mercredi 25 janvier 2023

Nhà trị liệu tự thân

Trong chương trình giáo dục của chúng ta còn thiếu nhiều mảng thực hành về kỹ năng chăm sóc cơ thể, tâm trí và tinh thần. Chúng ta được dạy chủ yếu các kiến thức và kỹ năng liên quan đến thế giới bên ngoài hơn là kiến thức và kỹ năng về thế giới bên trong chúng ta. Chúng ta được giáo dục để trở thành người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hơn hơn là vì chính mình. Chúng ta còn lạ lẫm ngay với cơ thể của mình, mù mờ với chính cảm xúc – nhu cầu đích thực của mình và chẳng thể hiểu nổi cách suy nghĩ của mình vận hành. Vì chương trình giáo dục dù kéo dài và ngày càng kéo dài nhưng thiếu hụt những nội dung thực hành cốt yếu trên nên chúng ta khi bước vào độ tuổi trưởng thành hay độ tuổi lao động, chúng ta trở nên lúng túng. Những khó khăn gặp phải trong việc học hành, trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp mà không biết cách xử lý, chuyển hoá đã ngày càng trở thành gánh nặng. Với đôi người, gánh nặng đó thậm chí khiến bản thân suy sụp, mất động lực sống.  

Đã đến lúc trong chương trình giáo dục cần thay đổi để mỗi người đều trở thành nhà trị liệu cho chính mình. Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ khi có đau ốm thì mới cần đi khám, uống thuốc. Nhưng kỳ thực, mỗi cá thể là một phức thể của cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức được đúc kết và hình thành từ trải nghiệm của quá khứ của chính bản thân và tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp được truyền lại trong gen di truyền. Lấy ví dụ như, dù cho hiện tại cơ thể ta tưởng như hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng nếu nhìn cho sâu thì cơ thể đó trong quá khứ đã từng bị đau do va chạm bởi đồ vật hay người khác đánh; hoặc tổ tiên ta trong thời đại khó khăn và loạn lạc, chiến tranh đã bao lần bị tổn thương, đau đớn về thể chất. Ký ức, trải nghiệm của hàng ngàn năm có thể vẫn còn lưu vết trên mỗi cơ quan, cơ thể. Tương tự như thế, dù cho hiện tại ta được yêu thương, đầy đủ, an toàn nhưng những cảm xúc lo lắng, sợ hãi vẫn còn đó, lúc ẩn lúc hiện xuất hiện bên trong ta bởi quá khứ của ta hay của tổ tiên ta đã bao lần bị đói, bị sợ hãi, bị chia ly, bị bỏ rơi. Tương tự, trong ta luôn thường trực những suy nghĩ nhằm lên kế hoạch, suy tính, phân tích, phán xét để bảo vệ chính mình. 

Sai lầm phổ biến thứ nhất là chúng ta nhầm tưởng rằng là mình đa số khoẻ mạnh và chỉ thỉnh thoảng bị đau ốm; nhưng kỳ thực chúng ta đa số đang bị bệnh và chỉ rất ít khi hoàn toàn khoẻ mạnh về thân-tâm-trí. Chỉ là chúng ta không đủ ý thức là mình đang ủ bệnh, hoặc không nhận biết được các triệu chứng của bệnh; càng hiếm hơn là chúng ta hiểu được lý do, nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó; và tất nhiên vì thế chúng ta không có các hành động cụ thể để kịp thời chữa trị bệnh. Chỉ đến khi các triệu chứng trở nên rầm rộ, không thể bỏ qua thì chúng ta mới đi tìm “thầy” và “thuốc” để trị bệnh.  Dù cho hiện tại có tốt đẹp hay đầy đủ ra sao, ta ý thức rằng trong ta luôn chất chứa nhiều tổn thương trên cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức cần được trị liệu. Trị liệu nếu là động từ, có nghĩa là làm cho lành bệnh. Quá trình này chỉ có thể bắt đầu khi ta ý thức và thừa nhận là mình đang bị “bệnh”, và ta có hành động “làm” để “chữa lành”. 

Sai lầm phổ biến thứ hai là chúng ta khi có bệnh lại trông cậy quá nhiều và “thầy” và “thuốc” bên ngoài mình, mà quên đi rằng chính mình là “thầy” và “thuốc” quan trọng nhất, quyết định nhất. Nếu mỗi cá nhân được đào tạo để trở thành “nhà trị liệu của chính mình” và thực hành mỗi ngày để chăm sóc, nuôi dưỡng và trị liệu cho chính mình thì đó là “phương thuốc” lâu dài và căn cơ nhất. Vậy nhà trị liệu của chính mình có vai trò gì và cần có những năng lực gì? 

