Mình thấy trẻ Pháp luôn có chú gấu bống nhỏ xíu là bạn thân thiết nhất với chúng, gọi là "Doudou" (hình ảnh minh họa), bất kể là bé trai hay bé gái.
Nhân đọc bài báo về ích lợi khi cho bé trai chơi với gấu bông, mình dịch vài ý hay ho của bài báo (http://picklebums.com/2011/05/19/boys-dont-play-with-dolls-or-do-they/):
"Bé trai chơi với gấu vì đó là điều bình thường, tự nhiên, và là điều quan trọng để đứa trẻ học cách bắt chước chăm sóc gấu như cách người lớn chăm sóc trẻ em. Bởi vì sau ni bé trai thành người đàn ông thì họ có thể dễ dàng chăm sóc con cái và nuôi dạy con cái
Bé trai chơi với gấu để một ngày chúng có thể trở thành người cha, người chú, người anh, người chồng tư tin, tràn đầy yêu thương
Bé trại chơi với gấu để chúng học và thực hành các kĩ năng xã hội thông qua đóng kịch như thế với gấu.
Bé trai chơi với gấu để chúng có thể diễn đạt được cảm xúc, biểu lộ tình yêu một cách cởi mở và trung thực và để chúng biết rằng hoàn toàn là bình thường khi chúng bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc ân cần với người khác"
Mình đọc quyển sách của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, Thầy bảo tôn giáo nào đề cao "nam giới" thì tôn giáo đó thường rất "háu chiến", "ưa vũ lực"; nhưng tôn giáo nào đề cao "nữ giới" thường là tôn giáo yêu sự bình yên, độ lượng, hòa bình. Trong lịch sử thế giới bao nhiều nhà độc tài là nữ giới ? bao nhiều nhà độc tài là nam giới ? Vì sao nam giới lại có xu hướng độc tài và bạo lực nhiều hơn nữ giới?
Chính cái cách nuôi dạy không cho bé nam được bày tỏ tình yêu của chúng một cách tự nhiên, luôn bắt bé nam phải gồng mình lên, giả vờ mạnh mẽ để cuối cùng chính cách nuôi dạy đó đã sinh ra một thế hệ đàn ông bị tù túng không thể bày tỏ được cảm xúc của mình, yêu thương không được gửi trao và bày tỏ một cách bản năng, tự nhiên nhất.
Mình nhớ hồi về Việt Nam chơi, lúc đó mình tạm ở Huế vì có tọa đàm ở đó nên chưa thể về Quảng Trị thăm gia đình ngay, nhưng một người thân là nam giới trong nhà mình đã lái xe máy hơn hai tiếng đồng hồ vào Huế chỉ để gặp mình và chuyển ra trước một số hành lý. Sau gần hai năm xa nhà, lần đầu tiên gặp lại, mình và người thân đứng khựng như thế, cách nhau khoảng 1-2m, cười, vui lắm nhưng bối rối, tay chân cứ lống ngống không biết phải làm gì. Và cảnh tượng đó có lẽ là điều "kì dị" nhất mà ông giáo người Pháp không thể nào hiểu được. Để suốt cả hành trinh sau đó, ông cứ hỏi đi hỏi lại, tại sao người thân bạn vượt một quãng đường xa như vậy để gặp bạn mà bạn không ôm người ấy một cái ? Câu hỏi đó cứ luôn ám ảnh mình. Lỗi tại ai ?
