Tối qua tự nhiên không ngủ. Sáng ra ngồi trên tàu điện và nghĩ:
"Nếu mình là Đỗ Đông Dư thì sao ? Người thân của mình cũng lên đến hàng trăm người. Đâu có phải ai cũng đều là Phật để không một lần phạm tội. Và nếu một người thân của mình rơi vào trường hợp đó thì sao ?" Giờ thì mình mới hiểu câu khẩu hiệu nổi tiếng "Je suis Charlie" nó có sức mạnh thay đổi nhận thức thế nào!
Nhân sự kiện này, mình sẽ chia sẽ về các trường hợp phạm tội của mình trên đất Pháp và cách xử tội của người Pháp.
1. Đi trốn vé
Sáng sớm ngày 4.10.2015, mình chạy vội lên tàu điện ở bến Condillac. Đi được một bến thì gặp các nhân viên soát vé mình mới tá hỏa là mình chưa mua vé cho cả tháng 10 (thường phải mua vé vào ngày cuối cùng của tháng trước, và giờ đã là ngày mồng 4). Mình cố gắng tỉnh bơ đưa thẻ từ cho anh chàng soát vé cao to, đẹp trai. Anh ấy cho vào máy dò hai lần, và báo là mình chưa update vé. Mình thanh minh: "Vé tháng của em chỉ phải trả 2.5 EUR/một tháng (đây là giá vé ưu đãi giành cho SV "nghèo"). Em chỉ quên sạc vé cho tháng mới thôi, chứ em không cố ý." Anh ấy nhìn với khuôn mặt đầy ái ngại và cảm thông, nhưng vẫn theo nguyên tắc anh nói: "Nhưng em không có vé, anh đành phải phạt tiền em theo quy định thôi!" Mình dạ, rồi đưa thẻ ngân hàng ra trả cho anh ấy ngay trên tàu. Mình nghĩ thầm, mất toi hơn 50EUR tiền phạt. Bước xuống tàu, cầm tờ biên bản phạt mới bất ngờ: Mình chỉ bị phạt 35,5 EUR, tức anh ấy đã chọn phạt một lỗi khác nhẹ hơn cho mình.
2. Cố ý đi nhầm tàu
Mình lên Paris lấy hộ chiếu, cứ nghĩ là sẽ về Grenoble muộn nên chọn vé tàu muộn. Đến khi xong việc sớm đến ga thì nhảy ngay lên con tàu sớm hơn để về Grenoble cho tiện. Khi người đi soát vé kiểm tra, họ bảo như thế là không được. Mình phải bị phạt thêm 25EUR. Mình xin lỗi và trả tiền phạt. Mình đã đi tàu nhiều lần và chứng kiến cũng rất nhiều lần các kiểm soát viên vé đi tuần và phát hiện một số trường hợp như không có vé, đi nhầm tàu....và họ chào hỏi, xử lý mọi việc rất lịch sự, văn minh. Trong suốt quá trình xử lý không cao giọng, không miệt thị, không chỉ trích. Như thể họ đang bán vé bổ sung cho mình hay người vi phạm thôi vậy. Bạn bị phạt hành chính về những sai phạm, nhưng bạn không bị "phạt" bồi dưỡng thêm ánh mắt miệt thị.
3. Khóa người trong labo
Mình đã kể nhiều lần về việc mình đảnh đoảng, không đi kiểm tra tất cả các phòng trong khu labo của mình mà khóa cửa về trước, làm "nhốt" một người bên trong. Làm họ phải kêu đội bảo vệ đến mở. Vì lỗi có phần "nghiêm trọng" này mình bị bà quản lý thẻ, gọi vào phòng riêng của bà một lần và bảo "Bạn đã khóa một người trong labo tối qua. Bạn cần chú ý hơn. Phải kiểm tra tất cả các phòng trước khi về. Nếu bạn phạm lỗi thêm một lần nữa, tôi sẽ tịch thu chức năng khóa labo của bạn." Bà ấy gọi riêng mình để thông báo, không "tố" mình trước mặt các đồng nghiệp trong phòng. Khi bà ấy và nạn nhận viết email thông báo cho toàn labo về vụ việc để cảnh giác những người khác khỏi phải mắc một lỗi tương tự, cả hai không hề chỉ ra đích danh tên mình, chỉ nói là: "Đêm qua, có một người đã quên khóa ....". Mình vẫn được "bao che" và bảo toàn danh dự đến cùng như thế. Đến cả khi mình bị phạm lỗi tái phạm đến 3-4 lần, mình vẫn được "dấu tên" đến cùng.
4. Giám đốc labo ra tay sử lý vụ tủ lạnh.
Chuyên là cái tủ lạnh dùng chung tầng trệt của labo khá bẩn, và dù đã được một nhân viên dán thông báo ở cửa tủ lạnh, viết email nhiều lần nhắc nhở mọi người cần dọn vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ; nhưng không thấy ai làm cả. Thế là ông giám đốc labo ra tay xử lý bằng cách viết email cho tất cả mọi người. Tiêu đề email là: "Khẩn cấp: Ngộ độc thức ăn tập thể tại labo". Email mở đầu bằng thông báo bôi màu đỏ, đại ý là: chiều nay, sau khi ăn trưa xong, khoảng chục người bị ngộ độc thức ăn và phải nhập viện. Khi được bác sĩ hỏi thăm thì cả chục nạn nhân đều có đặc điểm chung là ăn thức ăn tại labo trưa nay. Do đó, nghi ngờ là ngộ độc thức ăn do để thức ăn ở tủ lạnh. Và thông báo ai có ăn trưa nay tại labo, có dấu hiệu bất thường thì đi khám bác sĩ gấp". Tiếp đến, ông ấy giải thích là: mọi người yên tâm, đó chỉ là một trường hợp giả tưởng. Ông ấy chỉ muốn mọi người chú ý hơn đến trách nhiệm bản thân về vệ sinh chung của tủ lạnh. Ông ấy là một trong hai giám đốc labo của Pháp được vinh danh là giám đốc labo xuất sắc cảu CNRS cách đây 2 năm. Qua cái email đó, mình càng hiểu thêm cái "tầm vóc" xử lý "lỗi lầm" của nhân viên của một vị giám đốc - một người có quyền lực.
Mình từng lướt FB và thấy một status miệt thị một cá nhân công khai trên FB. Mình nghĩ đó đôi khi là một màn tra tấn tinh thần kinh khủng nhất. Chẳng có ai là không phạm lỗi. Và khi mình là "bề trên" phát xét một lỗi lầm của người khác, thì cái khó nhất là mình phải hành xử sao để nâng đỡ phẩm chất, danh dự của người khác để tương lai họ có cơ hội khắc phục, cải thiện, thay vì "ban tặng" cho họ nhưng phát xét bất di bất dịch kiểu "Bạn chẳng bao giờ tiến bộ nổi đâu..."
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire