là từng người chia sẽ tự nguyện, người khác lắng nghe. Nguyên tắc này đơn giản nhưng rất tuyệt vời. Mình đã nghĩ sau ni nếu có một gia đình nhỏ, mình cũng sẽ áp dụng nguyên tắc này. Ví dụ như một đôi vợ chồng trẻ sau một tuần ngồi nói chuyện với nhau, chia sẽ những cảm nhận với nhau, lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận trọn vẹn và vô điều kiện. Thì những khúc mắc sẽ được giải tỏa, những hiểu lầm sẽ được thấu hiểu và những mâu thuẫn cũng sẽ được thấu hiểu.

Bình an là từ bên trong, bình an là sự thấu hiểu và chấp nhận và vun trồng : Sau khi hoàn thành khoa tu chiều thứ 6. Theo kế hoạch cá nhân mình sẽ rời Làng Mai quay lại trung tâm thành phố Bordeaux để du lịch hai ngày cuối tuần trước khi về Grenoble. Nhưng kế hoạch thay đổi một cách "định mệnh". Mình đang ngồi chờ xe thì một thầy đi qua bảo có muốn đi chơi với Thầy và mẹ Thầy không. Thầy chưa nói đi đâu, đi bao lâu mình đã đồng ý rồi. Thế là khách sạn đã thuê, vé tàu đã mua mình bỏ không dùng nữa. Đi theo tiếng gọi tình cờ. Vì mẹ thầy là theo đạo Thiên chúa Giáo nên Thầy (dù là đệ tử của Đức Phật) cùng một thầy nữa chở mẹ đi hành hương đến vùng Lourdes là vùng nổi tiếng thứ 3 thế giới của đạo Thiên chúa Giáo. Theo dự kiến một chị khác sẽ đi cùng nhưng vì công việc đột xuất chị ấy quay lại Paris và xuất ghế trống đó mình may mắn thế chân vào. Mọi người ở nhờ tại một đôi vợ chồng Phật tử người Pháp. Ngôi nhà của họ trên núi và có một khu vườn nhỏ nhưng bình yên và đẹp. Từ khi ngồi trên máy bay nhìn xuống mình đã tái khẳng định một lần nữa là rất nhiều ngồi nhà nhỏ như thế, xen lẫn trên núi hay bao quanh là một khu vườn nhỏ. Xin kể sâu hơn xí về ngôi nhà này. Trong ngôi nhà ấn tượng nhất là chiếc piano bằng gỗ rất đẹp và rất nhiều bức ảnh về người dân Ấn Độ mà hai vợ chồng chụp trong chuyến đi du lịch Ấn Độ cách đây 3 năm. Hai vợ chồng rất gần gũi, thân thiện, hiếu khách. Tự nhiên thấy thương họ quá. Bà vợ là một người rất động, giống mình trước đây. Bà luôn cười nói, làm trò cho mọi người vui, luôn tìm mọi cách phủ lấp sự im lặng bằng lời nói hay nụ cười của bà. Nhưng mọi người đều cảm nhận tâm bà đang không an. Mình chẳng thể hiểu được nổi đau riêng cá nhân của bà đó nhưng chỉ thấy nó khá nặng nề. Bà hút thuốc rất nhiều, ăn uống rất ít và sơ sài, bà uống rượu cũng khá nhiều. Ôm hôn bà là nồng nặc mùi rượu và thuốc lá. Có lẽ bà đang bị phụ thuộc vào các tác nhận kích thích để tự nâng đỡ tinh thần cho mình. Nhưng có lẽ điều đó chỉ làm tình hình xấu thêm. Chỉ hi vọng cái duyên với Làng Mai, với Phật giáo sẽ giúp bà cùng gia đình tìm lại sự an yên trong chính tâm hồn của mình. Mình hiểu rằng, dù người ta có giàu có, đầy đủ đến đâu, xã hội có phát triển, văn mình đến đâu, mỗi con người cá nhân đều mang trong mình nặng nề những suy nghĩ, tình cảm và những vết thương. Họ trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương. Nếu cứ chạy theo những ảo ảnh, yêu thương, hưởng thụ không đúng cách nó sẽ mang lại niềm đau. Hạt giống của niềm vui, niềm an lạc, niềm vui sống vốn rải đầy khắp nơi. Nhưng mỗi người phải tự chăm sóc trước tiên hạt giống đó trong tâm mình thì mới có khả năng nhận diện hạt giống đó xung quanh.

Thiền Sư Thích Nhật Hạnh – Thầy là một thiền sư Việt Nam nổi tiếng thế giới, chỉ sau mỗi Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Thầy mở nhiều Làng Tu ở nhiều nước như Úc, Mỹ, Thái Lan, Đức…Viết sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Là bạn của Martin Luther King và từng được Martin Luther King để cử thầy cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1967. Khóa tu ở Làng Mai là giành cho tất cả mọi người từ các đất nước khác nhau. Trong khóa tu mình tham gia thấy có bạn từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ…và tất nhiên nhiều nhất là người Pháp. Tuần này có 400 người tham gia, tăng gấp đôi năm ngoái. Triết lý thầy nói rất đơn giản nhưng thiết thực. Làng Mai dường như là một không gian tu học rộng lớn, yên bình và đậm màu sắc dân tộc Việt Nam. Thầy đã gìn giữ và xây dựng cái hồn Việt ở Làng Mai. Đi tới Làng Mai mình thấy mình tự hào, ngẩng cao đầu là một người Việt. Với hồ sen, hồ súng, tre, trúc, nón lá, đũa tre, áo dài….Trong đội ngủ đệ tử của Thầy có cả những người xuất xa người Indonesia, Pháp, Tây Tạng, hay một người hát rất hay trước đây theo đạo Do Thái…Một tinh thần cởi mở trong tôn giáo giáo được coi trọng tối đa. Không phân biệt anh từ đâu, từ quốc gia nào, tín ngưỡng của anh là gì, mọi người tới đây cùng chung mục đích duy nhất. Học cách hít thở, học cách tìm về với chính mình. Và học cách tìm lại sự an yên trong lòng. Và học cách chung sống, chấp nhận những khác biệt và xem những người lạ như anh em một nhà. Có hai Xóm là "Xóm hạ" và "Xóm trung" là nơi các ni cô tu và học, còn "Xóm thượng" là nơi các thầy tu và học. Và các thầy và các cô nếu vào các dịp sinh hoạt chung vẫn gặp gỡ sinh hoạt chung bình thường. Nếu đã quyết định dứt bỏ mọi ham muốn, ràng buộc để xuất gia, thì "lửa có gần rơm" sao bén được? Mà nếu đã bén sao cần phải gượng ép? Xuất gia đâu có nghĩa là trói buộc yêu thương, trói buộc giao tiếp với bên ngoài. Chỉ là họ chọn con đường yêu thương khác mà thôi. Yêu thương vượt lên trên sự ràng buộc và sở hữu thông thường. Ở đây, ở hiện tại, mình đã thấy được tình thần tự do, tự tâm được thực hiện một cách tự nhiên.

Đi tu ở Làng Mai có nhiều điều thú vị như cảnh các bạn Tây tự do trò chuyện với các Thầy mọi nơi, mọi lúc. Mọi người cởi mở trao đổi kể cả những vấn đề tế nhị nhất như tình dục. Ngày thứ 5 mọi người được phát 5 lời dạy quan trọng nhất của Đạo Phật gồm : 1. Tôn trọng sự sống của muôn loài. 2. Không trộm, cắp, phải trung thực, nên rộng rãi bố thí. 3. Xây dựng tình yêu đích thực tức chỉ quan hệ tình dục khi có một tình yêu và một cam kết lâu dài giữa hai người. Tôn trọng thân thể của bản thân và người yêu bằng cách chung thủy. 4. Lời nói tràn đầy yêu thường, lắng nghe để thấu hiểu người khác. 5. Không lạm dụng tiêu thụ các sản phẩm độc hại cho thể chất và tinh thần như rượu, bia, thuốc, trò chơi điện tử, một số trang internet…Trong đó mấy bạn Tây thấy khó khăn nhất là điều 3 về tình dục nên nhân buổi hỏi đáp với các thầy các bạn Tây nhiều người hỏi về câu hỏi này. Không khí cở mở, tự do trao đổi những vấn đề tế nhị nhưng thiết yếu làm mình thích thú. Còn có một đôi vợ chồng được mời lên để thực hành « chia sẽ không phán xét » trước gần 400 người. Lúc đầu người chồng hơi khó khăn khi chia sẻ, nhưng sau người chồng đã dám can đảm chia sẻ điều khó nói nhất với vợ. Đó là ông ấy đã phạm một sai lầm trong quá khứ là ngoại tình với người khác. Và giờ ông ấy rất hối hận, và cho vợ toàn quyền quyết định là tha thứ hay không ? Sự chia sẻ của ông đã làm nhiều người phải khóc, kể cả đàn ông.