Rồi hồi về tu ở Làng Mai, Pháp, khi chia tay, mọi người không hôn má theo truyền thống của Pháp. Tức người Pháp khi gặp nhau hoặc chào tạm biệt thường hôn lên má nhau. Cái hôn má đối với mình là một sự gần gũi thái quá lắm rồi. Những tưởng đó là đỉnh điểm của văn minh. Nào ngờ ở Làng Mai còn sáng tạo ra một kiểu ôm mới do thiền sư Thích Nhật Hạnh nghĩ ra. Chuyện là nhân một hôm có người phương Tây ở sân ga tự nhiên nhìn thấy Thiền sư thì vui mừng quá đỗi, vội chạy lại hỏi ngay: "Thầy ơi, cho con ôm thầy một cái được không ạ ?" Thầy lúc đầu có chút bối rối những sau nghĩ lại nhập gia phải tùy tục, Phương Tây họ cỡi mở trong giao tiếp, nên Thầy cho phép người Tây ôm choàng qua vai Thầy. Và sau đó Thầy về Làng Mai và chia sẽ ý tưởng thực hiện việc "ôm choàng vai" khi chào hay tạm biệt nhau. Cách thức chính thức là hai người đứng cách nhau khoảng 1m, chắp tay trước ngực, hít vào thở ra sâu 3 cái, rồi sau đó hai tay ôm choàng chéo qua thân người đối diện, khi đó tay sẽ ôm lên vai và lưng người đối diện, còn ngực, phổi hai người sẽ tiếp xúc rất sát nhau. Bạn có thể cảm nhận được từng hơi thở hít vào, thở ra của nhau. Điều đó mang lại một cảm xúc "đồng điệu" thực sự. Vì đôi khi nếu ôm lâu quá, chính hai người phải cảm nhận hơi thở của nhau và điều hào hơi thở cùng nhau. Hôm chia tay mọi người trong gia đình, mọi người đều thực hiện cách ôm choàng vai đó, kể cả những thầy đã xuất gia. Những người mình không thân lắm thì chỉ ôm thoáng qua trong vòng 3 giây thôi, nhưng có 3 cái ôm đặc biệt giành cho 3 người mà cảm giác mình vẫn còn nhớ mãi. Hai cái giành cho hai cô người Pháp, không biết tại sao hai Cô quý mình và mình cũng quý họ. Trong đó có một Cô mình ôm Cô ấy chắc phải đến 10 phút, vừa ôm vừa khóc. Và người thứ ba là một người đàn và hát rất hay, người đó đã rất lớn tuổi rồi, nhưng cái giọng của họ đặc biệt lắm, nó gợi đến một thứ gì rất thiêng liêng, xa xưa. Tự nhiên ôm tạm biệt người đó, mình đã khóc, chắc vì nghĩ khó có duyên may gặp lại họ, hặp lại một người có giọng hát đặc biệt như thế.
Rồi mình cũng nghe một Thầy kể về tổ chức Free Hugs - Chiến dịch những cái ôm miễn phí. Nhân tiện coppy bên Wiki để mọi người đọc luôn cho vui:
Ngày hội Ôm quốc tế-International Free Hugs Day là một ngày hội được lập bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7.
Đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những
người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa mọi người
với nhau. [1]
Năm 2004, chiến dịch Free Hugs được khởi xướng do Juan Mann, một người Úc khi anh cảm thấy quá cô đơn, mệt mỏi bởi cuộc sống. Juan Mann đã cầm tấm bản có dòng chữ FREE HUGS đứng trên đường phố Sydney
hối hả chờ một cái ôm. Sau rất nhiều lần kiên nhẫn chờ đợi mà không có
ai ôm mình anh đã gặp được một bà cụ kể về cái chết của chú chó sáng nay
cùng ngày kỉ niệm của con gái cụ, người đã mất sau một vụ tai nạn xe
hơi. Anh sụp người và ôm chặt lấy người phụ nữ.
Nhiều tháng sau đó Juan Mann cho đi vô số cái ôm tự nguyện như thế, những cái ôm không phân biệt giới tính, tuổi tác.
Ngày 22 tháng 9 năm 2006, một video về Mann được phát tán trên You Tube đã thu hút hơn 74 triệu lượt người quan tâm.
Ngày hội Ôm Quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Năm 2014, ngày hội được tổ chức thêm tại Nha Trang.
Ngày 20 tháng 7 năm 2014, hơn 300 sinh viên, học sinh
ở TP.HCM đã xuống đường dọc trung tâm thành phố để trao nhau những cái
ôm thân tình nhân ngày hội Ôm quốc tế - International Free Hugs Day -
diễn ra tại công viên Tao Đàn, Q.1.
Link Wiki: http://vi.wikipedia.org/wiki/Free_Hugs
Sự mạnh mẽ của người đàn ông không phải thể hiện ở sự lạnh lùng không thèm và không biết khóc, không thèm và không biết thể hiện những cảm xúc, tình cảm yếu đuối
Sự mạnh mẽ của người đàn ông thể hiện ở chổ họ dám chấp nhận dòng cảm xúc chảy qua con tim họ, khi buồn, khi yếu đuối họ khóc, để sau đó họ cười bình yên hơn, thật hơn
Đàn ông cũng là một con người vừa có phần yếu đuối và phần mạnh mẽ tồn tại song hành trong họ. Họ cũng cần được yêu thường và bày tỏ yêu thương một cách tự do, cởi mở như phái nữ. Tôn trọng và nuôi dưõng cả hai phần đó trong chính họ thay vì dùng định kiến nặng nề của xã hội để xã hội hóa, "trơ hóa" đàn ông.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire