Trong chương trình giáo dục của chúng ta còn thiếu nhiều mảng thực hành về kỹ năng chăm sóc cơ thể, tâm trí và tinh thần. Chúng ta được dạy chủ yếu các kiến thức và kỹ năng liên quan đến thế giới bên ngoài hơn là kiến thức và kỹ năng về thế giới bên trong chúng ta. Chúng ta được giáo dục để trở thành người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hơn hơn là vì chính mình. Chúng ta còn lạ lẫm ngay với cơ thể của mình, mù mờ với chính cảm xúc – nhu cầu đích thực của mình và chẳng thể hiểu nổi cách suy nghĩ của mình vận hành. Vì chương trình giáo dục dù kéo dài và ngày càng kéo dài nhưng thiếu hụt những nội dung thực hành cốt yếu trên nên chúng ta khi bước vào độ tuổi trưởng thành hay độ tuổi lao động, chúng ta trở nên lúng túng. Những khó khăn gặp phải trong việc học hành, trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp mà không biết cách xử lý, chuyển hoá đã ngày càng trở thành gánh nặng. Với đôi người, gánh nặng đó thậm chí khiến bản thân suy sụp, mất động lực sống.
Đã đến lúc trong chương trình giáo dục cần thay đổi để mỗi người đều trở thành nhà trị liệu cho chính mình. Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ khi có đau ốm thì mới cần đi khám, uống thuốc. Nhưng kỳ thực, mỗi cá thể là một phức thể của cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức được đúc kết và hình thành từ trải nghiệm của quá khứ của chính bản thân và tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp được truyền lại trong gen di truyền. Lấy ví dụ như, dù cho hiện tại cơ thể ta tưởng như hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng nếu nhìn cho sâu thì cơ thể đó trong quá khứ đã từng bị đau do va chạm bởi đồ vật hay người khác đánh; hoặc tổ tiên ta trong thời đại khó khăn và loạn lạc, chiến tranh đã bao lần bị tổn thương, đau đớn về thể chất. Ký ức, trải nghiệm của hàng ngàn năm có thể vẫn còn lưu vết trên mỗi cơ quan, cơ thể. Tương tự như thế, dù cho hiện tại ta được yêu thương, đầy đủ, an toàn nhưng những cảm xúc lo lắng, sợ hãi vẫn còn đó, lúc ẩn lúc hiện xuất hiện bên trong ta bởi quá khứ của ta hay của tổ tiên ta đã bao lần bị đói, bị sợ hãi, bị chia ly, bị bỏ rơi. Tương tự, trong ta luôn thường trực những suy nghĩ nhằm lên kế hoạch, suy tính, phân tích, phán xét để bảo vệ chính mình.
Sai lầm phổ biến thứ nhất là chúng ta nhầm tưởng rằng là mình đa số khoẻ mạnh và chỉ thỉnh thoảng bị đau ốm; nhưng kỳ thực chúng ta đa số đang bị bệnh và chỉ rất ít khi hoàn toàn khoẻ mạnh về thân-tâm-trí. Chỉ là chúng ta không đủ ý thức là mình đang ủ bệnh, hoặc không nhận biết được các triệu chứng của bệnh; càng hiếm hơn là chúng ta hiểu được lý do, nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó; và tất nhiên vì thế chúng ta không có các hành động cụ thể để kịp thời chữa trị bệnh. Chỉ đến khi các triệu chứng trở nên rầm rộ, không thể bỏ qua thì chúng ta mới đi tìm “thầy” và “thuốc” để trị bệnh. Dù cho hiện tại có tốt đẹp hay đầy đủ ra sao, ta ý thức rằng trong ta luôn chất chứa nhiều tổn thương trên cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức cần được trị liệu. Trị liệu nếu là động từ, có nghĩa là làm cho lành bệnh. Quá trình này chỉ có thể bắt đầu khi ta ý thức và thừa nhận là mình đang bị “bệnh”, và ta có hành động “làm” để “chữa lành”.
Sai lầm phổ biến thứ hai là chúng ta khi có bệnh lại trông cậy quá nhiều và “thầy” và “thuốc” bên ngoài mình, mà quên đi rằng chính mình là “thầy” và “thuốc” quan trọng nhất, quyết định nhất. Nếu mỗi cá nhân được đào tạo để trở thành “nhà trị liệu của chính mình” và thực hành mỗi ngày để chăm sóc, nuôi dưỡng và trị liệu cho chính mình thì đó là “phương thuốc” lâu dài và căn cơ nhất. Vậy nhà trị liệu của chính mình có vai trò gì và cần có những năng lực gì?
Nhà trị liệu của chính mình hay nhà trị liệu tự thân là người chịu trách nhiệm phát hiện, nhận biết các triệu chứng, chẩn đoán bệnh, xác định yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây bệnh và đề ra các phương án điều trị, đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả của các phương án trị liệu. Nhà trị liệu tự thân cũng là người có vai trò quyết định nhất quyết định khi nào thì cần kết hợp, nhờ sự hỗ trợ thêm của các nguồn lực bên ngoài.
Năng lực cần có của nhà trị liệu tự thân là khả năng hiểu và thương cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình. Hiểu ở đây là khả năng hiểu rõ vai trò, chức năng, cấu tạo, giá trị, cách vận hành của từng cơ quan, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình. Thương ở đây là khả năng hành động, thực tập để nuôi dưỡng, nhận diện, ôm ấp, xoa dịu và chữa lành các tổn thương ẩn chứa trong từng cơ quan, cảm xúc, suy nghĩ và tâm thức của mình.
Ví dụ như có một chị nọ bị tật mắt trái hay nheo mắt lại và giật giật. Chị đi khám nhiều nơi thì không thể tìm ra nguyên nhân vì mọi thăm khám trực tiếp và chụp chiếu đều cho thấy mắt trái của chị hoàn toàn khoẻ mạnh. Bác sĩ vì thế cũng không thể kê thuốc cho chị. Cho đến khi chị thực tập chánh niệm và dần dần hiểu ra nguyên nhân. Hồi còn nhỏ chị từng bị ba đánh mạnh bằng roi và chẳng may roi quất vào mắt trái. Vì ám ảnh về ký ức đó nên cho dù sau nay khi lớn lên chị chưa từng bị ai đụng mạnh vào mắt mình một lần nào nữa, mắt chị vẫn ghi nhớ trải nghiệm của quá khứ và phản xạ bảo vệ bằng cách nhéo mắt và giật giật. Sau đó, chị đã phải dành rất nhiều thời gian dùng bàn tay để ôm ấp, vỗ về mắt trái của mình mỗi tối; chị cũng phải ngồi xuống viết thư cho chính mình để nhận diện và ôm ấp những cảm xúc sợ hãi, tổn thương đã từng đi lên vào ngày hôm bị đánh. Bằng sự hiểu biết và tình thương cộng thêm sự kiên nhẫn, mắt chị đã dần dần không còn nhéo lại hay giật giật nữa.
Dù cho hiện tại sức khoẻ thân – tâm – trí của ta có rất tổn, thì năng lực của nhà trị liệu tự thân cũng sẽ giúp chúng ta hiểu và thực hành để tạo sức đề kháng và phòng bệnh; hoặc khi bệnh xuất hiện thì biết cách đối xử. Chúc cho bạn là thầy thuốc mát tay của chính mình; chúc cho mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn đều có tác dụng trị liệu.