Nhà trị liệu của chính mình hay nhà trị liệu tự thân là người chịu trách nhiệm phát hiện, nhận biết các triệu chứng, chẩn đoán bệnh, xác định yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây bệnh và đề ra các phương án điều trị, đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả của các phương án trị liệu. Nhà trị liệu tự thân cũng là người có vai trò quyết định nhất quyết định khi nào thì cần kết hợp, nhờ sự hỗ trợ thêm của các nguồn lực bên ngoài. 

Năng lực cần có của nhà trị liệu tự thân là khả năng hiểu và thương cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình. Hiểu ở đây là khả năng hiểu rõ vai trò, chức năng, cấu tạo, giá trị, cách vận hành của từng cơ quan, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình. Thương ở đây là khả năng hành động, thực tập để nuôi dưỡng, nhận diện, ôm ấp, xoa dịu và chữa lành các tổn thương ẩn chứa trong từng cơ quan, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình. 

Ví dụ như có một chị nọ bị tật mắt trái hay nheo mắt lại và giật giật. Chị đi khám nhiều nơi thì không thể tìm ra nguyên nhân vì mọi thăm khám trực tiếp và chụp chiếu đều cho thấy mắt trái của chị hoàn toàn khoẻ mạnh. Bác sĩ vì thế cũng không thể kê thuốc cho chị. Cho đến khi chị thực tập chánh niệm và dần dần hiểu ra nguyên nhân. Hồi còn nhỏ chị từng bị ba đánh mạnh bằng roi và chẳng may roi quất vào mắt trái. Vì ám ảnh về ký ức đó nên cho dù sau nay khi lớn lên chị chưa từng bị ai đụng mạnh vào mắt mình một lần nào nữa, mắt chị vẫn ghi nhớ trải nghiệm của quá khứ và phản xạ bảo vệ bằng cách nhéo mắt và giật giật. Sau đó, chị đã phải dành rất nhiều thời gian dùng bàn tay để ôm ấp, vỗ về mắt trái của mình mỗi tối; chị cũng phải ngồi xuống viết thư cho chính mình để nhận diện và ôm ấp những cảm xúc sợ hãi, tổn thương đã từng đi lên vào ngày hôm bị đánh. Bằng sự hiểu biết và tình thương cộng thêm sự kiên nhẫn, mắt chị đã dần dần không còn nhéo lại hay giật giật nữa. 

Dù cho hiện tại sức khoẻ thân – tâm – trí của ta có rất tổn, thì năng lực của nhà trị liệu tự thân cũng sẽ giúp chúng ta hiểu và thực hành để tạo sức đề kháng và phòng bệnh; hoặc khi bệnh xuất hiện thì biết cách đối xử. Chúc cho bạn là thầy thuốc mát tay của chính mình; chúc cho mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn đều có tác dụng trị liệu. 



jeudi 19 janvier 2023

Giao tiếp trắc ẩn/Tự thấu cảm/Cảm xúc/Hạnh phúc

1. Giao tiếp trắc ẩn

Tự thấu cảm

Tự thấu cảm là hành trình bản thân nhận biết đi từ Quan sát khách quan (I see), kết nối với những Cảm xúc (I feel) và những Suy nghĩ (I think) phát sinh; từ tín hiệu của Cảm xúc để nhận biết Nhu cầu phổ quát của bản thân (I need) và từ đó đề xuất Hành động phù hợp (I do). Cuối cùng là diễn đạt được toàn bộ quá trình trên bằng Ngôn ngữ (I say). Có thể tóm tắt bằng các câu sau: “I see... I feel… I think… I need... I do…”

Thế giới bên ngoài tác động vào thế giới bên trong mỗi người chủ yếu qua 5 giác quan: mắt (thấy), tai (nghe), mũi (ngửi), lưỡi (nếm) và da/xúc giác (chạm). Qua 5 cánh cổng này, thế giới bên ngoài làm phát sinh những Cảm xúc bên trong chúng ta. 