Tự do tôn giáo - Tôn giáo giúp mọi người gần nhau là tôn giáo đích thức, nhân danh tôn giáo để chia rẻ thì nó đâu còn là tôn giáo. Như đã nói ở trên vì một thầy có mẹ theo đạo Thiên chúa giáo nên Thầy đưa mẹ đi hành hướng về vùng đất thiêng liêng của Đạo Thiên Chúa Giáo. Mình chấp nhận điều này như một điều hiển nhiên bình thường nhưng có lẽ với nhiều người là cú sốc với họ. Cá nhân mình tin rằng, vị thần duy nhất tồn tại thật là chính bản thân mình. Mọi tư tưởng tôn giáo chỉ là một cách gián tiếp để mỗi người từ tìm lại, tự nhận ra vị thần bên trong mỗi cá nhân mình. Niềm tin vào tôn giáo nên đồng hành với niềm tin vào chính mình thì đó mới là một niềm tin đúng đắn. Suy nghĩ của con người luôn thay đổi và khác nhau, thì có gì là không chấp nhận được khi trong một gia đình, mỗi người được tự do lựa chọn niềm tin tôn giáo cho mình và tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Vì sao người khác tôn giáo không được lấy nhau ? Tôn giáo là nâng người ta lên, đưa người ta gần lại gần nhau nhưng không phải làm người ta thấy kém cỏi hơn, hay ghét bỏ nhau. Mình cũng nghe thầy kể, các thầy cũng hay gặp các Cha sứ, Ma Xơ để trao đổi, đàm đạo với nhau. Khi hai Thầy đi dạo trong vùng đất Thánh của Đạo Thiên Chúa Giáo, nhiều người Việt đi hành hương tò mò, quay lại hỏi, các thầy đi tu theo đạo gì ? Đi tu theo Đạo Phật sao lại đến đây ? Còn bọn Tây nó không tò mò vì các Thầy tu theo đạo gì mà nó chỉ tò mò mỗi cái bộ trang phục của các thầy màu nâu nâu, bạc bạc, như người trên núi mới xuống ấy, lạ quá, và cái "nón lá" của Thầy cũng lạ và độc quá. Nhiều người Tây bu lại xin chụp ảnh chung cho bằng được. Chụp xong mặt họ vui mừng hớn hở. Chỉ nhờ cái khác biệt, cái đặc sắc văn hóa Việt Nam mà mình được các bạn Tây tôn trọng, tò mò, thích thú làm quen, hỏi thăm hoặc nhận ra dù chỉ mới liếc qua và thì thầm « À, họ là người Việt Nam đấy.  Sao bạn biết ? Cái nón ».

Tình mẹ con – Hình ảnh lưu lại đẹp nhất sau một chuyến đi dài là cảnh Thầy gần 50 tuổi mặc áo nâu, đôi dép lê nắm chặt tay dẫn bà mẹ gần 80 chục tuổi, hai người hai tôn giáo khác nhau cùng thực hiện chuyến hành hương này. Bà mẹ trước đó cũng tham gia khóa tu do chính người con của mình tổ chức và đến hôm sau chính người con dẫn mẹ đi hành hường về vùng đất Thánh. Bà mẹ đã nhiều tuổi nhưng có nụ cười rất sáng, nụ cười trong, cười chúm chím như con nít vậy. Bà đã già nên tính hay quên, để đâu là quên đó. Bà cũng bị bệnh tật đầy người như cao huyết áp, ung thư vú. Nhưng nhìn bà vẫn tràn trề niềm vui sống và trong veo. Bà vẫn đi bộ hành hương, cười nói chúm chím. Đi tắm nước nóng cùng mọi người. Độc đáo nhất là bà rất thích ăn đồ lạnh. Khi đi ghé vào siêu thị dừng chân, bà chủ động mua yaour cho mình và mọi người. Đến khi lái xe về, lại ghé siêu thị, bà lại rủ mình cùng ăn kem. Hai bà cháu, đứa gần 30 tuổi, người gần 80 tuổi, mút, cắn, ăn cây kem ngon lành. Một thầy khác mới phán một câu : « Chưa bao giờ thầy gặp một bà lão nào chịu chơi như bà này. Tuổi già người ta kiêng đồ lạnh, còn bà này lại thèm ăn kem. » Bao nhiêu người trẻ như mình hoặc hơn mình liệu có được tâm hồn trong veo như bà chứ? Có bao nhiều người trẻ cứ tự thổi phòng nỗi nhớ, niềm đau của mình lên để làm đồ trang sức cho bản thân mà quên đi cách tận hưởng một cây kem như bà chứ ?

Thế giới có bất an ? Cuộc sống có bất an? Có. Chắc chắn luôn thế. Vì cuộc sống và VÔ THƯỜNG, có nghĩa là luôn luôn thay đổi, có thể theo chiều hướng xấu đi hoặc tốt lên.
Thế hành lý nào cần chuẩn bị cho chuyến hành trình đầy bất an đó ? Đó là tìm về với chính mình, tìm về niềm an yên ngay trong chính bản thân mình. Chỉ khi nào bạn lững thững đi một mình mà lại không hề cảm thấy cô đơn, không thấy cần thêm điều gì khác ngoài cảnh vật xung quanh, khi bạn để tâm mình yên, trí mình yên, và lặng nhìn cuộc sống. Chính giây phút đó bạn sẽ giải mã được tin nhắn "Bí mật của cuộc sống- Bí mật của hạnh phúc". 

Hành trình của mỗi cá nhân là đi tìm sự bình an của mỗi cá nhân và góp sự bình an của mỗi cá nhân vào sự bình an chung của mọi người


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire