vendredi 25 août 2017

Ảo tưởng sức mạnh

Hôm trước đi tàu SE1 từ Hà Nội về Quảng Bình, trời ui muốn lọi (gãy) cái lưng vì tàu chạy xập xình như lò xo co giãn – cao thấp phải đến 10cm (hay dạo này mình lão hóa rồi nên chịu không nỗi). Đi tàu nằm mềm điều hòa mà tưởng mình đang đi trên con tàu chợ chạy ngược về quá khứ cách đây 50 năm trong khi những con tàu ở nước người ta đang xăm xăm bay vào tương lai. Lại nhớ cái thênh thanh, thoáng đạt, êm ru khi đi tàu ở Maroc hay Malaysia. Hệ thống nhà ga ở Hà Nội đã khang trang hơn, hệ thống đặt vé online cũng đã rất hiện đại, cũng có kiosk in vé ngay tại nhà ga….nhưng cái quan trọng nhất là chất lượng của những chuyến tàu thì không thể nói là đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Đang cố gắng ngủ thì bỗng nghe ồn ào, mở mắt thì nghe một bác trung niên già người nước ngoài đang “phản ứng, phàn nàn” một anh chàng trung niên trẻ Việt Nam. Bác nước ngoài cứ nói tiếng Anh một tràng, mạnh mẽ, dứt khoát, rồi cứ chêm thêm một câu “Do you understand? (Anh hiểu ý tôi chứ?). Anh chàng thì gãi đầu, gãi tai vì không hiểu tiếng Anh. Mình đề nghị làm thông dịch viên nhưng bác Tây từ chối, bảo không cần đâu. Mình hỏi anh Việt Nam có chuyện gì vậy thì anh bảo: anh không hiểu tiếng Anh nhưng thấy bác ấy cứ chỉ vào đôi dép mình đang mang nên anh ấy nghĩ là bác ấy “phê phán” anh sao lại tự tiện mang dép của người khác để đi vệ sinh (không phải dép của bác Tây đâu nhé). Sự cố ồn ào nhỏ mà khiến mình suy nghĩ rất sâu. Người Tây được nuôi dạy từ nhỏ về công bằng, công lý và phản biện. Nên đối với một chuyện nhỏ xí như thế, dù đang ở trên “đất khách”, dù bất đồng ngôn ngữ, họ vẫn thấy mình có trách nhiệm phản ứng. Còn bản thân mình đôi khi lấy cái tính từ “khoan dung, rộng lượng” ra để che đậy cái “nhút nhát” của bản thân khi cần bảo vệ điều đúng mà lại im lặng.
Mùa bóng đá nào có đội tuyển VN tham dự mình cũng không bình luận trước và trong khi mùa bóng đang xảy ra, chỉ đợi khi mùa bóng kết thúc mới góp chút gió. Bóng đá cũng như các lĩnh vực khác của VN, còn thua kém trong khu vực rất nhiều. Đơn giản vì trong khi VN cứ nuôi niềm hy vọng trên những ảo tưởng sức mạnh của bản thân, thì người ta sống thật, làm thật và đổi thay thật. Cũng may mà đội nam dừng chân sớm để thần dân còn quay lại thực tại mà làm việc và cống hiến.


vendredi 18 août 2017

Sóng - Gió (version 2)

Những lời mây gió
Vắng sóng lặng câm.
Chiều nay biển lặng
Im đợi sóng trào. 

(Sóng - Gió tại Hạ Long - Quảng Ninh)
18/8/2017

samedi 5 août 2017

Ấn tượng gì về Jakarta ?

Thành phố này không dành cho những người yếu bóng vía. Thành phố rất rộng, quy hoạch khá ngăn nắp. Điều bất ngờ là thành phố này có hơn 12 triệu người cư ngụ vì Indonesia là nước đông dân thứ 4 thế giới. Diện tích cây xanh bình quân đầu người ở Jakarta lớn gấp 10 lần Hà Nội (Jakarta là 10m2/người còn Hà Nội là 1m2/người). Điều ấn tượng thứ 2 là người dân lái xe máy hay xe ô tô trong nội thị nhưng tốc độ rất nhanh, lên đến 60km/h. Xe cứ lao vun vút, rất ít chỗ băng qua đường cho người đi bộ. Băng qua đường ở Jakarta khó và nguy hiểm hơn ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh nhiều. Dù ở thủ đô, nhưng hơi bất ngờ là ở Yogyakarta (cố đô) hầu như ai mình gặp cũng nghe hiểu được tiếng Anh và nhắn tin bằng tiếng Anh được nhưng một số bạn trẻ mình gặp ngay ở Thủ đô lại lắc đầu không nói tiếng Anh với mình. Vì tháng này Indonesia tổ chức mừng ngày độc lập nên cờ phướng đỏ-trắng treo đầy các tòa nhà nhìn rộn ràng-rực rỡ. Hồi ở Yogyakarta, tình cờ xin vào bên trong Nhà thờ Hồi giáo thăm quan làm lễ (vốn giành cho Gia đình hoàng gia làm lễ trong quá khứ, nay mở cửa cho người dân vào làm lễ). Mình được yêu cầu trùm khăn kín đầu và kín người, rồi được cho phép vào ngồi chung với người Hồi giáo bên trong thánh đường. Nhưng ở nhà thờ Hồi giáo tại Jakarta, mình chỉ được phép lên lầu 2, nhìn xuống lầu 1 – nơi những người Hồi giáo làm lễ. Nhà thờ Istiqlal nằm ngay đối diện với Nhà thờ công giáo Gereja Katedral Jakarta. Indonesia là một đất nước đa văn hóa, đa tộc người (ước tính có khoảng 500 tộc người) và đa ngôn ngữ (hơn 700 thứ tiếng), đa tôn giáo (Hồi, Hindu, công giáo, tin lành, phật giáo, nho giáo…), và nhiều đảo nhất thế giới. Mặc cho những đa dạng đó, ý thức quốc gia ở Indonesia rất cao.