Cảm xúc

Cảm xúc có thể được chia làm 2 nhóm là: cảm xúc dễ chịu và cảm xúc khó chịu. Có những cảm xúc cơ bản, cũng tương tự như những màu cơ bản, và chúng ta có thể phối các cảm xúc cơ bản này thành vô số các cảm xúc khác nhau, như cách chúng ta phối màu cơ bản để thành các màu mới. Nhận biết và hiểu được cảm xúc của chính mình là chìa khoá quan trọng để thấu hiểu chính mình. Các cảm xúc cơ bản gồm: hạnh phúc, buồn, sợ, ghê tởm, giận, ngạc nhiên. Thuỷ sẽ lần lượt kể cho bạn nghe về những cảm xúc này qua trải nghiệm của Thuỷ. 

Hạnh phúc

Hạnh phúc dường như là cảm xúc mà ta mong muốn đạt được nhiều nhất. Hạnh phúc thường được định nghĩa là trạng thái cảm xúc dễ chịu được đặc trưng bởi cảm giác hài lòng, vui vẻ, thích ý, thoả mãn. Hạnh phúc thường được biểu đạt thông qua nụ cười, tư thế thoải mái, giọng nói dễ chịu. 

Tuy nhiên, điều khiến chúng ta hạnh phúc lại khá phức tạp và khác nhau giữa mỗi cá nhân. Nhiều người tin rằng hạnh phúc và sức khoẻ có mối liên hệ với nhau và nghiên cứu cũng ủng hộ ý tưởng rằng hạnh phúc có thể đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần.  

Thuỷ luôn coi trọng hạnh phúc và có thể xem nó là điều quan trọng nhất cần đạt được trong cuộc đời. Mình có thể không cần quá giàu sang, giỏi giang nhưng Thuỷ mong mình sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. Có một cô gái trẻ đã từng khuyên mọi người, trong đó có Thuỷ về cách làm thế nào để biết rõ hơn về điều gì có thể khiến cho mình hạnh phúc trong tương lai, bằng cách đơn giản trả lời câu hỏi: “Điều gì hay khoảnh khắc nào trong quá khứ đã khiến mình thật sự hạnh phúc?” 
Thuỷ đã ngồi xuống nghiêm túc trả lời câu hỏi đó và nhận ra những điều hay khoảnh khắc hạnh phúc của Thuỷ là: 
(1) được cho đi và thấy mình có giá trị; 
(2) được tự do làm điều mình thích và khám phá thêm những bí mật hay điều kỳ diệu của cuộc sống: được đi du lịch đây đó để mở mang tầm mắt và đầu óc; được thưởng thức một tiết mục nghệ thuật chất lượng; được học hay trải nghiệm một điều gì đó mới lạ và sâu sắc; được viết và chia sẻ những gì mình cảm nhận về thế giới; 
(3) được ai đó hiểu, yêu thương và trân quý; có những mối quan hệ chất lượng; 

Thuỷ sẽ kể chi tiết hơn vì sao lúc này, khi Thuỷ cán đích 36 tuổi, ngồi lại tổng kết cuộc đời mình vào ngày 28 tết âm thì Thuỷ thấy cuộc đời mình cũng đã trải qua rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc. 
Thuỷ thấy hạnh phúc sâu sắc khi được cho đi và thấy mình có giá trị khi có thể giúp đỡ cho người khác. Đó cũng là lý do vì sao quãng thời gian Thuỷ làm đại sứ Cơm có thịt tại Pháp để gây quỹ cho trẻ em vùng cao Việt Nam và làm admin cho Trang “Nhịp cầu Dược lâm sàng” đã mang lại cho Thuỷ rất nhiều niềm vui. Với công việc là một giảng viên và dược sĩ lâm sàng, Thuỷ tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa trong công việc của mình. Thuỷ nghĩ rằng mình đang ở giai đoạn muốn bước sang một hành trình cống hiến, giúp đỡ bản thân và người khác theo một cách thức khác. Thuỷ sẽ cho phép mình cùng khám phá hành trình mới đó của mình. 

Thuỷ khám phá ra sở thích đi du lịch của mình khi Thuỷ bắt đầu hành trình du học tại Pháp từ năm 26 tuổi. Hầu như Thuỷ đã một mình đi du lịch xấp xỉ trên dưới 20 nước khác nhau, từ châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đến Châu Á. Giờ ngồi nhớ lại cũng khá bất ngờ cho sự can đảm và tự do lúc đó. Thuỷ thích cái cảm giác được tròn xoe mắt quan sát những điều mới lạ. Đi xa cho phép mình bóc tách bản thân khỏi môi trường quen thuộc để cọ xát với một môi trường mới mẻ, có cơ hội làm mới bản thân. 

Có lẽ vì thích khám phá những cái mới, cái đẹp mà Thuỷ cũng rất mê đi xem các tiết mục nghệ thuật chất lượng. Nhớ những lần đi du lịch nước ngoài, Thuỷ không tiếc tiền đặt vé cho mình vào xem các vở kịch opera tại quảng trường lớn ở Verona, hay xem hoà nhạc ở Venice tại Ý; xiếc nghệ thuật của Cirque du Soleil tại Pháp; vở Ballet Hồ thiên nga tại Nga; lễ hội nhạc thiền tại Maroc; đi xem bảo tàng, hoà nhạc tại Grenoble – Pháp, hay về Việt Nam thì tranh thủ đi xem kịch, ballet, hoà nhạc tại các địa điểm khác nhau, trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội và Sài Gòn. Thuỷ cũng từng tin rằng, một trong những lý do khiến Thuỷ rời Huế vào Sài Gòn làm việc là vì ở Huế không có Nhà hát lớn. 

Thuỷ cũng từng mạnh dạn chi tiền để mình có thể tham dự các buổi/khoá học/hội thảo để phát triển bản thân như các buổi kịch ứng tác, vẽ tranh, làm gốm, thực tập chánh niệm, giao tiếp trắc ẩn hay tự chi tiền để đi dự các hội thảo nghề nghiệp tại Nhật, Thái Lan, Indonesia, Singapore. Và chưa bao giờ Thuỷ phải hối hận về những quyết định đó. Những cơ hội đó đã giúp Thuỷ có thêm nhiều trải nghiệm mới và những cái thấy mới. 

Thuỷ cũng thích những khoảnh khắc được viết ra những điều xuất hiện trong suy nghĩ của mình, những điều mình nghĩ là thật đẹp và chia sẻ cho mọi người. Thuỷ cũng trân quý những khoảng thời gian Thuỷ dành để viết nhật ký cho chính mình, hay viết thư cho người thương. Bằng cách thực tập viết xuống những gì mình đang suy tư, Thuỷ có thể nhìn lại thế giới bên ngoài và bên trong mình một cách rõ nét hơn, từ đó hiểu thêm nhiều điều về chính bản thân mình và thế giới. Hiểu sâu có vẽ như giúp sống sâu sắc hơn.  

Thuỷ cũng cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy khi có ba mẹ và gia đình luôn hiểu và ủng hộ Thuỷ; có một số người bạn thân thiết để chia sẻ và nâng đỡ tinh thần; một số người Thầy, đồng nghiệp rất yểm trợ và một người thương rất đặc biệt để chia sẻ, tâm sự.   
 
Có nhiều thứ đối với Thuỷ chỉ là phương tiện như tiền bạc, quyền lực, bằng cấp hay danh tiếng. Thậm chí những điều này còn làm Thuỷ e ngại và thấy không thoải mái. Ví như Thuỷ rất e ngại khi tiếp cận ai đó nhiều tiền, nhiều quyền hay nổi tiếng. Hoặc Thuỷ cũng cảm thấy rất bối rối khi ai đó thay vì gọi tên mình thì gọi chức danh hay bằng cấp của mình trước. Bằng cấp, tước vị chỉ làm mình cảm thấy mình không được là “chính mình” – một con người với đầu óc còn rất mới mẻ và ngây thơ, còn muốn được mãi là “học trò” để học hỏi và làm mới mình. 

Nhớ lại và gọi tên tất cả những khoảng khắc, điều gì làm Thuỷ hạnh phúc trong quá khứ giúp Thuỷ hiểu mình hơn và có thể đưa ra những lựa chọn, hành động trong tương lai để giúp cho mình có thêm nhiều khoảnh khắc hạnh phúc mới. Còn bạn thì sao? Điều gì/khoảnh khắc gì làm bạn hạnh phúc? 





mardi 17 janvier 2023

Ăn trong chánh niệm (P5. Nhật ký Vườn Xả)

Đã gần trưa và Thuỷ bắt đầu thấy hơi đói. Thuỷ chợt nhớ ra là sáng nay do dậy sớm để ra sân bay nên Thuỷ vẫn chưa ăn sáng. Thuỷ vẫn thường gặp khó khăn trong nỗ lực dậy sớm và ăn sáng sao cho đều đặn. 

Thuỷ nghe vọng lại từ Nhà Bếp tiếng cười nói của một số bạn đang nấu ăn. Thuỷ tò mò đi bộ trở lại Nhà Bếp để xem liệu mình có giúp gì được không. Đến nơi, Thuỷ chỉ thấy có rất nhiều bạn trẻ, mỗi người một việc, vừa thong thả làm, vừa cười nói hết công suất. Thuỷ tự nhủ chắc các bạn này quen nhau và quen thuộc vớinơi đây lắm. Thuỷ có ý muốn vào giúp các bạn để vừa làm quen, vừa có thể có đồ ăn sớm. Nhưng rồi Thuỷ quyết định đi ngược ra xa khu Nhà Bếp, qua cánh Cổng Bồ Đề để đi dạo một mình. Bởi Thuỷ thấy mình hơi có chút lạ lẫm và chưa muốn hoà vào đội làm bếp vội, sợ phá vỡ sự thân mật và những tiếng cười đang có. Thuỷ tự nhủ mình còn có rất nhiều thời gian và cơ hội. Không phải khi nào cũng phải xúng xính, hăm hở làm gì đó mới là hành động đóng góp hiệu quả, mới là hành động làm quen đầy thiện chí với những người bạn mới. Đôi khi chỉ cần mình có mặt trọn vẹn, không cần phải làm thêm một việc gì, cũng đã là rất giá trị. Just be!

Sau khi đi dạo với tiết trời nắng ấm se lạnh của vùng cao nguyên vài phút. Thuỷ bắt đầu nghe thấy tiếng các bạn í ới bảo dọn bàn ăn trưa. Đến lúc này, Thuỷ biết là đã đúng thời điểm mình bắt đầu có thể nhập cuộc làm chung cùng các bạn. Thuỷ cùng một số bạn chuẩn bị bàn và bát đĩa. Ba chiếc bàn lớn đang đặt trong Nhà Bếp được thảo luận là nên dời ra khoảng sân giữa để thoáng mát hơn. Ai cũng nhất trí, thế là mọi người cùng di dời bàn ghế ra đó. Chẳng mấy chốc, những đĩa cơm, thức ăn đã được dọn ra trên bàn nóng hổi. Mọi người nhanh chóng chọn cho mình một chỗ ngồi và ngồi xuống. Thuỷ nhìn quanh và thấy có rất nhiều bạn trẻ đã có mặt, cũng khá bất ngờ khi có khá nhiều bạn nam. Tất cả đều là những khuôn mặt lạ đối với Thuỷ. Những Thuỷ đã rất quen với tình huống này. Thuỷ cũng thường đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ, làm quen và sinh hoạt với những con người hoàn toạn xa lạ như thế. Khi thì tham gia khoá thực tập chánh niệm nhiều ngày hay một ngày. Thứ duy nhất gắn kết mọi người lại với nhau một cách dễ dàng là mọi người cùng chung một mục đích gì đó. Cái chung cốt yếu đó giúp cho những khác biệt của mỗi cá nhân về tuổi, giới, công việc, trải nghiệm, quan niệm…lại là những vật liệu giàu có để đóng góp thay vì là rào cản để xích lại gần nhau. 

Mọi người thực hành ăn trong chánh niệm cùng nhau. Thuỷ cũng thực tập ăn trong chánh niệm nhiều lần trước đó nên việc này khá quen thuộc với Thuỷ. Bạn Oanh ngồi chính giữa đầu bàn và cầm một cái chuông nhỏ trên lòng bàn tay, thỉnh một tiếng chuông để mời gọi mọi người im lặng, cùng đưa ý thức quay về theo dõi hơi thở vào ra, lắng dịu thân và tâm. Sau đó, Oanh đọc một lời cảm ơn ngắn: “Mời mọi người có mặt trọn vẹn cho bữa ăn, nhận diện sâu sắc sự có mặt của thức ăn và sự có mặt của những người bạn xung quanh; và gửi lời cảm ơn đến thức ăn, những bạn đã chuẩn bị, nấu nướng, đến những bác nông dân đã chăm sóc, những người vận chuyển, phân phối. Mời mọi người cùng ăn trong im lặng 10 phút. Khi hết 10 phút, Oanh sẽ thỉnh một tiếng chuông thứ hai và mọi người có thể trò chuyện cùng nhau. Chúc mọi người có bữa ăn ngon miệng.” Nghe xong, mọi người mỉm cười ghi nhận đồng ý và bắt đầu ăn. Hơn hai chục người bỗng chốc im lặng như tờ chỉ còn nghe tiếng gió, tiếng chim, tiếng đũa muỗng. Nhờ ăn trong im lặng, Thuỷ có thể tập trung tận hưởng hương vị của từng miếng rau, củ sắn mình ăn. Hương vị của thức ăn nhờ vậy cũng ngon và tươi hơn. Thuỷ không phải bận tâm suy nghĩ phải nên trò chuyện gì với bạn ngồi bên cạnh hay đối diện. Cũng nhờ ăn trong im lặng mà Thuỷ có thể quan sát kỹ hơn các bạn quanh bàn, biết được bạn đang cần nhờ Thuỷ chuyền chén nước chắm hay cần xơi thêm cơm. Thuỷ thấy mình ý tứ hơn khi ăn. Ăn nhỏ nhẹ, từ tốn hơn, ít tạo ra tiếng động. Thuỷ cũng nhìn ngắm kỹ hơn quang cảnh xung quanh bàn ăn, thấy ánh nắng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống bàn, cảm nhận rõ hơn làn gió đang vờn trên da mặt và một vòng tròn ăn trong im lặng thật bình yên. Hết 10 phút thì có một tiếng chuông vang lên và mọi người bắt đầu trò chuyện. Thường câu đầu tiên Thuỷ nghe thấy hay buột miệng nói đó là “Thức ăn ngon quá.”, “Cảm ơn các bạn nấu ăn.” 