Jakarta có gì vui không em ?

Ngày thứ 2 ở Jakarta và cũng là ngày cuối. Ngày 1 đi khám phá Monas và vùng xung quanh (xem như khu phố mới). Ngày 2 đi khám phá Khu phố cổ Jakarta có tên cũ là Batavia. Riêng cái quảng trường Fatahillah bao xung quanh gần chục địa điểm thăm quan thôi cũng đủ mỏi chân. Gọi là Phố cổ nhưng những ngôi nhà ở đây đẹp và đều có kiến trúc Tây Phương (vì đây là khu phố hồi Hà Lan chiếm đống Jakarta chọn làm trung tâm). Thích khi đi dạo ở khu phố cổ này, có cảm giác thân quen như dạo một quảng trường ở châu Âu, với đầy các hoạt động văn hóa và bảo tàng. May mắn mình đi vào thứ 7 nên không khí ở đây càng nhộn nhịp, đặc biệt đang diễn ra ngày hội văn chương ASEAN nữa. Tới mỗi thành phố, mình đều cố vào càng nhiều bảo tàng càng tốt, để hiểu câu chuyện văn hóa - lịch sử của thành phố đó. Mình ấn tượng mạnh khi vào một bảo tàng lịch sử ở Yogyakarta với cách bài trí sinh động và khá hiện đại, lại được bạn hướng dẫn tình nguyện người Indonesia dẫn đi quanh và giới thiệu bằng tiếng Anh cho mình miễn phí vì mình đi rơi vào ngày Quốc Khánh Indonessia. Rồi mình ghé qua khu vui chơi - giải trí, càng bất ngờ hơn khi trong đó có một Aquatium như một khu triển lãm tương tác giới thiệu về Khoa học - công nghệ giành cho trẻ em, cách bố trí rất hiện đại, sáng tạo khiến cho người lớn cũng mê tít. Jakarta thì quá đông, ồn ào và xe luôn chạy vun vút. Có lẽ chỉ có vào các thánh đường trong nhà thờ thì mới tìm thấy lại được sự im lặng và lắng động nội tâm. Con mắt không khỏi tò mò khi nhìn mỗi chiếc mũ bảo hiểm hay mỗi chiếc xe máy ở đây, rất màu mè và phong cách, không ai giống ai. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm nhìn rất "ngầu" và "xịn" như một chiếc vân tay thể hiện cá tính của người đội, như thầm nhắn nhủ "đội tôi vào rồi tăng tốc thả ga". Jakarta nhiều nơi rất bẩn. Nhìn những con kênh ở đây đen nghịt và cạn nước, bốc mùi. Với gánh nặng dân số quá lớn và thói quen thả rác không phanh, kênh rạch trở nên tức tưởi.
Jakarta có gì vui không em ? Vẫn có ánh trăng lặng chiếu trên trời để em nhìn ngắm, để hiểu rằng dù đi giữa phố xá tấp nập lạ lẫm này vẫn có thể nhìn thấy một điều rất quen và rất chung - Ánh Trăng.

mardi 1 août 2017

Hoàn hảo là một sai lầm

Đó là một câu trong bài báo cáo của một giáo sư Mỹ tại Hội nghị Indonesia. Tự nhiên suy nghĩ lung tung. Đi giữa các con đường ở Yogyakarta, thấy nhiều nơi bẩn thỉu, người dân còn lem luốc vì lao động rất nhiều. Số lượng dân thường có mức sống dưới trung bình ở Indonesia chắc còn cao. Tuy nhiên, việc nhìn thấy nhiều tầng lớp lao động mưu sinh ở đây không gợi lên cho mình sự “thương hại” mà lại là sự “kính nể”. Xã hội này cho phép tất cả mọi người đều có quyền mưu sinh chính đáng. Xã hội đó không xua đuổi những người đi bán hàng rong hay những người bán trên vỉa hè. Xã hội đó cũng không tịch thu các phương tiện mưu sinh lạc hậu như các xe xích lô ôm đã quá cũ. Xã hội đó cho phép người dân sống thật với năng lực của chính mình, vẫn còn nghèo và vẫn còn vất vả nhưng ai cũng có một công việc để làm, để mưu sinh, để tồn tại. Người dân đi trên đường đa số không màu mè, chải chuốt hay trang điểm. Đa số không nặng về hình thức bên ngoài. Tất cả chỉ tập trung vào hành động. Cả thành phố náo nhiệt và sinh động. Tầng lớp tri thức của xã hội này (có hay không có ẩn mình dưới những khăn trùm đầu kín đáo) nói tiếng Anh rất tốt. Những leader của khoa hay trường dù trẻ hay già đều nói tiếng Anh tốt đủ để tiếp thu tri thức mới từ Tây Phương và áp dụng cho đơn vị của mình, đủ để tự tin trình bày những kế hoạch, dự án, chương trình của chính mình đang triển khai.
Điểm đậu đại học quá cao, năm sau cao hơn năm trước đó là một chỉ dấu của “lạm phát điểm”. Có quá nhiều lớp sơn đẹp đẽ được phủ lên những tư duy cũ cố hữu tăng tiến.