Cách đây hơn chục năm, Thuỷ từng nghĩ mình có rất nhiều điều thú vị để suy nghĩ, để làm và  ăn uống đối với Thuỷ là một việc hết sức mất thời gian và nhàm chán. Thuỷ là dược sĩ và đã từng ước người ta bào chế được viên thức ăn nhỏ gọn có thể cung cấp năng lượng đủ thay thế cho các bữa ăn. Chắc hẳn viên thức ăn đó bán sẽ rất chạy. Thuỷ nhớ về những lần ăn khác. Nếu ăn ở nhà một mình, Thuỷ sẽ thường bật thêm nhạc để vừa ăn vừa nghe nhạc hay xem video trên Youtube. Thường theo trải nghiệm của Thuỷ thì Thuỷ thường cuốn hút theo thưởng thức âm nhạc hay video đó và rất dễ quên tập trung tận hưởng thức ăn. 

Dạo gần đây, Thuỷ cũng bắt đầu tập cho mình thói quen mới là khi làm bếp chỉ tập trung làm bếp. Khi ăn thì bày biện ra mâm, tô, chén cho đàng hoàng, đẹp đẽ. Không để cả cái nồi, chảo lên mâm để khỏi phải rửa tô bát do lười như trước đây. Khi ăn thì không nghe nhạc hay xem video. Thuỷ cũng gác hết tất cả những lo lắng, suy nghĩ của mình qua một bên chỉ để ý thức cảm nhận hương vị của thức ăn. Thời gian ăn chỉ để tận hưởng thức ăn. 

Nhờ ăn trong chánh niệm, Thuỷ nhận ra thức ăn trở nên ngon hơn. Thời gian mình dành cho ăn uống trở thành những phút giây đầy nuôi dưỡng cho bản thân. Thuỷ dần nhận ra thông qua ăn uống trong chánh niệm, mình càng ngày càng làm chủ hạnh phúc của mình. Trong một lần đang tận hưởng thức ăn, Thuỷ đi lên suy nghĩ “Mình rất thương người ấy. Mình đã từng nghĩ là mình chỉ có thể hạnh phúc sâu sắc khi được thương người ấy và được người ấy thương lại bằng các hành động thật lãng mạn. Nhưng càng mong đợi mình càng đau khổ và mông lung. Chuyện tình cảm luôn làm mình lo nghĩ, mơ hồ và thấy chưa thoả mãn. Vậy mà sao ăn một miếng mít, một mẩu bánh plan lại ngon và ngọt đến vậy. Vị ngon ngọt của từng mẫu thức ăn này là thật, nó đang từng chút từng chút nuôi dưỡng, cung cấp năng lượng cho mình. Và mình hoàn toàn có thể làm chủ và quyết định việc có muốn ăn thêm hay không, ăn món này hay ăn món khác. Hạnh phúc chân thật mà thức ăn mang lại là hạnh phúc cầm tay, hạnh phúc tự quyết, hạnh phúc ở hiện tại, hạnh phúc của nuôi dưỡng. Vị của tình yêu hay hạnh phúc chắc cũng chỉ tương tự như vị của thức ăn này thôi.” Kể từ đó, Thuỷ xem mỗi bữa ăn là một cơ hội để mình làm đầy “hạnh phúc” bên trong mình, để không còn cảm thấy đói cồn cào và phải đi ăn mày “hạnh phúc” từ người khác.